Rước Chúa Giêsu vào nhà ăn Tết | Xuân Nhâm Dần 2022 | Vo Ha

546

vo ha

Xin lý lẽ đôi dòng.
Chúa nhật nầy 30.01.22, theo Lịch Phụng Vụ Thánh, là Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên chu kỳ năm C.

Bài đọc 1
Sách TiênTri Giêrêmia
1, 4-5, 17-19: …
“Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc”…

BÀI ĐỌC II.
Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô 12,31 – 13,13 .
..

“Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả”….

PHÚC ÂM: Lc 4, 21-30. 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
…“Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái”… 

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Đôi dòng tâm tình.

Thiên Chúa đã chuẩn bị Đấng Thiên Sai, theo như khải thị của các ngôn sứ, người đó là Đức Giêsu Kitô và gởi tới với dân Do Thái trước Nhất. Nhưng khi Chúa Giêsu loan báo ơn cứu rỗi sẽ phổ cập cho mọi người, thì bị ngay đồng hương nổi giận trục xuất và còn muốn xô Người xuống vực thẩm. Đó là chuyện của 2 ngàn năm trước.

Còn mới đây, thế kỷ 20 vừa qua, khi thế giới Âu Tây rời bỏ Công giáo ngày càng nhiều, nhà Hiền triết kiêm Thi Văn Nhạc sĩ Tagore (gốc Bengal, 1861-1941) đã mời Chúa Giêsu sang Ấn Độ, vì thế giới Tây Phương không có chổ cho Người.

Dựa vào tình cảnh Tiên tri Giêsu không được trọng nơi quê hương, và cũng thế theo lời thỉnh cầu của Vị Đạo sĩ Đông phương, chúng con kính mến chào mời Chúa thêm bước nữa sang phía Á Đông, tới quê hương Việt Nam mùa Xuân nầy, để cùng chúng con Ăn Tết. Vui lắm Chúa ơi!

Xin cho “tua gai” tour guide dẩn vài bước cần biết.

Trước hết, chúng con nhớ tới nhà thơ Tướng Công Uy Viển Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã dặn dò đón Tết qua hai câu đối:

“Ba mươi tết, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa.
Sáng mùng một, dang tay bồng Ông Phúc vào nhà’ 

Thằng bần là khổ sở bất hạnh, tai hoạ các thứ do tội lỗi gây ra. Còn Ông Phúc là chính Chúa của Mùa Xuân. Có được Chúa, chúng con sẽ “hên” đủ thứ.

Kế đến, Ăn Tết đã đã trở nên văn hóa cốt lõi của cuộc sống chúng con, bao gồm những vẻ đẹp vật chất và tinh thần của dân Tộc Việt nhiều ngàn năm qua, mà Trời Cao đã ban tặng. Nên gọi đây là Đạo Ăn Tết cũng thêm phải lẽ.

Về vật chất, thì từ vài tuần trước, nhà nhà đều chuẩn bị Tết, dọn dẹp gọn gàng. Lau chùi sạch sẽ, mua sắm thức ăn kẹo bánh rượu trà quà tặng, cho người nhà và quí khách. Trước kia, còn gởi thiệp chúc xuân qua bưu điện, hôm nay thì chuyển qua máy tính, vi tính…

Còn mặt tinh thần, Tết là 3 ngày quan trọng nhất trong năm, 3 ngày nghỉ lễ cả nước. Tết là thời gian tốt nhất cho dịp đoàn tụ gia đình, cầu chúc phúc lôc thọ cho mọi người trong nhà và xóm làng. Tết cũng là dịp quí nhất để tưởng nhớ tổ tiên và ân nhân đã qua đời. Ôn lại chuyện cũ, hoạch định năm mới làm sao cho khá hơn.

Với người có niềm tin tôn giáo, thì Tết là dịp đổi mới tâm linh. Người ta tới nơi thờ tự dâng lễ vật với lòng thành kính, cầu phúc lộc thọ cho người nhà, ra tới quốc gia và rộng xa toàn thế giới.

Riêng người Công Giáo, chiều áp Tết là Lễ Tất Niên tạ ơn Chúa vì những ơn lành năm qua. Có nơi còn hát kinh Latin xưa “Te Deum” ca tụng Ngài là Thiên Chúa. Rồi khi màn đêm buông xuống, là lễ giao thừa, bàn giao giữa cũ và mới, cũng là dịp để cầu xin, thêm tin tưởng và phó thác niềm cậy trông năm mới trong bàn tay uy quyền của Thiên Chúa.

Sáng mùng một Tết, chúng con tới nhà thờ, tế lễ Chúa Tể Càn Khôn, thánh hóa những giây phút đầu tiên của năm mới. Đặc biệt rất nhiều họ đạo có gốc chung từ thời Giáo Phận Tông Toà Đàng Trong Tây 1844, còn bảo tồn nghi lễ “Mừng Tuổi Chúa” vào sáng Mùng 1 Tết.

Sáng kiến trên, đưa tới thực hành nghi thức “Mừng Tuổi Chúa” do một hay nhiều nhà đạo đức nêu lên, và thẩm quyền tôn giáo chấp nhận, cho phép đưa vào nhà thờ sau hoặc trước Thánh lễ. Nghi thức, có thêm bớt cho được đúng ý nghĩa tâm linh, tuỳ thời và tuỳ nơi. Nghi lễ nầy còn lưu lại mãi trong ký ức cả đời của hầu hết người Công giáo nào đã sinh trưởng hoặc có thời gian sống lâu hay mau trong những họ đạo rộng khắp vùng nầy.

Về quan điểm Mừng Tuổi Chúa bên trên, xin thêm đôi dòng. Theo niềm tin phổ thông dân gian của đa số các dân tộc Á Đông, thì Ông Trời cũng đã vô thuỷ vô chung từ hồi nào rồi. Trên cơ sở niềm tin nầy, Thiên Chúa của Kitô giáo không bị lệ thuộc ngày giờ năm tháng của thời gian như thụ tạo, nên không có tuổi. Có nghĩa là Ngài trường cửu, không có bắt đầu cũng không có chấm dứt như tạo vật.

Nên khi nói “Mừng Tuổi Chúa” có nơi cho là sai lầm, không đúng. Có nơi còn quan trọng hoá vấn đề thành sai lạc tín lý. Do đó mà không làm, có nơi cấm đoán hoặc bãi bỏ nếp cũ dù đã ăn sâu vào tim óc của con nhà có đạo địa phương phía Nam Nước Việt hằng trăm năm.

Còn cái nhìn của những nhà đạo đức thấy được và thực hành nghi thức “Mừng Tuổi Chúa” ngày Tết ngay từ đầu, bắt nguồn từ phương pháp Anthropomorphism “nhân hình hay nhân ảnh” mà Thánh Kinh đã dùng rất nhiều.

Đó là dùng lăng kính của con người để nhìn xem hay mô tả thần thánh. Nhiều chỗ trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước cũng diễn tả thần thánh có thất tình Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục như con người. Nên đưa văn hóa cao đẹp mừng tuổi thọ cho người đang sống mỗi dịp đầu năm, vào việc tôn thờ Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống, Đấng Vạn Hữu Chân Nguyên, là hình thái hội nhận văn hóa dân tộc cao nhất. Vì vậy mà con dân Chúa cần phải làm, như đã làm với bậc sinh thành dưỡng dục và nên phổ biến rộng rãi ra.

Sau đây, xin ghi lại bản văn bài “Mừng Tuổi Chúa” thêm Đức Mẹ, Thiên Thần cùng các Thánh tử đạo, có từ năm chừng 1911, của Cha Phaolô Đạt (1877-1956)? đã được dùng rộng khắp nhiều họ đạo Nam Kỳ trước kia. Đặc biệt hôm nay, nhiều họ đạo trong những Giáo Phận Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho … còn giữ và tổ chức “Mừng Tuổi Chúa” linh đình với đoàn rước đại diện các cấp, có cả chuông, khánh, kèn, trống, nhan, đèn, cờ xí. Nghi lễ và cung điệu bài hát, có thể xem online, trên mạng.

  • Kính thờ Chúa Tể Tạo Thành. Chí tôn hằng có dựng sanh muôn loài. Thủy chung tự hữu không sai. Ngày giờ năm tháng đặt rày bổn nhơn. Phận làm sắc vọng trung ngươn. Luân xây thời tiết đã hơn trăm ngàn. Vậy nay năm cũ vừa sang. Tân xuân lố rạng ác vàng tin vui. Loài hèn suy tới ngậm ngùi. Ơn sâu nghĩa thẳm Chúa tôi đạo mầu. Đem nhau đền thánh cúi đầu, trước là tạ Chúa, sau là xin ơn. Xin cho chúng tử an ninh, sống thác giữ gìn nghĩa Chúa thường sinh. 
  • Năm cũ đã qua bước sang năm mới. Chúng con rày tới hiếu kính Mẹ lành. Đội ơn gìn giữ bấy lâu không thể đáp bồi. Sắp mình kính lạy, Đức Nữ Trinh Đồng. Xin Mẹ giúp luôn, dắt con ghi dấu, hầu sau xum hợp trên chốn trường sinh. Xin khấn nhậm lời.
  • Năm cũ bình yên tân niên kế tiếp. Giáo nhơn rày hiệp xin các Thiên Thần. Giữa chốn gian trần ma tà đánh dẹp, quỉ ma khép nép kính sợ oai quyền. Hết thảy chúng con sắp mình kính lạy, đáp ngãi bấy lâu. Rồi đây năm mới hộ thủ giữ gìn, hồn xác an bình dõi theo đàng chính. Đời sau lên chốn các thánh thiên sai, vui thay khoái vui, muôn kiếp chẳng cùng.
  • Năm cũ bình an bước sang năm mới, chúng con rày tới kính chúc thánh hiền. Giúp nguyện đàn chiên thoát khỏi tiền khiên. Triều thiên chói lói là phước trường sinh. Đôi chữ an bình, cầu bàu chúng tử. Dưng lạy cám đền phô vì hiển thánh, xin khấn nhậm cùng. Lòng con hiếu thảo, ngày nay tựu đến cảm mến ơn cao. Nguyện sau ngợi Chúa kiếp kiếp đời đời, muôn kiếp muôn đời. 

Bài hát trên, cũng được sửa đổi một số từ ngữ cho gần gủi và ngắn gọn, chỉ Mừng Tuổi Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kính thờ Chúa Tể tạo thành chí tôn hằng có dựng sinh muôn loài. Thuỷ chung tự hữu vô song ngày giờ năm tháng an bài không sai. Đất trời vũ trụ trong tay luân xoay thời tiết đông qua xuân về. Vậy nay năm cũ bình yên tân xuân ló rạng khắp trời sáng tươi. Loài hèn suy thấu ngọn nguồn ơn sâu nghĩa thẳm Chúa thương con người.

Nay lên đền Chúa khẩn cầu trước là tạ Chúa, sau là xin ơn. Xin cho trần thế an vui sống chết trọn tình với Chúa từ nhân. Vui quá vui thay đoàn con dâng Chúa muôn lời cung chúc vạn tuế cao minh. Xin Chúa nhân từ nhận lòng hiếu thảo vui vầy lớn nhỏ đến Chúa tân niên.

Hiện nay, có nhiều bài hát, bài thơ và nghi thức Mừng Tuổi Chúa đã được phổ biến rộng rãi. Lựa cái nào cho thích hợp hoàn cảnh

Sau thánh lễ, tín hữu thường bước lên gian cung thánh Hái Lộc Đầu Xuân, chọn ít là một cuộn tròn chứa đựng Lời Chúa. Mở ra đọc cho thuộc. Mang Tờ Lộc nầy về, đặt trên nơi trang trọng, để mỗi lần ra vô, nhắc nhớ mình thực hành trong suốt năm mới.

Cũng rất tiện lợi, Lộc Thánh năm nay, có sẵn trong thứ I của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (13: 4-7) được đọc trong chúa nhật đầu tuần nầy: Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Con lựa một nhân đức, đưa vào thực hành, rồi trình kết quả lên Chúa vào ngày cuối năm nầy.

Qua ngày Mùng Hai, dành ra để kính nhớ ông bà tổ tiên.

Nhiều họ đạo tổ chức thánh lễ tại đất thánh. Dân chúng mang theo nhang đèn hoa quả thức ăn đặt trên phần mộ người nhà. Trước hết cùng kính dâng những hoa màu ruộng đất và lao công của con người lên Chúa. Sau thánh lễ cầu nguyện thông công với ông bà tổ tiên, thì cùng nhau chia bữa ăn Agape của tín hữu thời sơ khai.

Mùng Ba dành ra cầu mùa cho dân nông nghiệp, và cũng cầu  công ăn việc làm cho dân thành thị được thuận lợi, bền vững. Xin Chúa thánh hóa và chúc phúc dụng cụ hành nghề và hạt giống.

Xin Dâng Lời Cầu

  • Chúng con chúc tụng Ngài cùng xin dâng lên Chúa của Mùa Xuân những giờ phút đầu tiên năm mới.
  • Xin cho mọi thành phần dân Chúa các cấp vui hưởng năm mới  nhiều phước lộc thọ cùng nhiệt thành loan truyền nước Chúa 
  • Xin cho các thẩm quyền trần thế khắp nơi, vui hưởng và chung tay xây đựng thêm năm mới hòa bình, sung túc. 
  • Xin cho những người đang gặp khó khăn vật chất tinh thần, năm mới vượt qua khổ nạn và được may lành.
  • Xin cho mọi người trong họ đạo chúng con, năm mới thêm tuổi, thêm khôn ngoan đạo đức và làm gương sáng cho những người chung quanh
  • Xin cho mọi điều tốt đẹp nhất tới với mọi người và giúp chúng con cùng chung duy trì cho sự thiện hảo đó suốt đời.
  • Chúng con tụ họp đầu Xuân bên Chúa như con cái vây quanh cha mẹ. Xin gìn giữ chúng con tron tình yêu Chúa luôn mãi.  
  • Xin cho lời chúc Bình An năm mới của Chúa đến với mọi người và ở lại luôn mãi. Amen.