by phanxico.vn
Bác sĩ nhà văn Antoine Moulonguet còn có bút hiệu là Antoine Sénanque,
tác giả quyển sách Chữa lành khi không thể
(Guérir quand c’est impossible, nxb. Marabout).
lavie.fr, Jean-Claude Noyé, 2019-03-27
Theo bác sĩ thần kinh học Antoine Moulonguet, chúng ta không thể bỏ qua sức mạnh tâm trí cũng như đức tin. Bác sĩ dựa trên xác quyết kinh nghiệm lâm sàng lâu dài của mình.
Điều gì làm cho bác sĩ quan tâm đến cơ chế tự phục hồi, đặc biệt là các phương pháp chữa lành bị khoa học chính thức cho là không thể được?
Tôi được đào tạo gần như theo cổ điển, tôi là bác sĩ theo chủ nghĩa duy lý, theo nghĩa rạch ròi của người theo học thuyết Đề-cát, nếu không muốn nói là theo nghĩa hẹp của chữ này. Nhưng là bác sĩ thần kinh, tôi buộc phải xác nhận không có một chữa trị nào đối với các bệnh thần kinh thoái hóa như: Alzheimer, Parkinson, v.v…. Tốt nhất là có thể làm trì hoãn tiến trình bệnh. Các bác sĩ ung thư học biết các trường hợp bệnh ung thư, đôi khi nó biến mất một cách tự nhiên, đặc biệt ung thư não nơi trẻ em (neuroblastome) và ung thư mêlanin nơi người lớn (mélanome). Không có gì giống như vậy trong thần kinh học. Như thử tất cả cơ chế tự chữa lành không vượt qua hàng rào máu-não được. Đứng trước các thất bại điều trị khá tuyệt vọng này, tôi đi một vòng qua các con đường chữa trị khác. Khá thú vị, tôi sớm nhận ra con đường chữa lành tâm linh.
Ý của bác sĩ là như thế nào?
Tôi phân biệt hai con đường chữa lành tâm linh: một là phàm tục, hai là tôn giáo. Con đường đầu tiên tập trung vào sức mạnh của tâm trí, tác động của nó trên cơ thể. Con đường này bắt đầu có chỗ đứng trong môi trường y khoa. Trong các bệnh viện, bây giờ cánh cửa mở ra cho thiền định, thôi miên, các thầy thuốc ngoại khoa, thậm chí cả những người chữa bằng điện ở tay. Tất cả tùy thuộc vào thiện chí của các trưởng khoa. Con đường thứ nhì là con đường tâm linh, nhất là trong các hình thức lạ lùng của nó. Nhưng y khoa chính thức vẫn tiếp tục từ chối con đường này. Dù ông tổ của y khoa Hippocrate đã rõ ràng nói đến con đường này.
Có nghĩa là?
Theo Hippocrate, câu hỏi đầu tiên người bác sĩ phải hỏi bệnh nhân là: “Ông/bà là ai?” Có nghĩa là các săn sóc phải được cá nhân hóa. Ông nhấn mạnh chúng ta phải biết y học ngừng ở đâu và ông viết, “các bệnh nhân mà mọi chữa trị đều không đáp ứng thì phải gởi họ đến đền thờ”. Chính xác mục đích quyển sách của tôi là để nói, chúng ta không được từ chối, khởi đi từ lập luận khoa học, con đường này hay con đường kia của các hình thức chữa lành tâm linh này. Cả với những gì xảy ra bên ngoài “đền thờ”, cũng như chính bên trong đền thờ. Chính tôi, đối diện với các bệnh nhân bị bệnh liệt cơ Charcot mà tình trạng chỉ có thể đi xuống, đã bao nhiêu lần tôi muốn nói: “Hãy thử tất cả mọi cách, hãy đi Lộ Đức.” Nhưng tôi không dám nói. Cả các bệnh nhân bị các loại bệnh thoái hóa họ cũng không dám hỏi chuyên gia là tôi, họ có được phép thử qua các trị liệu khác không, dù họ rất khao khát. Đó là loại ổ khóa mà tôi muốn bung ra.
Tại sao?
Bởi vì nó sẽ đưa họ ra khỏi thế thụ động làm cho họ thêm chán nản và làm cho các triệu chứng của họ thêm trầm trọng. Nếu chúng ta mở một khoảng không gian hy vọng cho họ, thì họ cũng chẳng có gì để mất, có khi lại thắng tất cả vì đó là chìa khóa để kích hoạt các cơ chế tự phục hồi đang nằm ngủ trong mỗi người chúng ta. Thêm một lý do nữa, đó là để nhắc lại, sự phát triển và giảng dạy cho một tiếp cận y khoa vừa toàn diện vừa thực dụng. Chẳng hạn đủ mềm dẻo để với một đối thoại đầy đủ quanh các trường hợp lâm sàng, giữa các trị liệu theo quy ước và các chuyên gia săn sóc thay thế hay bổ sung được chọn vì chuyên môn và mức độ nghiêm túc của họ.
Bác sĩ nêu câu nói của dược sĩ tâm lý gia Émile Coué: “Tất cả chúng ta đều có một tủ thuốc trong người…”
Đúng, tủ thuốc bên trong này có thể chữa lành tất cả các bệnh, nhưng, than ôi, chúng ta mất người dược sĩ. Bởi vì tôi đã thấy trong kinh nghiệm lâu dài làm việc của tôi, rất nhiều người bị bệnh sau cú sốc xúc cảm quá mạnh, vì thế tôi tin chắc điều ngược lại cũng đúng: tinh thần có thể chữa khỏi, kể cả những bệnh lý nặng nhất…
Đó là điều làm cho bác sĩ quan tâm đến các chữa lành gọi là phép lạ?
Chắc chắn rồi. Chỉ cần nêu lên trường hợp duy nhất mà bệnh Parkinson được chữa lành, đó là trường hợp của nữ tu Marie Simon-Pierre năm 2005, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời và theo Giáo hội công giáo, đó là nhờ cầu bàu với ngài. Ở Lộ Đức, các cơ chế cực mạnh tự chữa lành đang được thấy. Khoa học một ngày nào đó giải thích và bỏ đi chiều kích tôn giáo của nó không? Tại sao không, nhưng về cơ bản, điều này không quan trọng.
Bác sĩ nêu lên trường hợp của ông Pierre De Rudder, một trong những người nhận phép lạ đầu tiên ở Lộ Đức, tháng 4 năm 1875, chân của ông bị gãy trong một tai nạn được chữa lành mà không để lại di chứng nào…
Đúng, vì để gọi là phép lạ thì phải hành động trong da thịt. Xương ống quyển của ông lòi ra và vết thương bị ung hoại, mắt cá bị trật khớp và bác sĩ khuyên nên cưa. Khám nghiệm tử thi sau khi ông qua đời cho thấy các xương bị trật khớp đã tự nhiên quay trở lại, không khác gì chân bên kia. Còn ly kỳ hơn nữa là các câu chuyện được các bác sĩ chứng thực cho biết, vào thế kỷ 17 có những người chân đã bị cưa rồi được mọc lại như cũ. Còn ở thời Trung cổ có nhiều vụ sống lại. Các phép lạ được kể ra thời bây giờ không có sức mạnh như thế.
Tại sao?
Theo tôi vì tâm linh tập thể làm việc trong những giây phút mãnh liệt này, khi mà chữa lành là không thể được trở thành có thể được, tâm linh này không còn cùng một cường độ. Một giải thích có thể có, là các tin tưởng của chúng ta có tác động sáng tạo trên các hiện tượng. Ngày xưa người ta tin có phép lạ sống lại và các vụ sống lại xảy ra. Quyền lực của các phép lạ, và thông thường hơn, sự tự chữa lành tùy thuộc vào sự tin tưởng của chúng ta và sức mạnh mà niềm hy vọng của chúng ta truyền đến họ. Về mặt này, khoa học đã không chỉ làm vỡ mộng cái nhìn của chúng ta có về thế giới mà cả các hiện tượng nảy sinh từ đó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Làm thế nào một vụ chữa lành không giải thích được cho là phép lạ?
Didier van Cauwelaert