Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 12 27, 2020
Rome Newsroom, 23 tháng Mười Hai, 2020 / 11:00 am MT (CNA). – Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến hiện đang được trưng bày trong mùa Giáng sinh này tại một trong những vương cung thánh đường lâu đời nhất của Roma.
Nhà nguyện Giáng sinh dưới lòng đất trong Vương cung Thánh Đường Đức Bà Cả – người Ý gọi là Santa Maria Maggiore – đã từng sở hữu ít nhất sáu tượng giáng sinh bằng cẩm thạch được điêu khắc bởi nhà điêu khắc Arnolfo di Cambio vào cuối thế kỷ 13.
Từ ngày 22 tháng Mười Hai, công chúng sẽ có thể chiêm ngưỡng những bức tượng giáng sinh nhỏ này trong nhà nguyện Sistine của Vương Cung Thánh đường Đức Bà, nằm phía bên phải bàn thờ chính.
Những tượng nhỏ này được Đức Giáo hoàng Nicholas IV đặt làm năm 1292, ngài là vị giáo hoàng dòng Phanxicô đầu tiên, được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxico Assisi là người sáng tạo cảnh giáng sinh sống động đầu tiên ở Greccio, nước Ý, năm 1223.
Sante Guido, một nhà sử học và giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Gregorian, cho EWTN biết rằng năm bức tượng cẩm thạch trong cảnh giáng sinh hôm nay hoàn toàn là nguyên bản của thế kỷ 13.
Điều này có nghĩa là cảnh giáng sinh này hiện diện khi Thánh Cajetan trải nghiệm sự hiện ra của Chúa Hài đồng Giêsu trong Nhà nguyện Giáng sinh vào đêm Giáng sinh năm 1517 và khi Thánh Ignatio thành Loyola chọn để dâng Thánh Lễ mở tay trong nhà nguyện này năm 1538.
Không rõ có tất cả bao nhiêu nhân vật trong cảnh giáng sinh được Đức Giáo hoàng Nicholas IV đặt làm, nhưng các tượng đá cẩm thạch còn đến ngày nay gồm Thánh Giuse, ba vị Đạo sĩ, và một tác phẩm riêng mô tả một con bò và một con lừa cũng là một phần trong bộ tượng, theo giáo sư Guido.
Ông giải thích rằng tượng Đức Maria Đồng Trinh với Hài nhi Giêsu đã trải qua lần khôi phục lớn vào cuối thế kỷ 16.
Nhà sử học nghệ thuật người Ý và là nhà phục chế lưu ý rằng đây không phải là bản miêu tả cảnh chào đời của Đức Kitô trong lịch sử Kitô giáo, nhưng là cảnh giáng sinh đầu tiên theo hình thức phổ biến ngày nay.
Ông nói, “Dĩ nhiên, trong lịch sử Kitô giáo có nhiều tác phẩm miêu tả cảnh giáng sinh của Đức Kitô, thậm chí trên cả những quan tài bằng đá của những Kitô hữu tiên khởi, và kể cả các nhà thờ chính tòa theo kiểu kiến trúc Roma và trong các nhà thờ chính tòa kiểu Gothic đều có những tác phẩm miêu tả một chương trong cuộc đời của Đức Kitô: sự chào đời của Ngài.”
“Ở đây chúng ta có sự miêu tả cảnh giáng sinh theo tinh thần của Thánh Phanxicô, vì vậy cảnh giáng sinh này là cảnh đầu tiên được biết đến trong lịch sử. Nó không chỉ là sự mô tả giáng sinh, nhưng nó là cảnh giáng sinh.”
Mối liên hệ của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả với sự chào đời của Đức Kitô quay ngược lại nhiều thế kỷ trước khi cảnh giáng sinh này được đặt làm. Vương cung Thánh đường có một thánh tích quý báu là những mảnh vỡ máng cỏ của Đức Kitô được Thánh Sophronius, về sau là Thượng phụ Giêrusalem, gửi từ Bêlem đến cho Đức Giáo hoàng Theodore trong thế kỷ thứ bảy.
Vì lý do này, vương cung thánh đường từng được gọi là Thánh đường Đức Bà Máng cỏ, và cũng được xem như là “Bêlem của Tây Phương.”
Thánh tích máng cỏ này được lưu giữ trong Nhà nguyện Giáng sinh dưới lòng đất, ban đầu được xây dựng vào thế kỷ thứ bảy nhưng được tái thiết lại nhiều lần trong các thế kỷ sau đó.
Đức Giáo hoàng Xitô V phục hồi lại Nhà nguyện Giáng sinh dưới hầm theo thiết kế như ngày nay giữa những năm 1585 và 1590 khi ngài xây dựng nhà nguyện Sistine của vương cung thánh đường.
Trong nhà nguyện Sistine của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi đặt bộ cảnh giáng sinh, người ta cũng có thể nhìn thấy nhà tạm đầu tiên được làm theo những huấn lệnh của Công đồng Trent và một bàn thờ cung hiến Thánh Giêrônimô.
Truyền thống kể rằng các thánh tích của Thánh Giêrônimô được mang từ Bêlem đến Roma ngay sau thánh tích máng cỏ và hiện được đặt trong bàn thờ chính hoặc trong nhà nguyện bên cánh trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi cảnh giáng sinh đầu tiên này hiện được trưng bày.
Trong suốt Mùa Vọng và Giáng sinh năm nay, một thánh tích máng cỏ được đem ra để tôn kính trong nhà nguyện Borghese của vương cung thánh đường, ở bên trái bàn thờ chính. Thánh tích này thường được nhìn thấy trong hốc tường phía dưới bàn thờ chính. Thánh tích được Đức Giáo hoàng Piô IX di chuyển từ Nhà nguyện Giáng sinh đến vị trí hiện tại bên dưới bàn thờ vào thế kỷ 19.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả trong Mùa Vọng năm nay nhân dịp Đại Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, và dâng Lễ trong Nhà nguyện Giáng sinh dưới hầm.
Năm ngoái Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện chuyến hành hương đến thị trấn Greccio của Ý trong Mùa Vọng để ký tông thư về ý nghĩa và tầm quan trọng của cảnh giáng sinh tại địa điểm Thánh Phanxicô Assisi sáng tạo cảnh giáng sinh đầu tiên vào năm 1223.
Tông thư nhắc lại câu truyện về cảnh giáng sinh sống động đầu tiên của Thánh Phanxicô. Thánh nhân yêu cầu một người bạn giúp ngài chuẩn bị “tái hiện sống động” ký ức về sự chào đời của Chúa Kitô tại Bêlem 15 ngày trước Lễ Giáng sinh.
“Khi Thánh Phanxicô đến, ngài tìm thấy một máng cỏ đầy cỏ khô, một con bò và một con lừa. Tất cả những người hiện diện đều cảm nhận một niềm vui mới và khôn tả trước cảnh Giáng sinh. Vị linh mục sau đó cử hành Thánh Lễ trọng thể phía trên máng cỏ, thể hiện mối dây liên kết chặt chẽ giữa sự Nhập thế của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể.”
“Tại Greccio không có các bức tượng; cảnh giáng sinh được tái diễn và cảm nghiệm bởi tất cả những người có mặt.”
Thomas Celano, nhà viết tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô, viết rằng một người có mặt tại Thánh Lễ đã có thị kiến về chính Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Từ thuở ban đầu của Thánh Phanxico, hang đá giáng sinh mời gọi chúng ta “cảm nhận” và “đụng chạm” theo một cách đặc biệt đến sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa mang lấy cho mình khi Nhập thế. Nó kêu gọi chúng ta hãy dứt khoát bước theo Ngài trên con đường khiêm nhường, nghèo khó và trút bỏ mình khởi đầu từ máng cỏ Bêlem đến thập giá.”
[Nguồn: catholicnewsagency]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2020]