Câu chuyện huyền diệu của Đền thờ Đức Mẹ Ta’ Pinu ở Gozo

386

Tri Khoan chuyển ngữ

Courtesy of Madonna Ta’ Pinu National Shrine

Jean Pierre Fava – Malta Tourism Authority

15 tháng Tám, 2020

Những khởi đầu của lòng sùng kính Đức Nữ Trinh Đầy Ơn phúc Ta’ Pinu quá lâu đời đến mức chúng đã bị quên lãng từ lâu.

Đền thờ Mẹ Lên Trời

Những sự khởi đầu của lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Đầy Ơn phúc Ta’ Pinu quá lâu đời đến mức chúng đã bị quên lãng từ lâu. Trước khi được mang tên Ta’ Pinu thì nhà thờ địa phương là một nhà nguyện nhỏ, được gọi là Tal– Ġentili, cung hiến cho Mẹ Lên Trời, đã tồn tại ở đó từ trước năm 1545. Những hồ sơ ghi lại cho thấy rằng nhà nguyện được xây dựng lại, điều đó có nghĩa là Nhà Nguyện đã ở đó rất lâu trước năm 1545. Năm 1575 đức Pietro Duzina kinh lược tông tòa được Đức Giáo hoàng Gregory XIII phái đến, thấy nhà nguyện trong tình trạng rất xấu, vì thế ngài ra lệnh phá hủy nó. Khi việc phá hủy bắt đầu thì một công nhân bị gãy tay lúc ông ta đập nhát búa đầu tiên – việc này được xem như một điềm thiêng cho biết nhà nguyện cần phải được bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Đó là nhà nguyện duy nhất trên đảo thoát khỏi sắc lệnh của ngài Duzina. Năm 1587, cơ sở của nhà nguyện được sang tay và do đó tên Tal-Ġentili bị bỏ đi và được đổi thành Ta’ Pinu – được đặt theo tên của ngài Pinu Gauci người trước đó trở thành đại diện của Giáo hội năm 1598, và là người trả tiền để phục hồi lại nó, và cũng ủy thác cho người vẽ bức ảnh Đức Mẹ Lên Trời của bàn thờ chính.

Cuối cùng, do những biến cố xảy ra năm 1883, ngôi nhà nguyện vô danh khiêm tốn trong vùng quê trở thành một Đền thờ Đức Maria rất được sùng kính, từng đoàn người từ Gozo, Malta và những người bên kia biển đến thăm viếng! Thật vậy, một vài năm sau đó quyết định xây dựng một thánh địa xứng đáng được thông qua, để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, đáp ứng nhu cầu của những đám đông khổng lồ. Do một số trở ngại, ba mươi năm sau việc xây dựng nhà thờ mới bắt đầu, vào năm 1920. Ngày 30 tháng Năm, 2020, là ngày kỷ niệm một trăm năm làm phép viên đá đầu tiên. Ngôi nhà thờ theo kiểu tân Roma được xây dựng phía trước nhà nguyện cũ, được giữ lại nguyên vẹn phía sau bàn thờ, và vẫn là nơi đặt linh ảnh Đức Mẹ Lên Trời.

Bức ảnh Đức Mẹ Lên Trời trước (bên trái) và sau (bên phải) công trình phục hồi tuyệt vời của Atelier del Restauro

Năm 2015 Centro Aletti Roma, dưới sự hướng dẫn của Cha Marko Rupnik S.J., đặt thêm các bức tranh khảm trên mặt tiền của Vương cung Thánh đường; và năm 2017 khởi công phủ tranh khảm cho toàn bộ diện tích sân trước rộng lớn của nhà thờ, mô tả những mầu nhiệm Mân Côi. Những tác phẩm nghệ thuật này được đặt làm bởi Cha Gerard Buhagiar, cha sở của Đền thờ. Những tranh khảm của sân trước hiện tại là tác phẩm lớn nhất thế giới của Centro Aletti bên ngoài Đền thờ. Đáng lưu ý là các tác phẩm của Cha Rupnik có mặt trên khắp thế giới trong những thánh điện lớn, chẳng hạn Vatican, Fatima, Lộ Đức, Washington, Brazil, Slovenia, và Madrid. Các đoàn khách hành hương, du lịch tâm linh và đặc biệt là các học giả du lịch để nghiên cứu nghệ thuật của cha. Cũng trong năm nay Cha Gerard ký hợp đồng với Aletier del Restauro, người cũng đã khôi phục lại bức ảnh Đức Bà Mellieha của thế kỷ 13 và bức linh ảnh Đức Bà Damascus của thế kỷ 12, để thực hiện việc nghiên cứu và phục hồi lại tác phẩm ảnh Đức Bà Lên Trời. Bức ảnh được hồi sinh một cách tuyệt diệu ra mắt ngày 20 tháng Sáu năm 2020, chỉ hai ngày trước ngày Lễ, và kỷ niệm 137 năm lần hiện ra của Đức Mẹ Ta’ Pinu.

Những lần hiện ra của Đức Mẹ Ta’ Pinu

Năm 1891, công trình nghiên cứu lịch sử đầu tiên về thánh địa Mẹ Maria này được xuất bản với tên La Beata Vergine Ta’ Pinu a Gozo (Đức Nữ Đồng trinh Diễm phúc Ta’ Pinu ở Gozo nước Ý) viết, “Ngày 22 tháng Sáu năm 1883, Karmni Grima từ Gharb, ….. nghe thấy một tiếng gọi trên đường về nhà. …..[Lúc] khoảng 10.30 sáng. Một tiếng gọi huyền bí gọi chị ba lần: ‘Hãy đến! Hãy đến! Hãy đến!’. Karmni kinh ngạc, vì vào thời điểm đó trong ngày, các cánh đồng hoàn toàn thanh vắng, và chẳng có người nào có thể nói chuyện với chị. Khi chị quay lại tiếp tục bước đi thì cùng tiếng nói bí ẩn đó lại gọi chị: “Hãy đến, hãy đến, hôm nay, vì một năm sẽ trôi qua trước khi con có thể trở lại thăm nơi này.’ Vì thế chị đi về phía nhà nguyện với sự kính sợ nghĩ rằng chị sẽ được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc. Khi đến nhà nguyện, … chị lén nhìn qua kẽ hở của cánh cửa nhưng không nhìn thấy ai.

Bức tranh khảm Đức Bà và Chúa Con của Cha Marko Rupnik phía trên cửa chính của Vương cung Thánh đường. Từ “Ejja” có nghĩa là “Hãy đến” ở ngôn ngữ Malta. Đức Nữ Trinh Đầy Ơn Phúc mời gọi Karmni Grima bằng chữ “Ejja! Ejja! Ejja!”

Lấy lại bình tĩnh, chị tiến vào nhà nguyện và khi chị cầu nguyện, một cảm giác hạnh phúc đê mê không thể tả được bao trùm lấy chị. … Cùng giọng nói đó lại nói với chị: ‘Hãy đọc ba kinh Kính Mừng để tưởng nhớ ba ngày thân xác của ta nằm trong mồ’ – và chị đã làm như vậy. Trong quyển sách ‘Đền thờ Ta’ Pinu. Nơi nương náu của người hành hương,’ Đức Giám mục Đức ông Nicholas J. Cauchi (Giám mục Gozo từ năm 1972 đến 2005), viết: “Trong suốt hai năm Karmni không nói một lời nào về những gì đã xảy ra. Sau đó chị tiết lộ bí mật cho Franġisk Portelli; [một con người chính trực] là người nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ Ta’ Pinu. … thì tâm hồn ông ngập tràn niềm vui … Khoảng cùng thời gian đó, ông đã nghe thấy một tiếng nói bí ẩn yêu cầu ông cầu nguyện để tôn kính vết thương ẩn giấu trên vai của Đức Kitô do sức nặng của cây thập tự trên đường khổ hình lên đồi Canvê. Một thời gian ngắn sau, mẹ của Franġisk được phép lạ chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức Nữ Đồng trinh Ta’ Pinu. Rõ ràng vấn đề không thể tiếp tục giữ kín và những lời đồn đại rằng Đức Mẹ Ta’ Pinu đã trao cho hai người đó một thông điệp từ trong làng Gharb bắt đầu truyền đi nhanh như lửa cháy.” Những tài liệu hiện còn được viết bởi vị linh hướng của Karmni cũng làm chứng rằng Đức Nữ Đồng trinh đã hiện ra với chị thậm chí ngay tại nhà chị ở làng Gharb. Ngày nay, nhà của Karmni được mở cửa đón du khách.

Những ơn lành và các phong tục

Đền thờ Đức Mẹ Ta’ Pinu được biết đến như là “Nhà thờ của những phép lạ.” Trong cuộc phỏng vấn năm 2017, cha sở thánh điện là cha Gerald Buhagiar nói rằng nhiều người đến viếng đền thờ và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Trinh nữ đầy Ơn phúc. Nhiều người trong số đó trở lại Ta’ Pinu để làm chứng cho lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời. Thật vậy, những bảng tạ ơn (ex-voto) phủ kín các bức tường của hai căn phòng ở hai bên bàn thờ của Đền Ta’ Pinu. Những bảng này nói đến những bệnh ung thư được chữa lành, sinh nở sau nhiều năm hiếm muộn, những tai nạn kinh hoàng với kết quả là những bệnh nhân được chữa lành, và nhiều, nhiều những điều kỳ diệu xảy ra và ơn phúc!

Nhà nguyện nhỏ cổ phía sau bàn thờ chính của Vương cung Thánh đường, là nơi có bức vẽ Đức Mẹ Lên Trời.

Bức ảnh Đức Bà quá đỗi quan trọng đối với người Gozo và Malta đến mức những bản sao của bức ảnh có mặt trong các đền thờ ở khắp thế giới nơi có người Gozo và Malta di cư đến, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn độ, Châu Âu. Một phong tục khác đó là ngày thứ Bảy đầu tiên cận với ngày 2 tháng Hai – sau khi rửa tội các trẻ nhỏ, Đức Giám mục Gozo, cùng với cha mẹ dâng các trẻ lên Đức Mẹ đầy Ơn phúc Ta’ Pinu, và xin Mẹ bảo vệ và yêu thương con cái của họ.

Đức Mẹ Ta’ Pinu và di sản giáo hoàng

Đền thờ Đức Bà Ta’ Pinu được thánh hiến và mở cửa cho công chúng vào ngày 13 tháng Mười Hai năm 1931, và năm 1932 Đền thờ được Đức Giáo hoàng Piô XI nâng lên thành Tiểu Vương cung Thánh đường. Trong khi đó ngày 20 tháng Sáu năm 1935, bức Ảnh Thánh được đội triều thiên bởi Sứ thần của Đức Thánh Cha. Ngày 26 tháng Năm năm 1990, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đặt vòng hào quang bao gồm năm ngôi sao bằng vàng để chứng thực lòng sùng kính của Dân tộc Malta dành cho Mẹ Diễm Phúc. Ngày 18 tháng Tư năm 2010, Đức Giáo hoàng Benedict XVI tô điểm thêm cho bức ảnh được sùng kính bằng một bông hoa hồng bằng vàng. Nhân dịp này, ngài trải lòng và nói, “Cha biết rõ về lòng sùng kính đặc biệt của người dân Malta với Mẹ Thiên Chúa, được bày tỏ qua lòng nhiệt thành lớn lao đối với Đức Mẹ Ta’ Pinu và cha thật vui mừng có cơ hội được cầu nguyện trước ảnh của Mẹ … Cha thật hân hoan được dâng lên Mẹ một bông Hoa hồng vàng, như là dấu chỉ của tình con thảo chung dành cho Mẹ Thiên Chúa. Cha đặc biệt xin anh chị em hãy cầu nguyện với Mẹ dưới tước hiệu Nữ vương Gia đình …”.

Người hành hương địa phương và nước ngoài thể hiện lòng sùng kính với Đức Nữ trinh Diễm phúc trong đêm vọng Mẹ Lên trời, 14 tháng Tám năm 2019

Đức Thánh Cha Phanxico cũng dự định đến thăm vào ngày 30 tháng Năm năm nay, nhưng không may chuyến viếng thăm phải hủy bỏ do đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm chúng ta khi nào điều đó cho phép.

Sức cuốn hút của Đức Mẹ Ta’ Pinu

Thời gian trôi qua và kinh nghiệm Ta’ Pinu ngày càng được nhiều người trên thế giới biết đến, những kinh nghiệm của Karmni và Frangisk khơi dậy trí tưởng tượng theo cách mà Bernardette của Lộ Đức và ba trẻ mục đồng của Fatima đã làm. Từ một Thánh địa Đức Mẹ lộng lẫy được tôn kính qua sự viếng thăm của các Giáo hoàng tại hòn đảo Gozo, một ngày nào đó hàng triệu tín hữu sẽ nghe thấy và đáp lại lời kêu gọi của Đức Mẹ. Giống như Karmni và Frangisk, tất cả chúng ta đều có đôi tai để nghe thấy tiếng Đức Trinh Nữ mời gọi chúng ta đến viếng đền thờ của Mẹ. ‘Hãy đến, Hãy đến,’ Mẹ nói với hai người nông dân khiêm tốn. Họ có đôi tai để lắng nghe và hành động theo lời Mẹ. Chúng ta hãy hy vọng rằng hàng triệu người thuộc thế hệ hiện tại cũng có đôi tai nghe và đáp lại lời mời gọi của Đức Trinh Nữ.

Vương cung thánh đường Đức Mẹ Ta’ Pinu tráng lệ. Ở đây chúng ta cũng có thể thấy hai bức tranh ghép của Cha Marco Rupnik mô tả các Mầu nhiệm của Kinh Mân Côi.

Quý vị xem loạt ảnh ở dưới để khám phá thêm những chi tiết tuyệt đẹp của Đền thờ Đức Mẹ lộng lẫy này của Malta.

Cảnh đẹp ngoạn mục của Vương cung Thánh đường Mẹ Lên trời lung linh và những bức tranh khảm ở sân trước nhà thờ của Cha Ruptnik, mô tả tất cả các Mầu nhiệm Mân côi. Các tranh khảm ở hai bên sân trước và là những tranh khảm lớn nhất thế giới trang trí bên ngoài thánh điện.
Phía dưới vòm của Vương cung Thánh đường.
Bức linh ảnh Mẹ Lên Trời (trước khi được phục hồi) trong nhà nguyện nhỏ cổ xưa phía sau bàn thờ chính của Vương cung Thánh đường.
Giai đoạn khởi đầu của công trình phục hồi – Chị Valentia Lupo thuộc Aletier del Restauro đang phủ lớp bảo vệ trên các lớp sơn vẽ trước khi vận chuyển bức tranh đến phòng phục hồi.
Bảng tạ ơn về những ơn đã được Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc Ta’ Pinu ban.
Bức tranh khảm ở sân trước của Cha Marko Ruptnik mô tả các Mầu nhiệm mùa Mừng của Kinh Mân Côi.
Bức tranh khảm ở sân trước của Cha Marko Ruptnik mô tả các Mầu Nhiệm Mùa Thương của Kinh Mân Côi.
Toàn cảnh đẹp mê hồn của khu vực Đền thờ Đức Mẹ Ta’ Pinu.
Những cánh đồng bao quanh Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Ta’ Pinu.
Con đường hành hương, 5 bức tranh ngoài trời được họa sĩ Sergio Favotto người Ý dâng cúng, dẫn đến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Lên Trời.
Thiên thần hộ thủ nước thánh.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/8/2020 (Bản dịch chỉnh sửa ]