Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật XXXIII Quanh Năm, A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1041

CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM

Sách Châm Ngôn 31.10-13, 19-20.30-31;
Thư thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thessalonica 5.1-6
và Phúc Âm Thánh Matthêô 25.14-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi. “Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. “Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. “Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Người kia sắp đi phương xa,
Liền gọi đầy tớ tỏ ra ý mình:
Giao người năm nén đinh ninh,
Chắc chắn sẽ biết đường binh kiếm lời.

Người kia hai nén tuỳ thời,
Kinh bang tế thế sinh lời như chơi.
Người nọ một nén lấy hơi,
Biết dùng cũng sẽ cơ ngơi phất cờ.

Phương xa đáo hạn ngày giờ,
Quay về gọi tớ giấy tờ kinh doanh
Người nhận năm nén thật nhanh,
Thêm năm nén nữa vốn sanh tiền lời.

Người nhận hai nén kịp thời,
Kinh doanh kiếm chát có lời gấp đôi.
Còn anh một nén uổng đời,
Đem chôn vốn liếng không lời một xu.

I. Sứ điệp Phúc Âm:   

Nén bạc tài năng: Được Chúa trao ban để sinh lợi cho Chúa.
Được Chúa trao ban để mang phần thưởng nước thiên đàng chính mình.
Nén bạc được trao ban cho thấy: Chúa tin tưởng tất cả mọi người.
Những gì con người có là được ban tặng từ tình thương của Chúa.
Chôn nén bạc là thoái thác sự tín nhiệm và tình thương Chúa ban.
Chôn nén bạc là ích kỷ và phí phạm ơn Chúa.

II. Dẫn giải Phúc Âm:  

Tại sao đem nén bạc đi chôn mà lại bị khiển trách nặng nề và bị phạt trong hoả ngục?

Có lần chúng ta đã nói về cách thức diễn tả “cực mạnh” gây ấn tượng nơi người nghe, như chuyện chặt bỏ tay chân hay khoét mắt quăng nếu mang dịp tội.

Đầy tớ đem nén bạc đi chôn bị khiển trách và bị phạt, có thể hiểu như thế nầy:

Gia sử như có 3 người con trong một gia đình. Cha mẹ làm lụng vất vả để có tiền cho con mình đi học. Hai người tận dụng vốn liếng đầu tư của Chúa ban như trí thông minh để chăm chỉ học hành. Hai người nầy cũng nghĩ đến công lao khó nhọc của cha mẹ để làm sinh lợi cho kiến thức của mình.

Người con thứ ba biếng nhác không thèm đến trường. Anh ta viện dẫn lý do rằng: Chúa cho sao thì cứ giữ nguyên như vậy. Tại sao phải học hành để gây gánh nặng cho cha mẹ. Anh ta không quan tâm đến chuyện học. Ngày qua ngày anh ta thành người vô dụng cho bản thân và cho người khác: Trí óc không mở mang và không ai cần đến anh. Đem chôn nén bạc là vô ơn với những tài năng Chúa ban. Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ, tài năng và sự thông mình không phải để chúng ta làm mai một nhưng để làm lợi thêm gấp nhiều lần. Một người biết học hành chăm chỉ mang hữu ích cho bản thân và cho người khác. Chôn nén bạc tài năng là coi thường sự kỳ vọng của người khác. Ai có con hay có người thân thương mà không muốn họ thành đạt và thành công?

Tại sao lại tước đoạt nén bạn của người có chỉ một nén mà đem cho người có nhiều nén? Làm sao “có thì được thêm, người không có thì cái đang có cũng bị tuớc đoạt”?

Chúa là Đấng công bình vô cùng, chắc chắn Ngài không đối xử bất công: Lấy của người nghèo khó ban bố cho kẻ dư dật. Tuy nhiên, ý nghĩa của Phúc Âm là: Nếu biết tận dụng tài năng của mình thì càng sinh lợi nhiều hơn. Còn nếu không biết tận dụng ơn Chúa thì sẽ nghèo hơn cũng như là bị tước đoạt. Kiểu diễn tả nầy khá đúng trong cách thức kinh doanh mua bán, Nguyên tắc là tiền sinh tiền, vốn sinh lời. Người không có tiền hay nghèo vốn thì không sao khấm khá nỗi. Người đã phí phạm đem chôn nén bạc mình được trao ban thì có khác nào tự mình tước đoạt phần lợi nhuận dành cho mình. Người biết tận dụng tài năng thì được tín nhiệm và trao ban thêm vốn liếng để sinh lời.

Nên Chúa không là ông chủ bất công đi tước đoạt của người nầy mang cho người khác, nhưng là cách diễn tả rằng: Phí phạm tài năng là tự tước đoạt chính mình. Phí phạm tài năng là bị bất tín. Nếu bất tín thì làm sao được trao ban thêm. Ai có tiền lại đem trao cho người không biết làm ăn. Trái lại nén bạc trao cho người đã có mười nén là nói lên sự tín nhiệm được gia tăng nơi người biết tận dụng ơn Chúa ban.

III. Thực hành Phúc Âm:

Linh mục cần được tín nhiệm

Trong lần đại hội Liên đoàn Linh mục Công giáo Canada, chúng tôi có dịp nghe thuyết trình về: Linh mục cần đáng tín nhiệm.

Người trình bày khai thác chủ đề qua những chi tiết sau:

  • Linh mục phải đúng giờ.
  • Linh mục phải hiểu biết thần học, tín lý, luân lý, phụng vụ và cách đối xử.
  • Linh mục phải chu toàn bổn phận được trao ban: Cha sở, cha phó hay cha giáo.
  • Đúng giờ cho thấy mình có chuẩn bị và quan tâm đến công việc sắp làm.
  • Hiểu biết cho thấy mình đã tận dụng trí khôn và khả năng hiểu biết.
  • Chu toàn bổn phận cho thấy mình biết mình làm linh mục để làm gì.

Tôi nghe trình bày mà tự xấu hỗ cho bản thân mình.
Người không đúng giờ thường tạo sự hấp tấp và bận bị giả tạo.

Người thiếu hiểu biết làm giảm uy tín nơi giáo dân. Giáo dân nghi ngờ về sự hiểu biết của mình, nên không bàn hỏi hay coi thường những gì mình chia sẻ. Nếu chúng ta bảo giáo dân rằng: Không đi lễ ngày Chúa Nhật là có tội trọng, xuống tận đáy hỏa ngục. Nếu người ta hỏi luật nào vậy thưa Cha? Chúng ta thấy khó trả lời. Đâu phải khi không đi lễ ngày Chúa Nhật là cầm chắc xuống hỏa ngục đâu.

Linh mục phải biết mình làm linh mục để làm gì? Có người đi tu làm linh mục vì thấy tương đối thảnh thơi và nghề nghiệp cũng vững chắc, ổn định. Có người đi tu làm linh mục để được gọi là Cha. Có người đi tu làm linh mục để lo cho gia đình. Có người đi tu làm linh mục vì không có khả năng lập gia đình…

Tôi tự hỏi: Những nén bạc Chúa cho, tôi có sinh lợi không?
Cho đến giờ nầy, Chúa còn tín nhiệm tôi không?
Giáo dân còn đến với tôi không?

Chôn nén bạc cho chắc ăn

Người Việt Nam chúng ta thường hay tích góp tiền để mua vàng, cất trong hủ hay nơi kín đáo nào đó để đề phòng khi cần đến. Điều nầy làm cản trở sự phát triển kinh tế.

Tiền phải lưu chuyển cũng như tài năng phải được sử dụng.

Có nhiều người đem chôn tài năng của mình: Bao lần Cha xứ kệu gọi tham gia, đóng góp… làm việc chung. Nhưng rồi người ta vẫn đùn đẩy cho nhau. Nếu những chức vụ có chút ít tiếng tăm hay có chút danh dự thì có người dòm ngó. Nếu cứ âm thầm thiện nguyện thì ít người hy sinh.

Sau cùng: Cũng chỉ những khuôn mặt quen thuộc của ngày nào.

Tội nghiệp các Cha xứ hay Cha quản nhiệm lắm anh chị em ơi! Kêu gọi nhiều lần thì cũng bị than phiền là “nói mãi!” Không kêu gọi thì “một thân một mình!”

Năm nén, hai nén hay một nén… ai cũng có tài năng.

Đừng đem chôn. Đừng làm mai một ơn Chúa ban.

Xin mạnh dạn tham gia đóng góp. Ánh sáng chia sẻ càng nhiều càng mang ánh sáng đến mọi người. Ánh sáng ngọn đèn bị trùm kín thì có mang ích gì cho ai? Trùm kín quá sinh tai hại. Ích kỷ quá sinh cùn mằn và đời thành vô nghĩa.