Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng), một bài thánh ca về tự do

864

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 3 11, 2021

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

illpaxphotomatic | Shutterstock

Marinella Bandini | 22/02/21

Nhà thờ Chặng đàng Ngày 6: những xiềng xích của Thánh Phêrô ở đây, cũng như tượng Môsê của Michelangelo.

Quý vị nhấp vào đường dẫn này để xem loạt ảnh

Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay qua mạng internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.

Ngày 6

Vương cung Thánh đường San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị Xiềng xích) được đặt tên theo thánh tích quý báu mà nhà thờ lưu giữ: dây xích (vincula) của Thánh Phêrô.

Mọi thứ ở đây đều nói lên sự giải phóng. Trên trần nhà thờ hình vòm phía trên lối vào, chúng ta đọc được dòng chữ: Dirupisti vincula mea — “Người đã phá tan xiềng xích của con.”

Theo truyền thống, những sợi dây xích mà vị tông đồ bị giam giữ tại Giêrusalem được trao cho Hoàng hậu Đông Phương là Aelia Eudocia, người sau đó trao lại cho con gái bà là Licinia Eudoxia. Nữ hoàng trẻ tuổi đã trao chúng cho Đức Giáo hoàng Lêô Cả.

Đức giáo hoàng đặt những sợi dây xích này bên cạnh những sợi xích đã trói buộc Thánh Phêrô ở Roma: ngay khi chạm vào, chúng liền hợp nhất thành một sợi dây xích duy nhất, ngày nay được lưu giữ dưới bàn thờ. Để ghi nhớ phép lạ, vào năm 442, công trình bắt đầu xây dựng một vương cung thánh đường được đặt tên theo lý do này là San Pietro ở Vincoli, hoặc là Thánh Phêrô bị Xiềng xích.

Trong hầm mộ lưu giữ thánh tích của bảy anh em nhà Macabê, những người đã chết vì niềm tin của người Do Thái vào thế kỷ thứ 2 trước Chúa Giáng sinh. Người Kitô hữu tiên khởi ngưỡng mộ các vị tử đạo Do Thái giáo này, xem họ là tiền thân của những vị tử đạo Kitô giáo, và lòng sùng kính đối với họ đã nhanh chóng lan rộng.

Cuối cùng, là “viên ngọc quý” của vương cung thánh đường, bức tượng người giải phóng vĩ đại của dân tộc Israel: Môsê. Bức tượng được điêu khắc bởi Michelangelo cho tượng đài kỷ niệm Đức Giáo hoàng Julius II.

Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Mt 16:18).

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Vương cung Thánh đường San Pietro in Vincoli | © illpaxphotomatic | Shutterstock

Vương cung Thánh đường San Pietro in Vincoli (bên trong)
| © NICOLA MESSANA PHOTOS | Shutterstock

Những xiềng xích giam giữ Thánh Phêrô làm tù nhân. Theo truyền thuyết, những dây xích đã trói buộc ngài ở Giêrusalem và ở Roma đã hợp thành một cách kỳ diệu. © Stefano_Valeri | Shutterstock

Ngôi mộ với hài cốt của bảy anh em nhà Macabê, những người tử đạo của Do Thái được người Kitô giáo tôn kính. | © Luciano Tronati (CC BY-SA 4.0) via Wikimedia Commons

Môsê. Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới được tác tạo bởi Michelangelo cho mộ của Đức Giáo hoàng Julius II. © Anna Pakutina | Shutterstock

Mộ của Đức Julius II. Dự án ban đầu — lớn hơn nhiều — chỉ mới hoàn thành một phần. © REDMASON | Shutterstock

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/3/2021]