—
Không chỉ là một cơ sở tôn giáo quan trọng, ngày nay nhà thờ Chợ Quán còn là điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân và nơi tham quan thú vị…
Nằm trong một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây xanh trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP HCM, nhà thờ Chợ Quán được biết đến với tư cách của một thánh đường Công giáo cổ nhất vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn xưa.
Vào khoảng những năm 1700, khu vực Chợ Quán có rất nhiều tín đồ Công giáo từ nhiều vùng miền khác nhau đến định cư, làm nhiều nghề khác nhau. Sau khi đã xác định chọn nơi để lập nghiệp, họ đã lập nên Họ đạo Chợ Quán, cơ sở cho việc xây dựng nhà thờ Chợ Quán sau này.
Thánh đường Chợ Quán ban đầu chỉ là một nhà thờ đơn sơ. Ngoài ngôi nhà thờ chính còn có những nhà nguyện và bàn thờ tư gia. Đây được coi là nhà thờ Công giáo đầu tiên xuất hiện trên mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sau nhiều lần xây dựng rồi thay thế, mãi đến năm 1882, cha Nicolas Hamm về kế nhiệm đã đặt nền móng cho ngôi nhà thờ kiên cố.
Trải qua 6 đời cha sở, ngôi nhà thờ Chợ Quán mới chính thức khánh thành vào ngày 16/2/1896, chính là ngôi nhà thờ ngày nay.
Nhà thờ được xây theo kiến trúc Gothic với tháp chuông nhọn, nhiều cổng vòm cao được chống đỡ bằng các cột trụ lớn, nhỏ.
Bên trong thánh đường có 4 dãy ghế lớn và hai dãy ghế nhỏ. Bên trái là bàn thờ Đức Mẹ, bên phải là bàn thờ Thánh Cả Giuse.
Đối diện với Bàn Thánh, phía trên là hình Chúa Giêsu và phía dưới bức ảnh đó có một lối nhỏ để đi vào tháp chuông.
Tháp chuông nhà thờ Chợ Quán khá đồ sộ, gồm có 3 tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và đỉnh tháp.
Trong khuôn viên nhà thờ còn có các công trình khác như nhà giáo lý với 12 phòng, nhà hài cốt.. được bài trí hài hòa.
Không chỉ là một cơ sở tôn giáo quan trọng, ngày nay nhà thờ Chợ Quán còn là điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân quanh khu vực và nơi tham quan thú vị của nhiều du khách khi đến TP HCM.
Theo KIẾN THỨC
https://tachcaphe.com/chum-anh-kham-pha-nha-tho