Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XVI Quanh Năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

941

CHÚA NHẬT XVI QUANH NĂM A

Sách Khôn ngoan 12,13.16-19;
Thu Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8, 26-27
và Phúc Âm Thánh Matthêô 13, 24-43

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”. Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”. Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Đó là Lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Giống tốt chủ gieo ruộng mình,
Kẻ thù đêm tối cố tình gian manh.
Cỏ lùng gieo vãi thật nhanh,
Lúa cỏ lẫn lộn lớn nhanh sống cùng.

Chủ rằng: Chớ dại nổi sùng!
Cứ để lúa cỏ sống cùng lớn chung.
Mùa gặt đến, hết bao dung,
Lúa vào kho lẫm, cỏ đun bếp lò.

Hạt cải nhỏ bé khôn dò,
Vậy mà rợp bóng chim cò nương thân.
Chút men giữa bột như nhân,
Làm dậy, làm nỗi, vững trân khó lường.

Giữa đời, sống vững can cường,
Cỏ lùng, người xấu, không lường, không phân.
Ngày cùng, tốt xấu rõ thân,
Người tốt ân thưởng, nghĩa ân đền bù. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Nước Trời được so sánh như:

    • Ruộng lúa có lúa tốt và cỏ lùng.
    • Hạt cải nhỏ thành cây cải to đến nỗi thành bóng mát cho chim trời.
    • Nắm men nhỏ làm dậy khối bột to.

Nước Trời là nước Chúa, là Giáo Hội trần gian. Có người tốt người xấu.
Nước Trời bắt đầu nhỏ bé, nhen nhúm trong nhóm mười hai, nhưng rồi thành cây cải to, hàng tỉ người núp bóng.
Nước Trời âm thầm như nắm men, nhưng không ngừng hoạt động để cảm hóa và hoán cải.

II. Diễn giải Phúc Âm:  

Ý nghĩa 3 dụ ngôn so sánh Nước Trời:

    • Ruộng lúa có lúa tốt và cỏ lùng.
    • Hạt cải nhỏ trở thành cây cải to đến nỗi thành bóng mát cho chim trời.
    • Nắm men nhỏ làm dậy khối bột to.

Nước Trời được so sánh ở đây không là nước thiên đàng trên trời, nhưng là nước của Ông Trời, chính là Giáo Hội được Chúa thành lập dưới trần gian nầy.

Vì Nước Trời được so sánh với ruộng lúa có lúa tốt và cỏ lùng, có người lành kẻ dữ. Nước Trời là nước thiên đàng thì không thể có cỏ lùng tức không thể có kẻ xấu.

Vì Nước Trời được so sánh với hạt cải bé tí ti lúc ban đầu nhưng sau thành cây cải to cho chim trời núp bóng. Hình ảnh Giáo Hội trần thế đang phát triển. Nếu Nước Trời là nước thiên đàng là nơi viên mãn, không thể có yếu tố phát triển.

Vì Nước Trời được so sánh với nắm bột đang làm khối bột dậy men. Hình ảnh Giáo Hội đang âm thầm cảm hóa hay hoán cải hay Kitô giáo hóa thế giới. Nếu Nước Trời là nước thiên đàng thì không còn cần Kitô hóa hay hoán cải ai cả. Tất cả đã là thánh.

Ý nghĩa 3 dụ ngôn trên:

Có sự dữ và ác xấu trong trần gian. Có bất toàn và tội lỗi trong Giáo Hội trần gian. Phải chờ đến ngày chung thẩm để luận xét: Thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ.

Giáo Hội trần gian là thân thể Chúa Kitô đang lớn. Không ai có thể chặn đứng sự phát triển và lớn mạnh của Giáo Hội.

Mỗi thành phần của Giáo Hội phải là một nắm men trong xã hội trần gian: Khiêm tốn, âm thầm, nhưng không ngưng nghỉ trong nhiệm vụ cảm hoá trần đời.

Vài tin tức cho thấy thực trạng cỏ lùng trong ruộng lúa Giáo Hội, gây nhiều đau nhức và tổn thương cho Giáo Hội.

VATICAN: Các vụ truyền chức linh mục mới đây do Huynh đoàn thánh Piô X thực hiện là bất hợp pháp. Hôm thứ Ba 5.7.2011 Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã trả lời như trên cho những người trong các ngày qua nêu thắc mắc liên quan tới các vụ truyền chức linh mục trong Huynh đoàn Pio X. Cha Lombardi nêu bật những gì đã được tuyên bố trong những trường hợp tương tự trong quá khứ, nghĩa là quy chiếu thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Hàng Giám Mục Công giáo hồi tháng 3 năm 2009. Thư của Đức Thánh Cha có viết như sau: “Cho tới khi nào Huynh đoàn Thánh Pio X chưa có một thế đứng hợp giáo luật trong Giáo Hội, thì các thừa tác của Huynh đoàn không thi hành sứ vụ hợp pháp trong Giáo Hội… Cho tới khi nào các vấn đề liên quan tới giáo lý không được sáng tỏ, thì Huynh đoàn không có một quy chế giáo luật nào trong Giáo Hội và các thừa tác của Huynh đoàn không thực thi một cách hợp pháp sứ vụ nào trong Giáo Hội”. Vì thế các cuộc truyền chức linh mục bị coi như bất hợp pháp .

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Toà Thánh đã ban một số năng quyền cho các linh mục Huynh Đoàn Piô X như sau:

Theo Catholic New Agency (Tân Truyền Thông Công Giáo) Tin từ Vatican: Qua quyết định của tông toà đề ngày 4.4.2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trao cho các giám mục giáo phận nơi có Huynh đoàn thánh Piô X cho phép các linh mục của Huynh đoàn có năng quyền cử hành lễ cưới và hợp luật cho các tín hữu theo khuynh hướng của Huynh Đoàn.

Một năm trước đó ngày 2.4.2016 Bishop Bernard Fellay, thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X đã hội kiến kín đáo với Đức Giáo Hoàng Phanxicô kéo dài 40 phút, nhưng xem chừng còn nhiều dị biệt chưa vượt qua để tiến tới sự hợp nhất hoàn toàn.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/5/58/Coat_of_arms_of_Paul_Lei_Shi_Yin.svg/220px-Coat_of_arms_of_Paul_Lei_Shi_Yin.svg.png
Coat of arms of Paul Lei Shi Yin

VATICAN: Ngày 4.7.2011, Tòa Thánh đã tuyên bố vụ tấn phong giám mục tại giáo phận Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc là bất hợp pháp vì không có phép của Đức Giáo Hoàng và tất cả các nhân vật liên hệ đều bị phạt vạ theo Giáo Luật.

Như đã biết ngày 29.6.2011 linh mục Phaolô Lôi Thế Ngân đã được tấn phong giám mục tại Lạc Sơn mà không có phép của Tòa Thánh. Vụ tấn phong ”bất hợp pháp”, gây chia rẽ và tạo ra các căng thẳng giữa lòng Giáo Hội.

Ngày 22.9.2018, Tòa Thánh ra tuyên bố giải vạ tuyệt thông và công nhận 8 chức giám mục “đã thành sự” tại Trung Quốc, trong đó có cả giám mục Phaolô Lôi Thế Ngân.

Tin từ Catholic online: Cha John Caropi tuyên bố hoàn tục hôm ngày 17.6.2011: Cha Anthony Corapi, S.O.L.T. (Society of Our Lady of the Most Holy Trinity – Hội dòng Đức Mẹ Cực Trọng Ba Ngôi) sinh ngày 20.5.1947 ở Hudson, New York. Ngài là một linh mục Công Giáo rất nổi tiếng cho các chương trình truyền hình hầu như khắp nước Mỹ. Linh mục John Caropi đã từng làm nhiều nghề sinh sống trước khi đi tu làm linh mục. Ông nguyên là cầu thủ bóng chày, rồi gia nhập quân đội Mỹ. Sau khi giải ngũ, ông đi làm cố vấn tài chánh. Ông nổi tiếng giàu có, sử dụng loại xe đắt tiền và du thuyền giá bạc triệu. Ông cũng  không từ chối tham gia mua bán bạch phiến hay cả những chuyện tình dục đồi bại. Hậu quả: Bị bệnh tâm thần và không nhà cửa.

John Corapi Resurfaces?Ông sống lang thang đầu đường phố chợ suốt 3 năm. Mẹ ông cầu nguyện tha thiết và gửi ông thiệp cầu nguyện có kinh Kính Mừng, đồng thời cho ông tiền máy bay quay về New York. Ông sám hối và quay về với Chúa ngày 24.6.1984. Ông xin gia nhập Hội Dòng Đức Mẹ Ba Ngôi Cực Trọng và thụ phong Phó tế ngày 26.5.1990. Ngày 26.5.1991 Thầy được chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II truyền chức linh mục. Sau đó Cha được làm Cha xứ, rồi làm Giám đốc Trung tâm Giáo Lý địa phận. Dần dần với những bằng cấp, Cha John thành chuyên viên truyền hình Công Giáo trên khắp nước Mỹ. Tháng Ba năm nay 2011, linh mục John bị chính Hội dòng Ngài ngưng thi hành tác vụ linh mục vì theo như Cha Bề Trên, Cha Gerald Sheehan, thì Cha John đã dính vào thuốc phiện, rượu chè và gian dâm với một nữ nhân viên trong chương trình truyền hình của Cha, nguyên là gái mãi dâm từ trước.

III. Thực hành Phúc Âm:    

Bố thí ba-la-mật trong thời hiện đạiTrước khi đi học, Thảo xin Mẹ hai đồng và hai lon súp để đóng góp vào chương trình “Food Bank” của nhà trường. Mẹ Thảo hỏi: Con định mang tiền và những lon súp nầy cho ai? Thưa Mẹ, cho người nghèo. Nhưng ai đáng gọi là nghèo để mà cho hả con? Con có biết, có những người làm biếng, không chịu đi làm, ngồi không xin người khác. Có những người tiêu pha tiền bạc vào xì ke, ma túy… rồi đi xin thức ăn. Giúp họ là duy trì người xấu trong xã hội.

Không cần biết họ là ai và làm gì Mẹ à! Họ nghèo là mình phải giúp thôi.

Với lương tâm của người Công giáo ngay lành, chúng ta dễ phàn nàn về những ác xấu nhan nhãn trước mắt. Nhiều khi chúng ta nặng lời nguyền rũa hay cầu xin Chúa cho kẻ bất lương bị “xe đụng chết!” hay “hộc máu mồm” mà chết quách cho dân tình đỡ khổ.

Ruộng lúa có lúa tốt và cỏ lùng. Thế giới có kẻ lành người dữ. Con cái có đứa ngoan, đứa hư. Xứ đạo có người đạo đức kẻ trễ nãi. Đó là sự thường tình trong thế giới bất toàn của con người. “Ta đến kêu gọi người tội lỗi!” Cứu độ là lý do Chúa xuống trần. Sự hiện hữu của Giáo Hội, của địa phận, của giáo xứ và của các tổ chức đoàn hội trong Giáo Hội là để cứu độ Sự hiện hữu của chúng ta sẽ dư thừa và vô ích, nếu thế giới nầy toàn người đạo đức và thánh thiện.

Chúng ta làm người Công giáo để “giữ đạo” hay để truyền giáo và hoán cải thế giới?  Nhiều khi chúng ta tiêu pha quá nhiều thời giờ, tiền bạc trong chuyện kiệu rước linh đình để biểu dương sức mạnh đức tin. Nhiều khi chúng ta làm văn nghệ gây quỹ để tân trang nhà thờ. Đó cũng chỉ là chuyện “giữ đạo” còn chuyện hoạt động xã hội như quà Giáng Sinh cho người nghèo (Christmas Hamper) hay bữa ăn cho người vô gia cư… thì thế nào? Hàng ngày có năm, hay sáu  mươi ngàn trẻ em ở Phi Châu chết đói, có bao giờ chúng ta nghĩ đến một giúp đỡ nào chăng? Nếu chúng ta chỉ “giữ đạo” theo kiểu đóng khung trong xứ đạo, trong “lũy tre làng” ngày xưa. Coi chừng! Càng giữ đạo chúng ta càng mất đạo nơi thế hệ con cháu nối tiếp. Người trẻ ngày nay sinh ra, lớn lên và được giáo dục theo hướng sống xã hội không biên giới. Người trẻ sẽ thắc mắc về cách “giữ đạo” nhiều kinh hạt và kiệu rước rình rang của chúng ta. Nhưng lại phớt lờ những đóng góp giúp người nghèo hay làm ngơ trước những người đang khốn khổ vì chiến tranh, thiên tai, bão tố.

Mời xem bài liên quan: