Các vị Giáo hoàng và chiến tranh: Giữa sự tự vệ và cuộc tìm kiếm hòa bình không mệt mỏi

314

Tri Khoan chuyển ngữ

Ann Ronan Picture Library | Photo12 | AFP | Pius XI

I.Media for Aleteia

17/03/22

Nhìn lại lịch sử gần đây của Giáo hội, kể từ Thế chiến thứ nhất, cũng như những thành công và thất bại trong chính sách ngoại giao của Tòa thánh.

Kể từ ngày 24 tháng Hai năm 2022, thái độ của Tòa Thánh liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm nảy sinh những nghi vấn và hiểu lầm, vì Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ lên án Nga cách đích danh. Thái độ này là một phần của truyền thống ngoại giao lâu đời của Vatican, thường là cơ quan duy nhất duy trì các kênh mở với tất cả các bên trong các cuộc xung đột quốc tế. I.MEDIA đã tham khảo ý kiến của ba chuyên gia về các triều đại giáo hoàng để tìm hiểu những đường lối ngoại giao của Tòa thánh kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Ông Frédéric le Moal, nhà sử học và tác giả của một quyển sách về mối quan hệ của Đức Piô XII với Pháp trong cuộc bầu cử năm 1939, giải thích, “Khi một quốc gia bị tấn công, quốc gia đó có mọi quyền để tự vệ”. Ông lưu ý rằng thuật ngữ “chiến tranh chính nghĩa”, đã là chủ đề của sự phát triển học thuyết lâu dài qua nhiều thế kỷ, trên hết nó được kết nối với mục tiêu “tự vệ”.

Về cuộc kháng chiến của người Ukraine, ông chắc chắn rằng nó “hoàn toàn” là trường hợp tự vệ, nhưng việc khuyến khích viện trợ quân sự trực tiếp có thể dẫn đến tình thế “hợp tác chiến tranh” (co-belligerence). Tình huống này sẽ tạo cho Vladimir Putin “cái cớ để ra một chính sách thậm chí còn hung hăng hơn” đối với phương Tây. “Đó là một cán cân rất tế nhị, rất khó tìm thấy và rất nguy hiểm,” nhà sử học lưu ý.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, cũng như Đức Piô XII và các vị tiền nhiệm khác của ngài, biết rằng “những lời nói quá nặng chống lại kẻ thù có thể dẫn đến những hậu quả cho người Kitô hữu. Do đó, mục tiêu ngoại giao của Vatican là không bao giờ đổ dầu vào lửa”, vị chuyên gia lịch sử quân sự nhấn mạnh. Tránh vòng xoáy tử thần có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện đã trở thành mối quan tâm chính của các vị giáo hoàng kế nhiệm trong suốt lịch sử.

Năm 1939, Đức Piô XII bị chỉ trích vì không tố cáo rõ ràng hành động xâm lược của Đức vào Ba Lan. Ông Frédéric le Moal nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng trong thời Đệ Nhị Thế chiến luôn duy trì “một sự thận trọng phi thường” trong những can thiệp của ngài. Nhà sử học nhìn thấy sự tương đồng trong thái độ của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với chủ nghĩa Hồi giáo và Điện Kremlin.

Ngoài ra, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Nga dưới triều của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, trong một động thái nối lại tình hữu nghị với thế giới Chính thống giáo, khiến cho việc đưa ra bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào đối với Vladimir Putin khó có thể xảy ra. Nhà sử học nói: “Có thể là Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thận trọng để không phá vỡ sự cân bằng này với Nga.”

Đối thoại với mọi người, kể cả những quyền thế bạo lực

Frédéric le Moal nhắc nhở chúng ta rằng chủ nghĩa hiện thực trong chính sách ngoại giao của Vatican dẫn đến việc “đối thoại với tất cả mọi người, kể cả những người có thể tỏ ra thực sự hung ác, thậm chí thuộc về ma quỷ,” ông nhấn mạnh.

Do đó, tòa sứ thần ở Damascus không bao giờ đóng cửa trong suốt thời gian nội chiến, bất chấp sự ra đi của phần lớn các đoàn ngoại giao. Nhà sử học giải thích rằng chiến lược này đã mang lại cho Tòa thánh “những cơ hội can thiệp, đặc biệt là trong vai trò trọng tài.”

Do đó, Tòa thánh đã đứng vào vị trí trung tâm của nhiều cuộc hòa giải, từ cuộc Chiến Trăm năm đến các biến cố gần đây hơn, chẳng hạn như việc nối lại quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ vào năm 2014.

Thật nghịch lý, ngày nay thế giới tục hóa hiện đại tỏ ra dễ tiếp nhận những đóng góp của chính sách ngoại giao của Giáo hoàng hơn là điều được gọi là Châu Âu “Kitô giáo” của đầu thế kỷ trước. Việc tái lập uy tín của Tòa thánh là thành quả của nhiều thập kỷ nỗ lực, sau một thời gian mất uy tín của thể chế giáo hoàng trong mắt các chính phủ phương Tây.

1914-1918: triều giáo hoàng gây tranh cãi

Nhà sử học Marcel Launay, tác giả quyển tiểu sử về vị Giáo hoàng với triều đại từ năm 1914 đến năm 1922, cho biết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Tòa thánh đã bị giảm uy tín quốc tế do những khác biệt giữa Đức Giáo hoàng Benedict XV và vị Bộ trưởng Ngoại giao của ngài.

Trong bối cảnh hỗn loạn giữa các quốc gia Châu Âu, Đức Hồng Y Pietro Gasparri ủng hộ “sự trung lập tuyệt đối, để không gây nên sự đối kháng với bất kỳ quốc gia nào, bởi vì đối với Tòa thánh, đó là một con đường tìm kiếm hòa bình” mà không đứng vào vị trí của các bên tham chiến.

Mặt khác, Đức Benedict XV cho rằng người ta có thể “can thiệp để cố gắng dàn xếp các sự việc nhân danh một chính sách ngoại giao hòa bình.” Giải thích rằng “chiến tranh là điều đáng lên án trong mọi trường hợp”, ngài đưa ra “24 biện pháp can thiệp vì hòa bình và hòa giải.”

Nhưng khi chiến sự bùng phát, “Tòa thánh bị chỉ trích vì thái độ trung lập rõ ràng,” ông Marcel Launay nhớ lại. Trong bối cảnh đầy rắc rối này, người Pháp gọi Đức Benedict XV là “Germanophile Pope” (Giáo hoàng thân Đức) và ngược lại, tướng Erich Ludendorff của Đức coi ngài là “Francophile Pope” (Giáo hoàng thân Pháp).

Trong thông điệp Ad beatissimi apostolorum, nhà sử học nhắc lại “ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, ngài đã nói ‘Chúng ta phải tìm kiếm hòa bình, chiến tranh là thù hận’”. Khi vị thế giáo hoàng trổi lên, “Cuối cùng, quan điểm của Đức Benedict XV đã chiếm ưu thế so với quan điểm của Đức Hồng y Gasparri.”

Tháng Tám năm 1917, Đức Benedict XV đã đưa ra sự can thiệp quan trọng nhất trong triều đại giáo hoàng với lá thư ngài gửi tới tất cả các quốc gia, mời họ “tìm kiếm hòa bình thông qua việc giải trừ quân bị”. Ông Marcel Launay cho biết lá thư này được đón nhận rất hạn chế và bị hiểu lầm nên đã dẫn đến việc loại trừ Tòa Thánh ra khỏi các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình năm 1919.

Từ bảo vệ người Công giáo đến một Giáo hội “chuyên gia về nhân đạo”

Trong những thập niên tiếp theo, chính sách ngoại giao của Tòa thánh dần dần chuyển trọng tâm. Trong những năm 1930 và 1940, mối quan tâm chính của Đức Piô XII là hạn chế những nguy cơ người Công giáo bị Hitler bắt bớ, ở nước Đức cũng như ở các nước bị chiếm đóng, và bởi chế độ Xô Viết.

Tuy nhiên, dưới các triều đại giáo hoàng sau này đã có sự thay đổi quan điểm. Ông Frédéric le Moal lưu ý: “Giáo hội muốn trở thành một ‘chuyên gia về nhân đạo’, vì vậy, Giáo hội không còn giới hạn mình trong việc bảo vệ người Công giáo, nhưng quan tâm đến sự tôn trọng công bằng đối với tất cả mọi người, cũng như việc phục hồi hòa bình.”

Nhà báo Bernard Lecomte, người đưa tin về triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và thường tường thuật từ Đông Âu, lưu ý đến “bước ngoặt quan trọng” được thực hiện trong triều giáo hoàng của Đức Gioan XXIII, đặc biệt với tông huấn Pacem in Terris của ngài.

Vào đầu những năm 1960, vị “Giáo hoàng Nhân hậu” đã khiến một số người Công giáo đã ngạc nhiên và sửng sốt trước những cử chỉ nối lại quan hệ hữu nghị với Liên Xô, giúp ngăn chặn bóng ma của chiến tranh nguyên tử. Nhà báo giải thích rằng các cuộc liên lạc của Đức Gioan XXIII với Khrushchev “đã kết thúc trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, trùng với tuần lễ khai mạc Công đồng.”

Theo yêu cầu của phái đoàn của ông Kennedy, vị giáo hoàng người Ý đã can thiệp thành công với nhà lãnh đạo Liên Xô là người nói rằng: “Ngài Gioan XXIII và tôi rất hợp nhau vì cả hai chúng tôi đều là nông dân”.

Ông Bernard Lecomte nhấn mạnh: “Do đó, đã có một hình thức quan hệ cá nhân, đáng kinh ngạc.”

Tiếp theo là lời kêu gọi của Đức Phaolô VI — “Không bao giờ lặp lại chiến tranh, không bao giờ lặp lại chiến tranh” — tại LHQ năm 1965. Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng của ngài bị đánh dấu bằng các cuộc xung đột ở Việt Nam và Biafra. Đó cũng là sự khởi đầu của Ostpolitik (chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô – thập niên 1970) ở Vatican.

Khái niệm “quốc gia” do Đức Gioan Phaolô II hợp thức hóa

Được bầu chọn năm 1978, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện một chiến lược khác, nhấn mạnh đến việc bảo vệ đất nước Ba Lan trước sự thống trị của Liên Xô, được thể hiện qua “sự ủng hộ của ngài đối với tổ chức Solidarnosc (công đoàn đoàn kết), và đối với những người bất đồng chính kiến,” ông Bernard Lecomte nói.

Ông phân tích rằng vị Giáo hoàng người Ba Lan tiếp tục theo luận lý này vào đầu những năm 1990, đứng về phía các dân tộc vùng Balkan đang tìm cách thoát khỏi chế độ của Belgrade.

Người viết tiểu sử của Đức Giáo hoàng người Ba Lan nhớ lại: “Nền độc lập của Croatia và Slovenia rất nhanh chóng được Tòa thánh công nhận, thậm chí trước cả các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu. Đây là hai quốc gia Công giáo mà Đức Gioan Phaolô II có một tình cảm đặc biệt, cũng như đối với tất cả các cộng đồng Công giáo của Đông Âu.”

Sự ủng hộ dứt khoát và nhanh chóng này của Giáo hoàng bị chỉ trích trong các cuộc chiến huynh đệ tương tàn chia cắt các quốc gia thuộc Nam Tư cũ. Nhưng sự bảo vệ của một dân tộc bị áp bức, kể cả bằng kháng chiến vũ trang, là điều hợp pháp trong con mắt của Đức Gioan Phaolô II. Ông Bernard Lecomte nhấn mạnh, “Khi bị xe tăng tấn công, chúng ta đáp trả bằng tên lửa chống tăng. Mỗi tình huống đều có sự phản ứng cụ thể của nó”.

Trong bài phát biểu năm 2004 tại Normandy, Đức Hồng y Ratzinger, đại diện của Đức Gioan Phaolô II tham dự lễ kỷ niệm ngày 6 tháng Sáu, nhấn mạnh rằng cuộc đổ bộ của Đồng minh là một điều cần thiết về mặt đạo đức và cho thấy “đặc điểm không bền vững của chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối”.

“Cuộc đổ bộ Normandy không thể thực hiện bằng xe scooter, điều đó là rõ ràng!” ông Bernard Lecomte nói và lưu ý sự hội tụ hoàn hảo giữa vị giáo hoàng người Ba Lan và Đấng kế vị người Đức, được bầu chọn 60 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Những thành công và thất bại của một chính sách ngoại giao lâu dài

Về các nỗ lực ngoại giao, khởi đầu triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II được đánh dấu bằng việc ngài hòa giải thành công cuộc xung đột trên Kênh Beagle, một khu vực biên giới tranh chấp ở cực nam của Mỹ Latinh. “Ngài không muốn để hai quốc gia Công giáo, Argentina và Chile, gây chiến với nhau,” ông Bernard Lecomte cho biết và nhấn mạnh đến sự hiệu quả của cuộc hòa giải được thực hiện bởi các sứ thần do Giáo hoàng cử đi, đã dẫn đến hiệp ước hòa bình trong đầu thập niên 1980.

Cuối triều đại giáo hoàng của ngài thì cay đắng hơn, khi sự ảnh hưởng quốc tế to lớn của Đức Gioan Phaolô II đã không giúp ngài tránh được những thất vọng. Theo người viết tiểu sử, Đức Giáo hoàng đã trải qua một “thất bại hoàn toàn” trong cuộc tấn công của Mỹ năm 2003 ở Iraq. Ngài đã “đầu tư rất nhiều” qua việc cử Đức Hồng y Pio Laghi đến Tổng thống George W. Bush, và Đức Hồng y Roger Etchegaray đến ông Saddam Hussein, và “tất cả chẳng đi đến đâu”. Nhà báo nhấn mạnh, “Chỉ đơn giản là chính sách ngoại giao của Vatican đầu tư vào một vấn đề thì không có nghĩa là nó sẽ thành công.”

Tuy nhiên, thái độ này của Đức Gioan Phaolô II đã đưa đến kết quả dài lâu trong nhận thức của người dân Iraq về hình ảnh của Đức Giáo hoàng. Ông Bernard Lecomte thừa nhận rằng “rất có thể” sự thành công trong chuyến thăm Iraq của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2021 có liên quan đến sự chú ý liên tục của Tòa Thánh đối với dân tộc Iraq, ngay cả khi đất nước này là một “quốc gia bị ghẻ lạnh” trên trường quốc tế.

Bất kể những thất bại rõ ràng trước các biến cố đau thương và bạo lực, sự kiên trì của chính sách ngoại giao của Tòa Thánh và sự quan tâm đầy trách nhiệm của các giáo hoàng đối với những dân tộc tử đạo vì chiến tranh cũng có thể là một bước đệm quý giá để hàn gắn các xã hội bị xâu xé và tái hàn gắn nền hòa bình về lâu về dài.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2022]