Mau Mắn Bỏ Mọi Sự Đi Theo Thầy Giêsu | Chúa Nhật 5 Thường Niên C

341

vo ha

Trong việc trị quốc, khi Vị thủ tướng hay tổng thống mới được dân chúng phổ thông bầu cử, thì việc chính đầu tiên là chọn người tài đức hay người của phe mình, theo cái nhìn của người đời, để giúp điều hành việc nước tại trung ương, gọi là Nội Các hay Chính Phủ

Về mặt tôn giáo, Chúa Giêsu đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, cũng chọn 12 môn đệ đi theo Người. Chúa cần huấn luyện các ông nhiều mặt để sẵn sàng tiếp tục sứ mệnh linh thiêng khi Thầy rời khởi họ. Nhưng những người đầu tiên Chúa chọn lựa không là những nhà chính trị cao đầy kinh nghiệm hay những thầy thông luật hoặc giáo sĩ Do Thái đã thuộc lòng Thánh Kinh Cựu Ước. Mà đa số người Chúa chọn là dân chài cá bình dân trên sóng nước.

Tại sao Chúa Giêsu chọn lựa những con người nầy? – Đó là ý riêng của Chúa. Chúa muốn như vậy. Chúa nhìn từ bên trong. Điều mà hậu thế thấy và biết được, là do các Ngài vốn có đức khiêm tốn và sẳn sàng theo Chúa. Hai nhơn đức nầy chính là nên tảng của ơn gọi tông đồ đi theo Thầy Giêsu. Vậy ta cùng đọc những bài Lời Chúa bên dưới, cùng xin ơn thêm soi sáng.

BÀI ĐỌC I: Is 6, 1-2a, 3-8 
“Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói. Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 1-11
“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến,
Tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ.
Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11 
“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm. Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Trước hết, bài đọc 1 trong sách tiên tri I-sa-i-a, tường thuật lại ơn Chúa  gọi của ông, được  Thiên Chúa chọn đi rao giảng trong khoảng thời  gian chừng 740-687 BC.

Cớ sự là trong một thị kiến, ông thấy Chúa ngự trên ngai cao, đuôi áo – uy quyền, tình thương – bao phủ cả Đền thờ. Có các thiên thần tung hô, các nền nhà đều rung chuyển, nhà cửa đều đầy khói … Isaia biết Thiên Chúa đang hiện diện. Và Ông sẽ bị chết nếu thấy Thiên Chúa, theo quan niệm của Cựu Ước từ Núi Sinai thời Môsê, chừng 1250 năm TCN.

Kèm theo tiếng hát của các thiên thần, 3 lần Thánh Thánh Thánh, Chúa Các đạo binh, là lời chúc tụng tính siêu việt tuyệt đối cùng  quyền năng sức mạnh Thiên Chúa – qua hình ảnh vị tổng tư lệnh các quân binh chủng. Đây là nguồn gốc của kinh Thánh Thánh… sau phần dâng lễ vật trong Thánh Lễ.

Thêm nữa, khi Thiên Chúa gọi Ông làm sứ giả, tức là làm môi miệng Thiên Chúa loan báo Lời của Ngài, thì Isaia liền thấy mình tội lỗi, bất xứng trước Thiên Chúa quá thánh thiện. Nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ông, sai thiên thần thanh tẩy lưỡi ông, qua dụng cụ hình tướng tượng trưng, là than hồng gắp từ bàn thờ.

Dù đã chuẩn bị cho ông sẵn sàng, nhưng Thiên Chúa vẫn bàn luận, coi như hỏi ý kiến ông lần cuối: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Từ ngữ “chúng ta” ở đây là việc chung của hai bên khi ký kết hợp đồng xưa nay. Và hiện nay là ký kết cùng cái bắt tay thân ái chúc mừng “hợp tác vui vẻ”.

Cuối cùng, khi được xác nhận ơn gọi, Isaia sau đó đã mạnh dạn đáp lại: “Dạ con đây, xin sai con đi”. Đi đâu? Đi rao giảng hầu hết trong nghịch cảnh, để chuẩn bị nhịp cầu dài 7 thế kỷ dẩn tới Vị Tiên Tri cuối cùng mà toàn dân mong đợi. Đó là Chúa Giêsu Kitô.

Qua bài Phúc Âm, Thánh Luca tường thuật phép lạ của Chúa Giêsu có tính cách ngược hẳn kinh nghiệm của dân chài lưới.

Trước hết, tựa đề được ghi trong một số Tân Ước  cho bài Phúc Âm nầy 5:1-11: “Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên”. Nhưng, nếu tính theo thứ tự 4:38-39, khi ra khỏi hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đã chữa sốt nặng cho bà mẹ vợ của ông Simon rồi. Nên có thể hiểu ở đây 5:1-11, Chúa Giêsu tăng cấp việc huấn luyện thêm niềm tin, để các môn đệ nầy một lần nữa toàn quyền quyết định cho tương lai của các ngài.

Trước hết, ông Simon thân ái tới mức sẵn lòng cho Chúa Giêsu mượn thuyền, chèo ra xa bờ một chút, làm bục giảng an toàn, tránh cảnh dân chúng xô đẩy muốn đến gần vị cao siêu Thầy bất phàm.

Sau khi giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon chèo ra chỗ nước sâu thả lưới. Ông Simon “thưa Thầy” là tỏ lòng tin tưởng sâu xa khi trình bày ý kiến: Chúng tôi đã khó nhọc suốt đêm mà không bắt được gì. Nhưng vâng lời Thầy tôi sẽ thả lưới. Sau đó, phép lạ xảy ra là cá nhiều tới gần rách lưới và hai thuyền chở cá gần chìm.

Thái độ của ông Simon Phêrô sau đó, là khiêm tốn sấp mặt dưới chân Thầy, xin Thầy xa ra vì mình tội lỗi.

Thấy lòng thành của ông Simon và các đệ tử, Chúa Giêsu đi bước trước nữa, là xác nhận việc chọn các ông sau nầy sẽ đi thu tập con người, như mẻ cá vừa đánh bắt. Rõ là Thầy đã chọn môn đệ (Ga 15:16)

Sau đó là thái độ quyết định của các ông, được mỗi mình Thánh Luca ghi lại, là “từ bỏ mọi sự mà theo Thầy” C 11. Theo Thầy không như  khán thính giả qua đường, mà theo trong tin tưởng và vâng phục vị Thầy mà mình không tìm được nơi khác.

Sau nầy Chúa Giêsu còn thêm dẫn đưa các ông tới thực hành từ bỏ ngay chính mình, để vác thập giá và vui lòng chịu chết làm chứng nhân cho Chúa mà các ông tin tưởng.

Bài học cho con hôm nay là thái độ khiêm tốn nhìn nhận mình khiếm khuyết, tội lỗi mà thêm cậy trông vào Chúa. Đồng thời thực hành ơn gọi xuất gia hay tại gia trong tổng thể gia đình Hội Thánh, là cầu nguyện xin ơn soi sáng và làm trước cho người trong tầm tay như có thể, những gì mình muốn người làm cho mình (Mt 7:16).

Thêm ý nữa là, tuy con người bất xứng, nhưng Chúa luôn nâng đỡ người thiện tâm, vì “Người không bẻ gẩy cây sậy bị dập hoặc tim đèn còn bốc khói” (Mt. 12:20). Mà Chúa còn coi môn đệ – đại diện cho chúng con – không phải tôi tớ, nhưng là bạn hữu (Ga 15:14-15)

Trở lại bài đọc 2. Thánh Phaolô bị chống đối do vô tình hay cố ý gây chia rẽ, khi có người cho rằng Ông không xứng đáng vì bắt hại Tín Hữu Chúa Kitô trước kia.

Đáp lại, Thánh Phaolô nói rằng tất cả những điều ông rao giảng, do Ông lãnh nhận từ lời dạy của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã chọn ông như đã chọn các tông đồ khác.

“Thánh nhân khiêm tốn nhìn nhận: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa… Nhưng nay đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng … là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy”.

Về ơn Chúa gọi, xin ghi lại câu truyện nhỏ. Theo một Vị Thầy Cả lão thành Cha Nghiêm cùng lớp với Đức cố Giám Mục Nguyễn Văn Thiện (1906-2012) GM Vĩnh Long, cho biết. Linh Mục Nguyễn Ngọc Quang (1909-1989) của Giáo Phận  Vĩnh Long, từ 1960 đã được thỉnh ý chức vụ Giám Mục, nhưng Cha từ chối. Bình thường, linh mục nào từ chối chức Giám Mục thì không được thỉnh ý nữa. Tuy nhiên 1965, Đức Khâm Sứ Toà Thánh Angelo Palmas (1914-2003) phục vụ tại VN (1964-69) lại gặp Cha Nguyễn Ngọc Quang với ít là một vài câu đại ý rằng: nếu Ngài không chịu làm Giám Mục thì ai làm đây? Ai xứng đáng?. Sau đó, Đức Giám Mục Nguyễn Ngọc Quang chấp nhận phục vụ Giáo Phận Cần Thơ tới mãn đời (1965-1989).

Có ai dám nói mình xứng đáng với riêng ơn gọi tu sĩ? Nhưng khi có dấu chỉ Chúa chọn lựa mình, thì như Isaia và các tông đồ trong ba bài đọc trên, thì mau mắn chấp nhận cách khiên tốn và phó thác trong cánh tay quan phòng của Chúa. Các ơn gọi khác cũng cần Chúa nâng đỡ như vậy.

Xin dâng lời cầu 

Con đã biết Chúa và đi theo cách thuận lợi nhờ được sinh trong gia đình có ông bà cha mẹ Kitô hữu. Cũng có không ít anh chị em khác lớn lên mới được duyên lành gặp gỡ và bước đi theo Chúa. Sớm hay muộn, chúng con đều là đệ tử của chung một Chúa. Nên cớ sự cũ mới kỳ thị mọi thứ gia đình Giáo Hội, là đi ngược  ý Chúa. 

  • Xin tuôn đổ thêm ơn Thánh Thần trên Hội Thánh gồm mọi thành phần dân Chúa, giúp sức chúng con ít nhiều là muối, men, ánh sáng ánh nước trời, để Đạo Chúa ngày càng thêm phát triển khắp nơi.
  • Xin Chúa ra tay thần lực giúp nhân loại chúng con thoát cảnh ôn dịch, thiên tai, thời khí, mất mùa, giặc giã để mọi người được hưởng thái hoà viên mãn dưới cánh che chở của Chúa 
  • Xin cho những người đã tự nguyện rời mái gia đình nhỏ, để trực tiếp hầu việc Chúa, biết thêm khiêm tốn, tin tưởng và phó thác mọi việc lớn nhỏ trong tay Chúa. Từ khi khởi sự cho đến lúc hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.
  • Xin cho mọi người trong họ đạo chúng con, tới nhà thờ để múc lấy sức sống từ Chúa, rồi mang vào đời bằng việc bác ái yêu thương như lòng trông đợi của Chúa.
  • Chúa đã trao cho chúng con quyền quản lý thế giới vật chất, cũng thêm mời gọi chúng con tham gia loan truyền sứ mệnh cứu chuộc của Chúa cho mọi người, mọi nơi, mọi thời. Xin cho chúng con mau mắn đáp lại những ơn gợi cao quí nầy, bằng những gương sáng trong đời sống hằng ngày. Amen.