Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

972

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ
Rogier van der Weyden | Wikipedia Public Domain

Aleteia
24 tháng Sáu, 2020

Các thánh thường được kính nhớ vào ngày chết của các ngài (ngày tái sinh của các ngài trong đời sống vĩnh hằng), nhưng có những ngoại lệ.

Nhấp vào đường dẫn này để xem loạt ảnh

Giáo hội kính nhớ những ngày lễ các thánh trong suốt năm phụng vụ, và ngày lễ thường đánh dấu ngày vị thánh qua đời và bước vào cuộc sống trường sinh. (Một ngoại lệ đáng chú ý là lễ Thánh Gioan Phaolô II, được cử hành ngày 22 tháng Mười, kỷ niệm ngày ngài được bầu chọn lên ngôi giáo hoàng; hay lễ các thánh Zelie và Louis Martin, được cử hành vào ngày kỷ niệm kết hôn của các ngài.)

Tuy nhiên, Giáo hội kính nhớ ba ngày sinh nhật trong phụng vụ: sinh nhật Chúa Giêsu (25 tháng Mười Hai); sinh nhật Mẹ Maria (8 tháng Chín); và sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả (24 tháng Sáu).

Sinh nhật của Chúa Giêsu rõ ràng là ngày lễ trung tâm của người Công giáo, vì nó đánh dấu ngày thế giới đến để chiêm ngưỡng dung nhan của Thiên Chúa trở thành người phàm. Đó là lễ được bổ sung bởi một lễ khác trước đó chín tháng, Lễ Truyền tin ngày 25 tháng Ba, là thời điểm chúng ta kỷ niệm giây phút Nhập thế thật sự diễn ra, khi Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Mẹ Maria.

Việc cử hành ngày sinh nhật của Đức Mẹ cũng là một gia tài cho người Công giáo. Và cũng giống như lễ Giáng sinh được liên kết với một ngày lễ trước đó chín tháng, thì kỷ niệm sinh nhật Đức Trinh nữ vào ngày 8 tháng Chín hướng về chín tháng trước đó, ngược về ngày 8 tháng Mười Hai — khi chúng ta mừng thời khắc mẹ được thụ thai trong cung lòng thân mẫu Mẹ là Thánh Anna. Mẹ Maria là tinh tuyền. Mẹ là Vô nhiễm Nguyên tội.

Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả cũng mang tính biểu tượng phong phú. Ở đây chúng ta lại nhìn thấy mối tương quan của các ngày: sinh nhật Thánh Gioan sáu tháng trước canh thức Giáng sinh vì Thiên thần Gabrien nói với Mẹ Maria rằng người chị họ của Mẹ đã mang thai được sáu tháng, có nghĩa là Gioan lớn hơn Chúa Giêsu sáu tháng.

Dĩ nhiên, Gioan được sự chăm sóc đặc biệt của Mẹ Maria — cùng với thân mẫu của ngài. Vừa chịu thai Chúa Con bởi phép Chúa Thánh Thần, “Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con (tức là Gioan Tẩy giả) trong bụng nhảy lên.” Bà Êlisabét kể cho người em họ những gì xảy ra: “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”

Truyền thống Giáo hội cho rằng trong cuộc gặp gỡ trước khi chào đời của hai người anh em họ này, Gioan đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần và do đó khi sinh ra ông đã được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ. (Chúng ta đọc được trong Luca 1:15 cách Thiên thần Gabrien nói với cha của Gioan là ông Dacaria rằng điều này sẽ xảy ra: “Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.”)

Trong loạt ảnh dưới đây, bạn có thể nhìn thấy những phế tích pháo đài của Hêrôđê, nơi mà truyền thống cho rằng Gioan Tẩy giả đã bị chặt đầu.

Các hang động được tìm thấy trong khắp vùng Machaerus. Người ta tin rằng Thánh Gioan Tẩy giả bị nhốt ở một trong các hang này.

Những ngọn đồi đá bao quanh Machaerus và con đường dẫn về cung điện.

Quang cảnh từ trên đồi của Bờ Tây ở Machaerus trong một ngày mây mờ hiếm hoi.

Quang cảnh những gì còn lại của Cung điện Hoàng gia tại Machaerus, địa điểm Salome nhảy múa trước Vua Hêrôđê và Gioan Tẩy giả bị chặt đầu.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2020]