Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXI Quanh Năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

931

CHÚA NHẬT XXI QUANH NĂM A

Sách Tiên Tri Isaia 22,19-23;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 11,33-36
và Phúc Âm Thánh Matthêô 16,13-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô. Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Ngưởi ta bảo Thầy là ai?
Tiên tri thời trước chứ ai bây giờ:
Trả lời không có ởm ờ:
Chúng con nói thật Thầy là ai đây?

Phê-rô dõng dạc nói ngay:
Là Con Thiên Chúa chứ ai bây giờ!
Phê-rô tuyên tín không ngờ,
Nào phải xác thịt hay nhờ phàm nhân.

Rõ ràng Con có thánh ân,
Đá nền Hội thánh vững trân ngàn đời.
Đây là chìa khoá nước Trời,
Toàn quyền cầm buộc đất Trời trong tay.

Nhưng rồi Chúa quở trách ngay,
Cảng đường cứu độ vận may cứu đời. 
Theo Chúa không để “được lời”,
Hy sinh thua lỗ cho đời trường sinh. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:   

  • Tông đồ Chúa phải tuyên tín rằng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên chúa hằng sống!”
  • Ơn Chúa ban cho người biết nhìn nhận Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
  • Giáo Hội xây dựng trên người tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên chúa.
  • Chúa chỉ trao quyền cầm buộc và tháo gở cho tông đồ tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên
  • Chúa hằng sống.
  • Giáo Hội trường tồn vì xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng trường tồn.

II. Dẫn giải Phúc Âm:    

“Phêrô con là Tảng Đá, trên tảng đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Chúa có liều lĩnh quá không khi xây Giáo Hội trên Phêrô?

Chính là Chúa Kitô – Chúa Kitô đã từng chiến thắng tà thần ngay từ buổi đầu truyền đạo. Thoạt đầu, ai cũng phải nhìn nhận Chúa liều lĩnh khi xây Giáo Hội trên Phêrô. Vì Ông nầy, gốc dân thuyền chài, chắc chắn không có chữ nghĩa bao nhiêu. Cũng không hiểu chương trình của Chúa. Khi Chúa nói “lên Giêrusalam để chịu đau khổ” thì Ông can ngăn, đến nỗi Chúa mắng “Satan, lui ra đàng sau Ta!” được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 8, 33.

Phêrô cũng là người chối Thầy 3 lần và đã không dám có mặt dưới chân thánh giá khi Chúa chết. Sự kiện nầy được ghi nhận trong cả 4 Phúc Âm: Matthêô 26:34; Marcô 14:30; Luca 22:34 và Gioan 13:38. Nhưng bản văn Kinh Thánh cho chúng ta thấy hai điều:

Chúa xây dựng Giáo Hội trên Phêrô có nghĩa là Tảng Đá. Nên Chúa không xây dựng Giáo Hội trên con người mang tên Phêrô, nhưng trên tảng đá kiên vững. Chúa luôn gìn giữ Giáo Hội. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” Chúa còn thách thức rằng “dù quyền lực tử thần cũng không thắng nỗi!” Những yếu tố nầy làm cho Giáo Hội trường tồn: Xây trên tang đá – Chúa luôn gìn giữ Giáo Hội – Giáo Hội.

Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá nước trời: Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc, dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Như vậy là Chúa theo quyết định của Giáo Hội chăng?

Chúng ta có cảm tưởng như Chúa khoán trắng hay giao Giáo Hội hoàn toàn cho Phêrô và những người kế vị Ông. Các Ông tha hồ thao túng, muốn cầm buộc hay tháo gở tuỳ ý. Thật sự đây là chuyện trao quyền thừa hành dưới sự chỉ đạo của tối cao của Chúa. Chúng ta sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn khi hiểu từ “chức linh mục thừa tác”, tức người thừa hành chức linh mục của mình trong sự chia sẻ với chức linh mục sung mãn của Chúa Kitô. Nên khi một linh mục được bổ nhiệm làm Cha Sở, Đức Giám Mục đến đặt vị linh mục trên ghế chủ toạ phụng vụ, trao chìa khoá nhà tạm, trao sách thánh và những quyền khác… Tân Cha Sở được trao quyền lãnh đạo giáo xứ, ban bí tích và giảng dạy… dưới quyền của Giám Mục địa phận. Đó gọi lả quyền thừa hành. Hành xử quyền bính dưới danh nghĩa của người trao quyền. Chúa Giêsu trao chìa khoá nước trời cho Phêrô, tức quyền thừa hành quyền bính tối cao của Chúa. Người thừa hành có quyền ra luật lệ, chúng ta hiểu là quyền cầm buộc. Nhưng nói đúng ra chỉ là làm trọn vẹn hay cụ thể hoá luật Chúa mà thôi.

Thí dụ: Luật Chúa dạy điều răn thứ ba là: Giữ ngày của Chúa tức ngày Chúa Nhật.

Giáo Hội thừa hành quyền cầm buộc ở chỗ ấn định: Phải đi lễ ngày Chúa Nhật, ai không đi vì làm biếng sẽ mắc tội trọng… Đúng ra Giáo Hội không hề ra luật buộc phải đi lễ Chúa Nhật, nhưng Giáo Hội thừa hành việc Chúa buộc giữ ngày của Chúa bằng cách qui định rằng: Ai không giữ ngày của Chúa là có tội trọng. Hơn nữa chúng ta thấy rằng: Muốn hành xử quyền tháo gở nầy, Phêrô đã phải tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và được trao quyền làm thủ lãnh Giáo Hội, tức phải hy sinh sống chết vì Giáo Hội và phải giữ Giáo Hội trường tồn. Nên quyền tháo gở không là quyền tuỳ ý thao túng cho quyền lợi cá nhân mình , nhưng là mưu ích cho phần rỗi các linh hồn và cho Giáo Hội Chúa.

III. Thực hành Phúc Âm:

Trưng dẫn về lòng trung thành của một Giám Mục Việt Nam:
Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang Giám Mục Cần Thơ.

(Có nhiều điều chỉnh theo yêu cầu của anh em cựu chủng sinh Cần Thơ)

Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang sinh ngày 23.07.1909 tại họ đạo Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa. Thụ phong linh mục ngày 21.09.1935. Năm 1940 được Đức Cha Ngô Đình Thục, Giám mục giáo phận Vĩnh Long gửi qua Pháp du học, đỗ Cử nhân Lịch sử và Địa lý. Năm 1946, Cha trở về Việt Nam phục vụ giáo phận Vĩnh Long. Trong thời gian 1946-1960, Cha đảm trách các nhiệm vụ: Giám đốc Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long, Cha sở họ Chính Tòa Vĩnh Long, Tổng Đại Diện kiêm Giám Đốc Công Giáo Tiến Hành giáo phận.

Ngài được thụ phong Giám mục ngày 05.05.1965, và nhận giáo phận ngày 06.05.1965 với chức vụ Giám Mục phó. Năm 1968, khi Đức Cha Nguyễn Kim Điền chính thức trở thành Tổng Giám Mục Huế thì Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang cũng chính thức trở thành Giám Mục Chính Tòa Cần Thơ. Ngài là vị Giám mục thứ ba của giáo phận kể từ khi giáo phận được thành lập.

Năm 1966, Đức Cha Quang mở Tiểu Chủng Viện “Á Thánh Quý” ở Cái Răng.

Sai! Vì Lớp đầu tiên, Lớp Nhất và lớp Nhì của Chủng viện Á Thánh Quý năm từ 1959 như Hồ Văn Bé, Lê Ngọc Bửu … tại Sóc Trăng do Đức Cha Bình mở, chưa kể anh em từ Nam Vang về như anh và em của Bác sĩ Trọng, Cha Nguyễn Thành Tính. Cha Thinh nói chủng viện mở tại Sóc Trăng tạm thời để nhờ Lasan dạy cho những anh lớn hơn lớp Nhì và Lớp Nhất. Chính bản thân tôi là Lm. Phêrô Trần thế Tuyên, tôi vào Tiểu Chủng Viện năm 1963 thì đã có Chủng Viện từ lâu rồi, chứ đâu phải đợi đến năm 1966 Đức Cha Quang mới xây. Trong thực tế Đức Cha Bình và Cha Trần Văn Long quản lý, lo mua hãng Rượu La Fontaine và đất phía sau để làm Chủng viện hiện nay. Chủng viện dời về Cái Răng Noel 1961, thời Đức Cha Điền. Ngài khởi công xây khu A từ 1963 – 1965.

Năm 1965, Đức Cha Quang tới, cho Cha Đỗ Kim Thành thay cha Giám Đốc Huỳnh Văn Mão và cho xây dãy nhà khu B năm 1967, khu nhà ăn, nhà chơi mới thời Đức Hồng Y Mẫn làm quản lý. Nên chính xác là Đức Cha Quang về Cần Thơ năm 1965 và tiếp tục xây Khu B cho chủng viện và những cơ sở khác. Nên Chủng Viện Thánh Quí có được ngày nay là do công khó của 2 bậc Giám Mục tiền nhiệm là Đức Cha Phaolô Bình và Đức Cha Philipphê Điền. Đức Cha Quang tiếp nối công trình xây dựng của 2 bậc tiền nhiệm thôi.

Cũng năm 1966, Đức Cha được bầu giữ chức Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, nhiệm kỳ 1966–1970. Năm 1967, Đức Cha thành lập Dòng Con Đức Mẹ ở làng Bình Thủy. Năm 1970-1975, Đức Cha được tín nhiệm giữ chức Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt. Ngày 20 tháng 06 năm 1990, lúc 07 giờ 40 phút, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang qua đời tại Cần Thơ, thọ 81 tuổi với 25 năm Giám Mục Chính Tòa Cần Thơ.

Khi nói về “Chân dung linh mục” có lẽ chúng ta không nên nghĩ rằng mình đang nói về nhũng vị thánh nhưng là những con người “rất người” mà có khi chúng ta đã từng quen biết, tiếp cận với nhiều kỷ niệm vui buồn, các ngài đã sống trong thiên chức linh mục của mình với tất cả những nỗ lực và để lại những bài học đáng trân quý cho chúng ta. Đức Cha Giacôbê đã là một con người như thế. Ai đã từng sống gần gũi ngài đều thấy Ngài có những đức tính nhân bản nổi bật như:

Đúng giờ: Luôn chính xác trong các giờ chung đến từng phút giây, Cha thư ký của Ngài cho biết vào cuối đời Ngài yếu bệnh, đi xuống nhà cơm phải nghỉ một lúc, nên Ngài đã đi sớm hơn để đến nhà cơm đúng giờ. Trong các cuộc đón rước giám mục, nếu tài xế chạy nhanh đến sớm sẽ được dạo phố vài vòng để có thể đưa Đức Cha đến nơi đúng giờ không sớm không muộn.

Ý chí: Có một chuyện vui là sau năm 1975 các giám mục không còn đi xe hơi nên ngài tập chạy xe Honda, nhưng tập mãi mà không được, có người nói chắc Ngài nản chí nên bán chiếc xe Honda 50 cho Cha Antôn Vũ Huy Chương (bây giờ là Giám mục hưu trí của Đà Lạt). Tuy nhiên không phải vậy, ngài đã kiên trì và đã thành công. Ngài vẫn chạy chiếc Honda lên nhà dòng Bình Thủy dâng lễ cho các Sơ.

Khó nghèo, cần kiệm và tự lập: Đức Cha Giacôbê tự giặt quần áo, khâu vá hay tự lo cho những nhu cầu tiêng tư của mình. Đức Cha chỉ có 3 chiếc quần dài màu đen và 3 chiếc áo vải trắng. Chúng tôi quen gọi là đồ bà ba. Nhưng thực sự đó chỉ là đồ mặc trong nhà. Ngài mặc áo dòng dường như cả ngày, nhất là khi ra khỏi phòng. Nên áo dòng nhiều hơn áo thường. Có đến gần 10 chiếc, kể cả áo có viền đỏ, phẩm phục giám mục và loại đơn giản của linh mục. Sau này khi phải mặc quần tây và áo sơ mi để chạy xe Honda đi dạy học trong Chủng viện, dòng Bình Thủy hay dòng Chúa Quan Phòng… Ngài mới nhờ thợ may người Công giáo ở khu Tòa Giám Mục Cần Thơ sắm cho Ngài 2 bộ đồ: Quần tây và áo sơ mi. Nếu ai có ý quan sát thì sẽ thấy ngay đây là loại vải rẻ tiền nhất vì nó nhăn nheo và bị co rút ngắn dần. Chúng tôi thường nói đùa “Quần chó táp ba ngày không tới!”

Không bao giờ Đức Cha sai ai quét dọn phòng ốc hay sắp xếp vật dụng cho ngài. Ngài quán xuyến hết mọi chuyện! Đức Cha tự làm bao thư bằng cách lấy giấy quay ronéo một mặt và sử dụng mặt còn lại. Những giấy nháp hay ghi chú không bao giờ là tờ giấy mới nguyên. Hoa kiểng, cây cối trong Tòa Giám Mục, một mình Ngài cắt tỉa, vun quén, tháp ráp hay chỉ bảo người khác phụ giúp. Tòa Giám Mục Cần Thơ có chuối ăn tráng miệng quanh năm, có xoài cát ngon trái chín oằn cây… tất cả đều do sự xếp đặt rất tiết kiệm của Đức Cha Giacôbê theo chủ trương “cây nhà lá vườn”.

Kiến thức: Ngài thích tìm hiểu và có kiến thức bách khoa. Ngài đã từng làm bài phú mừng Đức Cha GB Nguyễn Bá Tòng năm 1933 và cũng không phải tình cờ mà Ngài được mời làm Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt. Trung thực nhưng biết thông cảm lắng nghe: Quý cha Cần Thơ đều có kinh nghiệm về một chiêu thức đặc biệt của ngài: Đó là “đánh phủ đầu” nhưng sau đó ngài lắng nghe quý cha trình bày và rất thông cảm nếu quý cha trình bày rõ ràng và thành thật. Ngài sống rất lý trí nhưng cũng giàu tình cảm đúng như câu “thấu tình, đạt lý”. Các cha, các thầy gặp khó khăn Ngài tạo điều kiện giúp đỡ dến nơi đến chốn. Có một cha luôn kẹp ảnh Đức Cha Giacôbê trong sách PVGK để cầu nguyện cho Ngài vì cha nói Ngài đã giúp cha “khỏi một bàn thua trông thấy”.

Phục thiện: Có một thay đổi lớn trong tính tình của ngài, đó là trước đây ngài rất nóng nảy, la rầy lớn tiếng, có khi đập bàn… nhưng sau này có lẽ từ 1975 trở đi ngài trở nên rất hiền lành, nhẫn nại, nhỏ nhẹ… như một người cha nhân từ. Lòng yêu mến Hội Thánh: Ưu tư lớn nhất của Đức Cha Giacôbê là vấn đề đào tạo linh mục. Từ khi mới làm Giám mục Cần Thơ, ngài đã tập trung mọi công sức cho việc xây dựng cơ sở Tiểu Chủng Viện Cái Răng.

Với tầm nhìn ngôn sứ ngay từ đầu năm 1975, tất cả 80 đại chủng sinh giáo phận Cần Thơ học ở 3 Đại chủng viện Đà Lạt, Long Xuyên và Vĩnh Long đều được Đức Cha chuẩn bị tinh thần cho biến cố lớn lao của đất nước. Sau biến cố 30.4.1975, ngài phân chủng sinh thành nhiều nhóm nhỏ, tự lập sinh sống trong các họ đạo, làm nhiều nghề nuôi thân và phục vụ họ đạo. Trong hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp cũng có nhiều chủng sinh tìm cách “vượt biên”. Ngài nói với các chủng sinh khi dạy môn Giáo sử: “Các nhà Thừa sai ngày xưa thì vất vả ‘nhập biên’ để truyền giáo, còn các thầy bây giờ thì lại muốn ‘vuợt biên’ để trốn tránh gian khổ!” Phương pháp gắn bó với họ đạo như vậy đã đào tạo những linh mục rất gần với dân và rất nhập cuộc: Biết đồng hành với dân tộc và biết cảm thông với người khác, biết “khóc với người đau khổ và cười với nguời vui!” Phải nói đây là thế hệ linh mục rất đúng nghĩa linh mục do Đức Cha Giacôbê đào tạo.

Năm 1988, Đại Chủng Viện Thánh Quý được chính thức khai giảng. Ngôi nhà chính của Chủng Viện được sửa sang, sơn phết khang trang cho kịp ngày khai giảng nhưng có mấy ai biết là Đức Cha Giacôbê đã bán chiếc Peugeot 404 để lo công việc này. Không ai biết rõ gia đình hay thân nhân ruột thịt của Đức Cha Giacôbê như thế nào. Cũng không bao giờ nghe Ngài nói đến là ba mẹ Ngài mất hồi nào, còn bao nhiêu anh chị em và họ đang ở đâu. Con cháu thế nào và làm gì ở đâu. Ngài đúng là người đã cầm cày và không bao giờ quay lại phía sau.

Viết về một người cha thì có lẽ bao nhiêu cũng chẳng đủ nhất là nếu thu thập dữ liệu của tất cả những người con. Chỉ xin gợi lên vài nét đặc trưng về một “chân dung linh mục” đã được chính các linh mục giáo phận Cần Thơ trong tuần tĩnh tâm linh mục đầu năm 2010 bình chọn và giới thiệu, để góp phần làm phong phú những chân dung linh mục Việt Nam và cũng để mỗi người chúng ta suy nghĩ và rút ra những bài học cho cuộc sống của mình.