Cả một Giáo hội trong một bức ảnh

151

Bức ảnh tập thể của giáo dân Giáo hội Mông Cổ với Đức Phanxicô bên ngoài nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô Phaolô

Vào cuối cuộc gặp gỡ với các tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Oulan-Bator, một máy bay không người lái đã chụp ảnh Đức Phanxicô và giáo dân Giáo hội Mông Cổ. Một bức ảnh độc đáo cho thấy tổng thể của “đàn chiên nhỏ”, ghi lại chuyến tông du đầu tiên của một giáo hoàng đến Quốc gia Trung Á này. Trong số giáo dân hiện diện có các nhóm tín hữu Trung Hoa. Trước cuộc gặp gỡ, Đức Phanxicô đến thăm bà Tsetsege, bà đã tìm thấy tượng Đức Mẹ trong bãi rác, được tôn kính là Mẹ Thiên quốc.

vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, từ Oulan-Bator, 2023-09-02

Tiếng vo ve của máy bay không người lái, điệp khúc “Viva el Papa” ngày càng vang lớn, các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa, các linh mục ở tầng hai trên cao, Đức Phanxicô đưa tay vẫy chào, và đây, một bức hình nói lên trọn một Giáo hội của một quốc gia. Trong những ngày gần đây, một số nhà truyền giáo dự đoán ngày thứ bảy 2 tháng 9, sau khi Đức Phanxicô gặp giáo dân ở nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô Phaolô, buổi gặp sẽ kết thúc bằng bức ảnh của ngài với 1500 giáo dân bao quanh, đàn chiên nhỏ của Mông Cổ. Và đúng như vậy.

Thánh hiến và trung thành

Hôm qua linh mục Ernesto Viscardi, nhà truyền giáo Dòng Thừa sai Consolata ở Mông Cổ từ 19 năm nay nói với Vatican News: “Toàn bộ Giáo hội sẽ ở trong một bức ảnh. Thật phi thường!”  Linh mục và 76 nhà truyền giáo, giáo lý viên, tu sĩ, nữ tu Salêdiêng và Dòng Thừa sai Bác ái là những người đầu tiên chụp hình, họ lên tầng hai của nhà thờ gạch đỏ có hình dạng khác thường của một ‘ger’, lều của dân du mục. Nhìn từ ban công, họ tháp tùng giáo dân, chia thành hai tầng trong nhóm chào đón Đức Phanxicô.

Bức ảnh ghi lại chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng tới Mông Cổ

Vài phút sau Đức Phanxicô đến, ngài chào hỏi từng người một trong số khoảng 500 tu sĩ nam nữ có mặt ở nhà thờ chính tòa. Ngồi trên xe lăn, ngài dừng ở giữa đoạn đường dốc và quay lại chào giáo dân, sau đó ngài hướng mắt nhìn máy bay không người lái. Với ánh sáng tự nhiên của bầu trời Mông Cổ mà người dân mô tả là “luôn trong xanh”, bức ảnh lưu lại kỷ niệm chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đến quốc gia Trung Á, nói lên một cách hoàn hảo quy mô nhỏ bé của một Giáo hội nhỏ sinh từ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản sau những năm 1990 và hiện đang hướng tới tương lai. Như Đức Phanxicô nói tại nhà thờ chính tòa, tầm mức nhỏ bé vẫn là “nguồn tài nguyên”.

Cuộc gặp với bà Tsetsege, người tìm thấy tượng Đức Mẹ trong bãi rác

Ở hai bên sân ngoài giáo dân Mông Cổ còn có giáo dân từ các nước láng giềng như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và cả Trung Quốc đại lục, họ đến tham dự giây phút này. Khoảng 200 người trong số họ sáng nay đã có mặt tại Quảng trường Sükhbaatar, một số không phải không gặp khó khăn khi đi – như một nhóm đến từ Thiểm Tây kể lại – họ muốn đến đây dịp này để vinh danh giáo hoàng. Cầm cờ trên tay, họ chào giáo hoàng đi trên chiếc xe golf nhỏ. Trước đó Đức Phanxicô đã gặp bà Tsetsege trong chiếc lều được dựng trước nhà thờ chính tòa. Cách đây 15 năm bà đã tìm được tượng Đức Mẹ bằng gỗ trong một bãi rác ở Oulan-Bator. Bức tượng được đưa đến nhà thờ và có tên là Mẹ Thiên quốc. Đức Phanxicô chống gậy bước vào chiếc lều màu trắng một mình. Ngài nói chuyện với bà vài phút, bà Tsetsege nhỏ nhắn, tóc ngắn, mặc y phục truyền thống, bà trông càng nhỏ nhắn hơn trong đôi ủng da to bản. Đức Phanxicô chúc lành cho bà trên trán, sau đó ngài ra khỏi lều, bà Tsetsege đi theo ngài, hai người nồng nhiệt chào nhau. Cánh cửa chiếc lều luôn mở về phía nam để lấy nhiệt và ánh sáng và luôn mở để bất cứ ai cần có chỗ trú có thể vào.

Video Đức Phanxicô đến thăm bà Tsetsege

Một Giáo Hội nhỏ nhưng hiện diện

Linh mục Samuele Depredi, người Ý đến từ Trento, cha đi sứ mệnh trong Hiệp hội Con đường Dự tòng ở Mông Cổ bảy năm, cha cũng đi truyền giáo ở Campuchia, Nhật Bản và Việt Nam. Cha cho biết, cha “ngạc nhiên không thể tưởng tượng” trước chuyến tông du này của giáo hoàng, theo cha, đây là một khích lệ lớn lao cho những người làm việc ở một nơi mà thông điệp kitô giáo dường như khó phát triển mạnh, làm cho Giáo hội công giáo chỉ còn vai trò là điểm quy chiếu cho xã hội.

Cha cho biết: “Trong bảy năm tiếp xúc với Giáo hội Mông Cổ, tôi không giấu, đã có những lúc tôi nản lòng vì gặp khó khăn, mỗi khi đến rồi đi tôi đều nói: lạy Chúa, làm sao chúng con có thể làm được? Làm sao chúng con có thể rao giảng Tin Mừng ở một vùng đất như thế này, là phải luôn bắt đầu lại từ đầu sao? Và giáo hoàng đến đây, ngài như muốn nói: Giáo hội là ở đây, sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô là ở đây. Tôi nghĩ vào thời Chúa Giêsu ra đời ở Bêlem: tất cả sự hiện diện của Thiên Chúa là ở đó, nhưng ẩn giấu. Như thể giáo hoàng muốn nói điều này, Chúa ở đó nhưng bị ẩn giấu.”

Loan báo từ xa

Mông Cổ, chứng từ của các nhà truyền giáo: những quyển sách  sống động phục vụ cho Tin Mừng

Còn với những người Mông Cổ không theo đạo công giáo, cha Samuele nói: “Tôi nghĩ người dân rất vinh dự vì chuyến đi này. Tôi không biết họ có thể hiểu được giá trị thiêng liêng của chuyến đi này như thế nào, nhưng họ biết Đức Phanxicô là người của hòa bình, ngài đến với một tình yêu dành cho quốc gia này, một quốc gia mà trong suốt quá trình lịch sử đã có những giây phút vinh quang cũng như những giây phút vô cùng tủi nhục. Họ cảm thấy được công nhận và yêu thương.” Linh mục cũng muốn nói mong muốn cá nhân của cha với 40% người dân Mông Cổ nói rằng họ không tin vào điều gì: “Tôi hy vọng với sự hiện diện của ngài, có thể khơi dậy nơi trái tim của những người chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc với những điều thiêng liêng, với thực tế rất nhỏ bé của Giáo hội, có thể họ cảm nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa để đến với tình yêu, với lòng thương xót của Ngài dành cho tất cả mọi người. Ước gì một ngày nào đó họ biết rằng Chúa Kitô đã sống lại và hiến mạng sống mình cho tất cả mọi người, để ban cho chúng ta sự bình an vô biên.”

Marta An Nguyễn dịch