Hạnh Phúc Thật Khi Theo Chúa | Chúa Nhật 6 Thường Niên C

413

vo ha

Chúa Nhật 6 Thường Niên C, Lịch Phụng Vụ của Hội Thánh Công Giáo đưa dẫn con dân Chúa thêm bước nữa trên đoạn đường công khai với Chúa Giêsu.

Thêm môt cớ sự khác là trong những ngày ấy, sau những đêm thâu cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Lc 6:12) Người Thầy của thời đại Tân Ước chọn 12 môn đệ, rồi đi xuống núi cùng các ông và đám đông từ nhiều nơi đến c 17. Chúa Giêsu đã giảng bài “các mối phúc thật” cũng có ghi lại trong Mt 5:1-12.

Vậy Phúc Thật theo Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì? Nếu làm ngược lại thì bị mang hoạ ra sao? Ta cùng đọc nguyên văn Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng.

BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-8 
“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. 
Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

BÀI ÐỌC II: 1 Cr 15, 12. 16-20 
“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. 
Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.
Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

PHÚC ÂM: Lc 6, 17. 20-26
“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. 
Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình. 

Trước hết, bài đọc 1 từ sách tiên tri Giêrêmia. Ông là tiên tri thứ hai trong Thánh Kinh Do Thái và Kitô giáo. Sứ diệp của ông phần lớn nhắm tới dân Do Thái bị lưu đày sang Babylon (586-538 BC) vì bỏ Chúa thờ tà thần, cụ thể qua hình ảnh người vợ bất trung và đám con trong gia đình nổi loạn (ch 1-25).

Ba câu trong bài đọc 1 cho thấy rõ lý do của khổ nạn mà dân đang chịu – hiểu ngầm thêm, trách nhiệm chính từ nhà nước thế quyền, cũng có phần của nhà thờ là thần quyền chỉ đạo và cấu kết cùng nhiều người dân chúng nữa – vì tin người đời khi thờ tà thần và cậy dựa vào thế lực vua chúa ngoại bang, hơn là tin tưởng Chúa.

Tình cảnh khốn khó của dân, được minh họa như cây cỏ trong sa mạc thiếu nước ngọt hay tại chốn không người chăm sóc.

Còn ai tin tưởng vào Thiên Chúa, như cây cỏ bên bờ suối nước, luôn xanh tươi không sợ gì chướng ngại nghịch cảnh nắng hạn.

Lời Chúa qua Ngôn Sứ Giêrêmia như trên, mục đích cho thấy con đường tà gây ra khốn khó, cần phải tránh. Đồng thời cũng cho thấy con đường chính trực bên cạnh, dẫn tới phúc đức, cho dân lựa chọn.

Cũng tương tự, bên trời Á Đông, trẽ con trong nhiều khu xóm Công Giáo Việt Nam, thuộc thế hệ trước khi TV du nhập 1965, vào những đêm trăng tròn, thường tụ tập tại sân nhà thờ do có chỗ rộng và an toàn. Các em thường đọc bài Đồng Dao “thiên đàng hoả ngục hai nơi, ai khôn thì về, ai vụng thì sa …” để chia ra hai phe chơi những trò kéo co, xoay dĩa, trốn kiếm, banh tù … tuỳ mỗi em lựa chọn bên nào.

Tới đây, Lời Chúa hôm nay trong bài 1, qua Giêrêmia, giúp ra xây nhịp cầu tới 5 thế kỷ sau, đưa dẩn đến Chúa Giêsu, Người Thầy nối kết cũ mới, chỉ dẩn rất rõ ràng hạnh phúc là gì và khốn khó là do đâu.

Qua Phúc Âm, Bài Giảng của Chúa Giêsu còn gọi là “Tuyên Ngôn Nước Trời” nữa. Chúa cho thấy đường hướng dẫn tới phước hạnh, có vẻ khó hiểu, nghịch lý với cái nhìn trần tục của người đời mọi thời mọi nơi.

Thánh Mátthêu (5:1-12) cũng có ghi lại bài giảng nầy của Chúa Giêsu qua 8 lời chúc phúc. Còn Thánh Luca lại chia ra thành 4 lời chúc phúc tiếp thêm 4 lời cảnh báo, quở trách, đe phạt.

Người được chúc phúc là hạng nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bắt hại vì lẽ công chính, đạo Chúa.

Còn kẻ bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đủ, vui cười, được ca tụng.

Trở lại, 4 câu đầu của Chúa Giêsu có lúc cũng bị những thế lực nào đó cố ý lạm dụng đẩy đưa đám đông lớn nhỏ tới tình cảnh ngu đần, bạc nhược. Td. Đời nầy cứ nghèo đói đi để chờ đời sau, ai đánh má trái thì đưa thêm má phải, ai lấy áo ngoài thì đưa thêm áo trong … cho kẻ cơ hội rộng đường khai thác đủ thứ.

Nhưng Lời Chúa bảo “nghèo” có phúc ở đây, là không bám lì vào của cải chóng qua trần gian, mà coi chúng là đầy tớ tốt. Biết dùng vật chất chóng qua mà tạo phước đức. Cùng hướng lòng về Chúa là nguồn sự thật để thêm nghị lực làm nhiều việc tốt nữa, tốt hơn. Kết quả sẽ là “ở cho có đức, không sức mà ăn” vật chất cũng như tinh thần.

Còn đói khát, khóc lóc, bị loại trừ vì đạo Chúa, trở thành phúc lớn, khi dám sống dám chết vì lẽ công chính, vì điều công bằng. Các Thánh tử xưa nay đã hiểu và thực hành mặt nầy, làm gương cho hậu thế.

Ngược lại, kẻ giàu có, no đủ, vui cười, được ca tụng lại bị chúc dữ theo Lời Chúa ở đây, là khi họ coi tiền bạc là ông chủ lớn.

Mưu mô thủ đoạn mọi cách để giàu xụ bất chính, no nê trụy lạc đủ thứ do tham nhũng, móc ngoặc, bẻ gảy hoặc ngồi trên luật pháp … cùng tâng bốc nhau cách gian manh, theo luật công bằng ẩn vi hay ác báo của “Trời Đất” thì kết cục, cũng có ngày tàn. Đó là khốn khó tại họa cho các ngươi. Có khi còn kéo thêm khổ nạn tới nhiều đời con cháu về sau, theo Triết Lý Ấn Giáo và sách vở của Đức Cồ Đàm.

Tóm lại, Lời Chúa Giêsu chúc phúc và cảnh báo tai hoạ, đôi đường cho hai hạng người tốt, xấu, không khó hiểu. Mọi người bình thường đều có thể thấy được, có khi nhãn tiền. Phúc và hoạ còn nhan nhản đó đây. Có khi mình được ơn huệ phúc đức do đã và đang sống nhờ làm nhiều điều tốt đẹp, hoặc mình gặp khổ nạn do liều mạng làm ác xấu.

Lòng thương xót của Chúa như cha mẹ rộng lượng, luôn còn tồn tại với mình, là dịp tốt cho mình hành thiện tích đức, mà cũng là cơ hội có khi cuối cùng, cho mình sửa lại sai phạm, lỗi lầm mà vương lên, riêng mặt tinh thần. Như cây cảnh – linh hồn – èo uột vì bị hạn hán, nay lại được bứng lên trồng lại bên bờ suối nước – tình yêu của Chúa, nhà Chúa – vậy.

Trở lại bài Đọc 2, trong tình cảnh có những người dân tại Côrintô chịu ảnh hưởng triết lý Hy Lạp, không tin kẻ chết sống lại. Cũng như có ít người phái Sađốc tại đất Do Thái, không tin có sự sống lại, đã hỏi Chúa Giêsu về một phụ nữ lần lượt lấy 7 (số nhiều của Do Thái) anh em tuần tự chết (Mc 12:18-27).

Để giúp tín hữu Kitô giáo tin vào sự sống lại. Thánh Phaolô đưa nhiều lập luận: Nếu ai chết cũng không sống lại, thì tại sao Đức Kitô đã chết, mà đã sống lại?

Hơn nữa, Đức Kitô có quyền năng tự sống lại, mà còn thêm làm cho những ai tin vào Người, sống lại như Người.

Cách khác, Đức Kitô phục sinh, là bằng chứng rõ ràng kẻ chết cũng sẽ sống lại.

Nếu chỉ đặt niềm tin vào Đức Kitô, vào đời này mà thôi, thì ta là những kẻ vô phúc nhất trong thiên hạ. Tại sao?

Vì chưng ta đi con đường hẹp với bao cố gắng hi sinh, song song với kẻ đi đường rộng thênh thang đủ thứ hưởng thụ bất chính. Khi chết, hai bên thành đất như nhau, là làm sao?

Về mặt xã hội, nhìn chung, rất khó thấy ai muốn, khi chết rồi, tan nát như cỏ cây, mà luôn muốn tồn tại mãi. Riêng thân nhân và người đưa tiễn kẻ chết tại nhà quàn hay phần mộ, đều gởi theo niềm tin tưởng và hi vọng tồn tại mãi – Chúa Phục sinh – cho kẻ qua đời.

Xin Dâng Lời Cầu.

Chúng con tin Ngài là Thiên Chúa tối cao, điều hành vạn vật, là Đấng ban hạnh phúc thật sự cho mọi loài sống đúng theo thánh luật của Chúa

  • Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh thêm xác tín và sống đúng tám điều được chúc như Lời Chúa răn dạy.
  • Xin cho các thẩm quyền thế gian, được Chúa trao trách nhiệm điều hành phát triển đất nước, biết tôn trọng và thực hành giới luật phúc thật của Chúa, giúp mau chóng dẩn tới an cư lạc nghiệp cho toàn dân. 
  • Xin cho chúng con hiểu rằng bình an và hạnh phúc thật sự của con có đươc, khi biết chia sẻ của cải tài nguyên cách công bằng hợp lý. 
  • Xin cho mỗi người trong Họ Đạo chúng con ý thức thêm rằng của cải đời nầy chóng qua và tạm bợ, chỉ một mình Chúa là nguồn hạnh phúc chân thật và bền vững.
  • Xin cho chúng con thường xuyên chịu đọc và tưởng gẫm Lời Chúa như ngọn đèn soi dẩn mục đích và yêu cầu tối hậu của đời người, giúp chúng con đạt được hạnh phúc thật sự ngay trong đời sống nầy.
  • Cám tạ Chúa là Vị Thầy cao cả, đã chỉ dẫn đâu là sung sướng chân thật cần tìm về, đâu là khổ nạn phải tránh, giúp chúng con được hạnh phúc bền vững ngay trong kiếp sống nầy. Amen.