Thánh Fabianô, Giáo hoàng Tử đạo (khoảng năm 250)
Khi thánh GH Anthêrô qua đời năm 236, một Công đồng được triệu tập về Rôma để bầu người kế vị. Fabianô là thường dân Rôma, từ vùng quê nhập cư thành phố với tư cách là giáo sĩ, và người ta đang chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới. Và tân giáo hoàng chính là Fabianô, người Ý.
Theo Eusebius, sử gia của Giáo hội, một chim bồ câu bay vào và đậu trên đầu Fabianô. Dấu hiệu này khiến mọi người đồng tâm nhất trí bầu ngài. Ngài là người lãnh đạo xuất sắc, tổ chức cấu trúc giáo xứ như vẫn được áp dụng ngày nay. Ngài phát triển thói quen và các nghi lễ tôn vinh các tvị tử đạo trong các hầm mộ, và bổ nhiệm 14 học giả thu thập chứng cớ đời sống của các vị tử đạo để họ không bị quên lãng.
Ngài cai trị Giáo hội 14 năm và chịu tử đạo khoảng năm 250 trong thời Decius bách hại. ĐGH Fabianô bị họ hành quyết rất dã man. Thánh Cyprianô viết cho người kế vị rằng ĐGH Fabianô là người “độc nhất vô nhị” được vinh dự chết tương xứng với sự thánh thiện và sự thuần khiết của cuộc đời ngài. Tại hầm mộ thánh Callistô, dù tảng đá trên mộ thánh Fabianô bị bể làm tư vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ Hy lạp ghi: “Fabianô, Giáo hoàng Tử đạo”.
Thánh Sebastianô, Tử đạo (257?-288?)
Lịch sử không có gì chắc chắn về thánh Sebastianô, chỉ biết ngài là vị tử đạo Rôma, được tôn kính ở Milan ngay thời thánh Ambrôsiô và được an táng ở Appian Way, có thể ở gần Đền thờ thánh Sebastianô ngày nay. Lòng sùng kính ngài lan tỏa nhanh, và ngài được nhắc đến trong tiểu sử các vị tử đạo từ năm 350.
Truyền thuyết về thánh Sebastianô quan trọng về nghệ thuật và có cách mô tả bằng hình tượng. Các học giả ngày nay đồng ý rằng có chuyện kể thánh Sebastianô gia nhập quân đội Rôma vì chỉ như vậy ngài mới có thể giúp các vị tử đạo mà không tạo sự nghi ngờ.
Cuối cùng ngài bị phát hiện, bị bắt trước mặt Hoàng đế Diocletian và bị giao cho đội bắn cung Mauritanian. Thi thể ngài đầy mũi tên găm vào và bị bỏ mặc. Nhưng những người đến lấy xác đem chôn thì thấy Ngài còn sống. Ngài bình phục nhưng không chịu trốn đi. Một hôm, ngài đứng gần chỗ Hoàng đế đi ngang qua. Ngài đến gần Hoàng đế và tố cáo Hoàng đế đối xử độc ác với các Kitô hữu. Lần này ngài bị bắt và bị kết án tử hình. Thánh Sebastianô bị đánh đập đến chết.
Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)
Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)
Nghe hoặc Download Bài đọc Tại đây
Bài đọc: Dt 5,1-10
Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do-Thái.
Thưa anh em, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi. Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Đó là lời Chúa.
Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây
Tin Mừng: Mc 2,18-22
Chàng rể còn ở với họ.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Máccô.
Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, thì phải bầu mới!” Đó là lời Chúa.
Comme les disciples de Jean le Baptiste et les pharisiens jeûnaient, on vint demander à Jésus: «Pourquoi, alors que les disciples de Jean et les disciples des Pharisiens jeûnent, tes disciples ne jeûnent-ils pas?» Jésus leur dit: «Les invités de la noce pourraient-ils jeûner, pendant que l’Époux est avec eux? Tant qu’ils ont l’Époux avec eux, ils ne peuvent pas jeûner. (Mc 2, 18-22)