Thứ Tư 13.09.2023 | Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục | Lời Chúa năm A

208

Gioan Kim Khẩu (k. 347 – 407, tiếng Hy Lạp: Ἰωάννης ὁ Χρυσόστομος, Ioannes Chrysostomos) là Tổng giám mục thành Constantinopolis. Ông nổi tiếng bởi tài hùng biện trong thuyết giáo và diễn thuyết, bởi tính cương trực khi quở trách những hành vi lạm quyền trong giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo và bởi quan điểm của ông về nếp sống khổ hạnh. Sau khi qua đời, ông được mệnh danh Chrysostomos, trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “Miệng vàng” hay “Kim khẩu” nhằm xưng tụng khả năng hùng biện của ông.

Ông được hầu hết các giáo hội Kitô giáo tôn nhận là một vị thánh, và được Chính Thống giáo Đông phương xưng tụng là một trong ba giáo phụ vĩ đại (cùng với Basiliô Cả và Grêgôriô Nazianzênô). Ông cũng được Giáo hội Công giáo Rôma phong là một trong bốn đại Tiến sĩ Hội Thánh.

Thiếu thời và Học vấn
Gioan sinh năm 349 tại Antiochia, cha ông là một sĩ quan cao cấp, nhưng hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về việc mẹ ông có phải là tín hữu Cơ Đốc hay không. Cha của Gioan chết sớm, cậu bé được chăm sóc bởi người mẹ. Ông được rửa tội trong năm 368 hoặc 373 và được chọn làm người đọc Thánh thư trong nhà thờ. Nhờ những mối quan hệ của người mẹ, Gioan theo học một thầy giáo ngoại đạo Libanus. Trong thời gian này, Gioan nắm bắt những kỹ năng diễn thuyết, và bắt đầu ham thích ngôn ngữ và văn chương Hy Lạp. Tuy nhiên, khi trưởng thành, Gioan ngày càng quan tâm nhiều hơn về Kitô giáo, đến theo học môn thần học với Diodore thành Tarsus (về sau là một trong những thủ lĩnh trường phái Antioch). Gioan sống một đời khổ hạnh, khoảng năm 375, ông trở thành một nhà ẩn tu, suốt hai năm cứ đứng, hiếm khi ngủ, học thuộc lòng Kinh Thánh. Hậu quả là ông mắc bệnh dạ dày và thận mãn tính, suy nhược đến nỗi phải trở về Antioch.

Antiochia
Năm 381, Gioan được Thánh Meletius thành Antiochia phong chức phó tế (deacon), đến năm 386 ông được Giám mục Flavian I thành Antiochia phong chức trưởng lão. Trải qua mười hai năm, ông nổi tiếng với tài hùng biện, nhất là biệt tài luận giải sâu sắc các đoạn Kinh Thánh, và những giáo huấn về các vấn đề đạo đức. Tác phẩm giá trị nhất của ông là “Tuyển tập Bài giảng”, luận giải nhiều sách khác nhau trong Kinh Thánh. Gioan thường nhấn mạnh đến các việc bác ái, cũng như quan tâm đặc biệt đến các nhu cầu thể xác và tinh thần của người nghèo. Ông lớn tiếng chỉ trích sự lạm dụng, tính lãng phí, và lòng ham mê tích lũy của cải:

Sự thấu hiểu trực tiếp ngôn từ Kinh Thánh của Gioan (đối nghịch với khuynh hướng luận giải Kinh Thánh theo nghĩa bóng thời ấy) cho thấy những chủ đề ông chọn đều tập chú vào việc giải thích và ứng dụng các giáo huấn vào cuộc sống hằng ngày. Cung cách thuyết giáo của Chrysostom giúp ông có được sự ủng hộ của đa số quần chúng. Ông thành lập một chuỗi các bệnh viện tại Constantinopolis để chăm sóc người nghèo.

Một sự kiện xảy ra ở Antioch cho thấy ảnh hưởng to lớn của Chrysostom thể hiện qua sức thuyết phục của các bài thuyết giáo. Người dân thành phố, trong lúc bạo loạn, đã chặt đứt tay chân các bức tượng của Hoàng đế Theodosius I và các thành viên hoàng tộc. Suốt trong những tuần lễ của kỳ Lễ Lá năm 397, Chrysostom thuyết giáo liên tiếp 28 bài giảng, vạch ra sự sai lầm của đám đông. Những bài giảng này có ảnh hưởng lâu dài đối với người dân thành phố: nhiều người tìm đến tiếp nhận đức tin Cơ Đốc. Nhờ đó, Hoàng đế nguôi cơn giận và những biện pháp trừng phạt cũng được giảm nhẹ.

Tổng Giám mục thành Constantinope
Trái với ý nguyện, năm 398 Gioan được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Constantinopolis. Ông phàn nàn về việc nghi thức triều đình cho phép Tổng Giám mục hưởng những đặc ân lớn hơn các quan đại thần. Trong thời gian làm Tổng Giám mục, thái độ kiên quyết khi từ chối tổ chức các buổi lễ hội xa xỉ đã khiến ông rất được lòng dân, nhưng lại trở thành cái gai trong mắt tầng lớp giàu có và giới tăng lữ, trong khi những biện pháp cải cách của ông làm gia tăng sự bất bình trong giới tăng lữ.

Thời gian Chrysostom sống ở Constaninople xảy ra nhiều biến động hơn lúc ông ở Antioch. Theophilus, Thượng phụ thành Alexandria, do muốn cầm giữ Constantinopolis dưới ảnh hưởng của mình nên chống đối việc bổ nhiệm Chrysostom, và cáo buộc Gioan ủng hộ học thuyết Origen. Theophilus kỷ luật bốn tu sĩ Ai Cập vì họ theo Origen. Trong khi đó Chrysostom có thêm một kẻ thù đầy quyền lực là vợ của Hoàng đế ArcadiusAelia Eudoxia. Eudoxia cho rằng những quở trách của Chrysostom về sự xa hoa trong trang phục là nhắm vào bà.

Tùy vào quan điểm cá nhân mà có người xem Gioan là thiếu tế nhị, trong khi những người khác ca ngợi sự can đảm của ông khi quở trách những thói xấu trong giới thượng lưu. Hầu như ngay lập tức, một liên minh được hình thành bởi Eudoxia, Theophilus và những người khác nhằm chống lại Gioan. Họ triệu tập một hội nghị trong năm 403 để buộc tội Gioan có liên hệ với tà giáo Origen. Kết quả là ông bị phế truất và lưu đày. Nhưng Arcadius triệu hồi ông về vì sự phẫn uất của dân chúng. Ngay trong đêm Gioan bị bắt giữ, xảy ra một trận động đất khiến Eudoxia xem đó là một dấu hiệu bày tỏ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Dù vậy, tình trạng hòa bình giữa những người này kéo dài chẳng được bao lâu. Khi một bức tượng Eudoxia bằng bạc được dựng lên gần ngôi đại giáo đường của ông, Gioan đã lên tiếng đả kích các buổi lễ cung hiến bức tượng. Một lần nữa, Gioan bị lưu đày, lần này đến Causasus thuộc Armenia.

Giáo hoàng Innocent I phản kháng lệnh phát vãng nhưng không có kết quả. Trong khi đó, những bức thư của Gioan gây xôn xao tại Constantinople, và ông bị lưu đày xa hơn, đến Pitiunt (vùng Abkhazia thuộc Gruzia), ở đây phần mộ của ông trở thành nơi hành hương. Gioan chết trên đường lưu đày. Lời nói sau cùng của ông là “δόξα τῷ θεῷ πάντων ἕνεκεν” (Nguyện Thiên Chúa được vinh hiển trong mọi sự!). (Trích từ Wikipedia)

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc MP3 Tại đây

Bài đọc:  Cl 3,1-11
Anh em đã chết cùng với Đức Kitô; anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em.

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng: Lc 6,20-26
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Bấy giờ, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.” Đó là lời Chúa.

“Heureux êtes-vous quand les hommes vous haïssent et vous excluent, quand ils insultent et rejettent votre nom comme méprisable, à cause du Fils de l’homme. Ce jour-là, réjouissez-vous, tressaillez de joie, car alors votre récompense est grande dans le ciel.” (Lc 6,20-26)