Thứ Bảy 16.09.2023 | Thánh Cornêliô và Thánh Cyprianô | Lời Chúa năm A

206

Thánh Cornêliô, giáo hoàng [253] và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo [258].

Lễ kính các thánh Cornêliô và thánh Cyprianô được Giáo Hội Rôma cử hành từ thế kỷ IV, kỷ niệm việc tử đạo của thánh Cyprianô bị xử trảm ở Carthage năm 258. Lễ được cử hành nơi hầm mộ thánh Cornêliô ở hang toại đạo Calixte. Nhưng khi lễ kính Thánh Giá được đưa vào phương Tây ngày 14 tháng 9, lễ hai thánh Cornêliô và Cyprianô chuyển xuống ngày 26 cùng tháng. Thánh Cornêliô chết trong khi bị lưu đày trước cuộc tử đạo thánh Cyprianô mấy năm sau cũng được nhắc tới chung với thánh giám mục Carthage trong lễ qui Rôma để ghi nhớ tình bạn giữa hai vị.

Thánh Cornêliô người Rôma lên thay thế Đức Giáo Hoàng Fabien năm 251 sau một năm tòa giám mục Rôma trống ngôi do cuộc bách hại của hoàng đế Decius, mà theo lời thánh Cyprianô, là người “thà thấy một đối thủ nổi lên chống đối mình còn hơn thấy một giám mục của Chúa ở Rôma”. Lên ngôi giáo hoàng, Đức Cornêliô đụng đầu với vấn đề quan trọng là hoà giải các Lapsi, tức là những Kitô hữu trong lúc cấm cách đã chẳng may chối đạo. Đức Giáo Hoàng muốn có thái độ khoan dung, thứ tha và tái nhập họ, nhưng một linh mục người Rôma tên là Novatien tự xưng giám mục đối kháng, tố cáo Ngài là chiếu cố. Thái độ nghiêm khắc của Novatien bị Đức Giáo Hoàng kế án, trở thành nguồn gốc của giáo hội ly giáo Novatien có mặt tại Rôma xứ Gaule, Tây Ban Nha, và mãi tới thế kỷ VII mới tan rã.

Trong cuộc chiến chống lại ly giáo Novatien, Đức Giáo Hoàng Cornêliô được sự hỗ trợ của Đức Giám Mục Cyprianô ở Carthage, vì Đức Giám Mục Cyprianô cũng vấp phải những khó khăn tương tự, do nhóm ly giáo nghiêm khắc Félicissime và Novatien. Thời Gallus bắt đầu bách hại đạo (251-253), Đức Giáo Hoàng Cornêliô bị đày đi Centumcoellae (phía Bắc Rôma), ít lâu sau Ngài qua đời. Sau này thánh Cyprianô nêu tên Ngài là tử đạo. Hài cốt Ngài vẫn được tôn kính nơi mộ Ngài trong hang toại đạo Calixte ở Roma.

Thascius Caecilius Cyprianus sinh đầu thế kỷ III ở Carthage, tại đây Ngài trở thành một nhà tu từ nổi tiếng. Do ảnh hưởng của linh mục Caecilius, Cyprianô trở lại đạo vào khoảng hai mươi lăm tuổi, được rửa tội tháng 6 năm 245 hoặc 246. Ngài kể lại cuộc cải giáo của mình trong cuốn Tiểu Luận Gửi Donatus (246). Năm 249, Cyprianô được chọn làm giám mục Carthage nhưng cuộc bách hại của Decius (cuối 249) buộc Ngài phải rời thành phố. Ngài viết nhiều thư nâng đỡ các Giáo hội bị bắt bớ. Trở về Carthage năm 251, Ngài cũng đụng đầu với vấn đề Lapsi như Đức giáo hoàng Cornêliô ở Roma bởi vì có nhiều giáo hữu đã chối đạo trong thời kỳ cấm cách. Hoàn toàn đồng ý với Đức giáo hoàng, Ngài chọn biện pháp nhân từ, vừa chống lại chủ trương quá rộng của một số người xưng đạo, vừa chống thái độ quá nghiêm khắc của một số người khác tập trung chung quanh Félicissime. Ông này bị kết án và bị vạ tuyệt thông do công đồng Carthage năm 251 mặc dầu các giám mục chống đối đã từng truyền chức linh mục, thậm chí cả chức giám mục cho Cyprianô.

Nhiều thử thách khác nhanh chóng ập xuống Giáo Hội Châu Phi: Những cuộc tấn công đốt phá bắt giáo dân làm con tin, trận dịch hạch bị đổ tội cho các Kitô hữu là nguyên nhân. Thánh giám mục Carthage đã mở một cuộc lạc quyên để chuộc các tù binh và tổ chức những cuộc cứu trợ bất kể tôn giáo.

Từ năm 255, đối với thánh Cyprianô và các giám mục Châu Phi đã nảy sinh vấn đề thành sự của phép rửa do người lạc giáo cử hành. Đức giám mục Carthage và các giám mục châu Phi cho rằng thánh tẩy do người lạc giáo cử hành thì bất thành, ngược lại, Đức thánh giáo hoàng Etienne theo truyền thống Rôma, công nhận việc đó. Tranh cãi giữa hai bên suýt đưa tới đổ bể, nhưng cái chết của Đức giáo hoàng Etienne vào năm 257 và cuộc tử đạo của thánh Cyprianô năm 258 đã chấm dứt cuộc tranh luận suýt gây tác hại lớn.

(https://www.kath-vietnamesen.de/phung-vu-2/hanh-cac-thanh/16-09-thanh-cornelio-giao-hoang-253-va-thanh-cypriano-giam-muc-tu-dao-258-le-nho/)

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc MP3 Tại đây

Bài đọc:  1 Tm 1,15-17
Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi.

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi ông Timôthê.
Anh em thân mến, đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng: Lc 6,43-49
Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”, mà anh em không làm điều Thầy dạy?

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”, mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành. Đó là lời Chúa.

On ne cueille pas des figues sur des épines ; on ne vendange pas non plus du raisin sur des ronces. L’homme bon tire le bien du trésor de son cœur qui est bon ; et l’homme mauvais tire le mal de son cœur qui est mauvais: Car ce que dit la bouche, c’est ce qui déborde du cœur. (Lc 6,43-49)