Thứ Hai 23.10.2023 | Th. Gioan Capistranô, linh mục | Lời Chúa năm A

167

Thánh Gioan ở Capistrano
(1385-1456) | 23.10

Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.

Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.

Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capestrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.

Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia. (https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-23-10-thanh-gioan-capistrano-44128)

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc MP3 Tại đây

Bài đọc:  Rm 4, 20-25
Điều đã viết cũng nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Thiên Chúa.

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Thưa anh em, ông Áp-ra-ham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính. Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng: Lc 12, 13-21
Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” Đó là lời Chúa.

Jésus lui répondit: «Homme, qui donc m’a établi pour être votre juge ou l’arbitre de vos partages?» Puis, s’adressant à tous: «Gardez-vous bien de toute avidité, car la vie de quelqu’un, même dans l’abondance, ne dépend pas de ce qu’il possède.» (Lc 12,13-21)