Thứ Sáu 25.08.2023 | Thánh Luy & thánh Giuse Calasanz | LCTTL năm A

164

Thánh Luy (1214-1270)

Thánh Luy sinh ngày 25.04.1214. Thân phụ ngài là vua Luy VIII cai trị nước Pháp; và thân mẫu ngài là hoàng hậu Blăngsơ. Người ta thuật truyện rằng khi hoàng tử Luy còn nhỏ, hoàng hậu Blăngsơ đã ôm ghì ngài vào lòng và nói: “Mẹ yêu con, hỡi con yêu dấu của mẹ, mẹ yêu con rất nhiều, nhiều như bất cứ người mẹ nào có thể yêu thương đứa con của mình. Nhưng mẹ thà thấy con chết dưới chân của mẹ còn hơn là thấy con phạm một tội trọng!” Luy hằng ghi tâm khắc cốt lời dạy của thân mẫu. Luy lớn lên trong sự dưỡng dục và ấp ủ của niềm tin Công giáo. Khi Luy lên 12, vua cha băng hà; và Luy lên ngôi kế vị cha. Tuy nhiên, hoàng hậu Blăngsơ đã nắm quyền trị nước cho tới khi Luy được 21 tuổi.

Thánh Luy là một vị quân vương rất đặc biệt. Ngài kết hôn với cô Margaret, con gái của một bá tước. Cả hai rất tha thiết yêu nhau. Họ sinh được 11 người con. Luy là người chồng và là người cha tốt lành. Khi hoàng hậu Blăngsơ còn sống, bà là cố vấn rất được Luy quý trọng. Dù bận rộn với trăm công nghìn việc, Luy cũng gắng xếp thời giờ để tham dự thánh lễ và nguyện kinh Thần vụ hằng ngày. Vua thánh Luy là hội viên của dòng Ba Phanxicô và ngài sống rất mực giản dị. Luy rất quảng đại và rất có công tâm. Ngài cai trị thần dân với đức khôn ngoan, bác ái theo giáo huấn của Chúa Kitô. Đối với vua thánh Luy, tin và sống chỉ là một. Luy biết cách dàn xếp những cuộc cãi vã và tranh chấp. Ngài lắng nghe những người nghèo khổ và thiệt thòi về quyền lợi. Ngài dành thời giờ cho mọi người chứ không cho riêng những người giàu có và quyền thế. Ngài cũng ủng hộ nền giáo dục Công giáo và đã xây cất nhiều tu viện.

Nhà sử học Joinville đã viết một cuốn tiểu sử về vua thánh Luy. Ông nói rằng mình đã trải qua 22 năm phục vụ nhà vua. Ông làm bạn hàng ngày với vua và ông nói rằng trong suốt những năm ấy, chưa bao giờ nghe thấy vua Luy chửi thề hay nói một lời tục tĩu nào. Vua Luy cũng không cho phép ai được dùng loại ngôn ngữ thô bỉ đó trong lâu đài của vua.

Thánh vương Luy cảm thấy phải khẩn trương giúp đỡ các Kitô hữu đang chịu đau khổ tại đất thánh. Ngài muốn tham gia các cuộc thánh chiến để dành lại đất thánh đang bị những người Hồi giáo chiếm giữ. Lần đầu vua Luy bị bắt làm tù binh. Thế nhưng ngay cả ở trong tù, Luy cũng sống như một hiệp sĩ của Chúa Kitô. Luy tỏ ra hiên ngang và cao thượng trong mọi lối hành xử. Sau đó, Luy được trả tự do và được trở về cai trị vương quốc của mình ở Pháp. Tuy nhiên, chớp lấy cơ hội, Luy lại sang đất thánh lần nữa, nhưng trên đường đi Luy bị mắc bệnh sốt thương hàn. Trước lúc qua đời, thánh Luy đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ tiến vào nhà Chúa, thờ lạy Chúa trong thánh điện của Ngài và dâng Chúa vinh quang xứng với danh Ngài!” Thánh Luy qua đời ngày 25.08.1270, lúc được 56 tuổi. Đến năm 1297, đức thánh cha Bôniphaxiô VIII đã tôn phong Luy lên bậc hiển thánh. (https://ungsinhdongten.net/ngay-2508-thanh-luy-1214-1270/usdt/)

Thánh Giuse Calasanz – Linh Mục (1557 – 1648)

Thánh Giuse Calasanz sinh năm 1557 tại Peralta de la Sal miền Aragonia. Cha mẹ ngài là những một giàu có trong miền, nhưng đã dày công dạy cho con biết yêu Chúa thiết tha, ham thích cầu nguyện và gớm ghét tội lỗi. Chính Giuse ngay từ niên thiếu đã tỏ dấu có lòng bác ác đặc biệt với trẻ nhỏ và ưu tư giáo dục chúng. ngài thường tụ họp các bạn trẻ lại để dạy cho chúng biết các mầu nhiệm đức tin và biết cách cầu nguyện.

Lớn lên, Giuse được gởi học văn phạm và các môn cổ điển tại Estadilla. 15 tuổi ngài đã hoàn tất chương trình trung học. Cha mẹ ngài đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai của con. Giuse lại mong chờ một sứ mệnh cao cả hơn. ngài xin theo học một chương trình sống rất nghiêm khắc để đề phòng những dục vọng bất chính. Ngài còn nhiệt thành dạy giáo lý cho người dốt nát, thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Dầu vậy ngài đã thành công mỹ mãn và được phép cha cho ở lại để học dân luật và giáo luật.

Ngày 11.04.1575, ngài chịu phép cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ.

Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật, Giuse tiếp tục học thần học tại Valence. Nơi hoa lệ này, quỉ đã ra sức tấn công đức trinh khiết của Giuse. Nhưng quyết hiến thân cho Chúa, Giuse đã chiến thắng vẻ vang. Từ đó ngài bỏ Valence để tiếp tục theo học tại Alcada.

Tuy nhiên một hung tin làm xáo trộn cuộc đời ngài. Người anh của Giuse, một sĩ quan trong quân đội từ trần mà chưa có con nối dõi tông đường. Giuse trở về quê nhà vâng lời cha mẹ nhưng vẫn nuôi ước vọng làm linh mục. Ngài ra sức cầu nguyện và được nhậm lời. Ngài bị lâm trọng bệnh và các y sĩ đều bó tay. Người cha của Giuse hứa sẽ cho ngài làm linh mục nếu được chữa lành. Giuse đã lành bệnh.

Ngày 17.12.1583, Giuse được thụ phong linh mục. Từ đó cha Giuse lao mình vào công việc chấn hưng đạo đức. Ngài đã thành công đến nỗi 35 tuổi đã được đặt làm Bề trên địa phận Urgel. Dầu vậy, ngài cảm thấy sức thúc đẩy đến Rôma. Ngài lên đường và suốt năm năm. Ngài đã sống tại giáo đô như là một khách hành hương khiêm tốn. Trong thời gian này, thánh nhân đã thấy tận mắt sự khốn cùng và những tật xấu của đám dân nghèo. ngài xác tín rằng tình trạng này gây nên bởi sự thiếu hiểu biết về đạo.

Hiện đang sở hữu tài sản lớn lao do người cha từ trần để lại, ngài liền thiết lập những trường miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người đến cộng tác với ngài, phần lớn là các giáo sĩ. Dần dần họ họp thành một dòng giáo sĩ triều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Năm 1622 cha Giuse đã đặt làm bề trên tiên khởi. Các trường dưới sự hướng dẫn của ngài ngày càng thêm nhiều, công cuộc của ngài lan rộng sang Đức, Bohemia và Ba Lan.

Về già, cha Giuse trở thành nạn nhân của một âm mưu nhằm truất phế ngài xuống. Mầm mống chia rẽ vì ghen tỵ mọc lên trong dòng, khiến Đức Innocentê X hạ dòng xuống thành hội đạo đức mà thôi. Cha Giuse vẫn vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên Chúa lại thưởng công cho ngài và nhiều phép lạ, nhất là được thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu đến xem các học trò của ngài lần hạt và ban phép lành cho họ. Ngài còn được ơn nói tiên tri, cho biết 10 năm sau dòng sẽ phục hồi và bành trướng mạnh mẽ.

Ngày 25.05.1648, thánh Giuse từ trần vì một cơn sốt, thọ 92 tuổi, năm 1767 ngài được phong thánh. Năm 1948 ngài được đặt làm vị tông đồ việc giáo dục và làm đấng bảo trợ các trường Công giáo.

Trích : Theo Vết Chân Người, Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Ca nhập lễ:  Tv 83,10-11
Lạy Chúa là khiên mộc chở che, xin thương xem nhìn đến gương mặt Đấng Ngài đã xức dầu. Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa, xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Nghe hoặc Download Bài đọc MP3 Tại đây

Bài đọc:  R 1,1.3-6.14b-16.22
Bà Naomi trở về cùng với con dâu người Môáp là Rút. Họ đã đến Bê-lem.

Khởi đầu sách Rút.
Vào thời các thủ lãnh cai trị, một nạn đói xảy ra trong xứ. Có một người cùng với vợ và hai con trai bỏ Bê-lem miền Giu-đa mà đến ở trong cánh đồng Mô-áp. Sau đó người chồng chết đi, còn lại bà vợ và hai đứa con. Hai người này lấy vợ Mô-áp, một người tên là Oóc-pa, người kia tên là Rút. Họ ở lại đó chừng mười năm. Rồi Mác-lôn và Kin-giôn cả hai đều chết, còn lại bà Na-o-mi mất chồng, mất con. Bà lên đường cùng với hai người con dâu, bỏ cánh đồng Mô-áp mà trở về quê hương, vì tại cánh đồng Mô-áp, bà nghe nói là Đức Chúa đã viếng thăm dân Người và cho họ có bánh ăn. Óc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà.  Bà Na-o-mi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Thế là từ cánh đồng Mô-áp, bà Na-o-mi trở về cùng với con dâu người Mô-áp là Rút. Họ đã đến Bê-lem vào đầu mùa gặt lúa mạch. Đó là lời Chúa.

Đáp ca:  Tv 145, 5-6a.6b-7a.7b-8.9-10
Đ. Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

1. Phúc thay người được Chúa Trời nhà Gia-cóp phù hộ và cậy trông Chúa, Thiên Chúa họ thờ. Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.

2. Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn.

3. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính.

4. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân. Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

Tung hô Tin Mừng:  Tv 24, 4b.5a
Allêluia, Allêluia. Lạy Thiên Chúa con thờ, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài. Allêluia.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng: Mt 22,34-40
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? ” Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ:  Tv 129,7
Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Đức Ki-tô; xin cho chúng con trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.