WORLD
5 tháng Sáu, 2020
Các nhà thờ ở Trung Hoa phải rao giảng ‘tinh thần yêu nước’ để được tái mở cửa sau đại dịch Coronavirus
Trung Hoa đang dần dần mở cửa lại các cơ sở trong bối cảnh đại dịch coronavirus, bao gồm các buổi lễ nghi tôn giáo.
Catholic News Agency
CHIẾT GIANG, Trung Quốc — Các giới chức Công giáo được nhà nước bảo trợ ở một số vùng của Trung Quốc đã ban hành những quy định về việc mở cửa lại nhà thờ trong đại dịch coronavirus. Những quy tắc mới bao gồm một yêu cầu rằng các nhà thờ phải rao giảng về “tinh thần yêu nước” để được mở cửa trở lại.
Trong tỉnh Chiết Giang thuộc miền đông, Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc có nguồn gốc của nhà nước và Ủy ban quản lý giáo dục Công giáo Trung Quốc đã ban hành một thông cáo ngày 29 tháng Năm về việc tiếp tục Lễ vào tuần sau.
Thông cáo yêu cầu rằng “chỉ những nơi thuộc tôn giáo đáp ứng đủ các điều kiện phòng chống dịch bệnh” mới được phép cử hành Lễ bắt đầu từ ngày 2 tháng Sáu. Trong các điều kiện này có yêu cầu phải thêm “chủ nghĩa yêu nước” vào trong việc cử hành phụng vụ.
Trao đổi với UCA News, người Công giáo Trung Quốc địa phương gọi các biện pháp mới là không phù hợp.
“Yêu cầu đầu tiên trong thông báo là phải giảng dạy một bài học về lòng yêu nước. Điều đó là sai. Là thành viên của Giáo hội Công giáo toàn cầu, chúng tôi không thể chấp nhận và tôn vinh những gì người cộng sản coi là giáo dục yêu nước,” Cha Liu từ tỉnh Hà Bắc nói với UCA.
Một người Công giáo đến từ Ôn Châu tên là Jacob Chung đã mô tả động thái này là sự can thiệp của chính phủ bổ sung vào “các vấn đề nội bộ của tôn giáo.”
Ông nói thêm CCP tìm cách “đàn áp và biến đổi” Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc để thúc đẩy mạnh hơn những giá trị của cộng sản.
Trung Quốc đã dần dần mở lại các cơ sở trong bối cảnh đại dịch coronavirus, bao gồm các nghi lễ tôn giáo. Các quy định khác nhau tùy theo mỗi tỉnh, và một số giáo xứ được yêu cầu kiểm tra nhiệt độ tín đồ trước khi họ được phép vào trong tòa nhà.
Ở Tứ Xuyên, những người muốn đi nhà thờ phải được sự cho phép của quan chức nhà nước.
Các quy định mới được đưa ra khi chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp ngày càng mạnh mẽ để đẩy mạnh “trung quốc hóa” việc thực hành tôn giáo.
Năm 2019, Tân Hoa Xã đưa tin rằng một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã giám sát một cuộc họp thảo luận về việc xây dựng một bản dịch kinh thánh phù hợp với đảng cộng sản Trung Quốc.
Cuộc họp được cho biết bao gồm “những người theo tôn giáo từ cấp dân thường” và các học giả. Mục tiêu của họ là đưa ra “những cách diễn giải chính xác và đáng tin cậy về các học thuyết cổ điển để bắt kịp với thời đại.”
Để thực hiện mục tiêu này, các đoạn văn đã được thể hiện vi phạm “những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” của CCP sẽ bị xóa khỏi các văn bản như Kinh thánh và Kinh Qur’an.
CCP tìm cách để “tạo ra một phiên bản mới của Kitô giáo” bị bóp méo những tầm nhìn và giá trị siêu việt của nó,” ông Xi Lian, giáo sư Trường Thần học thuộc Đại học Duke, nói với tờ Wall Street Journal.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giao nhiệm vụ “trung quốc hóa” tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, một động thái mà Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ gọi là “chiến lược sâu rộng để kiểm soát, cai trị và thao túng mọi khía cạnh của niềm tin vào một khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa mang đậm ‘nét Trung Hoa’.”
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch “trung quốc hóa” năm năm đối với Hồi giáo, một tôn giáo đã phải đối mặt với sự đàn áp gia tăng ở nước này với ít nhất 800.000 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại giam.
Sự chấp nhận của Công giáo đối với chương trình “Trung hoa hóa” là một chủ đề được thảo luận nhiều sau khi chính thức hóa thỏa thuận năm ngoái giữa Vatican và Trung Quốc đã hợp thức các giám mục được nhà nước chỉ định của nước này với Tòa thánh.
Trước đây, các giám mục liên kết với “Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc,” được thánh hiến trái phép và ra khỏi sự hiệp thông với Roma.
Năm 2019, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Vatican, nói rằng sự “hội nhập văn hóa”, một cách thực hành truyền giáo của Công giáo, và “Trung hoa hóa” có thể “mang tính bổ sung” và “có thể mở ra những con đường đối thoại.”
Ngài nói, “Sự hội nhập văn hóa là một điều kiện thiết yếu để loan báo Tin Mừng, trong đó để trổ sinh hoa trái, về một mặt đòi hỏi phải bảo vệ sự tinh ròng và tính nguyên vẹn, và mặt khác, trình bày nó theo kinh nghiệm cụ thể của mỗi dân tộc và văn hóa.”
“Hai thuật ngữ này, ‘hội nhập văn hóa’ và ‘Trung hoa hóa’ tham khảo nhau mà không lẫn lộn và không có sự đối lập.”
Các điều khoản đầy đủ của thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc vẫn chưa được công bố.
[Nguồn: ncregister]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2020]