LỜI MỞ
* Các sách Tin Mừng không chủ ý viết về lịch sử, mà viết về Ơn Cứu Độ do Đức Giêsu thực hiện. Tuy nhiên cao điểm của việc thực hiện ơn Cứu Độ là cuộc chịu nạn của Ngài, cho nên các sách Tin Mừng viết rất dài và với rất nhiều chi tiết lịch sử về cuộc chịu nạn này.
Ngoài ra vụ án của Đức Giêsu cũng được một số tài liệu lịch sử ngoài đời (Roma, Do Thái) đề cập tới.
Phối hợp các chi tiết được viết trong 4 quyển Tin Mừng, rồi đối chiếu với các sử liệu ngoài đời, chúng ta có thể viết lại thành một tường thuật khá chi tiết về tuần lễ cuối cùng của cuộc sống của Ngài nơi dương thế. Chúng ta có thể dùng bài tường thuật này như một tài liệu hướng dẫn để chúng ta từng bước theo chân Đức Giêsu trong Tuần Thánh.
Lịch tuần thánh
Các chi tiết thời biểu trong các sách Tin Mừng rất phức tạp và đôi khi không giống nhau, do đó các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những lịch trình khác nhau. Chúng ta tạm theo lịch trình của Daniel Rops. Đây cũng là lịch trình mà Phụng vụ Giáo Hội chọn theo.
– Chúa nhật Lễ Lá, nhằm ngày 2 tháng 4 năm 30 công nguyên: Đức Giêsu vào thành Giêrusalem.
– Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư Tuần Thánh nhằm các ngày 3, 4, 5 tháng 4 năm 30: Ban ngày Đức Giêsu giảng dạy trong sân Đền thờ. Ban đêm Ngài lui khỏi thành Giêrusalem, đến nghỉ tại làng Bêtania. Trong những ngày này, Giuđa tiến hành âm mưu nộp Đức Giêsu.
– Thứ Năm Tuần Thánh nhằm ngày 6 tháng 4 năm 30: Tiệc ly, lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền chức thánh, cầu nguyện trong vườn Cây dầu, bị bắt, xử, đánh đòn.
– Thứ Sáu Tuần Thánh nhằm ngày 7 tháng 4 năm 30: Đức Giêsu bị kết án tử, chịu đóng đinh và chết trên thập giá.
– Trong đêm Thứ Bảy Tuần Thánh rạng sáng Chúa nhật, nhằm ngày 8 và 9 tháng 4 năm 30: Đức Giêsu sống lại.
Chúng ta hãy từng bước đi theo Ngài trong cuộc chịu nạn.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Bối cảnh:
– Thời gian: Chúa nhật, ngày 2 tháng 4 năm 30 công nguyên. Trước lễ Vượt Qua 5 ngày.
– Nơi chốn: Lúc đó Chúa Giêsu đang ở làng Bêtania, chỉ cách Giêrusalem khoảng 4 dặm.
– Bối cảnh xa: Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ (đặc biệt phép lạ làm cho người mù thành Giêricô được thấy: Lc 18,35tt) khiến danh tiếng Ngài được nhiều người biết tới.
– Bối cảnh gần: Trước đó mấy ngày, Chúa Giêsu vừa làm cho Ladarô sống lại. Phép lạ phi thường này càng lôi kéo nhiều người đến với Ngài.
Những biến cố chính:
oooo– Đức Giêsu vào thành Giêrusalem
oooo– Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ
oooo– Đức Giêsu tiên báo về số phận thành Giêrusalem
oooo– Một số người hy lạp xin gặp Đức Giêsu
I. Vào thành Giêrusalem
Chúa Giêsu quyết định vào thành Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua. Các môn đệ và những kẻ ngưỡng mộ cũng đi theo Ngài.
Gần tới thành Giêrusalem, đoàn của Chúa Giêsu gặp được nhiều người khác từ khắp nơi cũng đang tiến về Giêrusalem để dự lễ. Lại thêm rất đông người đi theo Chúa Giêsu.
Tới Bếtphagê, một thôn nằm ở ngoại ô Giêrusalem, trên sườn núi Cây Dầu, Chúa Giêsu bắt đầu xúc tiến một việc quan trọng mà Ngài đã kín đáo sắp xếp trước: Ngài sai hai môn đệ vào làng tiếp xúc với một người thân mà Ngài đã bí mật báo trước, để mượn một con lừa con cho Ngài dùng cỡi vào thành.
Đây đã là lần thứ 4 Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (theo Tin Mừng Gioan: Lần thứ nhất: 2,13 ; lần thứ hai: 6,4 ; lần thứ ba: 10,22). Những lần trước Ngài đi bộ. Tại sao lần này Ngài cỡi lừa? Phải chăng Ngài mỏi chân? Thưa không, vì Chúa Giêsu là người mạnh khoẻ và từ trước tới nay chuyên đi bộ dọc khắp đất nước từ Bắc tới Nam (khi đi trên Hồ thì dĩ nhiên phải dùng thuyền. Vậy mà có lần Ngài vẫn đi bộ trên mặt nước). Vậy lý do là Ngài muốn cuộc vào thành lần này được long trọng hơn: Có lừa để cỡi, có môn đệ tháp tùng, có đoàn dân chúng đông đảo đi theo. Chúa Giêsu muốn tỏ cho mọi người thấy Ngài là Đấng Messia.
Nhưng để người ta đừng hiểu lầm Ngài là một Messia Vua theo kiểu trần thế, Chúa Giêsu đã dùng một con lừa thay vì ngựa (lại là lừa con: Khiêm tốn ; “chưa ai cỡi”: Người Do Thái nghĩ rằng một con vật hay một món đồ gì đã bị người ta dùng qua rồi thì không xứng đáng dâng cho Thiên Chúa).
Thấy cuối cùng Chúa Giêsu chịu biểu lộ thân phận, dân chúng rất hồ hỡi, (1) Họ chặt các cành lá vẫy lên tung hô: Đây là cách biểu lộ rất tự nhiên, không có sẵn cờ thì lấy lá làm cờ; (2) Trải áo xuống lót đường cho Ngài đi qua: Thói quen thường thấy ở các nước phương Đông để biểu lộ lòng ngưỡng mộ tôn kính đối với một nhân vật nào đó), (3) Mọi người hoan hô “Hoan hô con Vua Đavít. Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Thế là cuộc vào thành năm nay trở nên một cuộc diễu hành rầm rộ.
Những người Pharisêu đâm ra ái ngại: Họ sợ quân đội Rôma coi đó là một cuộc biểu tình rồi thẳng tay đàn áp. Vì thế họ khuyến cáo Chúa Giêsu bảo mọi người tốp bớt lại. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Họ mà làm thinh thì cả sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19,40).
Nghĩa là Chúa Giêsu cố tình tỏ mình ra cho mọi người biết. Ngài chấp nhận thách thức, không phải một cách cao ngạo và phô trương, nhưng cách hiền hòa và khiêm tốn, dù vậy cũng không phải là hèn nhát.
II. Thanh tẩy Đền thờ
Có lẽ đoàn rước đi qua một cánh cửa gọi là “Kim Môn” (Porte dorée) để vào thành. Cửa này rất gần với Đền Thờ, nên Đức Giêsu cũng vào Đền thờ.
Theo 3 Tin Mừng nhất lãm, khi Đức Giêsu vào thì thấy cảnh Đền thờ bị biến thành nơi buôn bán, giống như hang trộm cướp. Ngài liền ra tay dẹp bàn ghế, đánh đuổi những người buôn bán.
Việc này Ngài có thể thực hiện mà không gặp sức kháng cự nào đáng kể, bởi vì khi ấy có rất nhiều người đang theo Ngài ủng hộ việc làm đó.
III. Tiên báo số phận thành Giêrusalem
Tin Mừng Mc ghi rằng: “Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: ‘Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Mc 21,5-6)
Đền Thờ Giêrusalem đã được vua Hêrôđê khởi công tu sửa lại từ năm 19 (hoặc 20) trước công nguyên. Khi Đức Giêsu lên Giêrusalem lần đầu tiên thì công trình xây dựng đã kéo dài 46 năm (x. Ga 2,20). Đến hôm nay thì đã 49 năm. Hêrôđê Cả muốn có một công trình để đời nên đã không ngại tốn công tốn của và tốn thời gian để xây một Đền thờ rất lộng lẫy. Mặc dù hôm nay công trình chưa hoàn tất, nhưng vẻ đẹp của nó cũng đã rất huy hoàng. Phía góc phải của Đền thờ là pháo đài Antonia nơi quân đội Rôma đồn trú. Chung quanh khu Đền thờ là các dinh thự dùng làm nơi ở và làm việc của nhà vua và các quan chức đạo đời. Tóm lại, quang cảnh thành Giêrusalem thật là nguy nga hùng vĩ.
Với cái nhìn tiên tri, Đức Giêsu nhìn thấu tới biến cố năm 70, quân đội Rôma sẽ tràn vào thành và phá bình địa ngôi Đền thờ nguy nga ấy. Với tấm lòng yêu dân yêu nước của một người do thái, nhất là với tấm lòng nhân hậu của Đấng Cứu độ, Đức Giêsu không cầm được xúc động. Thánh Luca đã dùng động từ “thổn thức”. Ngài vừa thổn thức vừa nói: “Phải chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41-44).
40 năm sau, lời tiên tri của Đức Giêsu đã ứng nghiệm: Đầu tháng Nisan năm 70 công nguyên, quân đội Rôma đã tàn phá thành Giêrusalem và Đền thánh. Nguồn gốc và diễn tiến của biến cố này như sau :
. Năm 63 trước công nguyên, các phe nhóm của dòng họ Hasmônê (Macabê) tranh dành quyền lực với nhau và xin Rôma đến tiếp viện. Nhân cơ hội này, tướng Pompê đem quân vào chiếm luôn xứ Palestina.
. Sau 133 năm sống dưới ách đô hộ của Rôma, chịu nhiều áp bức và sỉ nhục, người Do Thái nổi dậy: (1) Nhiều “ngôn sứ giả” đứng lên xách động quần chúng: a/ một người từ Ai cập về tự xưng là được Thiên Chúa soi sáng đã tập họp dân chúng trên núi Cây Dầu và nói tiên tri rằng ông có khả năng xin Chúa làm cho tường thành Giêrusalem sụp đổ; b/ Một người khác tên là Giêsu con ông Hanan đi rảo khắp các đường phố Giêrusalem hô lớn “Đây là tiếng từ 4 hướng gió. Đây là tiếng nói cho Giêrusalem nghe. Đây là tiếng nói cho toàn dân nghe”; (2) Các cuộc nổi dậy lẻ tẻ khắp nơi, đặc biệt có Jean de Giscala thành lập nhóm “dao găm” (sicaires) luôn mang dao găm dấu trong áo để khi thời cơ đến thì sẵn sàng rút ra tiêu diệt kẻ thù…
. Dĩ nhiên là Rôma phản ứng. Họ cho quân bao vây Giêrusalem. Quân đội Rôma do tướng Titus điều khiển, gồm 4 binh đoàn chính quy và rất đông lính đánh thuê, tổng cộng 60 ngàn, tất cả đều được trang bị vũ khí hùng mạnh.
. Phía Do Thái cũng có 10 ngàn lính chính quy và 5 ngàn lính đánh thuê. Dù tương quan lực lượng chênh lệch, nhưng người Do Thái vẫn tin tưởng sẽ chiến thắng. Họ hy vọng sẽ lập lại kỳ tích như anh em nhà Macabê đã làm khi lật đổ ách thống trị của đế quốc Hy Lạp năm 164 trước công nguyên. Hơn nữa họ tin tưởng vào hệ thống phòng thủ vững chắc của thành Giêrusalem: Thành có tới 3 lớp tường chung quanh, 90 pháo đài, 400 đại pháo luôn ở trong tình trạng sẵn sàng nhã đạn.
. Trước ý chí chiến đấu hăng hái của Do Thái, tướng Titus không tấn công vội. Ông cứ ở ngoài bao vây chặt chẽ, để chờ tiếp viện của một đồng minh mà người do thái không ngờ, đó là nạn đói: Cư dân của Giêrusalem đã đông, lại thêm những người Do Thái hành hương về thủ đô bị kẹt lại trong đó, ngoài ra còn dân chúng các nơi khác chạy vào thành để tị nạn. Thức ăn và nước uống tiêu hao nhanh chóng. Bên ngoài thì quân Rôma vây chặt (dọc suốt 8 km tường thành, chỗ nào cũng có quân Rôma canh phòng nghiêm nhặt) nên không thể ra ngoài tìm thức ăn thức uống. Thế là dân trong thành dành giật cướp bóc lẫn nhau. Ngay trong lúc đang bị bao vây, các phe phái do thái còn tranh dành quyền lực với nhau: Mỗi nhóm chiếm một vùng trong thành làm pháo đài của mình; giết nhau; cướp của; hãm hiếp phụ nữ v.v. Một số người cố ra khỏi thành thì bị bắt lại: Nếu là đàn bà thì Rôma chặt tay rồi đuổi trở vào thành. Cảnh này càng khiến tâm lý người trong thành giao động thêm. Nếu là đàn ông thì bị giết ngay tại chỗ bằng hình phạt đóng đinh. Có một người đàn ông khi bị treo lên thì vỡ bụng và vàng rơi ra. Thế là từ đó trở đi, hễ bắt gặp người nào từ trong thành chạy ra, quân Rôma đều mổ bụng để hy vọng lấy được vàng.
. Nạn đói ngày càng trầm trọng. Có một lần người ta ngửi thấy mùi thịt nướng thơm phức từ một căn nhà bay ra. Nhiều người liền ùa vào thì thấy một người mẹ đang nướng xác con mình để ăn!
. Cuộc vây hãm kéo dài 100 ngày. Các lớp tường thành lần lượt bị chọc thủng. Nhưng Giêrusalem vẫn chưa chịu đầu hàng. Quân Rôma lần lượt chiếm các điểm cầm cự. Quân Do Thái rút vào Đền thờ. Ban đầu tướng Titus tiếc một công trình kiến trúc quý giá nên không muốn tàn phá. Ông chỉ ra lệnh đốt lửa trước các cửa Đền Thờ cho khói xông vào. Nhưng lửa bén vào gỗ nên các cửa cũng bị cháy. Thế là quân Rôma ùa vào. Tướng Titus vào Đền Thờ, ra lệnh dập tắt lửa và cấm không cho cướp phá. Nhưng quân lính quá ham chiến lợi phẩm nên không tuân lệnh, tha hồ chém, giết, đốt, phá. Lửa cháy khắp nơi, xác người la liệt… Cảnh tượng khủng khiếp đến nỗi tướng Titus phải thốt lên: “Rõ ràng là dân này đang bị thần linh của họ trừng phạt nặng nề đến nỗi thần linh cũng không chấp nhận cho họ thờ phượng Ngài nữa”.
. Một nhóm Kitô hữu chạy thoát sang vùng phía bên kia sông Giođan. Khi thấy những cảnh tượng khủng khiếp ấy, họ nhớ lại những lời tiên tri của Đức Giêsu. Họ cũng nhớ lời Ngài nói: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi những điều ấy xảy đến. Trời và đất sẽ qua đi, nhưng những lời Ta nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33).
IV. Giờ đã điểm
Khi bầu khí lắng dịu xuống sau việc Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ, hai môn đệ Anrê và Philípphê đến nói cho Đức Giêsu hay có một số người Hy Lạp xin được gặp Ngài.
Đây không phải là những người Do Thái mà là người thuộc các sắc dân khác. Vì biết Chúa và kính mến Chúa nên họ cũng hành hương lên Giêrusalem dự lễ. Họ cũng nghe nói về Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài nên muốn gặp Ngài. Tuy nhiên vì biết thân phận mình là người ngoại nên họ phải nhờ Anrê và Philipphê làm trung gian.
Phần Đức Giêsu, khi biết cả những người ngoại cũng tìm đến với mình, thì ý thức rằng Giờ của Ngài đã điểm, nên tuyên bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). “Giờ” tôn vinh ấy là gì? Thưa là lúc Đức Giêsu bước vào cuộc chịu nạn: Tuy Ngài phải chết, nhưng cái chết ấy chính là cuộc phong vương cho Ngài, và là nguồn ơn cứu độ cho muôn dân. “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mắt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32).
Sau đó, như lời Mác-cô viết: “Ngài rảo mắt nhìn xem mọi sự. Và vì giờ đã muộn, Ngài đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai” (Mc 11,11)
* Những cảm nghĩ của Đức Giêsu trong ngày Chúa nhật Lễ Lá:
Đó là những tình cảm buồn thương lẫn lộn :
a/ Đối với bản thân: Mừng vì đã đến Giờ hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó, nhưng cũng xao xuyến vì sứ mạng ấy được hoàn thành bằng cái chết thập giá. “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến. Thầy biết nói gì đây! Lạy Cha, xin cứu con khỏi Giờ này. Nhưng chính vì Giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Cha” (Ga 12,27).
b/ Đối với loài người: Mừng vì công trình cứu độ loài người sắp được thực hiện. Nhưng buồn vì một số người, đặc biệt là dân thành Giêrusalem, sẽ không hưởng được ơn cứu độ ấy, trái lại còn đang đi dần tới một tương lai rất là thê thảm.
CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
Phụng vụ Chúa nhật này gồm hai phần: Kiệu Lá và Thánh Lễ. Mỗi phần đều có bài Tin Mừng. Đối với năm B thì 2 bài Tin Mừng đều trích từ Thánh Mác-cô (Mc 11,1-10 và 14,1 – 15,47)
Nếu như bài Tin Mừng lúc kiệu lá cho chúng ta thấy Đức Giêsu chính là Đấng Messia, thì bài Thương Khó cho ta thấy rõ hơn rằng Đấng Messia ấy không phải là một vị vua theo kiểu trần gian, mà là Vua Tôi Tớ hy sinh mạng sống mình cho thần dân của mình.
Tham dự Phụng vụ Chúa nhật này, chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của dân Do Thái ngày xưa nhưng đừng bắt chước gương xấu của họ. Chúng ta hãy luôn hân hoan đi theo Vua Giêsu chẳng những trong lúc vui sướng dễ chịu mà nhất là trong những lúc khó khăn gian khổ.
Đón xem phần 2: Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư Tuần Thánh