Các vị thánh phải chịu những cáo buộc gian dối

908

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 9 03, 2020

https://lh5.googleusercontent.com/BCmVFiWGDqLm-z1UmSOigrv-WaTcXsK78EYx6QPg-8cH1fy3TdqzMUyUH332clbtz9bpYJ1QoPq6jp3MpgnGuWCI6cJYxsQspuWM76vTnzpnwWW2Lq--EUq42-3TClGCY6U8oULJ=w640-h320
Public Domain

Meg Hunter-Kilmer
29 tháng Tám, 2020

Một số vị đã được tẩy sạch danh tiếng; nhưng có những vị khác phải đi đến cái chết vì những cáo gian.

Một sự cáo buộc gian có sức mạnh phá hủy — hay thậm chí là chấm dứt — một sự sống. Những ai đã trải qua đau khổ vì bị cáo gian, thì những vị thánh dưới đây là những chứng nhân cho thấy rằng không những vẫn có thể sống qua những cáo buộc như vậy, mà còn trưởng thành trong sự thánh thiện.

Thánh Grêgôriô thành Nyssa (335-395) là con của các thánh và anh em của các thánh, lớn lên trong một gia đình danh giá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài trở thành giám mục và là nhà thần học có ảnh hưởng trong Giáo hội sơ khai, nhưng hoàn toàn thiếu khả năng trong các vấn đề tài chính. Đặc điểm này cộng với sự nhẹ dạ (thậm chí là ngây thơ) đã khiến ngài làm mất quá nhiều tiền đến mức thủ hiến buộc tội ngài tham ô. Grêgôriô bị bỏ tù; sau khi trốn thoát khỏi những kẻ bắt giữ mình, ngài đã phải sống lưu vong hai năm trước khi được phục hồi chức cũ.

Thánh Richardis Andlou (839-895) là một phụ nữ quý tộc người Pháp, trở thành Hoàng hậu La Mã khi chồng thánh nữ (được gọi là Charles the Fat) lên ngôi hoàng đế. Sau khi kết hôn gần 20 năm, Charles cáo buộc Richardis không chung thủy, có thể vì lý do chính trị. Thánh nữ quá sốt ruột muốn rửa sạch tên của mình đến nỗi thánh nhân đã phải trải qua thử thách bằng cách đi trên lửa; khi vượt qua được cuộc thử thách này, Richardis được minh oan và từ chối quay trở lại với chồng. Thay vì vậy thánh nữ đã thành lập một Tu viện Benedictine và dành phần đời còn lại của mình trong tu viện.

Thánh Lorenzo Ruiz (1594-1637) là một người chồng và người cha, một con người bình thường yêu mến Kinh Mân Côi và làm nghề thư pháp. Nhưng sau khi bị buộc tội gian giết một người đàn ông Tây Ban Nha, Lorenzo biết luật pháp sẽ không bảo vệ mình . Là một người Philippines gốc Trung Quốc, không bao giờ tòa án lại nghe những lời bào chữa của ngài trước tố cáo của người Tây Ban Nha. Lorenzo đã chọn cách chạy trốn khỏi đất nước. Mặc dù cố gắng đến Trung Quốc, nơi ngài có thể tìm kế sinh nhai, nhưng thay vì vậy, ngài lại thấy mình bị ràng buộc với Okinawa, nơi người theo Kitô giáo đang bị bắt bớ. Ngài bị bắt, bị bỏ tù và cuối cùng tử vì đạo.

Thánh Joseph Vaz (1651-1711) là con của một người đàn ông Bồ Đào Nha và một phụ nữ Ấn Độ, nhưng tâm hồn của ngài luôn thuộc về hòn đảo Sri Lanka, nơi mà tất cả các linh mục Công giáo đã bị đày 30 năm trước đó. Sau khi thụ phong, cha Joseph bí mật tìm đường đến Sri Lanka. Nhưng những người Hà Lan theo thuyết Calvin âm mưu ngăn cản mọi công việc mục vụ của Công giáo ở Sri Lanka bằng cách khẳng định với chính quyền bản xứ rằng bất kỳ linh mục nào đến đều có thể là gián điệp của Bồ Đào Nha. Cha Joseph bị bắt và bị cầm tù, nhưng sau đó được nhà vua kính trọng nhờ việc cầu xin có mưa ở một đất nước bị hạn hán, rồi đứng sừng sững giữa trận lũ lớn đổ vào khắp nơi […]. Ngài dành 15 năm tiếp theo để rao giảng phúc âm một cách tự do.

Thánh Agatha Kwon Chin-i (1820-1840) là con gái của một nhà thế giá Hàn Quốc. Mặc dù thánh nữ đã kết hôn lúc 12 hoặc 13 tuổi, chồng thánh nữ quá nghèo đến nỗi không thể đón thánh nhân về nhà, vì vậy Agatha vẫn là một trinh nữ ở nhà của thân phụ. Khi Cha Pacificus Yu Pang-che từ Trung Quốc đến, là linh mục đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc trong hơn 30 năm, Agatha bắt đầu làm công việc quản gia cho cha. Thánh nữ nói với cha về ước muốn giữ đồng trinh của mình, và Cha Pacificus “đã vô hiệu phép hôn phối” (mặc dù hồ sơ không nói gì về những bước chính thức mà cha đã thực hiện). Guồng máy tin đồn thổi bắt đầu hoạt động, vì Agatha tiếp tục làm việc ở nhà của Cha Pacificus, và chẳng bao lâu sau, hầu hết cộng đoàn khi đó tin rằng hai người đang ngoại tình. Khi Thánh Pierre Maubant đến, ngài chuyển Cha Pacificus trở lại Trung Quốc. Agatha hối hận vì sự thiếu thận trọng của mình đã gây ra tai tiếng, và bắt đầu khao khát được tử đạo. Năm 19 tuổi, thánh nữ bị bắt và bị bỏ tù, cùng với thân mẫu là Thánh Magdalene Han Yong-I; cả hai đều tử vì đạo.

Chân phước Miguel Pro (1891-1927) nổi tiếng với khiếu hài hước, cách cải trang dí dỏm, và phúc tử đạo cuối cùng của ngài trong Chiến tranh Cristero. Nhưng khi Cha Pro bị giết vì đức tin của mình, cáo trạng không nói đến chức tư tế mà là âm mưu ám sát. Mặc dù kẻ chủ mưu đã khăng khăng phủ nhận rằng Cha Pro và những người anh em của ngài không liên quan gì đến vụ mưu sát tổng thống Mexico, đó là một cáo buộc thuận lợi cho việc xử những người họ đã tìm kiếm bấy lâu nay. Sau khi bị truy lùng và bắt giữ, Cha Pro đã bị hành quyết mà không qua xét xử.

Chân phước Ceferino Giménez Malla (1861-1936) là một người chồng gốc Roma, một người cha và người buôn ngựa. Dù rất nổi tiếng với những cuộc giao thương trung thực của mình, Ceferino từng bị tìm thấy cùng với hai con la đã bị đánh cắp. Bị thành kiến, cảnh sát tin rằng ngài là một tên trộm, và Ceferino đã bị bỏ tù trước khi ngài có cơ hội xuất trình hóa đơn bán hàng chứng minh rằng ngài đã mua những con vật từ một kẻ trộm. Cuối cùng khi danh dự của ngài được tẩy sạch, Ceferino quỳ gối bước đến nhà thờ chính tòa để tạ ơn. Nhiều năm sau, ngài lại bị bắt, lần này vì bảo vệ một linh mục trong Nội chiến Tây Ban Nha; sự bắt giữ đó đã đưa đến cái kết là phúc tử đạo của ngài.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/8/2020]