Làm Gì Để Đón Chào Chúa Đến | Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C

534

vo ha

Hôm nay Lịch Phụng Vụ dẩn con dân Chúa vào Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng. Bước vào nhà thờ, nhìn lên gian cung thánh, bắt đầu Thánh Lễ, tín hữu nhận ra ngay ngọn nến màu hồng lung linh giữa hai ngọn tím. Vị Chủ Tế cũng mang lễ phục mầu hồng. Tất cà hình tướng bên ngoài đều giúp tăng thêm Niềm Vui và Hi Vọng cho bên trong. Các bài đọc trong trong Phụng Vụ thánh cũng xoay quanh chủ đề nầy.

Thật vậy, các bài Thánh Kinh hôm nay chứa chan vui mừng và hy vọng. Lời Sách Thánh chỉ đạo cho dân Chúa thêm hân hoan sung sướng, vì Chúa đã đến gần.

Hơn nữa, Phụng vụ Thánh hôm nay tăng thêm vui mừng và hi vọng, giúp tạo thêm động lực, thêm trớn, thêm đà, tiến mau đến đích điểm là bước ra chào mừng Chúa đến. Đoạn sách của tiên tri Sôphônia, thư gởi giáo đân Philipê và nhất Tin Mừng của thánh Luca sẽ giúp chúng con thời nay biết rõ mục đích và yêu cầu phải làm gì. Cúi xin Chúa sáng soi thêm nữa..

BÀI ĐỌC I: Xp 3, 14-18a 
“Chúa sẽ hân hoan vì người”.

Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi.

Bài trích sách Tiên tri Xôphônia.
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.
Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.

BÀI ĐỌC II: Pl 4, 4-7 
“Chúa gần đến”.

Bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

PHÚC ÂM: Lc 3, 10-18
“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”.
Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Xôphônia. Anh Ngữ viết tên của Ngài là Zephaniah, sống vào thế kỷ thứ VII TCN, thuộc hàng tiên tri nhỏ vì chỉ có ít sấm ngôn lưu lại.

Riêng những dòng được trích dẫn cho Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng Năm C nầy, thật chứa chan niềm hi vọng vì bị cường quốc thực dân Babylon xâu xé họ nhiều phen thời đó.

Kế tiếp, từ ngữ được nhiều tiên tri dùng, là “thiếu nữ hay cô gái Sion” tượng trưng cho Giêrusalem và thánh đô, đã nhiều phen bị kẻ thù hùng mạnh tham lam cưỡng bức.  Cô gái lại tay yếu chân mềm, không có sức chống cự, nhưng tin tưởng vào Chúa, nên kẻ thù không tiêu diệt được, không thắng nổi.

https://www.workingpreacher.org/wp-content/uploads/2020/06/Advent3c_praise.jpgTiên Tri Xôphônia còn thêm soi lối cụ thể cho hi vọng qua sấm ngôn: đã tới thời Chúa gom những con dân tản mác khắp nơi hồi hương trong lạc hoan tin tưởng vui mừng, vì án phạt và tội vạ đã được Chúa rút lại. Sau cuộc thanh luyện, những kẻ sống sót còn lại không còn sợ hãi gì nữa mà được Thiên Chúa tha thứ yêu thương.

Chính Chúa là vua thật của Israel, vị cứu tinh anh hùng ngự giữ con dân của Người, như một núi đá bảo đảm vững chắc chống lưng, nên hãy nức lòng phấn khởi,hò vang, nhảy múa tưng bừng như trong Ngày Lễ Hội.

Bức tranh đầy vui mừng và hi vọng qua thị kiến của Tiên Tri Xôphônia đưa dẩn chúng con thời nay tới vui mừng và hi họng lớn lao cao nhất, nơi Đức Giêsu Kitô mà Tiên Tri Gioan Tiền Hô, gạch nối giữa Cựu và Tân Ước, giới thiệu trong bài Phúc Âm của thánh Luca.

Bài Phúc Âm nầy, ghi lại những chỉ dạy của Thánh Gioan Tiền Hô, rất đơn giản, mà cụ thể dể hiểu, giúp sẵn sàng đi gặp Chúa. Lời chỉ dạy của Ngài áp dụng cho hầu hết các cấp trong xã hội: sĩ nông công thương binh thời đó, và qua hơn 2000 năm vẫn còn giá trị. Nhưng để thực hiện trọn vẹn, thì thời nào cũng vậy, ai muốn trở nên công chính, vẫn phải còn cố gắng làm theo lời chỉ dạy mẩu mực sau đây của Nhà Tiên Tri.

Khi tới thời Chúa Giêsu ra công khai giảng dạy, Thánh Gioan Tiền Hô cũng đưa lên phong trào sẵn sàng chào đón Vị Cứu Tinh. Hình ảnh Vị Cứu Tinh lý tưởng của một dân tộc đã từng bị nô lệ lưu đày, là một tướng quân anh hùng chinh phục đông tây làm bệ cho người Do Thái.

Nhưng Thánh Gioan không mở trường võ bị luyện binh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Do Thái, thêm mộng thực dân xâm lăng đất đai thị trường, mà lại chỉ chú trọng vào việc chuyên luyện tâm, bằng cách kiêu gọi dân ăn năn sám hối, từ bỏ quá khứ tội lỗi mà quay về đường ngay nẻo chính.

Ngài, đặc biệt, dùng phép rửa dìm xuống mặt nước, coi như chết cho tội lỗi, rồi khi lên khỏi nước là sống cuộc đời mới để xứng đáng đón Chúa Cứu Thế của tâm hồn.

Nên Ngài kiêu gọi ai có dư, thì cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới có quần áo mặc.

Ban thuế vụ – theo dư luận cho rằng hay ức hiếp người dân và biển thủ công quỹ – thì đươc khuyên: Đừng đòi hỏi quá mức quyền lợi ấn định.

Còn giới quân nhân – cả chính quyền các cấp – thì “đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian, hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Thánh Gioan lại thêm rất khiêm tốn với chân giá trị của mình khi công khai tuyên bố:

“Tôi lấy nước mà rửa các anh em, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người. Chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và lửa”.

Thánh Thần và Lửa là lòng nhiệt thành hướng thượng, bằng cách cầu tìm, tôn trọng, tuân giữ, thực hành những giá trị đạo đức tôn giáo và xã hội với lương tâm của chính mình. Nói gọn, mọi người từ ngàn xưa cho tới ngàn sau, vẫn còn luôn được kêu gọi sống “đạo làm người” cách thật lòng.

Trở lại bài Đọc 3, Thánh Phaolô đang ở tù vì làm chứng cho Chúa, nhưng lòng vẫn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho mọi anh chị em (1: 4).

Nên Ngài cũng lập lại hai lần lời khuyên “anh em hãy vui lên trong niềm vui có Chúa” (4:4). Tại sao ở tù mà vui và an hòa? – Vì Thánh Nhân muốn chia sẻ cho tín hữu đời sống nội tâm của Ngài luôn nối kết với Chúa trong mọi hoàn cảnh lại thêm đức tin vào Chúa mạnh mẽ đến mức chiến thắng mọi sợ hãi và những lo lắng vô ích cản trở niềm vui thật sự tinh thần.

Điều thứ hai là Thánh Phaolô chỉ dạy 4 việc căn bản khi cầu nguyện: Trình bày những ước vọng lên Chúa, dùng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ.

Kết quả của cầu nguyện như trên, thì được Chúa ban bình an vượt trên mọi hiểu biết, mà mỗi người phải cảm nghiệm bằng trực giác tâm linh, vì trí khôn người thường bên ngoài không thể cân đo đong đếm được như dùng thực nghiệm hay lý trí.

Tóm lại, trong 4 tuần Mùa Vọng nầy, tại thánh đường Kitô Giáo khắp nơi trên thế giới, thường ngân vang tiếng kinh cầu qua những bài thánh ca chứa chan vui mừng và hi vọng. Như: Come, O King of nations, có tiếng trong Mùa Vọng, được ông Jonh Neale dịch 1861, từ bản gốc Latin có trên 1.200 năm.

Come, O King of nations,
Bind in one the hearts of all mankind.
Bid all our sad divisions cease
and be yourself our King of Peace. 
Rejoice! Rejoice! Immanuel
shall come to you, O Israel.

Xin đến, Vị Vua các nước.
Xin kết hợp nên một con tim cả và nhân loại
Xin làm cho mọi chia rẽ đau buồn của chúng con ngưng lại.
Và hiển thị chính Ngài là Đức Vua Thái Bình của chúng con
Vui lên, Vui lên, Thiên Chúa ở cùng chúng con.
Ngài sẽ đến với ngươi, hỡi Israel.

Xin Dâng Lời Cầu.

Chúng con thao thức mong chờ Chúa, nhất là trong thời kỳ khó khăn của dịch bệnh nầy, và chỉ được yêu nghỉ trong Chúa.

  • Xin cho mọi thành phần con dân Chúa trong Hội Thánh, trở thành chứng nhân cho Chúa trong việc đem lại ít nhiều niềm vui Mùa Chúa Giáng Sinh cho những người chung quanh.
  • Xin cho những ai được Chúa trao quyền quản trị thế gian, biết tôn trọng công lý và sự thật, để bảo vệ và đối xử với người yếu thế cô đơn trong yêu thương.
  • Xin cho những người nghèo đói, thất nghiệp, tù đày, bị bỏ rơi … tìm được niềm an ủi và hy vọng nơi những những tâm hồn thiện chí như mẫu gương của Chúa.
  • Xin cho mỗi người trong Họ Đạo chúng con phản ảnh ít nhiều ánh sáng Mùa Giáng Sinh của Chúa, tới những ai đang thất vọng và mất niềm tin nơi Chúa.
  • Xin Thánh Gioan Tiền Hô giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn từ bên trong, để đón chào Chúa đến trong Mùa Mừng Lễ Chúa Giáng sinh nầy. Amen.