Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Malta với những con số

324

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh5.googleusercontent.com/9mZ7hEZOziBqCWUK_eeHZeutImg6a7ZlCmqa-5dSIGiUTtPlbJz0gZexlxjLCeLwQGIIBItKsphgme6l-oSFAhoVAM7CWe9k5VSGoESBLwNVlXk6XajnDg5OGBYjXxoW9DSXwdQX=w640-h359
Chrisdorney | Shutterstock

I.Media for Aleteia 

30/03/22

Chuyến đi ngày 2-3 tháng Tư sẽ là chuyến tông du thứ 36 của Đức Giáo Hoàng.

Cuối tuần này, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du quốc tế đầu tiên của năm 2022. Ban đầu chuyến đi được lên kế hoạch vào tháng 5 năm 2020, nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đất nước nhỏ bé thuộc Địa Trung Hải này trong hai ngày 2 và 3 tháng Tư.

Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết trong cuộc họp báo ngày 29 tháng Ba năm 2022 rằng chuyến đi này sẽ là chuyến tông du thứ 36 (ra ngoài lãnh thổ nước Ý) trong triều đại giáo hoàng của ngài, và Malta sẽ là quốc gia thứ 56 được viếng thăm.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm hòn đảo này, sau Đức Gioan Phaolô II đã đến vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđictô XVI thực hiện chuyến đi vào năm 2010.

Vị Giáo hoàng người Argentine sẽ theo những bước chân của Thánh Phaolô, người bị đắm tàu ở Malta, được tường thuật trong sách Công vụ Tông đồ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về trình thuật này trong hai buổi tiếp kiến vào thứ Tư, ngày 8 tháng Một, 2020 và ngày 22 tháng Một, 2020.

Đức Giám mục Roma sẽ có năm bài diễn từ, tất cả đều bằng tiếng Ý, một ngôn ngữ được khoảng một phần ba dân số Malta sử dụng. Các bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Malta sẽ được cung cấp cho công chúng tham dự các sự kiện.

Ngôn ngữ Malta, pha trộn những ảnh hưởng của tiếng Ả Rập, tiếng Anh và tiếng Ý, thể hiện bản chất của Malta như một điểm gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Ông Bruni cho biết thêm trong cuộc họp báo về chiều kích đa văn hóa này sẽ được nhấn mạnh bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong thời gian ngài lưu lại.

Hai sự kiện quan trọng nhất về số người tham dự sẽ là buổi cầu nguyện vào Thứ Bảy, ngày 2 tháng Tư, tại đền thờ Đức Mẹ Ta’Pinu, nơi dự kiến có 3.000 tín hữu, và Thánh lễ ở Floriana vào Chúa nhật, ngày 3 tháng Tư, với 10.000 tín hữu đã đăng ký. Các hạn chế vẫn có hiệu lực do đại dịch Covid-19.

Bản sắc Công giáo vẫn mạnh mẽ

Malta là quốc gia nhỏ nhất trong Liên minh Châu Âu, với diện tích 316 km vuông, và cũng là quốc gia có mật độ dân số cao nhất, với 1.513 người trên một km vuông. Theo một khảo sát năm 2018, phần lớn người dân Malta theo Kitô giáo (95,2%) với Công giáo là tông phái chính (93,9%).

Theo thống kê do Tòa thánh cung cấp, mạng lưới giáo hội vẫn mạnh mẽ với sự hiện diện của hơn 700 linh mục và gần 800 nữ tu. Hai giáo phận Malta và Gozo có tổng số 85 giáo xứ. Giáo hội địa phương cũng có 48 chủng sinh, nhưng hiện tại không có phó tế vĩnh viễn.

Về mặt chính trị và thể chế, Malta là một trong số ít các nhà nước trên thế giới nơi đạo Công giáo được trân trọng trong hiến pháp.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2022]