Chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Mông Cổ đánh dấu hàng chục năm gặp gỡ giữa phật giáo và công giáo

173

fides.org, Victor Gaetan, 2023-07-24

Tháng năm vừa qua, cùng với hai nhà sư Mông Cổ, hồng y Giorgio Marengo đã đến Rôma. Cùng nhau, họ tạo thành phái đoàn phật giáo Mông Cổ chính thức đầu tiên gặp giáo hoàng. Bên trái là nhà sư tiến sĩ Ch. Dambajav, trụ trì Tu viện Dashchoilin; bên phải là nhà sư Altankhuu, Tu viện Dashchoilin. Các trao đổi giữa phật giáo và kitô giáo đã âm thầm tăng lên trong 10 năm qua. (Ảnh: của hồng y Giorgio Marengo)

Năm 1992, Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Đây là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, với dân số chỉ có 3,3 triệu người. Theo thống kê, năm 2020 có 52% người dân theo đạo phật, 41% người dân không cho mình có tôn giáo nào, 3,2% theo đạo hồi và 1,3% theo kitô giáo.

Chuyến hành hương sắp tới của Đức Phanxicô (31 tháng 8 đến 4 tháng 9) là cao điểm của hàng chục năm gặp gỡ giữa phật tử và tín hữu kitô.

Ulaanbaatar (Agenzia Fides) – Chuyến đi Mông Cổ sắp tới của Đức Phanxicô được cho là chuyến đi đầu tiên, vì chưa có giáo hoàng nào trước Đức Phanxicô đến đất nước này. Nhưng hàng chục năm công tác truyền giáo và ngoại giao đã đặt nền móng cho cuộc hành hương này.

Chiều kích phật giáo và kitô giáo của cuộc gặp gỡ là lý do thiết yếu vì sao Đức Phanxicô dành ưu tiên cho Mông Cổ. Chúng ta biết, ngài trân trọng đối thoại liên tôn, xem đối thoại liên tôn là liều thuốc giải độc cho xung đột vì có quá nhiều chính trị gia xem đối thủ của họ là ma quỷ.

Khi xem lại ba đường hướng được chứng thực của những nỗ lực lâu dài trên con đường Giáo hội đi tìm một thỏa hiệp chung với các cộng đồng phật giáo, Đức Phanxicô đã tích cực thúc đẩy các đường hướng này, chúng ta thấy các nhà truyền giáo và các nhà ngoại giao hòa hợp như thế nào, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của ngài. Ngài là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sẽ được thấy rõ ở Mông Cổ.

Nhờ có bộ Đối thoại Liên tôn (DID), Liên đoàn các Hội đồng Giám mục châu Á (FABC), Đối thoại Liên tôn của Tu viện (DIM-MID) và những nhân vật cá biệt đã hy sinh đời sống của mình để có một hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, tiến bộ to lớn đã đạt được trong xây dựng một “văn hóa trắc ẩn”, tựa đề của một quyển sách xuất sắc về cuộc gặp gỡ giữa phật giáo và công giáo (Nhà xuất bản Đại học Urbaniana, 2020), với lời giới thiệu quý giá của John Borelli, nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown.

Thông điệp Phật đản

Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku, người Sri Lanka, là thư ký của bộ Đối thoại Liên tôn (DID), được bổ nhiệm năm 2019, sau khi giữ chức thư ký dưới quyền từ năm 2012. Ngài xem mình “được sinh ra trong đối thoại liên tôn” vì thân mẫu của ngài lớn lên trong gia đình phật giáo và theo đạo công giáo khi kết hôn. Láng giềng và bạn học của Đức ông là phật tử, hồi giáo và kitô giáo.

Đức ông giải thích: “Tôi lớn lên trong văn hóa đa nguyên và sự đa nguyên này đã định hình thái độ, nhận thức và cách nhìn của tôi về thế giới.” Khi giảng dạy môn truyền giáo tại Giáo hoàng Học viện Urbanian, ngài đã đưa sinh viên đến một ngôi chùa phật giáo ở Rôma để gặp các nhà sư ở đây.

Kodithuwakku khẳng định đối thoại liên tôn là “quá trình tiến hóa” và Công đồng Vatican II, đặc biệt là Tuyên ngôn Trong Thời đại chúng ta (Nostra Aetate) là động lực chính để thúc đẩy tiến trình này. Năm 1986, ngài tham dự buổi cầu nguyện tại Assisi do Đức Gioan-Phaolô II chủ trì.

Hai sáng kiến của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn năm 1995 – Thông điệp đầu tiên về Phật đản và Hội thảo Thần học – đưa ra những ví dụ về các cuộc gặp gỡ thường xuyên, tôn trọng nhau nhằm xây dựng các mối quan hệ theo thời gian.

Rằm tháng tư và tháng năm là ngày lễ Phận đản, ngày đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật Gautama. Dưới sự lãnh đạo của hồng y Francis Arinze, Hội đồng Giáo hoàng (nay là Bộ) Đối thoại Liên tôn đã bắt đầu cử hành lễ Phật đản, gởi lời chúc đến các bạn phật giáo qua các sứ thần Tòa thánh ở hầu hết các quốc gia. Những lời chúc này được dịch và phổ biến bằng ngôn ngữ địa phương.

Gần đây, ngày 21 tháng 4, bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot, và Đức ông Kodithuwakku đã gởi thông điệp mừng lễ Phật đản có tựa đề “Phật tử và kitô hữu: chữa lành vết thương của nhân loại thông qua Karuna và Agape”

Đối thoại thần học

Chủ đề tương tự sẽ được đề cập tại hội thảo phật tử-kitô hữu  lần thứ bảy do Bộ tài trợ, được tổ chức vào tháng 11 tại Bangkok, Thái Lan, tại Đại học Maha Chulalongkorn Raja Vidhyalaya, một trường đại học phật giáo Theravada. Nhưng việc tổ chức sự kiện này cũng được Đại học Phật giáo Maha Makut điều phối, gắn liền với truyền thống Đại thừa, vì vậy hai trường phái quan trọng nhất của tư tưởng phật giáo đều có đại diện.

Giám mục Kodithuwakku lưu ý: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa bộ lạc đang phát triển. Trong xã hội bộ lạc, người dân gắn bó với bộ lạc của mình. Họ chỉ nghĩ đến bộ lạc của họ. Những người khác có thể tồn tại, nhưng  chỉ là thứ yếu. Ngược lại, Đức Phanxicô cổ võ một xã hội sống trong tình huynh đệ.” Trong xã hội của tình huynh đệ, người dân đối xử với nhau như anh chị em, điều đó hoàn toàn ngược lại với xã hội bộ lạc. Và đối thoại tôn giáo, ngay từ đầu, đã thúc đẩy một xã hội huynh đệ. Dù mỗi người bám rễ trong bản sắc riêng của mình nhưng chúng tôi cố gắng cởi mở với nhau bằng tôn trọng và hiểu biết. Vấn đề không phải là che giấu hay hủy bỏ sự khác biệt của chúng tôi. Sự khác biệt vẫn còn. Các tôn giáo không bình đẳng. Nhưng đồng thời, chúng tôi tôn trọng sự đa dạng và dựa trên nền tảng phổ quát các giá trị, chúng tôi cố gắng biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.

Hồng y Marengo và Liên đoàn các Hội đồng Giám mục châu Á (FABC)

Hồng y Giorgio Marengo, giám quản tông tòa của Ulaanbaatar, một trong những đại diện cấp cao của Giáo hội đánh giá cao loạt trao đổi giữa phật tử-kitô hữu. Trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp cuộc họp của FABC năm 2022, hồng y Marengo đã nói về sự tham gia của ngài trong các trao đổi giữa phật giáo và kitô giáo. Ngài nói: “Các trao đổi đã cho tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về phật giáo. Năm 2015, tôi đã tham dự buổi họp ở Bodh Gaya, Ấn Độ, cuộc họp đã giúp tôi mở một chân trời rộng lớn hơn, vì ở Mông Cổ, tôi chỉ biết phật giáo Mông Cổ. Cuộc họp năm 2015 tập trung nhiều hơn vào truyền thống Theravada, phật giáo nguyên thủy Nam tông.”

Ngài nói tiếp: “Sau đó, tôi đã họp ở Đài Bắc, Đài Loan năm 2017. Tôi xin ban tổ chức mời một nhà sư phật giáo từ Mông Cổ vì nhà sư này không tham dự các cuộc họp trước đó. Đây là kinh nghiệm của tình bạn. Nhà sư tham gia là một hướng dẫn viên nổi tiếng của một tu viện lớn ở Mông Cổ. Những cơ hội này cho phép tôi tìm hiểu thêm về Phật giáo nói chung.” (Phật giáo ở Mông Cổ, cũng như ở Tây Tạng, gần với truyền thống Đại thừa hơn, trong khi phật giáo nguyên thủy là ở Đông Nam Á – Lào, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam).

Những gì Liên đoàn các Hội đồng Giám mục châu Á hiểu về phật giáo thể hiện một cách tuyệt vời qua tài liệu năm 1997 về cách Chúa Thánh Thần thúc đẩy đức tin:

“Trong nhiều thế kỷ qua, phật giáo đã nuôi dưỡng đời sống tinh thần của gần như khắp châu Á, mang lại thành quả của tình yêu thương, lòng trắc ẩn, niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống của hàng triệu người ở châu Á. Khi các tín hữu kitô đến chia sẻ điều gì đó về cái nhìn và kinh nghiệm sống của Đức Phật trong đời sống người dân, họ có thể cảm nhận được gì ngoài công việc của Chúa Thánh Thần mà họ cũng đã có kinh nghiệm.”

Đức Phanxicô và tình huynh đệ

Một nhà sư phật giáo đã là người đầu tiên chúc mừng hồng y. Hồng y Marengo kể: “Tôi đang ở Ý và đang dự thánh lễ ngày chúa nhật với hai linh mục công giáo Mông Cổ và một nhà sư phật giáo. Sau đó chúng tôi đến thăm cộng đồng các nữ tu truyền giáo Consolata bên ngoài Rôma. Trong lúc này, vào giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật, Đức Phanxicô loan tin phong các tân hồng y. Chúng tôi chỉ biết tin sau đó. Thượng tọa trụ trì của một ngôi chùa đã là người đầu tiên chúc mừng tôi. Đó là một bất ngờ lớn với tôi, và chúng tôi biết đối thoại liên tôn đã quan trọng như thế nào với Đức Phanxicô.”

Chuyến đi Mông Cổ là cao điểm của 60 năm phát triển tình huynh đệ với anh chị em phật tử của chúng tôi.

Như hồng y Miguel Ayuso Guixot, bộ trưởng bộ Đối thoại Liên tôn viết: “Cùng với cuộc đối thoại về tình huynh đệ và sự trân trọng của Đức Phanxicô, các phật tử và kitô hữu trên khắp thế giới đã có thể tìm ra những cách thức sáng tạo để chia sẻ niềm vui và những huyền ẩn của đời sống chung với nhau, hợp tác vì lợi ích chung của tất cả mọi người và sự tồn tại của ngôi nhà chung của chúng ta”.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Giorgio Marengo và nhà sư tiến sĩ Ch. Dambajav (bên trái), trụ trì Tu viện Dashchoilin và nhà sư Altankhuu (bên phải), Tu viện Dashchoilin.