Giáo Lý Phúc Âm lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

421

LỄ THÁNH MARIA MẸ THIÊN CHÚA

https://www.catholicnewsagency.com/images/saints/Jan.%201%20-%20Solemnity%20of%20Mary,%20Mother%20of%20God%20new.jpgSách Dân Số 6.22-27;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Galata 4.4-7
và Phúc Âm Thánh Luca 2.16-21

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ. Đó là Lời Chúa.

Diễn ý:

Thiên sứ báo tin mục đồng,
Hài nhi bọc tã nằm trong máng bò.
Rủ nhau đêm tối lò dò,
Y chang Thánh Tử ngủ khò bình an.

Chuyện lạ kỳ diệu hết can:
Vì thiên sứ bảo: Đến hang chiên bò.
Lằng nghe, Mẹ giữ bo bo,
Trong lòng, suy gẫm, lắng lo, ân cần.

Dâng con đền Thánh đến gần,
Cắt bì thủ tục, thiên thần đặt tên.
Giêsu lệnh báo từ trên,
Thiên Chúa cứu độ là tên Chúa Trời.

Năm mới đang đến trong đời,
Hai ngàn hai hai Chúa Trời giáng lâm.
Ơn Chúa cộng với quyết tâm:
Bình an, bác ái, phương châm cuộc đời. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Đấng Cứu Thế sinh làm con người như chúng ta: Có gia đình, có Cha Mẹ và chấp nhận lề lối sinh hoạt của tôn giáo và xã hội: Như phải làm lễ cắt bì và đặt tên sau khi sinh được 8 ngày.
  • Ơn cứu độ có tính cách phổ quát. Tất cả mọi người có thể đến với Chúa và nhận lãnh ơn cứu độ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sinh ra trên đất Do Thái, nhưng là cho muôn người như các chăn chiên nghèo khổ… như cho các đạo sĩ Phương Đông sau nầy…

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:

1. Giáo Hội Công Giáo dạy 4 tín điều về Đức Mẹ Maria:

  • a. Ðức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa – Công Đồng Ephêsô tuyên tín năm 431 và Sách Giáo Lý Công Giáo số 495, 509 và 721. Trong các sách Tin Mừng, Ðức Maria được gọi là “Mẹ Ðức Giêsu” (Ga 2, l; l9, 25) (x. Mt l3, 55). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1, 43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Quả thề Ðấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Ðấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) (DS 25l).
  • b. Đức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh Perpetual Virginity – Công đồng Latêranô tuyên tín năm 649 và sách Giáo Lý Công Giáo dạy trong các số 499 – 507. Đức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh: Trước khi sinh Chúa Giêsu – trong khi sinh Chúa Giêsu và sau khi sinh Chúa Giêsu. Đức Mẹ Maria không có người con nào khác ngoài Chúa Giêsu và từ “những anh em của Chúa Giêsu” chỉ có ý nói về những người họ hàng gần mà thôi.
  • c. Vô nhiễm nguyên tội – Immaculate Conception. Đức Giáo Hoàng Piô IX, với quyền bất khả ngộ tuyên bố tin điều Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội ngày 8.12, 1854 và được truyền dạy trong sách Giáo Lý Công Giáo các số 491, 966 và 2177.
  • d. Tín điều Đức Mẹ Maria, hồn xác lên trời – Assumption: Được Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên tín ngày 1 tháng 11 năm 1950 trong thông điệp Munificentissimus Deus; Đức Mẹ được về trời cả hồn xác. Giáo Lý Công Giáo số 966.

2. Tin Lành và các tín điều liên quan đến Đức Mẹ Maria:

Tin Lành hay Giáo Hội Cải Cách có từ thế kỷ XVI và tin chỉ trên ngũ DUY như sau:

  • Sola Fide, by faith alone. Duy chỉ có đức tin.
  • Sola Scriptura, by Scripture alone. Duy chỉ có Thánh kinh.
  • Solus Christus, through Christ alone. Duy chỉ mình Chúa Kitô.
  • Sola Gratia, by grace alone. Duy chỉ có ân sủng.
  • Soli Deo Gloria, glory to God alone. Duy chỉ có vinh danh Thiên Chúa.

Vì đặt nền tảng tín lý trên NGŨ DUY nên Tin lành cho rằng bất cứ điều gì liên quan Đức Mẹ đều làm giảm việc tôn thờ Đức Kitô. Ðức Maria không thể tạo ra thiên tính của Chúa Giêsu, vậy Ðức Mẹ không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa nhưng chỉ là Mẹ Chúa Giêsu. Duy Kinh thánh khai trừ huấn quyền của Giáo hội và không cần thánh truyền. Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không được mạc khải trong Kinh thánh, vì vậy không thể chấp nhận được. Nên việc tôn kính Mẹ Maria trong nhiều hệ phái Tin Lành bị coi như một sự tôn thờ ngẫu tượng.

III. Thực hành Phúc Âm:

Lòng mẹ bao la như biển thái bình:
Bài “lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân không bao giờ lỗi thời.
Vì tình mẹ dành cho con mênh mông, bao la như biển cả không bao giờ hết cạn.

Vì tình mẹ dành cho con cái vô điều kiện và không có lý giải, tức không ai hiểu tại sao bà mẹ luôn chở che, bảo bọc và bênh vực những đứa con bỏ nhà, bụi đời hay vô ơn. Tình mẹ thương con không lý giải, vì Chúa ban cho người trái tim quá lớn lấn át cả lý trí.

Có người Mẹ kia đã không khóa cửa nhà hơn 10 năm, để chờ đứa con gái bỏ nhà đi hoang trở về. Trên cửa nhà bà ghi “cửa mở chờ con!” và ngay sau cánh cửa mở là hàng chữ “phòng con còn nguyên trên lầu!”

Lòng mẹ bao la không có chỗ nào dung chứa và không ai có thể dò thấu.
Tuy nhiên, tình mẹ vẫn sống mạnh trong những đứa con dù xa nhà hay dù mẹ đã mất.
Không ai chinh phục nỗi những đứa con ngỗ nghịch trừ người mẹ.
Tình mẹ bao la luôn có sức chinh phục và chiến thắng.

Thánh Gioan, thay mặt cho thế giới được trối cho Đức Mẹ. Đức Mẹ được trao ban cho thế giới nhân loại. An ủi và ấm áp biết bao khi có con với Mẹ và mẹ với con.

Đừng quên ít là một kinh Kính Mừng mỗi ngày. An ủi lắm! Mẹ với con, con với Mẹ.