Thứ Bảy 23.11 | Thánh Clêmentê I – Th. Columbanô | Lời Chúa năm B

40

Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng tử đạo (qua đời năm 100)

Theo truyền thống, thánh Clêmentê được chính thánh Phêrô phong chức linh mục. Theo một số tác giả, thánh Giáo hoàng Clêmentê là người kế vị thánh Giáo hoàng tiên khởi Phêrô, nhưng một số học giả hiện đại cho rằng thánh Clêmentê là giáo hoàng thứ 3.

Ngài được thánh Phaolô nhắc tới trong thư gởi giáo đoàn Philipphê và ngài có lẽ là người Philipphê. Các học giả hiện đại cho rằng không biết thánh Clêmentê là người Do Thái hay dân ngoại. Một số học giả cho rằng ngài là người Do Thái vì lá thư nổi tiếng của ngài thấm sâu Cựu ước.

Có học giả cho rằng ngài là người La Mã, tử đạo ngoài thành Rôma. Trong “Công vụ Tử đạo” (Acts of the Martyrs, được viết hồi thế kỷ IV) có nhiều chi tiết thú vị. Thánh Clêmentê bị hoàng đế Trajan bắt đi đày ở Chersonese, Crimea hiện đại. Tại đây ngài tích cực giúp các tù nhân phải làm ở mỏ nên ngài bị kết án tử. Thi hài ngài bị ném xuống biển với chiếc neo gắn vào cổ. Sau đó người ta tìm thấy thi hài ngài và an táng trong mộ cẩm thạch.

Không biết có đúng xương ngài hay không, nhưng thánh tích ngài có giá trị trong thư gởi giáo đoàn Corintô. Các học giả vẫn đồng ý như vậy. Thư này được viết khi một trong các tông đồ còn sống, lá thư của thánh Clêmentê là tài liệu quan trọng đầu tiên hồi đó.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org, CatholicCulture.org)

Thánh Columban, Viện phụ (543?-615)

Ngài là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại của Ai-len tại Âu châu. Thời trẻ, ngài khổ sở vì bị cám dỗ về xác thịt, ngài tìm lời khuyên của một phụ nữ đã ẩn tu nhiều năm. Ngài thấy trong câu trả lời của bà là tiếng gọi rời bỏ thế gian. Ngài đến gặp một tu sĩ ở một hòn đảo tại Lough Erne.

Sau nhiều năm sống ẩn dật và cầu nguyện, ngài đến Gaul cùng với 12 nhà truyền giáo khác. Ngài được nhiều người kính trọng vì ngài sống kỷ luật nghiêm khắc, truyền giáo, và bác ái. Ngài thành lập vài tu viện ở Âu châu, các tu viện này đều trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.

Cũng như các thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải kêu gọi giáo hoàng chống lại những lời than phiền của các giám mục ở Frank, để được xác minh sự chính thống và phê chuẩn các thói quen của người Ai-len. Ngài khiển trách nhà vua về cách sống dâm loạn của ông vì ông đã kết hôn. Vì điều này đe dọa quyền lực của mẫu hậu, thánh Columban được lệnh về Ai-len. Tàu của ngài gặp bão, ngài tiếp tục làm việc tại Âu châu, cuối cùng ngài đến Ý, tại đây ngài được vua Lombards ủng hộ. Trong những năm cuối đời, ngài thành lập tu viện Bobbio nổi tiếng và ngài qua đời tại tu viện này. Các tác phẩm của ngài có một chuyên luận về sám hối và chống tà thuyết Arian (*), các bài giảng, thi ca và tu luật.
____________________________

(*) Arianism: thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicaea (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah’s Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org, CatholicCulture.org)

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc Tại đây

Bài đọc:  Kh 11,4-12
Hai vị ngôn sứ này sẽ gieo tai giáng họa cho những người sống trên mặt đất.
Lời Chúa trong sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ

Tôi là Gio-an, tôi nghe có tiếng nói với tôi rằng: “Hai nhân chứng của Ta đến tuyên sấm, đó là hai cây ô-liu và hai cây đèn đứng trước nhan Chúa Tể cõi đất. Nếu ai muốn làm hại các ngài, thì lửa sẽ từ miệng các ngài phát ra và thiêu huỷ thù địch của các ngài. Ai muốn làm hại các ngài, sẽ bị giết như thế. Các ngài có quyền đóng cửa trời lại, khiến mưa không rơi xuống trong những ngày các ngài làm ngôn sứ. Các ngài cũng có quyền biến nước thành máu và gieo tai giáng hoạ xuống mặt đất, bao nhiêu lần tuỳ ý. Khi các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ làm chứng, thì Con Thú từ vực thẳm sẽ lên tấn công các ngài, nó sẽ thắng và giết các ngài. Thi hài của các ngài sẽ nằm ở quảng trường của thành phố vĩ đại; thành phố ấy mang tên tượng trưng là Xơ-đôm và Ai-cập, ở chính nơi Chúa của các ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá. Từ các dân, các nước, các ngôn ngữ và các chi tộc, người ta sẽ đến nhìn xem thi hài các ngài trong ba ngày rưỡi và không cho phép chôn các ngài trong mộ. Những người sống trên mặt đất hân hoan vì các ngài đã chết, họ sẽ ăn mừng và tặng quà nhau, vì hai ngôn sứ này đã làm khổ họ. Sau ba ngày rưỡi, sinh khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng dậy được. Những kẻ đang nhìn các ngài đều kinh hãi. Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ trời bảo: “Hãy lên đây!” Và các ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch của các ngài. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng: Lc 20,27-40
Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa. Đó là lời Chúa.

Mais ceux qui ont été jugés dignes d’avoir part au monde à venir et à la résurrection d’entre les morts ne prennent ni femme ni mari, car ils ne peuvent plus mourir: Ils sont semblables aux anges, ils sont enfants de Dieu et enfants de la résurrection. (Lc 20, 27-40)