Thứ Hai 16.09 | Th. Cornêliô, Gh. tử đạo – Th. Cyprianô, Gm. tử đạo | Lời Chúa năm B

65

Thánh Corneliô, Giáo hoàng Tử đạo
Thánh Cyprianô, Giám mục Tử đạo (qua đời năm 253)

Trống ngôi giáo hoàng 14 tháng sau khi thánh Fabianô tử đạo vì Giáo hội bị bách hại dữ dội. Trong thời gian đó, Giáo hội được một số linh mục điều hành. Thánh Cyprianô, bạn của thánh Corneliô, viết rằng Corneliô được bầu làm giáo hoàng “bởi phán quyết của Thiên Chúa và của Đức Kitô, bởi chứng thực của đa số giáo sĩ, bởi mọi người, với sự đồng thuận của các linh mục cao niên và các giáo dân tốt lành.

Vấn đề lớn nhất trong 2 năm làm giáo hoàng của Corneliô là phải xứ lý về bí tích Hòa giải và tập trung vào việc tái thu nhận các Kitô hữu đã bội giáo trong thời gian bị bách hại. Thánh Cyprianô, giám mục của Phi châu, kêu gọi giáo hoàng xác nhận vị thế của mình mà những người trở lại chỉ được hòa giải bằng quyết định của giám mục (ngược lại cách khoan dung của Novatus).

Tuy nhiên, tại Rôma, thánh Corneliô có cách nhìn khác. Sau khi ngài được chọn làm giáo hoàng, một linh mục tên là Novatian (một trong những người cai điều hành Giáo hội lúc đó) đã tự phong cho mình làm giám mục của Rôma – đây là ngụy giáo hoàng đầu tiên. Ngụy giáo hoàng này phủ nhận Giáo hội có quyền hòa giải không chỉ với những người bội giáo đã trở lại, mà cả những người phạm tội giết người, tà dâm, thông dâm hoặc vợ nọ con kia! Thánh Corneliô đã nâng đỡ Giáo hội (nhất là Cyprianô của Phi châu) trong việc kết án tà thuyết Novatian, dù tà thuyết này hiện hữu suốt vài thế kỷ. Thánh Corneliô triệu tập một công nghị tại Rôma năm 251 và cho phép những người bội giáo đã trở lại được gia nhập Giáo hội qua bí tích Hòa giải.

Tình bạn giữa thánh Corneliô và thánh Cyprianô bị căng thẳng một thời gian khi một trong số đối thủ của thánh Cyprianô kết án ngài. Nhưng mọi chuyện được giãi bày. Một tài liệu của thánh Corneliô cho thấy mức quy mô tổ chức trong Giáo hội La Mã hồi giữa thế kỷ III: 46 linh mục, 7 phó tế, 7 phụ phó tế. Số Kitô hữu ước tính khoảng 50.000 người. Thánh Corneliô qua đời vì cực khổ trong thời gian bị đi đày ở nơi mà nay là Civitavecchia (gần Rôma).

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc Tại đây 

Bài đọc:  1 Cr 11,17-26.33
Nếu có sự chia rẽ giữa anh em thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Thưa anh em, nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!
Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ðó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng:  Lc 7,1-10
Ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn. Ðó là lời Chúa.

Seigneur, ne prends pas cette peine, car je ne suis pas digne que tu entres sous mon toit. C’est pourquoi je ne me suis pas autorisé, moi-même, à venir te trouver. Mais dis une parole, et que mon serviteur soit guéri! (Lc 7, 1-10)