Từng bước theo Ngài (4) | Thứ Sáu Tuần Thánh

2009

Linh Mục Carôlô

THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ngày 7 tháng 4 năm 30

I. Trước Tòa Philatô

Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, dù không có quyền nhưng đã tuyên án xử tử Đức Giêsu. Tuy nhiên để có thể thi hành án này thì họ cần được Rôma chấp thuận. Bởi vậy họ giải Đức Giêsu đến Philatô.
“Vậy người Do Thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh Tổng trấn” (Ga 18,28).

Thực ra ở Giêrusalem không có Dinh của tổng trấn Rôma vì ông không thường xuyên ở đây. Theo các sử gia Philon và Flavius Josèphe cho biết thì Tổng trấn Rôma chỉ đến Giêrusalem vào những dịp có đông người, để giám sát an ninh trật tự. Khi tới Giêrusalem, tổng trấn thường ở tại Pháo đài Antônia nằm ở phía bắc thành Giêrusalem. Thông thường thì ở pháo đài Antônia có khoảng 600 lính. Nhưng khi tình hình căng thẳng thì có thêm quân từ thành phố Xêdarê đến tăng viện. Mà năm 30 thì tình hình căng thẳng theo như một chi tiết ở Lc 13,1 cho biết (Lc 13,1: một số người Galilê lên Giêrusalem dự lễ đã bị lính của Philatô giết lây trong một cuộc dẹp loạn). Như vậy, từ “dinh tổng trấn” chỉ là nơi tổng trấn đang ở thôi, và trong hoàn cảnh cụ thể của chuyện này thì đó chính là pháo đài Antônia.

Như đã trình bày ở phần trên, Thượng Hội Đồng Do Thái giáo không có quyền xử tử. Họ đã lên án tử cho Đức Giêsu vì tội phạm thánh, nhưng để án này được thi hành thì họ cần được tổng trấn Rôma chấp thuận. Vì thế mà họ mới giải Đức Giêsu đến tòa của Philatô. Dù vậy, họ biết rằng Philatô sẽ không chấp nhận án tử chỉ vì những lý do tôn giáo riêng của dân Do Thái. Bởi đó trước mặt Philatô, Thượng Hội Đồng hoàn toàn không đá động gì tới tội phạm thánh. Thay vào đó là 3 tội danh chính trị: Xách động quần chúng, ngăn chặn việc nộp thuế cho Xêda và tự xưng là vua.

Thái độ của Philatô trong phiên xử này rất là lưỡng lự: (1) Ban đầu ông không tin những lời tố cáo đó nên nói: “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy?” (Ga 18,38). Nhưng để làm vừa lòng người do thái, ông ra lệnh đánh đòn Đức Giêsu. Xong đưa Ngài ra trình diện đám đông với một thân thể rất tội nghiệp, hy vọng rằng họ sẽ thương tình mà đồng ý tha Ngài. Nhưng dân chúng la to: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây” (Lc 23,5); (2) Philatô đang tìm một lối thoát cho mình, nên vừa nghe tới Galilê ông liền chộp lấy cơ hội: Giải Đức Giêsu sang vua Hêrôđê. Ông này cai trị vùng Galilê và hiện đang có mặt ở Giêrusalem để dự lễ. Hêrôđê là một người hiếu kỳ. Từ lâu ông đã muốn gặp mặt con người đặc biệt tên Giêsu ấy. Nhưng Đức Giêsu chẳng làm một phép lạ nào cho ông thưởng thức. Thậm chí Ngài cũng chẳng nói một câu nào. Hêrôđê thất vọng nên lại gởi trả Đức Giêsu về cho Philatô. Thế là quả bóng lại được chuyền về phía Philatô! Ông này đành tiếp tục cuộc xử; (3) Đang lúc Philatô bối rối như thế thì bà vợ ông sai người đến nói với ông “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, trong chiêm bao, tôi đã khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Những lời của bà vợ khiến Philatô càng muốn tha Đức Giêsu. Nhưng để có lý do mà tha thì Philatô đưa một tên gian phi tên Baraba ra để cho họ so sánh với Đức Giêsu, với hy vọng là họ sẽ xin tha Đức Giêsu. Nào ngờ người Do Thái lại xin tha cho Baraba và đòi giết Đức Giêsu.

Các hoàng đế Rôma (như Maximilen và Dioclétien) đã có chỉ dẫn cho các quan tòa rằng: “Quan tòa không được nghe theo những đòi hỏi vô cớ của quần chúng, bởi vì họ thường muốn tha kẻ có tội và kết án người vô tội”. Philatô cũng biết điều đó chứ. Nhưng tại sao cuối cùng ông giao Đức Giêsu cho người Do Thái đem đi giết? Sử gia Philon cho rằng Philatô đang có nhiều điều sai trái mà ông không muốn cho Hoàng đế biết: Do cai trị kém cỏi, ông đã để xảy ra nhiều cuộc nổi loạn, kho báu của Đền thờ bị mất cắp, trong thời gian cầm quyền ông đã tham nhũng, ức hiếp người vô tội, điều hành kém, ra nhiều sắc lệnh sai trái v.v. cho nên ông sợ người do thái sẽ cử một phái đoàn đi Rôma tố cáo ông. Vậy để tránh tai họa này, ông đành làm theo đòi hỏi của họ.

Vậy là cuối cùng, Philatô đành giao Đức Giêsu cho người Do Thái đem đi đóng đinh.
Đến đây, bắt đầu những cuộc hành hạ Đức Giêsu.

II. Đánh đòn

Cuộc hành hạ khởi sự với màn đánh đòn.

Đối với luật Do Thái, hình phạt đánh đòn được áp dụng cho một số tội (xem Đnl 25). Nhưng phải theo một số quy định: (1) Phải dùng roi thường; (2) Không được đánh quá 40 roi. Để bảo đảm không sai luật, người ta thường chỉ đánh 39 roi rồi dừng lại: 13 roi trên ngực, mỗi vai 13 roi; (3) Đôi khi để tiến hành nhanh hơn, người ta có thể dùng roi da 3 sợi. Khi đó thì chỉ được đánh 13 cái thôi.

Theo luật Rôma thì tàn nhẫn hơn: (1) Không quy định số lần đánh, mà để tùy ý của vị xét xử hoặc của người hành xử; (2) Có hai loại roi: Flagella là roi da. Nếu đánh mạnh thì có thể làm gãy xương vai hoặc xương sống ; còn đánh nhẹ thì có thể làm tróc da. Horace đã gọi hình thức đánh đòn này là “horribile flagellum” (trận đòn khủng khiếp); flagra là những sợi dây xích mà ở cuối có gắn thêm những mãnh kim loại hoặc xương cừu. Từ hy lạp trong Tin Mừng Mc chỉ loại roi thứ hai, còn trong Mt là loại thứ nhất. Sự thực không biết thế nào. (3) Nạn nhân bị trói vào một cái cột để khó né tránh những ngọn roi, còn áo quần thì phải cởi ra để cho các lằn roi chạm mạnh hơn vào da thịt. Tóm lại hình phạt đánh đòn theo luật Rôma rất là tàn nhẫn. Sách Công vụ Tông đồ kể rằng khi Phaolô sắp bị đánh đòn, ngài đã sử dụng quyền công dân Rôma để thoát khỏi hình phạt tàn nhẫn này. (4) Ngoài ra, đối với những nạn nhân bị án tử, việc đánh đòn này còn có mục đích làm cho nạn nhân yếu đi để không còn sức chống cự khi bị đóng đinh. 

III. Sỉ nhục

Ngoài hình phạt đánh đòn chính thức, quân lính còn có thể nghĩ ra thêm những cách để hành hạ nạn nhân.

Đối với Đức Giêsu, chúng bày trò chế diễu Ngài như một ông vua cỏ: Lột áo Ngài ra, thay vào đó là một tấm áo choàng màu đỏ tượng trưng cho cẩm bào, đặt vào tay Ngài một cây sậy tượng trưng cho vương trượng, đội lên đầu Ngài một chiếc mão gai tượng trưng cho vương miện.

ĐHY Carlo Maria Martini đã giải thích tâm lý chiều sâu của đám quân lính hành hạ Đức Giêsu là “frustration et désir de revanche”, “vì bị thất đoạt nên thích trả thù”.

a/ Thất đoạt: Họ là những kẻ làm lính để ăn lương nhưng lương thì rất thấp; họ chỉ là lính quèn nên thường bị các sĩ quan cấp trên chửi mắng, trừng phạt; họ là lính cho đế quốc nên bị dân chúng Do Thái khinh ghét…
b/ Những thất đoạt trên cứ chồng chất ngày càng thêm trong lòng, tạo nên một sự dồn nén, hễ có dịp là trút ra bằng những hành động dã man trên người nào vô phúc rơi vào tay họ. Và Đức Giêsu là người vô phúc ấy.

Một số tài liệu lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu thêm về hình phạt đánh đòn và trò sỉ nhục mà Đức Giêsu phải chịu:

1/ Có một trò lễ hội dân gian được đặt tên là Sacaea: Người ta bầu chọn một người nào đó lên làm “vua cỏ”. Vị “vua” này được thoải mái trong hai ba ngày, tha hồ muốn làm gì thì làm, kể cả ngủ với các cung phi của nhà vua. Sau 2,3 ngày đó thì ông vua cỏ ấy bị lột hết quần áo, bị đánh đòn và treo cổ chết. Phải chăng đám lính Rôma đã bắt chước tục lệ này để hành hạ Đức Giêsu?
2/ Những khai quật khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một trò mà lính Rôma thích chơi: Ở một góc sân của pháo đài Antônia có hình vẽ những ô chữ nhật tương tự như trò chơi nhảy cò cò của trẻ em thời nay. Mỗi ô có một con số hoặc mẫu tự chỉ thị một việc nào đó mà người chơi phải làm. Người ta dùng một thứ gì đó để thảy vào các ô ấy. Ai thảy vào ô nào thì phải thực hiện điều được viết trong ô đó. Có lẽ quân lính Rôma đã chơi trò này : chúng lần lượt thảy vào các ô, ai thẩy trúng ô nào thì thực hiện lệnh viết trong ô đó lên mình Đức Giêsu (đánh bao nhiêu roi, hành hạ cách nào v.v.). 

IV. Đường Thánh Giá

Từ thế kỷ IV, những người hành hương Thánh địa có sáng kiến đi lại con đường Đức Giêsu đã đi trong cuộc chịu nạn, từ pháo đài Antônia đến Núi Sọ, đoạn đường khoảng chừng 400-500 mét. Sau đó, do các cha dòng Phanxicô quảng bá, việc đi đường Thánh Giá được thực hiện ở nhiều nơi khác khắp thế giới : đi ngoài đường, đi trong nhà thờ v.v.
Thông thường thì đường Thánh Giá gồm 14 chặng, nhưng cũng có những cách khác không theo số lượng đó (chẳng hạn 15 chặng). Tuy nhiên sự kiện của mỗi chặng nhiều khi chỉ là suy đoán (thí dụ 3 lần Đức Giêsu ngã xuống, Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ). Dù sao các suy đoán ấy cũng không sai sự thật lịch sử. Ngoài ra chúng còn giúp ích cho lòng đạo đức.

Sau đây, xin đi vào chi tiết một số chặng.

Chặng thứ 2: Vác thập giá
Có những cuộc xử tử phải tiến hành cách “rầm rộ” để làm bài học răn đe dân chúng. Vì vậy mà phải tổ chức một cuộc diễu hành của tội nhân qua các đường phố dẫn tới pháp trường.

Nếu xử theo luật do thái thì có những chỉ dẫn sau đây của sách Talmud : Tử tội phải được dẫn đi giữa ban ngày để mọi người đều có thể nhìn thấy ; một người dẫn đầu cuộc diễu hành vừa đi vừa hô to tên của tội nhân và tội của hắn, hoặc cầm cao một tấm bảng ghi các chi tiết này ; có hai học giả thần học đi kèm hai bên tội nhân và buộc tội nhân phải thú nhận tội lỗi của mình, đồng thời tuyên bố mình chấp nhận chết để đền tội ; lại có một đại diện của Thượng Hội đồng đi theo để giám sát cuộc thi hành án.

Nếu theo luật Rôma thì cũng tương tự : đi đầu là một viên sĩ quan bách quản, tiếp theo là một toán lính gồm từ tối thiểu là 4 người cho đến 100 người nếu tử tội là một kẻ nguy hiểm. Cũng có một tấm bảng ghi tên và tội danh của người bị xử tử.

Không biết cuộc diễu hành của Đức Giêsu qua các đường phố là theo kiểu Rôma hay do thái. Nhưng quả thực là có cuộc diễu hành đó.
Sử gia Plutarque cho biết là nạn nhân phải tự vác lấy thập giá của mình. Điều này đúng với chi tiết ghi trong Tin Mừng Gioan : “Đức Giêsu vác thập giá của Ngài” (Ga 19,17). Nhiều sử gia khác nhất trí rằng nạn nhân chỉ vác thanh ngang thôi, còn thanh dọc thì đã để sẵn ở pháp trường. Cả bộ thập giá 2 thanh thì nặng chừng 70 kg, riêng thanh ngang thì chỉ chừng 30 kg.

Nếu chỉ vác 30 kg thì một người đàn ông 30 tuổi như Đức Giêsu dư sức. Nhưng đêm trước đó Ngài đã thức trắng vì những cuộc thẩm vấn, bị đánh đòn, mất nhiều máu. Ngoài ra thời tiết tháng 4 ở Giêrusalem rất nóng, nhất là từ 11 trưa giờ về sau. Bởi thế Đức Giêsu vác không nổi (Từ đó người ta suy ra 3 lần Chúa Giêsu bị ngã xuống đất). Vị sĩ quan phụ trách cuộc hành hình lo ngại Đức Giêsu không tới được nơi hành hình nên đã bắt một người vác thay cho Ngài.

Chặng thứ 5: Ông Simon vác đỡ thập giá Đức Giêsu
Ba quyển Tin Mừng nhất lãm đều ghi nhận chi tiết này (Mt 27,32 ; Mc 15,21 ; Lc 23,26). Đó là một người vừa xong việc đồng áng trở về. Hôm đó chỉ mới là Thứ Sáu, chưa buộc nghỉ việc theo luật Sabát. Tên ông là Simon người gốc xứ Xyrênê.

Thánh truyền cho rằng Simon là một trong số 72 môn đệ Đức Giêsu. Mác cô cho biết thêm tên 2 người con trai của ông là Alexandre và Rufus. Mác cô đã kể tên họ ra có lẽ vì họ là 2 nhân vật tích cực trong Giáo Hội sơ khai. Thánh Phaolô cũng có nhắc tới ông Rufus (Rm 16,3). Bản thân Simon cùng với các con của ông đều đã trở thành những kitô hữu tốt. Đó chính là hiệu quả của việc ông Simon thông phần vào Thập giá Đức Giêsu vậy.

Chặng thứ 8: Những phụ nữ thành Giêrusalem
Thánh Luca ghi rằng “có đông người đi theo” (Lc 23,27).

Điều này dễ hiểu: Những cuộc xử tử thường lôi cuốn những kẻ hiếu kỳ. Vả lại vụ án Đức Giêsu đã bắt đầu từ 5 ngày trước nên dư luận đã biết tới nhiều. Mấy ngày sau, hai môn đệ Emmau đã nói với Đức Giêsu mà khi đó các ông chưa nhận diện: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay ?” (Lc 24,18).

Đám đông ấy gồm những ai? Dĩ nhiên là có những kẻ hiếu kỳ, những người chưa từng quen biết Đức Giêsu. Nhưng đương nhiên cũng có những người thân của Ngài, những người từng làm môn đệ Ngài, những người từng chịu ơn Ngài. Điều khiến chúng ta phải suy nghĩ là không một ai lên tiếng bênh vực Ngài. Chúng ta suy nghĩ về chi tiết này bởi vì Luật do thái đã quy định rằng đang lúc cuộc xử tiến hành, chỉ cần có một người nào đó lên tiếng phản đối bản án, thì phải xử lại ngay lập tức. Trong vụ án bà Suzanna, tiếng nói của một đứa bé như Đaniên mà cũng thay đổi được tình hình. Dựa vào khoản luật này, ta có thể tưởng tượng thêm mà không sợ sai là dẫn đầu đoàn diễu hành có một viên chức thỉnh thoảng rao to lên : “Nếu có ai thấy vụ án này bất công, nếu có ai thấy tên Giêsu này vô tội, thì hãy lên tiếng”. Vậy mà không một ai lên tiếng bênh vực Đức Giêsu!

Tại sao? Chắc là vì sợ, nhất là sợ các Thượng tế. Cũng có lẽ vì không muốn phiền phức lôi thôi: dù sao thì sự việc đã định rồi. Thôi kệ! Can thiệp chi cho mất công! Và cũng có lẽ đó là tâm lý thường tình của quần chúng: Được làm vua, thua làm giặc! Ngụ ngôn do thái có câu: “Các ngôn sứ thất bại chỉ còn một ít đệ tử”. Do tâm lý này, chẳng những người ta không bênh vực Đức Giêsu, mà còn hùa theo đám đông để chế nhạo Ngài.

Nhưng có một số phụ nữ không kềm được tình cảm của mình. Họ đứng bên vệ đường khóc thút thít. Đức Giêsu đã dừng lại an ủi họ (Lc 23,28.31). Ngài quên nỗi khổ của bản thân để an ủi những người khác đau khổ.

Chặng thứ 6: Bà Vêrônica lau mặt Chúa
Thánh truyền kể rằng có một phụ nữ đã can đảm tiến ra lấy khăn lau mặt Đức Giêsu. Và để đáp lại tấm lòng của Bà, Ngài đã in khuôn mặt mình vào tấm khăn ấy. Bà ấy là ai ? Có nhiều giả thuyết: (1) Đó là Maria làng Bêtania; (2) Đó là người phụ nữ đã được Ngài chữa khỏi bệnh loạn huyết; (3) Đó là vợ của ông Dakêu, người mà trước đó không lâu đã được Đức Giêsu ban ơn hoán cải; (4) Đa số thì nói tên bà là Vêrônica. Có người cho rằng Vêrônica là đọc trại tên Bérénice.

Cây Thập giá
Nơi hành hình Đức Giêsu được 4 sách Tin Mừng đều gọi tên là “Sọ” trong tiếng Latin là Calvarius. Đó là một ngọn đồi hình dáng giống chiếc sọ người. Luật ghi trong Đnl 13,11 buộc phải thi hành việc xử tử ở một nơi mà nhiều người có thể nhìn thấy “để cho dân trông thấy mà sợ”. Chính vì thế mà người ta đã chọn địa điểm này, một ngọn đồi hơi cao ở gần cổng thành.

Hình phạt đóng đinh có nguồn gốc từ dân Ba Tư và được đế quốc Rôma xử dụng. Tuy nhiên Rôma chỉ áp dụng hình phạt này cho những tên trộm cướp, phản loạn… thuộc thành phần nô lệ và ngoại kiều. Viên chức nào ra lệnh đóng đinh một công dân Rôma thì sẽ bị kết tội.

Có nhiều loại thập giá: (1) “Crux simplex”, thập giá đơn, chỉ có một thanh dọc; (2) “Crux summissa” hay “crux commissa” có thêm thanh ngang phía trên, làm thành hình chữ T; (3) “Crux decussata” hình chữ X; (4) “Crux capitata” đầu của thanh dọc cao hơn thanh ngang một chút, nên thành hình chữ thập. Thập giá của Đức Giêsu thuộc loại thứ tư này. Nó không cao lắm, chiều cao chỉ bằng 1,5 chiều cao thân thể nạn nhân, vì nếu cao hơn thì khó cho việc hành hình.

Chuẩn bị đóng đinh
Trước khi tiến hành việc đóng đinh, người ta cho nạn nhân uống một thứ thuốc giảm đau. Sách Châm ngôn ghi lại một lời khuyên: “Hãy cho người sắp chết uống rượu mạnh” (Cn 31,6). Đây là một thức uống nhằm làm giảm đau. Theo sách Talmud, ở Giêrusalem có một hội của các phụ nữ giàu có chuyên cung cấp thứ nước này cho các tử tội. Tin Mừng Mc ghi là người ta đã trao cho Đức Giêsu “rượu pha mộc dược” (Mc 15,23) ; còn Tin Mừng Mt thì nói đó là “rượu pha mật đắng” (Mt 27,34). Có lẽ Mt đã lầm chữ hy lạp mora (mộc dược) với memora (mật đắng). Vả lại Mt muốn viết như thế để cho thấy ứng nghiệm Thánh vịnh 59,22 “Chúng đã pha mật đắng vào thức ăn của tôi, và chúng cho tôi uống giấm chua”. Dù sao thì cả Mc và Mt đều ghi nhận rằng Đức Giêsu đã không uống: Ngài muốn chịu cho đến tận cùng những khổ hình thập giá.

Chặng thứ 10: Lột áo
Sau khi cho nạn nhân uống thuốc giảm đau, người ta lột áo nạn nhân ra. Cả 4 quyển Tin Mừng đều ghi nhận Đức Giêsu bị lột áo (Mt 27,35; Mc 15,24; Lc 23,34; Ga 19,23).

Vấn đề cần tìm hiểu là Đức Giêsu đã bị lột hết quần áo hay còn được chừa lại một chút để che sự lỏa lồ. Một số người nghĩ rằng vì lòng nhân đạo, người ta không lột hết quần áo nạn nhân. Nhưng Thánh Ambrôsiô, Augustinô và Cyprianô nghĩ rằng Đức Giêsu bị lột hết. Sự thật không rõ thế nào. Riêng đối với nữ tội nhân thì người ta chừa lại phần che phía thân trước.

Áo của nạn nhân thuộc quyền sở hữu của đám lính hành hình, như một thứ thù lao. Tin Mừng Ga nói là quân lính “đã chia áo Đức Giêsu ra làm bốn phần, mỗi người một phần” (Ga 19,23).
Nhưng chiếc áo dài của Đức Giêsu không có đường khâu nên chúng không xé ra, mà rút thăm xem ai được (Ga 19,24).

Đây là loại áo mà vị Thượng Tế do thái phải mặc. Bởi đâu mà Đức Giêsu có chiếc áo quý giá này? Cũng có nhiều giả thuyết: (1) Do Đức Maria dệt đặc biệt cho con mình; (2) Đó là một món quà của một phụ nữ đạo đức nào đó; (3) Đó là tấm áo choàng đỏ mà quân lính đã khoác lên Ngài để chế nhạo.

Chúng ta không cần tìm hiểu lai lịch của chiếc áo này. Chỉ cần hiểu ý nghĩa mà Tin Mừng Gioan muốn nhấn mạnh: (1) Đức Giêsu là Thượng Tế; (2) Chiếc áo không bị xé ra tượng trưng cho Giáo Hội của Ngài không thể bị chia rẻ.

Chặng thứ 11: Đóng đinh
Trước tiên, cần tìm hiểu vị trí của những chỗ đóng đinh trên thân thể nạn nhân. Ai cũng biết là đóng lên tay và chân. Nhưng cần xác định rõ hơn nữa:
– Về tay: Hầu hết các bức họa đều vẽ Đức Giêsu bị đóng đinh giữa lòng bàn tay. Các vị được đặc ân in 5 dấu thánh cũng có vết thương nơi lòng bàn tay. Nhưng những nhà nghiên cứu dựa trên y học thì nói rằng không thể đóng đinh vào giữa lòng bàn tay, vì khi treo xác lên, sức nặng của cơ thể sẽ xé rách bàn tay ra và thân thể nạn nhân sẽ rơi xuống đất. Vì thế họ cho rằng đinh phải được đóng ở chỗ dưới cườm tay. Chỗ này có một cái hốc giữa hai nhánh xương nên sức chịu đựng lớn hơn. Giải thích này hợp lý. Nếu Đức Giêsu bị đóng đinh nơi cườm tay thì sự đau đớn của Ngài khủng khiếp hơn, bởi vì chỗ đó là nơi hội tụ những dây thần kinh.
– Về chân: Có lẽ người ta bắt hai bàn chân của nạn nhân chụm lại và đóng một chiếc đinh duy nhất, phía trên mắt cá.
– Về thứ tự những nhát đinh: Ban đầu người ta bắt nạn nhân nằm lên thanh ngang để đóng hai tay vào đó. Sau đó dùng dây để kéo thân thể lên thanh dọc, rồi đóng tiếp hai chân.

Những đau đớn vì bị đóng đinh thật là khủng khiếp: (1) Đinh chạm vào các dây thần kinh nên gây ra những cơn đau dữ dội; (2) Chất sắc của đinh nhiễm vào máu gây ra chứng co giật vì phong đòn gánh; (3) Mất máu nên khát nước; (4) Máu bị nhiễm trùng nên bộ máy hô hấp phải làm việc tối đa để lọc máu; (5) Nhưng trong khi đó thì hai tay của nạn nhân bị căng ra nên khó thở. Để thở, nạn nhân phải rướn mình trên hai chân, nhưng như thế là sức nặng toàn thân dồn xuống chân khiến hai chân rất đau. Để bớt đau, nạn nhân lại buông mình treo trên hai tay và tới phiên hai tay phải đau. Cơ thể nạn nhân cứ nhô lên hụp xuống liên tục. (Vì thế, để cho nạn nhân chết nhanh, người ta đập gãy ống chân để không còn có thể rướn lên mà thở nữa).

Lịch sử cho biết thêm rằng trong một trận chiến giữa người do thái với quân Rôma, quân Rôma đã bắt được một thủ lãnh của người do thái tên là Éléazar. Quân Rôma chỉ cần làm bộ như sắp đóng đinh vị thủ lãnh này thì lập tức quân do thái chịu đầu hàng ngay. Đủ biết là hình khổ đóng đinh dã man đến mức nào ! Cũng chính vì hình phạt đóng đinh quá dã man nên kitô hữu thế kỷ đầu không dám dùng ảnh Thánh Giá. Khi Constantinô lên làm Hoàng Đế Rôma thì một trong những việc đầu tiên ông làm là ra lệnh hủy bỏ hình phạt thập giá.

Khi việc đóng đinh hoàn tất thì đã khoảng giữa trưa ngày thứ sáu áp lễ Vượt Qua. Đó chính là giờ tín đồ do thái bắt đầu giết chiên vượt qua. Cơn hấp hối của Đức Giêsu hòa nhịp với những tiếng rên la của các con chiên vô tội đang vang lên khắp Giêrusalem.

Chặng thứ 12: Những giờ phút cuối cùng

Đức Giêsu hấp hối trên thập giá “từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” (Mt 27,45), nghĩa là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, tức là kéo dài 3 tiếng đồng hồ. 3 tiếng đồng hồ khủng khiếp! Hai bên Ngài có hai tên gian ác cùng bị xử chung.

Nên nhớ là đồi Golgotha ở gần cổng thành Giêrusalem, và lúc đó là thời gian sắp bắt đầu lễ Vượt qua, cho nên khách đi ngang qua đó để tiến vào thành rất là đông. Đa số họ không tìm hiểu cặn kẻ vụ án, chỉ thấy ai bị đóng đinh là cho rằng người ấy đã phạm trọng tội. Vì vậy rất nhiều người chỉ chỏ, xì xào, chửi rủa.

Phần Đức Giêsu, từ đầu tới cuối cuộc hành hình, Ngài luôn im lặng. Ngài chỉ nói 3 câu, 3 câu dạt dào yêu thương:

1/ Câu nói thứ nhất của Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Người Do Thái không biết đến việc tha thứ cho kẻ thù. Môn đệ Đức Giêsu thì đã được dạy làm thế. Nhưng tha thứ kẻ thù không phải là lý thuyết. Tha trong hoàn cảnh cụ thể mình đang bị kẻ thù hành hạ khủng khiếp mới đáng phục. Đức Giêsu đã nêu cho chúng ta một tấm gương tha thứ cụ thể đến mức nào!

Chúng ta hãy tìm hiểu một hiện tượng được ghi lại trong Mt 27,45: “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất mãi cho đến giờ thứ chín”. Hai quyển Tin Mừng nhất lãm kia cũng ghi nhận như thế (Mc 15,33 ; Lc 23,44).

Hiện tượng này có xảy ra thật không? Một số nhà nghiên cứu cho là có thể, đó là do nhật thực. Nhưng nhiều giáo phụ, như Origène, Jérome và Gioan Kim Khẩu cho rằng thời gian đó không thể nào xảy ra nhật thực vì khi đó đang vào thời trăng tròn nên mặt trăng không thể nào xuất hiện giữa ban ngày được. Có một giải thích khá hợp lý như sau : đó là một hiện tượng đặc biệt gọi là Khamsin, “hơi thở đen của sa mạc”, tức là ở vùng sa mạc thỉnh thoảng có một luồng gió cuốn theo rất nhiều bụi che đen cả một vùng trời trong một khoảng thời gian, Hiện tượng này không phải hiếm ở vùng Trung Đông, nhất là vào khoảng tháng 4. Phải chăng đó cũng là hiện tượng đã xảy ra bên Ai cập vào thời Môsê?

Điều quan trọng là ý nghĩa mà các Tin Mừng nhất lãm muốn nói qua cách diễn tả đó. Các ngài đã dựa vào lời tiên tri của Amos (Am 8,9: “Sẽ xảy ra là trong Ngày Ấy, Ta sẽ cho mặt trời lặn giữa trưa ; và giữa ban ngày Ta làm cho đất tối sầm lại”) để nói rằng đó là dấu chỉ “ngày của Chúa” đã đến.

2/ Câu nói thứ hai của Đức Giêsu: Ngài nói với một trong hai tên gian ác bị đóng đinh bên cạnh “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,43).

Nhiều người đã tìm hiểu tên của hai kẻ gian ác này, và có nhiều giả thuyết: (1) Dismas và Geslas ; (2) Démas và Cystas; (3) Zoathan và Chammatha ; (4) Titus và Dumachus; (5) Moab và Zandi… Có giả thuyết nói rằng tên “trộm lành” này chính là đứa trẻ khi xưa đã nhường thức ăn cho trẻ Giêsu khi Ngài tị nạn bên Ai cập. Lại có chuyện kể rằng khi anh tỏ lòng sám hối với Đức Giêsu thì các Thượng tế tức giận nên ra lệnh đập gãy ống chân của anh! Chúng ta không quan tâm đến các truyền thuyết ấy. Chỉ ghi nhận lòng nhân từ thương xót của Đức Giêsu. Tên trộm lành này chính là người thợ làm vườn nho vào giờ thứ 11.

3/ Câu nói thứ ba của Đức Giêsu là trối thánh Gioan cho Đức Mẹ và trao Đức Mẹ cho thánh Gioan (Ga 19,26-27). Giáo Hội hiểu thánh Gioan là đại diện cho mình.

“Đã hoàn tất”
3 giờ chiều. Tại Đền thờ Giêrusalem bắt đầu các nghi thức đầu tiên của Lễ Vượt qua: 3 tiếng kèn (một ngắn, một dài, một ngắn) thổi lên; Vị Thượng Tế bắt đầu bước lên các bậc thang Đền thờ, thánh ca hòa với tiếng sáo nổi lên. Đang lúc đó, trên đồi Golgatha Đức Giêsu cũng cất tiếng “Thế là đã hoàn tất. Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần khí” (Ga 19,30).

Đấy không phải là kết thúc của một sự thất bại, mà là đỉnh cao của một cuộc chiến thắng, một chiến thắng huy hoàng sau bao nhiêu chiến đấu vô cùng gian khổ. Thánh Gioan đã ngụ ý như thế trong cách dùng từ của mình: (1) Không phải đầu Đức Giêsu hết sức không thẳng nổi nên phải gục xuống, mà là Ngài chủ động gục đầu mình xuống; (2) Không phải đó là lúc hơi thở cuối cùng của Ngài tắt lịm, mà là lúc Ngài trao ban Thần Khí cho nhân loại, Thần khí cứu độ, Thần khí thánh hóa.

Lúc đó lại có một hiện tượng được hai quyển Tin Mừng Mt và Mc ghi nhận: Bức màn trong Đền thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới (Mt 27,51 ; Mc 15,37) Riêng Mt còn thêm các chi tiết “Đất rung, đá vở. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chổi dậy. Sau khi Chúa chổi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra với nhiều người” (Mt 27,51-53).

Về bức màn, Cha Lagrange cho là cũng chính cơn gió mạnh Khamsin đã nói phía trên làm cho bức màn trong đền thờ bị xé rách.

Nhưng chúng ta nên hiểu ý nghĩa mà những hiện tượng trên ám chỉ: (1) Bức màn đó là màn ngăn cách gian thánh của Đền thờ với các gian khác phía ngoài. Nó bị xé rách nghĩa là cái chết của Đức Giêsu đã xoá bỏ sự ngăn cách giữa Thiên Chúa với loài người, giữa dân do thái và muôn dân; (2) Đất rung đá vở là những hiện tượng cho biết có Thiên Chúa can thiệp: Cái chết của Đức Giêsu nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa; (3) Các thánh “chổi dậy” là hiệu quả của cái chết cứu chuộc của Đức Giêsu.

Lưỡi đòng
Trời sắp về chiều, toán lính phụ trách hành hình muốn kết thúc công việc để về nhà. Muốn vậy thì phải chắc rằng các tử tội đã chết.

Người ta có nhiều cách làm cho tử tội chết nhanh: (1) Đốt lửa dưới chân thập giá để cho tử tội bị ngộp; (2) Đánh gãy ống chân tử tội để tử tội không còn có thể rướn mình lên mà thở nữa. Họ đã chọn cách thứ hai. “Quân lính đến đánh dập óng chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh dập ống chân Ngài nữa” (Ga 19,32-33). Nghĩa là Đức Giêsu đã chết trước hai người kia. Có lẽ vì Ngài bị hành hạ nhiều hơn.

Tin Mừng Gioan viết tiếp: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Ngài. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Đây là cách làm chắc ăn : xem bề ngoài thì chúng thấy Đức Giêsu đã chết. Nhưng cứ đâm thêm một nhát vào tim thì bảo đảm hơn. Nếu dựa vào lời Đức Giêsu phục sinh bảo Tôma “Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27) thì ta có thể đoán vết đâm to bằng bàn tay.

Nhưng ý nghĩa của những chi tiết này mới quan trọng: (1) Ống chân Đức Giêsu không bị đập gãy: Tin Mừng Ga muốn nói Đức Giêsu chính là Con Chiên Vượt Qua mà theo luật thì không được có tì vết nào và không một cái xương nào bị gãy (x. Xh 12,46 ; Ds 9,12); (2) Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài tượng trưng cho bí tích Rửa tội, bí tích Thánh Thể và sự tử đạo.

Chặng thứ 14: Táng xác
Đnl 21,23 dạy không được để xác chết còn treo trên cây lúc ban đêm. Hơn nữa những người thân của Đức Giêsu cũng không đành để Ngài ở lâu trên thập giá. Vì thế nên dĩ nhiên là phải hạ xuống.

Tuy nhiên thông thường thì xác các tử tội sau khi được hạ xuống thì phải quẳng vào hố chôn công cộng dành cho tội nhân. Chỉ sau khi thịt tan hết chỉ còn xương thì thân nhân mới lãnh về được. Sở dĩ ông Giuse Arimathia phải đến xin phép Philatô cho lãnh xác Đức Giêsu là vì lý do đó.

Tin Mừng Ga cho biết: “Ông Giuse này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo vì sợ người do thái” (Ga 19,38). Tin Mừng Lc cho biết thêm: Ông là “thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng” (Lc 23,50-51). Nghĩa là lúc Đức Giêsu rao giảng thì ông đã mộ mến, nhưng vì sợ nên chỉ làm môn đệ cách kín đáo thôi; khi Đức Giêsu bị xử, ông không tán thành nhưng cũng còn sợ nên không dám ra mặt bênh vực. Đến khi Ngài chết thì mọi sợ hãi tan biến hết. Cái chết của Đức Giêsu thật là nguồn muôn ơn phúc.

Khi Giuse Arimathia đến xin lãnh xác, Philatô ngạc nhiên cho đòi viên đại đội trưởng đến và hỏi Ngài đã chết lâu chưa. Sau khi viên đại đội trưởng báo cáo sự việc thì Philatô chấp thuận cho Giuse lãnh thi hài (Mc 15,44-45).

Lúc đó thêm một nhân vật xuất hiện. Đó là Nicôđêmô. Cũng như Giuse Arimathia, trước đó Nicôđêmô cũng mộ mến Đức Giêsu nhưng vì sợ nên không dám ra mặt. Hôm nay ông đến “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39).

100 cân Do Thái bằng 32 kílô bây giờ. Mộc dược là một sản phẩm đắt tiền, đó là lễ vật mà các đạo sĩ đã dâng cho Đức Giêsu hài đồng. Tội nghiệp cho Nicôđêmô. Có lẽ ông hối hận vì sau cuộc gặp gỡ ban đêm trước kia ông đã không sớm theo làm môn đệ Đức Giêsu. Nay Ngài đã chết ông muốn chuộc lại lỗi lầm bằng một lễ vật rất đắt tiền như thế.

Các môn đệ cùng với hai ông Giuse Arimathia và Nicôđêmô đã liệm xác Đức Giêsu: “Lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,40). Có hai lớp vải liệm: Một tấm dài gọi là sindon “khăn liệm” quấn tròn thi hài; một tấm ngắn và nhỏ gọi là soudarion “khăn che mặt” đặt trên mặt thi hài. Sau đó họ đặt thi hài Đức Giêsu vào ngôi mộ mà Giuse Arimathia đã làm sẵn cho mình nhưng lúc đó chưa chôn cất ai (Mt 27,60). Trước cửa mộ, họ vần một tảng đá lớn chặn lại.

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

I. Ý nghĩa chung của ngày này

Việc cử hành vào chiều Thứ Sáu không phải là Thánh lễ mà chỉ là một Nghi lễ tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết.

Về ý nghĩa, ngày này:
– Không phải là ngày để tang Đức Giêsu.
– Không nhằm mục đích tâm lý giúp tín hữu tưởng mình đang chịu nạn chịu chết với Đức Giêsu.
– Những lễ nghi không nên là một cuộc trình diễn một vỡ bi kịch cảm động để khơi lên những tâm tình sốt mến.

Đây là một mầu nhiệm Đức Tin:
– Chúng ta phải luôn tin rằng Đức Giêsu đã sống lại và đã cứu độ chúng ta. Nhưng để có thể hiểu chúng ta được cứu khỏi một vực thẳm đầy tội lỗi và gian tà như thế nào, chúng ta cùng với Ngài bước xuống vực thẳm đó.
– Nghi lễ Thứ Sáu tuần thánh nhắc lại việc Đức Giêsu xuống vực thẳm ấy, gồm: a/ Tội lỗi của loài người ; b/ những đau khổ của nhân loại về thể xác cũng như tinh thần (bị hất hủi, bị người thân phản bội, bị thất bại, bị xâm phạm thân thể, bị đối xử bất công, bị nhục nhã, nỗi lo âu khủng khiếp như hấp hối, sợ hãi, chết v.v.).
– Nghi lễ hôm nay phải giúp ta ý thức tầm mức nghiêm trọng của sự dữ và sự tội ; đồng thời ý thức giá trị tuyệt vời của việc Chúa cứu chuộc chúng ta.

II. Bầu khí

Để tôn kính việc Đức Giêsu chịu chết, bầu khí của nghi lễ hôm nay rất đặc biệt:
– Thinh lặng: Bắt đầu Nghi lễ không có hát. Kết thúc nghi lễ cũng vậy.
– Trần trụi: Từ cuối nghi lễ tối Thứ Năm, bàn thờ đã được lột hết các khăn trải. Trong nghi lễ hôm nay cũng thế (tới lúc rước lễ mới trải khăn phủ bàn thờ và khăn thánh ra. Kết thúc nghi lễ, lại lột hết). Trên bàn thờ hoàn toàn trống trải: Không có thánh giá, chân đèn và bông hoa gì cả.

III. Các bài đọc

1. Bài đọc I (Is 52,13–53,12)
Đây là bài ca thứ IV về Người Tôi Tớ trong sách Isaia, là bài ca cuối cùng trong 4 bài ca, dài nhất (15 câu) và cũng rõ nhất về hình ảnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.

Vấn đề: Các kitô hữu đầu tiên đã cảm thấy khó hiểu và hoang mang về cuộc chịu nạn chịu chết rất đau đớn và ô nhục của Đức Giêsu. Họ tự hỏi: Con Thiên Chúa vinh quang quyền phép mà tại sao có thể bị khổ sở, nhục nhã và bị giết chết như vậy. Họ đã đọc lại Thánh Kinh và tìm được lời giải thích trong hình ảnh Người Tôi Tớ.

Có 3 ý tưởng chính:

a/ Những đau khổ mà Người Tôi Tớ phải chịu: Rất nhiều và rất nặng
– Về thể xác: Bị hành hạ đến nỗi mang thương tích đầy mình, mặt mày tan nát không còn giống mặt người nữa
– Về tinh thần: Bị khinh khi, ruồng bỏ đến nỗi không ai muốn nhìn, không ai đếm xỉa tới.
– Bị ức hiếp, buộc tội, rồi giết chết, bị chôn giữa những kẻ ác ôn.

b/ Tuy nhiên Người Tôi Tớ ấy chịu khổ như thế không phải vì tội của mình mà vì tội của mọi người: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm”, “Vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt”.

c/ Người Tôi Tớ ấy không chịu khổ như thế mãi nhưng sẽ được cứu thoát và được Thiên Chúa ban thưởng: “Này đây Người Tôi Tớ của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng”. Đây là ý tưởng được nhấn mạnh nhất trong 3 ý tưởng vừa kể, cho nên chẳng những nó được nêu lên sau 2 ý tưởng kia mà còn được nói tới đầu tiên khi vừa bắt đầu bài ca.

2. Bài đọc II (Do Thái 4,14-16; 5,7-9)
Vấn đề: Các tín hữu gốc Do Thái đã bỏ Do Thái giáo để theo Kitô giáo. Nhưng khi sang Kitô giáo, họ cảm thấy bị mất mát, hụt hẫng, họ nghĩ mình đã bỏ mồi bắt bóng:
– Về lễ nghi: Ngày trước khi còn trong Do Thái giáo, họ được tham dự những lễ nghi long trọng ở Đền thờ Giêrusalem; bây giờ trong Kitô giáo, những lễ nghi rất đơn giản trong những căn hộ Kitô hữu, nhiều khi phải lén lút cử hành.
– Về đời sống: Ngày trước họ được hưởng những đặc quyền mà đế quốc Rôma dành cho người Do Thái (như nghỉ ngày Sabát, miễn quân dịch, không phải thờ các thần Rôma, được công khai tham dự các lễ do thái giáo v.v.); bây giờ họ bị cả người Do Thái lẫn người Rôma thù ghét, truy đuổi.

Để an ủi họ, tác giả thư Do Thái mời họ hãy ngắm nhìn Đức Giêsu là Thượng Tế siêu phàm hơn hẳn chức Thượng Tế của Do Thái giáo:
– Thượng Tế Do Thái giáo dâng lễ đền tội cho dân và cho chính bản thân mình vì mình cũng có tội ; còn Đức Giêsu thì hoàn toàn vô tội. Bởi thế vị Thượng Tế Do Thái giáo phải dâng lễ đền tội hằng năm, còn Đức Giêsu Thượng Tế dâng lễ đền tội một lần duy nhất là đủ.
– Mặc dù cao sang như thế, nhưng Đức Giêsu Thượng Tế vẫn biết cảm thương những yếu đuối của loài người, chia xẻ cuộc sống yếu hèn của loài người cùng với những cảm giác khổ đau, sợ chết y như loài người.
– Ngài vừa là con người, vừa là Con Thiên Chúa cho nên Ngài đúng là một trung gian tuyệt hảo. Bởi đó chúng ta có thể hoàn toàn chạy đến cùng Ngài và tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài.

3. Bài thương khó theo Thánh Gioan
Raymond E. Brown tóm tắt ý nghĩa bài thương khó của 4 tác giả Tin Mừng như sau:
– Đức Giêsu trong bài thương khó của Mc và Mt là một Đức Giêsu cúi đầu (head bowed)
– Trong Lc là một Đức Giêsu đưa tay ra (hand outstretched)
– Trong Ga là một Vị Vua đang ngư trị (reigning King)

a/ Ngài biết trước mọi điều sắp xảy ra và chủ động đón nhận:
– Khi Giuđa dẫn lính tới bắt, “Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình nên tiến ra hỏi” ; Khi Ngài xưng “Ta đây” thì quân lính lùi ra sau ngã xuống đất à Không phải quân lính bắt Ngài, nhưng Ngài tự nộp mình.
b/ Chính Ngài ra lệnh và thúc đẩy những diễn tiến: Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu bảo Giuđa “Anh muốn làm gì thì làm mau đi” à Ngài thúc đẩy diễn tiến.
c/ Trong những phiên xử, bề ngoài xem ra Ngài bị xử, nhưng thực chất là Ngài đang xét xử người ta: Philatô đứng như bị cáo, còn Đức Giêsu thì ngồi như quan tòa.
d/ Trong những cuộc hành hạ, bề ngoài xem ra Ngài đang là nạn nhân, nhưng thực ra Ngài đang được tôn vinh như một Vị Vua: 3 lần Philatô tuyên bố Đức Giêsu là Vua, quân lính cũng tổ chức (tuy có ý chế nhạo) một màn tôn thờ Ngài là Vua; bảng tội danh của Ngài ghi rõ bằng 3 thứ tiếng Ngài là Vua.

Ý nghĩa của 3 bài đọc: Giúp chúng ta hiểu Đức Giêsu chịu nạn chịu chết không phải vì có tội gì, không phải vì thất thế thua cuộc mà vì Ngài tự ý hiến thân; và Ngài chịu nạn trong tư thế làm Vua (“Giờ” là lúc chịu chết mà cũng là lúc lên ngôi).

IV. Những lời nguyện cho mọi thành phần
Cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá là lúc Ngài lên ngôi Vua, cho nên “Giờ” ấy phát sinh ơn cứu rỗi cho mọi người thuộc mọi thành phần nhân loại. Chính vì tin tưởng như thế cho nên sau khi đọc 3 bài đọc, Giáo Hội cầu nguyện cho mọi thành phần nhân loại.

Cơ cấu 10 lời cầu như sau:
– 5 lời cầu cho Giáo Hội (Giáo Hội cách chung, ĐGH, giáo sĩ và giáo dân, dự tòng, cho các Kitô hữu được hiệp nhất).
– 3 lời cầu cho những người ngoài Giáo Hội (người Do Thái, tín đồ các đạo khác, những người vô thần).
– 2 lời cầu cho những người sống trong thế giới (các nhà lãnh đạo quốc gia, những người đau khổ).

V. Tôn thờ Thánh giá

* Lịch sử và ý nghĩa cái chết thập giá

1. Nguồn gốc xa xưa:
– St 40,19: Giuse giải nghĩa giấc chiêm bao của viên quan chánh ngự thiện là “Còn 3 ngày nữa, Pharaô sẽ nâng đầu ngài lên và treo ngài lên súc gỗ, và chim chóc sẽ ăn thịt mình ngài”.
– 1 Sm 31,8-10: Trong trận chiến tại Gilboa, quân của vua Saun đánh thua quân Philitinh. Saun và 3 con trai đều chết. Quân Philitinh đã chặt đầu họ. Riêng đối với Saun thì chúng còn lấy thi thể đem đi đóng đinh trên tường thành Bet-Shan.
Hai chi tiết trên trong Cựu Ước cho thấy việc xử tử bằng cách đóng đinh và treo lên cao có nguồn gốc rất xa xưa: Từ thời nô lệ Ai cập và thời các Thủ lãnh; ở Ai cập và ở Canaan.

2. Chuyển biến:
– Quân Assyria xử tử kẻ thù chiến bại bằng cách dùng một cọc nhọn lớn đâm xuyên thi thể họ rồi dựng lên; Et 7,9: Vua Ba Tư xử tử tướng Aman bằng cách treo hắn lên chính cây cột mà hắn định dùng để treo ông Marđôkê à cách xử là đâm bằng cọc lớn và treo thi thể lên ; mục đích là làm nhục kẻ thù đồng thời đe dọa dân chúng.
– Về sau người ta thêm thanh ngang: Alexandre Đại đế của Hy lạp đã đóng đinh 2000 người dân thành Tyr khi thành này bại trận. Alexandre Jannée cũng đóng đinh 800 người pharisêu chống lại ông. Nhưng những cuộc hành hình này bị phản đối, bị coi là quá tàn nhẫn.
– Thời Cộng hòa Rôma, hình xử này chỉ dùng cho những nô lệ nổi loạn và cho quân cướp. Tuy nhiên những công dân Rôma thì không bị xử kiểu này.
– Thời Tân Ước, đây là hình xử dành cho những tội nặng nhất về chính trị như: Đào ngũ, gián điệp, tiết lộ bí mật quân sự, nổi loạn…

3. Ý nghĩa:
– Các dân khác: Tội nặng nhất, bị xử cách khủng khiếp để răn chúng.
– Người Do Thái: Đnl 21,23: Vì có tội nặng nên bị Thiên Chúa phạt.
– Phaolô: 1 Cr 1,23-24: Thập giá là điên rồ đối với lương dân, và cớ vấp phạm đối với Do Thái.
– Từ thời hoàng đế Constantinô trở lại đạo: Huỷ bỏ hình phạt này, và Thập giá trở thành Thánh giá đáng kính và là biểu tượng của chiến thắng.

Nghi lễ Tôn Thờ Thánh Giá

Nghi lễ gồm 2 việc chính:
a. “Triển lãm” thánh giá: Cho mọi người thấy cách công khai, rõ ràng, kèm với lời tuyên bố “Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian” – “Chúng ta hãy đến thờ lạy”.
– “Đây là gỗ”: Nói lên ý nghĩa đau đớn tàn bạo và hình phạt kẻ tội nặng.
– “Nơi treo Đấng cứu độ trần gian”: Nói lên biểu tượng chiến thắng, cứu độ.
b. Bái thờ
Một lần nữa, ý nghĩa chiến thắng được nhấn mạnh.

VI. Rước lễ

Nghi lễ chiều Thứ Sáu không phải là Thánh Lễ. Nhưng có rước lễ : không rước những bánh lễ được truyền phép trong Thánh lễ hôm nay mà được truyền phép trong Thánh lễ Thứ Năm.

Ý nghĩa:
– Tính thống nhất và duy nhất của Tam Nhật Vượt Qua
– Rước lễ không phải chỉ là một phần nghi thức phải có của một Thánh Lễ, nhưng là một việc hiệp thông: a/ Hiệp thông với Đức Giêsu đã chịu chết và sống lại vì chúng ta; b/ Hiệp thông với các tín hữu khác trong cùng một đức tin.

VII. Một số việc đạo đức khác trong ngày này

1. Ăn chay kiêng thịt.
– Ăn chay để chờ đợi Chàng Rể trở lại (Mt 9,15).
– Ăn chay để cho con người cũ chết đi và con người mới sinh ra.

2. Đi đường Thánh Giá
– “Ai muốn theo (làm môn đệ) Ta thì hãy vác thập giá mình mà theo Ta”

 

Đón xem phần 5: Thứ  Bảy Tuần Thánh