Thứ Ba 02.01.2024 | Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô | LCTTL năm B

158

Basiliô thành Caesarea, còn được gọi là Thánh Basiliô Cả hoặc Thánh Cả Basil (tiếng Hy Lạp: Ἅγιος Βασίλειος ὁ Μέγας) (329/330 – 379) là một Giám mục thành Caesarea Mazaca thuộc vùng CapadociaTiểu Á.

Ông là người sáng lập một dòng tu ở vùng Pontus gần Biển Đen và là tác giả của một bộ quy tắc tu trì sau trở thành quy tắc chính cho lối sống đan tu của các giáo hội Đông phương, đây cũng là nguồn cảm hứng cho bộ Tu luật Biển Đức của thánh Bênêđictô thành Norcia ở Tây phương. Ông đã sống một cuộc đời rất khổ hạnh.

Năm 370, ông trở thành Giám mục của Caesarea. Ông cam kết với những người cùng cực trong nạn đói. Ông tạo ra khu phức hợp mang tên ông, bao gồm nhà tế bần và bệnh viện – Basiliad, đấu tranh chống đói nghèo. Ông là một người tiên phong của Giáo hội.

Ông bảo vệ tín điều Nicea chống lại tà thuyết. Ông đã viết nhiều bài luận về Chúa Thánh Thần, phát triển nền thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ông cố gắng rất nhiều để làm yên lòng những chia rẽ trong Giáo hội.

Trong Công giáo Rôma, ông được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh năm 1568 bởi Đức Giáo hoàng Piô V. Ông được tôn kính là một vị thánh bởi những người Chính thống giáo cũng như những người Công giáo. Lễ kính ở Tây phương là ngày 2 tháng 1; còn ở Đông phương là ngày 1 tháng 1.

(https://vi.wikipedia.org/wiki/ Basiliô_Cả)

Grêgôriô thành Nazianzô (329 – 25 tháng 1, 389 hoặc 390), còn được gọi là Grêgôriô Nhà thần học hay Grêgôriô Nazianzênô hoặc Grêgôriô Nazianzen (tiếng Hy Lạp: Γρηγόριος Ναζιανζηνός Grēgorios Nazianzēnos) là một Tổng giám mục thành Constantinopolis thế kỷ thứ 4. Ông được xem là một trong những Giáo phụ điển hình về tài hùng biện. Là một nhà triết học và nhà giảng thuyết được huấn luyện cách kinh điển, ông đã tích hợp triết học Hy Lạp vào Giáo hội, là một điển hình trong số các chức sắc và nhà thần học Byzantine.

Grêgôriô có tác động quan trọng lên khuôn mẫu của thần học về Ba Ngôi, trong cả phạm vi tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Nhiều tác phẩm thần học của ông tiếp tục ảnh hưởng tới các nhà thần học ngày nay, đặc biệt về vấn đề sự tương quan giữa ba Ngôi vị.

Grêgôriô là một vị thánh được tôn kính trong cả Kitô giáo Đông phương và Tây phương. Cùng với hai anh em Basiliô Cả và Grêgôriô thành Nyssa, ông được biết đến là Giáo phụ miền Cappadocia. Trong Công giáo Rôma, ông được coi là Tiến sĩ Hội thánh; trong Chính Thống giáo Đông phương và Công giáo Đông phương, ông được tôn vinh là một trong Tam Thành Thánh Giả cùng với Basiliô Cả và Gioan Kim Khẩu.

 (https://vi.wikipedia.org/wiki/Grêgôriô_thành_Nazianzus)

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc MP3 Tại đây

Bài đọc: 1 Ga 2, 22-28
Ước chi điều anh em đã nghe từ đầu ở lại trong anh em.

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ.
Anh em thân mến, ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? Kẻ ấy là tên phản Ki-tô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con. Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha; kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha. Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha. Và đây là điều mà chính Đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời. Tôi viết cho anh em những điều ấy để nói về những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường. Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự -mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá-, thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người. Giờ đây, hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng:  Ga 1,19-28
Người sẽ đến sau tôi.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa. Đó là lời Chúa.

“Mais au milieu de vous se tient celui que vous ne connaissez pas ; c’est lui qui vient derrière moi, et je ne suis pas digne de délier la courroie de sa sandale.” (Jn 1,19-28)