Bạn có biết rằng một linh mục Công giáo đã có công phát minh ra áo chống đạn?

620
https://lh5.googleusercontent.com/lnTCjECuQMruLJLuCbKrFy_iJVcBL1VmuZB8UyaGTjivdmTkPzR_gAz_s5N7ZvZ2aOX_Z0ldV3jzj7IdMeXkovg7sbUuTVscpTLCAfsT7yYyMbWyTFCaqg8ve8EboxIhTjmPJdjE=w640-h320
Public Domain

J-P Mauro | 03/09/21

Cha Casimir Zeglen thường xuyên mặc áo chống đạn và “hứng” những viên đạn trong các cuộc thử nghiệm.

Áo chống đạn là một thiết bị chủ yếu của cơ quan thực thi pháp luật. Trong khi những chiếc áo chống đạn hiện đại mang ít nét tương đồng với những mẫu áo đầu tiên, nhưng chức năng của chúng vẫn giống nhau: cứu mạng sống. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không nhận ra là những người đã được cứu mạng có thể nhớ ơn, ít nhất là một phần nào đó, đối với một linh mục Công giáo.

Vào buổi bình minh của thế kỷ 20, súng có mặt ở khắp nơi. Sự cơ giới hóa của cuộc Cách mạng Công nghiệp khiến súng ống trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, và nhiều người trưởng thành thường xuyên mang theo chúng.

Như chúng ta có thể hình dung, sự tiếp cận với súng tăng lên cũng đồng nghĩa với sự gia tăng tình trạng bạo lực súng đạn. Mặc dù không phải là miền Tây hoang dã, nhưng đã có khá nhiều vụ ám sát các nhân vật của công chúng. Tại Chicago, tình trạng này trở nên nhức nhối vào năm 1893, khi ông Thị trưởng Carter Henry Harrison bị bắn chết tại nhà riêng của mình.

Cha Casimir Zeglen

Điều này khiến bầu không khí chính trị của Chicago trở nên náo động và làm cho nhiều công dân bất an. Sau đó, một anh hùng xuất hiện trong hình dạng một linh mục Công giáo. Cha Casimir Zeglen thuộc Nhà thờ Thánh Stanislaus của Công giáo Rôma đã phát triển một loại trang phục có khả năng ngăn chặn các đường đạn tốc độ cao trên đường bay của chúng. Và sau vụ ám sát Thị trưởng Harrison, cha bắt đầu dành tâm sức để chế tạo áo giáp bảo vệ cơ thể.

https://lh5.googleusercontent.com/ZjuRXyz1JGUm6lGicTvm01DQVGBZX8-WIrcR4s4S5wHbJPzyf58PN9AkVXc7j96w-lq_Awkjux0KfdPACOUDJ-1Kxxw6_a5Peqb_YprN3ZF3BXa0gl25QJxy_G9FYdkrpCnStvOk=w640-h640

Cha Casimir Zeglen

Theo quyển sách Cult of Mac, Cha Zeglen bắt đầu thử nghiệm với loại vải dệt. Những năm đầu trôi qua chậm chạp, với kết quả rất khiêm tốn có được từ loại vải làm từ rêu, tóc và dăm bào thép. Mãi cho đến khi cha phát hiện một báo cáo y tế từ năm 1887 thì mới thật sự đạt được tiến bộ. Nhân viên điều tra án mạng đã phát hiện ra rằng một chiếc khăn tay bằng lụa đã hãm lại chuyển động của viên đạn xuyên qua túi của một người đàn ông.

Phấn khởi trước những khả năng có thể, Cha Zeglen chuyển hướng sang tơ lụa, và cha đã tìm thấy thành công. Phải mất nhiều năm thử nghiệm, nhưng đến năm 1897, cha đã hoàn thiện chiếc áo chống đạn của mình và xin cấp bằng sáng chế. Vào thời điểm đó, áo chống đạn được làm từ nhiều lớp vải lanh, len và lụa. Nó có tác dụng đối với những khẩu súng lục thấp nòng của thời đó, nhưng thiết kế cần thêm một tấm thép để bảo vệ chống lại những khẩu súng trường cỡ nòng cao hơn.

Thiết kế đã được hoàn thiện thêm khi Cha Zeglen hợp tác với Jan Szczepanik, còn được gọi là “Edison người Ba Lan.” Szczepanik đã giúp đưa chiếc áo chống đạn lên tầm cao mới, thậm chí còn tiến xa hơn nữa khi tạo ra một dây chuyền sản xuất tự động để sản xuất chúng. Hai người cuối cùng đã chia tay, nhưng Cha Zeglen đã mang kiến thức mới khám phá trở lại Hoa Kỳ để tìm kiếm các nhà đầu tư.

Những cuộc thử nghiệm nguy hiểm

NPR giới thiệu một bài báo năm 1902 từ The Brooklyn Eagle, bài báo tường thuật về chiếc áo chống đạn và một cuộc thử nghiệm của Cha Zeglen ở Montauk, New York. Ở đó, chiếc áo chống đạn đã được thử nghiệm với một số loại súng có cỡ nòng khác nhau, tất cả đều bị chặn lại. Đó cũng là một điều rất tốt, bởi vì Cha Zeglen được cho là đã mặc chiếc áo chống đạn trong cuộc thử nghiệm. Brooklyn Eagle đã mô tả chiếc áo chống đạn theo cách như sau:

“Một loại vải được sản xuất ở đó, dày một phần tám inch, gồm bốn lớp, thể hiện sự hoàn hảo của kiểu dệt này, và mọi nỗ lực xuyên thủng nó bằng đạn đều cho thấy vô ích. Chính Cha Zeglen đã đăng ký một cuộc thử nghiệm ở Chicago. Cha mặc một chiếc áo chống đạn làm bằng loại vải này và một khẩu súng lục bắn vào chiếc áo chống đạn ở khoảng cách tám bước và không một viên đạn nào làm phiền ông Zeglen.”

Thành công

Áo chống đạn đã trở nên rất phổ biến, mặc dù bảng giá bán đã hạn chế rất lớn sự hữu dụng của nó. Giá tơ lụa khá cao và chiếc áo chống đạn có giá tương đương hàng nghìn đô la theo tiêu chuẩn ngày nay. Tuy nhiên, những người có đủ khả năng chi trả cảm thấy yên tâm khi các báo cáo về tính hiệu quả của vải lụa của Cha Zeglen tăng lên.

Ví dụ điển hình nhất về sự thành công của loại vải lụa này là khi nó cứu được Vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha. Nhà vua đã sử dụng loại vải dệt lụa của áo chống đạn để phủ lên cỗ xe hoàng gia của mình. Khi một quả lựu đạn tự chế nổ văng vào xe của nhà vua, không một mảnh đạn nào xuyên qua được.

Trong khi những chiếc áo chống đạn hiện đại được làm bằng chất liệu khác, như sợi tổng hợp Kevlar, người ta vẫn sử dụng kỹ thuật dệt do Cha Casimir Zeglen phát triển. Những đóng góp của vị linh mục Công giáo người Ba Lan vẫn hiện về sống động mỗi khi một viên đạn bị chặn lại bằng áo chống đạn. Ước tính rằng từ những năm 1960, chỉ riêng ở Hoa Kỳ hơn 3.000 mạng sống của các sĩ quan cảnh sát đã được bảo vệ nhờ công nghệ này.

Quý vị đọc thêm về sự phát triển áo chống đạn của Cha Zeglen tại Culture.Pl.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/9/2021]