Thứ Ba 17.09 | Th. Rôbertô Bellarminô – Th. Hildegardis Bingensis | Lời Chúa năm B

45

Thánh Robert Bellarmine, Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh (1542-1621)

Ngài thụ phong linh mục năm 1570, nghiên cứu lịch sử Giáo hội và các Giáo phụ ở trong tình trạng thờ ơ. Là một học giả có triển vọng từ hồi còn trẻ ở Tuscany, ngài chuyên tâm vào 2 vấn đề, kể cả Kinh thánh, để hệ thống hóa giáo lý chống lại sự tấn công của các nhà cải cách Tin Lành. Ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên trở thành giáo sư ở Louvain.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là 3 cuốn Bàn luận về các cuộc tranh cãi Đức tin Kitô giáo (Disputations on the Controversies of the Christian faith). Ngài phát triển lý thuyết về quyền gián tiếp của giáo hoàng trong các việc tạm thời; mặc dù ngài bảo vệ ĐGH khỏi triết gia Barclay người Scotland, ngài cũng chịu đựng cơn giận của ĐGH Sixtô V.

Ngài được ĐGH Clementô VIII tấn phong hồng y. Khi bận việc ở Tòa thánh, ngài vẫn giữ thói quen sống khổ hạnh. Ngài chi tiêu ít, chỉ ăn những đồ ăn dành cho người nghèo. Ngài là thần học gia của ĐGH Clementô VIII, soạn bộ giáo lý ảnh hưởng nhiều tới Giáo hội.

Cuộc tranh luận lớn về cuộc đời ngài xảy ra năm 1616 khi ngài phải khiển trách bạn mình là Galilê, dù ngài khâm phục. Ngài khiển trách nhân danh Giáo hội về thuyết nhật tâm (heliocentric theory, lấy mặt trời làm tâm điểm) của Copernicus là ngược với Kinh thánh. Đó là một ví dụ cho thấy các thánh không phải không sai lầm.

Ngài qua đời ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho ngài bắt đầu từ năm 1627, nhưng trì hoãn vì lý do chính trị, xuất phát từ những gì ngài viết, cho tới năm 1930. Năm 1931, ĐGH Piô XI tôn phong ngài là Tiến sĩ Giáo hội.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Thánh HildegardisBingensis
Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh

Hildegard xứ Bingen (tiếng ĐứcHildegard von Bingentiếng LatinhHildegardis Bingensis; k. 1098 – 17.9.1179 ), còn được gọi là Thánh Hildegard hay Nữ tiên tri sông Rhine, là một tu viện trưởng dòng Benedicti người Đức và là nhà bác học đa tài trong nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, tiên tri và y học thời Trung đại. Bà là một trong những nhà soạn nhạc thánh ca đơn âm nổi tiếng nhất, cũng như được thu âm nhiều nhất trong lịch sử hiện đại. Bà đã được nhiều người ở Châu Âu coi là người sáng lập ra ngành khoa học lịch sử tự nhiên ở Đức.

Tu viện nơi Hildegard tu hành đã bầu bà làm magistra (mẹ bề trên) vào năm 1136. Bà thành lập các tu viện Rupertsberg vào năm 1150 và Eibingen vào năm 1165. Hildegard là tác giả của một lượng lớn tác phẩm thần học, thực vật học và y học, cũng như thư từ, thánh ca và điệp khúc phụng vụ. Bên cạnh đó, bà còn sáng tác thơ và biên tập cuốn minh họa thếp vàng tác phẩm đầu tay của bà là Scivias. Hildegard là tác giả của nhiều bài thánh ca còn tồn tại cho đến nay hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào trong toàn bộ thời Trung cổ, và bà là một trong số ít nhà soạn nhạc sáng tác cả nhạc và ca từ. Một trong những tác phẩm của bà, Ordo Virtutum, là một trong những vở kịch phụng vụ đầu tiên và được cho là vở kịch đạo đức lâu đời nhất còn tồn tại. Bà cũng được ghi nhận là đã sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ nhân tạo được gọi là Lingua Ignota.

Mặc dù quá trình phong thánh chính thức của bà rất phức tạp và mới chỉ diễn ra gần đây, nhưng từ lâu trong lịch phụng vụ nhà thờ Công giáo tại nhiều địa phương bà vẫn được coi là Thánh Hildegard trong suốt nhiều thế kỷ. Vào ngày 10.5.2012, Giáo hoàng Benedict XVI đã công nhận Hildegard với nghi lễ “tương đương phong thánh” trên toàn thể Giáo hội Công giáo. Vào ngày 7.10.2012, bà được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh và tôn vinh vì “đức thánh thiện trong đời sống và tính sáng tạo trong lời răn.”… …

Trích từ https://wiki.scholarship.edu.vn/wiki/Hildegard_von_Bingen#google_vignette

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc).

Nghe hoặc Download Bài đọc Tại đây 

Bài đọc:  1 Cr 12, 12-14. 27-31a
Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Thưa anh em, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Ðó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng:  Lc 7, 11-17
Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy trỗi dậy!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giê-su đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận. Ðó là lời Chúa.

Une foule importante de la ville accompagnait cette femme. Voyant celle-ci, le Seigneur fut saisi de compassion pour elle et lui dit: «Ne pleure pas.» Il s’approcha et toucha le cercueil; les porteurs s’arrêtèrent, et Jésus dit: «Jeune homme, je te l’ordonne, lève-toi.» Alors le mort se redressa et se mit à parler. (Lc 7, 11-17)