Chuyến đi Mông Cổ của Đức Phanxicô mang nhiều biểu tượng

201

By phanxicovn – 14/08/2023
fr.aleteia.org, I.Media, 2023-06-04

Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ.

Ngày 3 tháng 6, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh chính thức loan báo chuyến tông du lần thứ 43 của Đức Phanxicô đến Mông Cổ sẽ bắt đầu từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9-2023. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đến đất nước này, nơi kỷ niệm 30 năm công giáo có mặt ở đó năm 2022.

Mông Cổ có một cộng đồng công giáo nhỏ khoảng 1.400 người đã được rửa tội trong một đất nước phật giáo, với khoảng ba triệu dân trên diện tích 1,5 triệu cây số, gấp ba diện tích nước Pháp. Hồng y Giorgio Marengo, giám quản Tông Tòa Oulan-Bator là hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn, được phong hồng y ngày 27 tháng 8 năm 2022. Trong một phỏng vấn với hãng tin I.Media năm 2022, ngài nêu bật “kinh nghiệm của một cộng đồng thiểu số, nhưng trong một xã hội đã phát triển một khả năng đối thoại rất cao”. Trước đó vài ngài, hồng y đã được Đức Phanxicô tiếp cùng với phái đoàn liên tôn, ngài nhấn mạnh “Mông Cổ là quốc gia trong lịch sử đã thúc đẩy hòa bình và hòa hợp giữa các cộng đồng có nguồn gốc khác nhau”.

Các nhà truyền giáo trở về năm 1992

Sau sự diệt vong của của kitô giáo ở Trung Á trong thiên niên kỷ thứ nhất, chỉ đến năm 1992, khi đất nước bắt đầu mở ra với dân chủ, các nhà truyền giáo công giáo đầu tiên mới trở về Mông Cổ, trong bối cảnh một đất nước do phật giáo Tây Tạng thống trị. Đức Gioan-Phaolô II rất quan tâm đến sự trổi dậy của Giáo hội ở đây, ngài muốn đến đó để thánh hiến nhà thờ chính tòa Oulan-Bator, nhưng sức khỏe không cho phép nên ngài đã không đi được.

Chuyến đi này của Đức Phanxicô mang một tầm vóc địa chính trị rộng lớn hơn, trong sự tiếp nối chuyến đi Kazakhstan tháng 9 năm 2022, nhưng cũng trong nhiều chuyến đi của ngài tới các quốc gia gần Trung Quốc (Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Miến Điện, Thái Lan…).

Mông Cổ thực sự là một quốc gia ở vùng đệm giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan. Trên thực tế, vào thời của tổng thống Tưởng Giới Thạch, năm 1945, nền độc lập của Mông Cổ đã được Trung Hoa Dân Quốc chính thức công nhận, một chấp nhận mà Mao Trạch Đông khi lên nắm quyền ở Bắc Kinh năm 1949 đã không đặt lại vấn đề. Do đó, Mông Cổ có thể mang lại không gian liên lạc trong hồ sơ Đài Loan cũng như căng thẳng liên Triều: năm 2022, tổng thống Mông Cổ, Ukhnaagiin Khürelsükh đã lặp lại lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm chính thức Oulan-Bator sau khi đã chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc ở đó.

Chuyến viếng thăm đầu tiên của một giáo hoàng

Sau khi ngài đi dự Ngày Thế Giới Trẻ ở Bồ Đào Nha về ba tuần, ngài lên đường đi Mông Cổ. Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết chương trình và các chi tiết khác sẽ được thông báo trong những tuần tới.

Chuyến tông du lần thứ 43 này mang nhiều biểu tượng, đây là lần đầu tiên một giáo hoàng đặt chân đến một quốc gia cộng sản trước đây. Một chuyến đi kết hợp ưu tiên truyền giáo của ngài và lợi ích địa chính trị của Tòa thánh tại một Quốc gia nằm trên biên giới của Nga và Trung quốc.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch