Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Thường Niên | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

821

CHÚA NHẬT XXVII QUANH NĂM B

Sách Sáng Thề Ký 2.18-24;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Tìn Hữu Do Thái 2.9-11
và Phúc Âm Thánh Matcô 10.2-16

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. {Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.} Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:

Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo,
Một nam một nữ là đạo Chúa Trời.
Nam lìa cha mẹ sống đời,
Vợ chồng thành một không rời không thay.

Họ thành xương thịt từ đây,
Giống như Thiên Chúa cột dây đời đời.
Ly dị đoạn tuyệt xa rời,
Đi lấy vợ khác quên lời kết giao.

Ngoại tình gây khổ cho nhau,
Người trước buồn tủi người sau lỡ làng.
Đây là chuyện xấu làm càng,
Không ơn thánh Chúa bẽ bàng đôi bên.

Vợ chồng không phải xui hên,
Nhưng được ơn Chúa từ trên chúc lành.
Hy sinh gắn bó trung thành,
Thành một xương thịt nỡ đành chia ly.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ và tác hợp họ thành vợ chồng để nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
  • Luật một vợ một chồng là luật Chúa. Con người không có quyền phân ly.
  • Vợ chồng bỏ nhau, đi chung sống vối người khác là ngoại tình.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:

Thế nào là hôn nhân thành sự hay thực sự là hôn nhân?

Tự do hay không bị luật cấm: Đó là hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà không bị luật cấm kết hôn, tức họ có quyền kết hôn. (GL. Điều 1058).

Thí dụ người bị luật cấm kết hôn:

  • Người đã kết hôn và hôn nhân hiện tại vẫn còn hiệu lực thì “bị luật cấm kết hôn”.
  • Linh mục hay tu sĩ khấn trọn “bị luật cấm kết hôn!”

Tự do và hiểu biết trao đổi lời ưng thuận kết hôn: Đó là hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà mà sự ưng thuận kết hôn được biểu lộ cách hợp pháp và hoàn toàn tự do cũng như trong tình trạng sáng suốt, hiểu biết đầy đủ về đời sống hôn nhân. (G.L. 1057)

Khi một người đàn ông và một người đàn bà tự do và có đủ hiểu biết trao đổi lời ưng thuận kết hôn trước mặt người có thẩm quyền chứng hôn và hai nhân chứng thì thành sự và có giá trị hôn ước. Khi một người nam và một người nữ đến lập hôn thú trước Toà Hoà Giải (Justice of the Peace) với hai nhân chứng thì hôn nhân đó thành sự và nếu họ đã hoàn hợp, tức đã giao hợp vợ chồng thực sự và có con cái như trường hợp ông bà nhạc gia của anh thì không ai có quyền tháo gỡ, dù đó là hôn nhân không bí tích.

Hôn nhân thành sự không bí tích không là hôn nhân xấu hay bất hợp luật hay vô giá trị hay muốn huỷ bỏ tuỳ ý. Không! Đó là hôn nhân tự nhiên theo luật Chúa. Nói khác đi, đó là hôn nhân của con người sống trước Chúa Giêsu hay của ông bà tổ tiên chúng ta. Đó là hôn nhân tự nhiên theo luật Chúa và hưởng đặc tính đơn hôn và vĩnh hôn (essential properties of marriage are unity and indissolubility) (GL. Điều 1056).

Mục đích: Mang thiện ích cho nhau và sinh sản con cái: Đó là “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái.  Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích” (GL. Điều 1055 §1) 

Cần phân biệt từ ngữ:

Đám cưới: Là tiệc cưới tức wedding banquet. Từ banquet bắt nguồn từ tiếng Pháp banquet. Banquet phát xuất từ chữ banc cũng trong tiếng Pháp có nghĩa là bench trong tiếng Anh và băng ghế ngồi trong tiếng Việt mình. Vậy tiệc cưới là một bữa tiệc lớn mời nhiều khách đến ngồi chung trên “cùng một băng ghế” ăn uống và chúc mừng đôi tân hôn.

Như vậy tiệc cưới chỉ là chuyện giao tế xã hội, khách được mời đến ăn và chung vui với đôi tân hôn chứ không đóng góp gì trong việc nhìn nhận hôn nhân thành hay bất thành. Giáo luật Công giáo không quan tâm đến đám cưới hay tiệc cưới. Đám cưới hay tiệc cưới dù lớn cách mấy cũng không là yếu tố quyết định làm hôn nhân thành sự. Nghi thức hợp thức hoá một hôn nhân bất thành và đã có đám cưới sẽ không bao giờ yêu cầu hay đề cập đến chuyện phải đãi tiệc cưới lại. Cũng đừng nghĩ rằng: Khi mời khách ăn cưới có nghĩa là khách phải nhìn nhận hôn nhân nầy thành sự.

Hôn nhân: Tức marriage là việc một người đàn ông và một người đàn bà có khả năng và có tự do kết hôn đã đồng ý kết hôn nhằm mang thiện ích cho nhau cũng như thực hiện sứ mạng truyền sinh nhân loại. Hôn nhân là chuyện tự nhiên, tốt và nằm trong chương trình của Thiên Chúa như được ghi lại trong sách Sáng Thế Ký. Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ và muốn họ luyến ái với nhau để sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất (STK. 1:28 và 2:21-25)

Nghi thức hôn phối: Wedding ceremony hay cũng gọi matrimony có thể xảy ra ở gia đình, ở toà án, ở nhà thờ hay ở một nơi nào mà hôn nhân được phép xảy ra. Cách chung có hai loại nghi thức:

Nghi thức hôn nhân dân sự thường xảy ra trước mặt Thẩm Phán Toà Hoà Giải (Justice of the Peace) với sự hiện diện của hai nhân chứng. Ở đây, đôi hôn nhân trao đổi lời ưng thuận chấp nhận nhau làm vợ chồng để yêu thương nhau cũng như sinh sản và giáo dục con cái. 

Nghi thức hôn phối Công giáo: Có thể là Thánh lễ Hôn Phối (Wedding Ceremony within Mass – gọi tắt là Wedding Mass) hay cũng có thể chỉ là nghi thức hôn phối thôi (Wedding ceremony without Mass). Đôi nam nữ đến cơ quan hộ tịch của chính phủ lập xin hôn thú dân sự (marriage licence) theo kiểu không hoàn tất, tức nhân viên hộ tịch sẽ để trống phần còn lại cho cô dâu chú rễ, cho nhân chứng và cho linh mục ký nhận sau lễ nghi hôn phối đạo đã cử hành.

Nghi thức hôn phối có thể được cử hành bởi Giám Mục hay cha sở của đương sự. Nghi thức hôn phối cũng có thể được cử hành bởi linh mục hay thầy phó tế được uỷ quyền bởi Giám Mục hay Cha Sở (GL. Điều 1108§1 và 1111§1) Nghi thừc hôn phối cũng có thể được chứng hôn bởi một giáo dân được Giám Mục uỷ quyền (1112§1).

Giám Mục, cha sở, linh mục, Thầy phó tế hay giáo dân được chứng hôn trong nghi thức hôn phối Công giáo không là người ban bí tích, nhưng chỉ là người chứng kiến bằng mắt thấy và bằng tai nghe việc đôi hôn nhân trao đổi lời ưng thuận đang xảy ra. Nên những câu nói như “Cha John làm đám cưới cho chúng tôi năm năm trước” (Father John married us five years ago) không đúng lắm. Thực tế và đúng luật là đôi hôn nhân cưới nhau, Cha John chỉ chứng hôn thôi. Nên phải nói là “Cha John làm lễ hôn phối hay Cha John cử hành nghi thức hôn phối hay Cha John chứng hôn cho chúng tôi”.

Hôn ước: Giáo luật Công giáo dùng cả hai từ để chỉ hôn ước, tức lời kết ước hôn nhân:

Giao Ước hôn nhân (Matrimonial covenant): Từ giao ước nói lên lời thề giữa Thiên Chúa và con người xảy ra nhiều lần trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thí dụ sau khi Lụt Đại Hồng Thuỷ, Chúa thiết lập giao ước bằng việc lấy cầu vòng làm dấu chỉ để thề rằng: Chúa sẽ không phạt dân như vậy nữa và dân không phạm tội nữa (Sáng Thế Ký 9:11-17).

Nên giao ước có nghĩa là hôn ước với lời thể thuỷ chung tuyệt đối, không bao giờ thay đồi mà chúng ta quen gọi là trung thành.Vì đôi vợ chồng thể hứa trung thành yêu thương nhau dưới sự chứng giám của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng trung thành tuyệt đối.

Khế ước hôn nhân (Matrimonial contract): Là một đồng thuận, một giao kèo được giữa một người nam và một người nữ được bày tỏ tự do và công khai trước những nhân chứng có thẩm quyền như linh mục và hai nhân chứng. Từ khế ước (contract) diễn tả những đòi buộc trong giao ước hôn nhân về mặt pháp lý hay thủ tục dân sự.

III. Thực hành Phúc Âm:

Bạo phát bạo tàn

Ở Hawaii có vài chỗ rất nên thơ, có nhà nguyện, sẵn sàng cho mướn và tìm mục sư Tin lành hay một vị đại diện tư pháp để chứng hôn cho bất cứ cặp nào muốn. Bãi biển Waikiki thu hút nhiều cặp nam nữ trẻ. Họ gặp nhau, tinh tú quay cuồng và có thể đi đến hôn nhân ở chỗ nên thơ ấy trong vòng một tuần.

Bãi biển Gold Coast của Úc cũng có những nơi thật thanh lịch và tiện dụng như thế.

Ngoài đảo Guam xa xôi cũng có chỗ tốt cho chuyện thành vợ chồng nóng hổi nầy….

Kinh nghiệm:

Địa phận tôi nhỏ, một năm chỉ chừng hơn 100 đôi hôn phối cử hành hôn phối trong các nhà thờ. Phải đến phân nửa những hồ sơ hôn phối đến Văn phòng Chưởng ấn là đã kết hôn… đã ly hôn và bây giờ lại kết hôn theo nghi thức Công giáo. Có câu hỏi trong mẫu phỏng vấn là: Tại sao anh chị lại muốn kết hôn ở nhà thờ Công giáo? Đại đa số trả lời: Chúng tôi thấy đó thật sự là hôn nhân và được Chúa chúc phúc.

Nói “bạo phát bạo tàn” thì các bạn trẻ không chấp nhận, nhưng thực sự các bạn trẻ đã sống như vậy. Muốn có một bữa ăn ngon, chúng ta phải mất ít là 2 tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Bữa ăn mất 1 tiếng phải chuẩn bị 2 tiếng. Muốn sống chung với nhau 50 năm hay suốt đời, hỏi xem chúng ta cần chuẩn bị bao lâu?  Kết quả của ly dị hay rã đám là vì không hiểu nhau, không thể chấp nhận với nhau lâu hơn được nữa.

Một đống rơm rạ to, bắt lửa, cháy nhanh trong ít phút và tất cả thành tro tàn. Nhưng những khúc củi rắn chắc, phải cháy lâu mới thành tro. Nhiều người ham sống và thấy đời đáng sống vì có người vợ hay người chồng chung tình và thật tình yêu thương mình. Trái lại sẽ ngao ngán và chán chường vô cùng khi sống chung với người mà thay vì nâng đỡ lại thành gánh nặng.

Tôi vừa đi xức dầu một bệnh nhân về. Bà đã 80 tuổi, nằm thoi thóp trên giường bệnh… Bên cạnh, ông chồng già, nắm tay vợ và đọc kinh để cầu cho vợ mình sống lâu thêm với mình. Ông mếu máo nói: Father, pray harder for my wife! I cannot live anymore, if I won’t have her… She loves me so much! So do I!

Tình yêu thắm thiết và bền vững nếu được chuẩn bị đón nhận qua Đấng là Tình Yêu. Xin nói thật, Chúa không ban tình yêu ngoài bãi biển đâu, chỉ trong nhà thờ thôi. Vì ở bãi biển người ta nóng quá, mắt mờ, không thấy Chúa và không cầu xin Chúa.