Di sản của nhà truyền giáo người Pháp vẫn tồn tại giữa những bệnh nhân phong Việt Nam

1234

Tượng Đức Giám mục Jean Cassaigne và những bệnh nhân phong người K’hor bên cạnh nhà nguyện tại làng phong. (Photo: UCA News)

Đức Giám mục Jean Cassaigne đã thay đổi đời sống của không biết bao nhiêu người đau khổ tại làng phong ngài thành lập năm 1929

UCA News reporter, Di Linh
Updated: 29 tháng Bảy, 2020 03:59 AM GMT

James K’Beo tập họp con cháu của ông vào các ngày Chúa nhật tại ngôi nhà gỗ cũ kỹ của mình để ăn bữa ăn chung, nghỉ ngơi và đọc kinh chung. Họ vẫn duy trì truyền thống gia đình tốt đẹp kể từ thời Đức Giám mục quá cố Jean Cassaigne (1895-1973) vẫn còn sống.

“Chúng tôi cố gắng làm mọi việc của mình vào các ngày trong tuần và dành ra ngày Chúa nhật tập trung thờ phượng và họp mặt gia đình. Chúng tôi thực hiện những điều đức cha đã dạy chúng tôi. Như vậy đấy,” ông K’Beo nói một cách tự hào, ông đã làm việc gần gũi với Đức Giám mục Cassaigne trong một thập niên.

Vị thừa sai người Pháp đã dạy lớp giáo lý tiền hôn nhân cho ông và vợ ông trước khi cử hành lễ cưới của họ tại nhà thờ.

“Ngài động viên chúng tôi dạy con cái cách thực hành đức tin Kitô giáo và cùng nhau làm việc để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Những ký ức và lời nói và sự phục vụ của ngài vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của tôi,” người cha 79 tuổi người K’Hor của tám đứa con nói trong khi lau bụi trên bức tượng bán thân màu trắng của Đức Giám mục Cassaigne quá cố bằng một miếng vải. Bức tượng bán thân với kích cỡ người thật được một nữ tu tặng cho ông, đặt trên một bệ bằng gỗ trong phòng khách.

Năm 1958, Đức Giám mục Cassaigne sắp xếp một chiếc xe chở cha mẹ của K’Beo và ba anh chị em ruột từ tỉnh Đăk Nông quê nhà của họ đến Trại phong Di Linh ở tỉnh Lâm Đồng. Cha mẹ của ông bị bệnh phong hay còn gọi là bệnh vi trùng Hansen, làm biến dạng chân tay của họ.

Thành viên của Hội Truyền giáo Paris đã thành lập trại phong vào năm 1929 với 21 bệnh nhân phong đầu tiên người K’Hor, là những người bị bỏ rơi và bị kỳ thị bởi những người làng hoặc họ hàng, cung cấp cho họ thuốc, lương thực và nơi ở. Những đứa con của họ không bị bệnh sống trong các nhà tập thể và đến thăm cha mẹ vào các ngày cuối tuần.

Ông K’Beo chăm sóc cha mẹ đến khi họ qua đời năm năm sau đó và được chuyển đến trại phong, nơi ông học được kỹ năng làm mộc. Ông và những người khác đã dựng được trên 30 căn nhà và đóng đồ đạc nội thất cho các gia đình bệnh nhân phong sống quanh trại phong.

Ông nói, “Đức giám mục của chúng tôi yêu thương chúng tôi vô cùng, đã nhiễm bệnh của chúng tôi và sống như một vị thánh giữa chúng tôi là những người bị xã hội ruồng bỏ. Ngài rất hiền từ, luôn mỉm cười và đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng và yêu thương.”

Ngôi mộ của Đức cố Giám mục Jean Cassaigne bên cạnh nhà nguyện trong trại phong. (Photo: UCA News)

Phục vụ cộng đồng người K’Hor 

Cha Cassaigne được bổ nhiệm phục vụ nhóm người dân tộc K’Hor tại Giáo điểm Di Linh năm 1927, một năm sau khi ngài đến đất nước này. Ngài tập hợp và chăm sóc những người dân tộc thiểu số bệnh phong bị người thân hoặc hàng xóm bỏ rơi và sống tách biệt trong rừng.

Ngài được tấn phong giám mục Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1941 và xin từ nhiệm năm 1955 sau khi phát hiện mình bị nhiễm bệnh phong. Ngài trở về phục vụ những người bệnh phong ở Di Linh cho đến khi qua đời năm 1973. Ngài được chôn cất tại làng bệnh phong và hoàn thành những ước muốn thẳm sâu nhất của mình.

Vị linh mục, người được tôn vinh như là tông đồ người bệnh phong, đã mời các nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh sơn đến làm việc tại làng phong năm 1936 sau khi con số bệnh nhân tăng lên nhanh chóng.

Ông K’Beo kể lại rằng vị linh mục người Pháp bắt đầu ngày làm việc của ngài lúc 4 giờ, dâng Lễ, đến thăm các bệnh nhân và gia đình họ, đọc kinh Mân côi tại nghĩa trang địa phương và nhà nguyện, kể chuyện tiếu lâm và chơi domino với thân nhân của các người bệnh. Ngài tặng kẹo cho những người thắng hoặc thua.

Đức Giám mục Cassaigne tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của người dân tộc. “Ngài từ chối dạy tiếng Pháp cho giới trẻ người địa phương, nói rằng ‘tôi là một người dân tộc và chỉ nói được ngôn ngữ K’Hor,’” ông kể lại. Ngài cho phép người địa phương ngả thịt gia súc và tổ chức tiệc nhân các ngày Lễ Công giáo và các lễ hội.

Làng phong đã giúp thay đổi cuộc sống của không biết bao nhiêu người dân tộc bệnh phong. Cha mẹ của ông được chăm sóc chu đáo và được cho thuốc phù hợp và điều kiện sống tốt, kết quả là họ sống đến ngoài 80 tuổi. Những bệnh nhân sống bên ngoài làng phong chết sớm vì bệnh hoặc nghèo đói.

Bà Lucia K’Jiu, hiện 90 tuổi và là cư dân già nhất của làng phong, nói rằng nhà thừa sai đã nhận và chăm sóc cho bà và cha mẹ của bà từ khi bà còn là đứa trẻ.

“Chúng tôi vô cùng xúc động với sự chăm sóc của ngài. Ngài đến thăm và cho chúng tôi bánh ngọt và trái cây vào buổi chiều,” bà K’Jiu nói, một người mẹ của chín người con với đôi bàn chân không còn nguyên vẹn. Một người con của bà là y tá phục vụ tại một cơ sở khám bệnh và phát thuốc.

“Những gì chúng tôi có được ngày hôm nay là từ tình yêu thương và chăm sóc của đức cha,” bà nói, và thêm rằng ngài đã xây nhà cho họ và cung cấp đất cho họ trồng cà phê, trà và các loại cây trồng khác.

John K’Bis giới thiệu một bản sao chép cũ quyển Kinh Thánh bằng tiếng Latinh-K’Hor của Đức Cha Jean Cassaigne tại nhà của ông ở làng phong. (Photo: UCA News)

Một kinh nghiệm đổi đời

Cuộc đời của ông John K’Bis đã được thay đổi khi ông được nhận vào làng phong năm 1961 lúc ông 15 tuổi.

K’Bis, được chữa trị và rửa tội bởi nhà thừa sai, nói rằng đức cha đã dạy ông tiếng Latinh và hệ thống chữ K’Hor. Ông trở thành một cậu giúp lễ suốt 11 năm và giúp dạy giáo lý cho người khác.

Ông K’Bis, đã từng là một người phụ tá của đức cha, nói, “Đức Cha Cassaigne là một người sùng mộ kinh Mân côi và đọc kinh bất kỳ lúc nào, thậm chí cả lúc ngài nằm trên giường vì bệnh phong rất đau đớn. Khi ngài không chịu đựng nổi cơn đau, ngài khẩn nài ‘Mẹ Maria, xin cứu con’ thay vì kêu khóc lớn tiếng.”

Ông nói, “Tôi ở bên ngài khi ngài qua đời. Ngài mở mắt và cầm lấy tay tôi dù ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi vuốt mắt cho ngài và sau đó bệnh dạ dày dai dẳng của tôi biến mất. Tôi tin rằng ngài đã chữa cho tôi.”

Người làng K’Hor giữ lại được một số kỷ vật của đức cố giám mục, gồm một bản sao chép cũ quyển Kinh Thánh bằng tiếng Latinh-K’Hor, một ảnh chụp hai người hút ống tẩu. “Những kỷ vật này nhắc nhở chúng tôi về người cha rất nhân từ của chúng tôi.”

Nhà thừa sai nghiên cứu và Latinh hóa ngôn ngữ K’hor và xuất bản một quyển từ điển Pháp-K’hor-Việt nam năm 1929 và Phong tục K’hor năm 1937 và Giáo lý cho người K’hor năm 1938. Ngài dịch Kinh Thánh và các bài thánh ca sang ngôn ngữ địa phương.

Ngài rửa tội cho người dân tộc bệnh phong đầu tiên năm 1927.

“Ngài cung cấp những cơ hội tốt cho người bệnh phong địa phương được học hành, chăm sóc sức khỏe và một đời sống tốt hơn và giữ đạo Công giáo,” ông K’Bis nói, con của ông tốt nghiệp các trường cao đẳng địa phương và làm giáo viên và y tá.

Bốn bác sĩ và sáu y tá trong số những người bệnh phong địa phương phục vụ tại làng phong với 80 gia đình sống trên một ngọn đồi rộng 40 héc ta. Họ có một nhà thờ và một linh mục đến dâng Lễ ở đây hàng ngày.

Ông Giuse K’Chiu, đã phục vụ người phong địa phương được 14 năm, nói rằng ông vô cùng biết ơn các nữ tu đã cung cấp cho ông các học bổng để theo đuổi việc học. Cha mẹ ông bị bệnh và đón nhận được sự chăm sóc đầy tình thương của đức cha và các nữ tu.

“Tôi cảm nhận được sự đau đớn thể xác và cảm xúc của người bệnh phong, vì vậy tôi cố hết sức để chăm sóc họ thật tốt, và mang đến tinh thần chăm sóc dịu dàng tốt lành của đức cha cho họ,” ông nói trong khi rửa những vết thương của một bệnh nhân phong. Trại phong cung cấp sự chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các bệnh nhân phong từ những nơi khác và nhiều bệnh nhân vẫn chưa hiểu rõ được căn bệnh.

Tháng Mười năm 2019, Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Văn Mạnh của Đà Lạt nói với các bệnh nhân phong rằng các giám mục Việt Nam đã bắt đầu những bước chuẩn bị cần thiết để mở án phong thánh cho Đức Cha Cassaigne.

Từ đó, một số linh mục và các chuyên gia đến thăm và thu thập thông tin và bằng chứng về ngài tại trại phong.

Các gia đình địa phương đọc kinh hàng ngày cầu nguyện cho án phong thánh của ngài vì họ tin rằng ngài thật sự là một thánh nhân. Trong quá khứ họ đã chịu cảnh hạn hán nặng nề và cầu nguyện với ngài, và kết quả là trời mưa.

“Đức cha của chúng tôi vẫn hiện diện giữa chúng tôi cho dù ngài đã qua đời cách đây 47 năm,” ông K’Beo nói, và thêm rằng họ luôn luôn cầu nguyện trước mộ của ngài khi có những vấn đề quan trọng.

[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/8/2020]