Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XVI Quanh Năm, B | Lm. Peter Tuyên

1044

CHÚA NHẬT XVI QUANH NĂM

Sách Ngôn Sứ Giêrêmia 23.1-6;
Thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêsô 2.13-18
và Phúc Âm Thánh Matcô 6.30-34

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:

Sau khi truyền giáo trở về,
Tông đồ thuật chuyện tràn trề niềm vui.
Thầy ơi: Ma quỉ rút lui,
Bệnh nhân khỏi bệnh mừng vui vô cùng.

Sức người có hạn có cùng,
Tìm nơi thanh vắng tạm dùng nghỉ ngơi.
Nhưng rồi dân chúng đánh hơi,
Không giờ ăn uống nghỉ ngơi tâm tình.

Xuống thuyền tìm chốn an bình,
Dân chúng biết ý hết tình đi theo.
Vậy mà lại thắng một keo,
Đến trước chờ sẵn đuổi theo tới cùng.

Thấy dân thương xót vô cùng,
Như đàn chiên nhỏ đi lùng người chăn
Chạnh lòng thương xót thương dân,
Giảng rao Lời Chúa thi ân chữa lành. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Tông đồ Chúa phải là người đi rao giảng Tin Mừng.
  • Tông đồ Chúa phải là người tìm nơi thanh vắng và tĩnh tâm nghỉ ngơi.
  • Tông đồ Chúa là người mà mọi người tìm kiếm.
  • Tông đồ Chúa là người biết chạnh lòng xót thương dân chúng.

Đó cũng là hình ảnh của mục tử nhân lành mà Chúa là mẫu mực và những ai theo Chúa phải trở nên.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:  

Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm:

Tông đồ phải là người được chính Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng như chúng ta đã thấy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một”

Nên chính Chúa phải là người sai tông đồ đi rao giảng Tin Mừng. Không thể gọi là tông đồ Chúa, nếu không được chọn gọi và sai đi. Ngày nay Giáo Hội vẫn lãnh vai trò chọn gọi linh mục và ban cho họ bài sai. Không linh mục nào có thể làm việc truyền giáo ở một nơi mà không được sai đến. Từ chỗ đó, linh mục hay bất cứ ai làm việc trong Giáo Hội, trước khi nói đến công việc, phải nói đến thẩm quyền địa phương, nơi mình làm việc.

Nhiều linh mục cứ nghĩ là khi được một Giám Mục đặt tay truyền chức linh mục thì mình thành linh mục và có thể ban tất cả mọi bí tích ở bất cứ chỗ nào. Không thể như vậy được. Mỗi nơi có giáo quyền địa phương, chúng ta quen gọi là Đấng thường quyền. Các Ngài có quyền trên lãnh thổ mình được trao phó. Bất cứ ai muốn rao giảng tin mừng hay ban bí tích đều phải được sự chấp thuận của bản quyền địa phương.

Thường hiểu bản quyền địa phương là: Giám Mục địa phận, Tổng Đại Diện hay Đại diện Giám Mục hay Giám Quản trong trường hợp Tòa Giám Mục trống ngôi.

và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm:

Kể lại mọi việc các ông đã được sai đi bảo phải làm: Người tông đồ không những phải được sai đi mà còn phải làm những việc được chỉ định. Đó là rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ chữa bệnh tật, trừ quỉ…

Trong sinh hoạt Giáo Hội thường có báo cáo mục vụ hàng năm, tức cho Đấng bản quyền biết là mình đã rửa tội, thêm sức, hay chứng hôn cho bao nhiêu người. Tình trạng sinh hoạt giáo xứ như thế nào: Bao nhiêu người chết, ai có nhiệm vụ thăm viếng kẻ bệnh họan liệt lào… Tình trạng tài chánh tốt xấu ra sao.

Muốn báo cáo chu đáo, linh mục phải nghiêm túc trong chuyện ghi chép sổ sách. Không thể để vào cuối năm trước khi báo cáo mời ghi sổ hay tổng kết. Nguyên tắc mục vụ và tài chánh là làm ngay những gì có thể làm hôm nay. Con người có tính hay quên và hay tự nhủ “bận quá! Khi có giờ sẽ làm!” Thường không ai có giờ sau đó. Nếu đã bỏ qua một lần, người ta cũng sẽ dễ dàng bỏ qua lần kế tiếp.

Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút:

Trong sinh họat Giáo Hội ngày nay có thời gian dành cho tĩnh tâm. Tĩnh tâm tức rời khỏi môi trường bận bịu thường nhật, đến một nơi yên tĩnh và để cho tâm hồn mình lắng đọng trước mọi biến cố trong đời. Thời gian tĩnh tâm là thời gian cầu nguyện, nghỉ ngơi và củng cố tinh thần.

Xã hội càng ngày càng ồn ào và bận bịu. Con người ta đánh mất chính mình: Làm việc cho có nhiều tiền – tìm cách hưởng thụ vật chất – nhưng sau cùng muốn có một giờ, một ngày thật bình an thư thái cũng khó kiếm. Nhiều người tự nhủ: Để già hãy hay! Tuy nhiên ít có người nhớ là mình đang già và ngày sống càng ngày càng ít đi. Hãy sống tròn đầy giây phút làm người hiện tại. Làm người tức có thể xác và tâm hồn. Có làm việc và nghỉ ngơi.

Từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi: Dân chúng tìm kiếm Chúa và các tông đồ. Chúa và tông đồ Chúa không giàu, không ban bố cho dân chúng của cải vật chất, nhưng dân chúng đi lùng tìm các Ngài.

  • Các Ngài cho họ tình yêu thương chăm sóc vì họ như chiên không chủ chăn.
  • Các Ngài ban bố những lời chân thật đưa dẫn họ đến hạnh phúc bất diệt.
  • Các Ngài hướng dẫn họ đường ngay nẻo chính.

Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương hay có Đức Ái Mục Tử được diễn tả trong Thánh vịnh 23, mô tả hình ảnh Chúa chiên lành: Biết chiên, yêu mến chiên, dẫn chiên đến suối nước trong, đến đồng cỏ xanh và đi tìm chiên lạc cũng như luôn có gậy để đánh đuổi thú rừng bảo vệ chiên mình.

Mục tử phải thương đàn chiên và thí mạng sống vì đàn chiên.

III. Thực Hành Phúc Âm:   

Mục tử đích thực:
Giống Chúa Giêsu: Sống nghèo.

Sống nghèo bộc lộ đời sống nghèo của Chúa Giêsu, linh mục thượng phẩm và mẫu mực.

  • Chúa Giêsu sinh ra trong cảnh nghèo hèn nơi hang lừa Bêlem.
  • Chúa Giêsu sống nghèo: thường cậy dựa vào lòng rộng rãi của người chung quanh. Không có tiền nộp thuế, Ngài sai ông Phêrô đi câu cá, lấy hai đồng tiền nộp thuế.
  • Chúa Giêsu chết nghèo: Không mồ chôn, phải chôn nơi mồ người khác.

Nhưng Chúa thành thu hút cho muôn người qua muôn thế hệ. Hiện nay có hai tỷ người Kitô giáo và đã có hàng triệu người chết vị tuyên xưng Đức Kitô.

Sống nghèo là dấu thoát tục: Thoát tục không có nghĩa là ra khỏi trần đời, nhưng là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sống nghèo tỏ ra cao tay hơn quyền lực của tiền bạc. Người ta thường khinh bỉ kẻ ham tiền, nhưng coi trọng người sống không lệ thuộc tiền bạc. 

Sống nghèo thu hút mọi người: Người nghèo ngại đến với kẻ giàu. Linh mục sống sang trọng, giàu có sẽ không có người nghèo chung quanh. Thế giới nầy có quá nhiều người nghèo. Nếu chúng ta chọn sống giàu có sang trọng tức chúng ta lọai trừ ngưiời nghèo. Không có người nghèo có nghĩa là chúng ta không cần thiết cho xã hội.

Người giàu thích đến với linh mục nghèo, vì họ muốn tìm cái gì khác hơn là tiền bạc, đã thành nhàm chán trong đời họ.

Sống nghèo sẽ có nhiều tự do: Không mất giờ để gom góp, tính toán hay cất giấu…

Sống nghèo là bằng chứng của chân thật: Nếu một linh mục giàu có, chắc chắn đã có một cách sống bất chính. Lương một linh mục không thể cho linh mục có nếp sống sang trọng giàu có. Nếu một linh mục sống sang trọng giàu có, có nghĩa là không liêm chính.