“Chúng ta tất cả đều sẽ lên thiên đàng”: Nhưng Đức Phanxicô thực sự muốn nói gì?

509

by Phanxico.vn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/chung-ta-tat-ca-deu-se-len-thien-dang-630x420.jpg

Đức Phanxicô trong thánh lễ tại Đền thánh Quốc gia Sastin, 15-9-2021

Trong cuộc họp báo trên máy bay từ Slovakia về Rôma ngày thứ tư 15 tháng 9, Đức Phanxicô đã nói một câu ngắn, khơi lên những suy nghĩ thần học cũ: chúng ta tất cả đều sẽ lên thiên đàng không?

lavie.fr, Sixtine Chartier, 2021-09-17

Đây là truyền thống mà hiếm khi Đức Phanxicô đi chệch hướng: cụm từ nhỏ khó hiểu gây tranh cãi được ngài thốt ra với giọng điệu vui đùa trong cuộc họp báo trên máy bay sau chuyến tông du.

Từ Slovakia về Rôma, Đức Phanxicô trả lời câu hỏi về kết hợp dân sự và hôn nhân đồng tính. Ngài ủng hộ các kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính nhưng không ủng hộ hôn nhân như một bí tích. Chẳng có gì mới cho đến nay, vì Ngài có một quan điểm về vấn đề này.

Giải thích về vấn đề này, ngài rất rõ ràng: “Tất cả chúng ta đều bình đẳng. Mọi người đều phải được tôn trọng. Và Chúa tốt lành. Ngài sẽ cứu tất cả mọi người. Điều này không nên nói to. (Cười) Chúa muốn cứu mọi người.”

Địa ngục dùng để làm gì?

Vấn đề này mở ra những suy tư thần học phức tạp về chủ đề cứu rỗi và những mục đích cuối cùng. Vì nói rằng Chúa “sẽ cứu mọi người” là một vấn đề khó nói, ít nhất là theo quan điểm giáo điều công giáo. Một cách cụ thể, điều này đặt vấn đề địa ngục có tốt không: nếu Chúa cứu tất cả mọi người, có nghĩa là đưa tất cả mọi người lên thiên đàng, thì địa ngục dùng để làm gì? Tuy nhiên, Giáo hội công giáo vẫn tuyên xưng có địa ngục.

Linh mục Marie-Augustin Laurent-Huyghues-Beaufond, tỉnh dòng Đa Minh Pháp

Linh mục Laurent-Huyghues-Beaufond giải thích: “Đây là một vấn đề cũ đã được quyết định tại Công đồng Constantinople lần thứ 5 vào thế kỷ thứ 6.” Cuộc tranh luận xoay quanh hình ảnh giáo phụ Origène mà một phần giáo huấn của ngài đã bị công đồng đại kết này bác bỏ vào đầu kỷ nguyên kitô giáo. Đặc biệt ngài tin, “tất cả tạo vật sẽ lấy lại vẻ huy hoàng đã mất trong sự sa ngã của ông A-dong.” Ngài giải thích, một khái niệm thần học đáp ứng với tên gọi kỹ thuật là “apocatastasis”.

“Không có lòng thương xót mà không có công lý”

Cứu mọi người sau khi chết: đâu là vấn đề? Linh mục giải thích: “Nếu tất cả chúng ta đều được cứu dù chúng ta có làm gì trên  trái đất, vậy thì quyền tự do của con người là gì? Có phải Chúa toàn năng đến mức có thể buộc Con người phải đi đến cứu rỗi? Chúa có thể buộc chúng ta được cứu trái với ý muốn của chúng ta không?”

Linh mục Marie-Augustin giải thích thêm: “Đây là số phận bị đảo ngược vẫn còn tạo nhiều câu hỏi khác. Nếu tất cả chúng ta đều được định sẵn để được cứu rỗi, thì làm vì lợi ích cho người anh em trên trái đất có ích lợi gì?” Chúng ta có thể trả lời, làm điều tốt không nhất thiết cần được thưởng. Tuy nhiên, một câu hỏi về công lý nảy sinh: “Chúa của chúng ta là Chúa của lòng thương xót. Vì thế Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Nhưng không có lòng thương xót mà không có công lý; trên bình diện con người, điều này thấy rõ nơi các trường hợp lạm dụng tình dục. Đối với Chúa cũng vậy,  Ngài không thể để cho cái ác thoát mà không bị trừng phạt.”

 “Chúng ta phải duy trì địa ngục như một khả thể thực sự, nhưng chúng ta phải hy vọng nó trống rỗng”

Có phải khủng khiếp khi quan niệm một Chúa cho phép địa ngục tồn tại không? Về điểm này, linh mục đề cập đến một tác phẩm ngắn của nhà thần học Hans Urs Von Balthazar, Địa ngục. Một vấn đề, (L’enfer. Une question) xuất bản năm 1992. Tóm tắt: “Chúng ta phải duy trì địa ngục như một khả thể thực sự, nhưng chúng ta phải hy vọng nó trống rỗng.”

Cũng nên nhắc lại tranh luận về địa ngục, giống như tất cả các câu hỏi về cánh chung (có nghĩa là liên quan đến những kết thúc cuối cùng), đều mang tính suy đoán cao. Để không bị sa lầy vào những cuộc tranh luận mù mờ, linh mục Marie Augustin đưa ra một tiêu chí đơn giản: “Những gì chúng ta nói về cuộc sống của con người trong cuộc sống vĩnh cửu có tương thích với kinh nghiệm hiện tại của chúng ta về cuộc sống không?”  Vì cuộc sống vĩnh cửu là một phần mở rộng của cuộc sống trên trái đất, nên cái này không thể nói ngược hoàn toàn với cái kia. Và Chúa không thể mâu thuẫn với chính Ngài.

Một chiến lược của các câu ngắn

Trở lại với Đức Phanxicô. Câu chuyện trên máy bay thì khó giải thích vì nó mơ hồ: câu nói ngắn gọn của ngài ngay lập tức được sửa chữa bằng lời khẳng định, rằng Chúa “muốn” cứu mọi người, điều này phủ nhận câu đầu tiên của Đức Phanxicô và hoàn toàn phù với giáo lý công giáo.

Linh mục Marie Augustin nhận xét: “Tình tiết này là một phần trong thái độ chung của ngài, đó là khá cởi mở, không bị gò bó và thông cảm. Ngài biết rõ chủ đề này đòi hỏi một nghiên cứu sâu đậm hơn, nhưng ngài không nghĩ những cấu trúc thần học tinh vi này ngày nay còn có ai quan tâm không?” Là người thành thạo trong lĩnh vực truyền thông, chắc chắn ngài không thể không biết đến thực tế này.

Còn việc ngài nói về vấn đề hôn nhân đồng tính, điều này không phải là không đáng kể. Linh mục Marie-Augustin cho biết: “Chúng ta có thể thấy từ đầu triều giáo hoàng của ngài, về các vấn đề người đồng tính LGBT, ngài áp dụng chiến lược những câu nhỏ. Một cách đi vòng thể thức không thể thay đổi của người công giáo, để làm tiến triển các văn bản huấn quyền”. Điều này mang tầm mức cho lời của ngài khi ngài nói với công chúng: “Chắc chắn Giáo hội ngày nay dường như không bao gồm các bạn, nhưng các bạn sẽ thấy, trong vĩnh viễn, Giáo hội sẽ bao gồm. Sự cứu rỗi được ban cho tất cả mọi người không phân biệt, bất chấp bề ngoài của đời sống Giáo hội bây giờ: đến với cứu rỗi không dựa trên khuynh hướng tình dục.”

Như nhà thần nghiệm vĩ đại người Tây Ban Nha, Thánh Gioan Thánh Giá đã viết: “Vào xế chiều đời sống chúng ta, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch