CHÚA NHẬT XIII QUANH NĂM
Sách Khôn Ngoan 1.13-15; 2.23-24;
Thư Thứ II Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 8.7-9.13-15
và Phúc Âm Thánh Marcô 5.21-34
Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Lạy Thầy xin đến chữa cho,
Con tôi sắp chết hết lo nổi rồi.
Chỉ Thầy có thể cứu thôi,
Đặt tay ban phước phục hồi bình an.
Đông người theo Chúa cầu van,
Kẻ xin khỏi bệnh thở than buồn phiền.
Có bà xuất huyết kinh niên,
Lo thầy chạy thuốc không thuyên giảm gì.
Bà nghĩ: ta phải cứ lì:
Chạm vào áo Chúa bệnh thì ngưng ngay.
“Có ai chạm áo Ta đây?”
Con hết loạn huyết! Phúc may áo Thầy!
Tin nhà Hội Trưởng cho hay:
Con ông đã chết phiền Thầy làm chi.
Chúa phán: Talitha koumi!
Bé gái chỗi dậy tức thì đòi ăn! Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh tật là dấu chỉ ơn cứu độ đã đến trần gian. Nước Thiên Chúa đã đến, sự dữ phải rút lui và Satan là thần dữ bị đánh bại.
Bệnh tật và sự dữ là những thực tại không thể tránh khỏi trong đời sống con người. Chúa xuống trần làm người có nghĩa là Chúa nhận lấy bệnh tật, cái chết và sự dữ… Nhưng sau cùng Ngài chiến thắng tất cả qua sự Phục Sinh. Đó là niềm hy vọng lớn lao của con người đang sống trong bể khổ.
Chúng ta phải chạm vào Chúa để nhận thần lực. Ai biết kêu cầu Chúa, Chúa sẽ cầm tay người đó và nói: Talithacum! Hãy chỗi dậy!”
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Phép lạ là gì?
Phép lạ hay dấu lạ trong tiếng Latinh gọi là Miraculum, nghĩa là hiện tượng lạ lùng hay điều gây ngạc nhiên cho người chứng kiến.
Chúa Giêsu đã làm khoảng 20 phép lạ được liệt kê như sau:
- Chúa chữa người bị phong cùi, được tường thuật trong Matt.8.1-4; Mc. 1.40-45 và Lc.
- 12-14.Chúa chữa đầy tớ đại đội trưởng, được trường thuật trong Matt.8.5-13 và Lc.7.1-10.
- Chúa chữa nhạc mẫu Ông Phêrô khỏi cơn sốt, được trường thuật trong Matt.8.14-17; Mc.1.29-31 và Lc. 4.38-39.
- Chúa truyền cho sóng gió im lặng, được trường thuật trong Matt.8.14-17; Mc. 4.35-41 và Lc. 8.22-25
- Hai người bị quỉ ám ở Gađara, được trường thuật trong Matt.8.28-34; Mc. 5.1-20 và Lc. 8.26-39
- Chúa chữa người bại liệt, được trường thuật trong Matt.9.1-8; Mc. 2.1-12 và Lc. 5.17-26
- Chúa chữa người đàn bà bị băng huyết và cho con gái Ông Giairô sống lại được trường thuật trong Matt.9.18-25; Mc 5.21-43 và Lc. 8.40-56
- Chúa Giêsu chữa hai người mù, được trường thuật trong Matt.9.27-38
- Chúa Giêsu chữa người câm bị quỉ ám, được trường thuật trong Matt.9.32-34
- Chúa chữa Người bị bại tay trong ngày Sabát được trường thuật trong Matt.12.9-14; Mc. 3.1-6 và Lc. 6.6-11
- Chúa chữa người bị quỉ ám, mù và câm được trường thuật trong Matt.12.22-30; Mc.3.20-30 và Lc. 11.14-23
- Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất được trường thuật trong Matt.14.13-21; Mc.6.30-44; Lc.9.10-17 và Gioan 6.1-14
- Chúa đi trên mặt nước được trường thuật trong Matt.14.22-33; Mc 6.45-52 và Gioan 6.16-21
- Chúa Giêsu chữa con gái người đàn bà Canaan được trường thuật trong Matt.15.21-28 và Mc.7.24-30.
- Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ hai được trường thuật trong Matt.15.29-38 và Mc 8.1-10
- Chúa chữa đứa trẻ bị kinh phong được trường thuật trong Matt.17.14-18; Mc 9.14-29 và Lc. 9.37-43
- Đức Chúa Giêsu và Ông Phêrô nộp thuế được trường thuật trong Matt.17.24-27
- Chúa chữa người bị quỉ ám được trường thuật trong Matcô 1.21-28 và Lc. 4.31-37
- Người bị quỉ ám ở Ghêrasa được trường thuật trong Matcô 5.1-20; Matt.8.28-34 và Lc. 8.26-39
- Người mù ở thành Giêricô được trường thuật trong Matcô 10.46-53; Matt.20.29-34; và Lc. 18.35-43
Những phép lạ nầy được coi là những dấu chỉ, chỉ rằng: Thiên Chúa là Đấng đang dùng quyền năng để chiến thắng bệnh tật, đau khổ, sự dữ và cái chết. Phép lạ phục vụ như dấu chỉ, nên Chúa không cần phải làm nhiều phép lạ để cứu chữa hay cứu sống mọi người, chỉ một số dấu chỉ cũng đủ chứng minh về Nước Thiên Chúa đang đến.
Sự dữ nhập vào thế gian:
Chúng ta có thể cắt nghĩa việc sự dữ hiện diện trong trần gian qua Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Roma 5.19 “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”.
Như vậy sự dữ hay ác xấu đến trần gian là do:
Tội lỗi con người: Con người đã sử dụng tự do Chúa ban để khước từ chương trình cứu độ yêu thương của Thiên Chúa qua việc phạm tội, tức làm điều xấu mà Chúa không muốn.
Một thế giới bất toàn
Thiên Chúa hoàn hảo, nhưng Ngài tạo dựng một thế giới bất toàn. Bản chất bất toàn làm thế giới vật chất phải hướng về kiện toàn. Bản chất bất toàn giúp con người hướng về Thiên chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã dạy “Hãy nên hoàn thiện như Cha chúng con trên Trời là Đấng hoàn thiện!” Không ai hoàn thiện ngoài Thiên Chúa. Nên con người luôn khát vọng về hoàn thiện, về Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã dựng nên mọi tạo vật tốt đẹp từ nguyên thủy. Ngài không thể là tác giả của sự dữ. Quan niệm về một Thiên Chúa quan án muốn dùng sự dữ và khổ đau để trừng trị con người là một quan niệm tôn giáo mang tính chất pháp lý, thuộc về thời đại tôn giáo pháp đình ngày xưa. Thiên Chúa Kitô giáo là một Người Cha công bằng nhưng luôn nhân hậu (Lc. 15, Mt. 18:12-35; Mc. 6:34; Gn. 3:16; 8:1-11; 10:1-21). Có ác xấu là do tội. Tội là do lạm dụng tự do. Con người đi liền với bất toàn. Bất toàn làm con qui hướng về thiện hảo. Điều nầy cho thấy qua câu chuyện Ông Gióp, người công chính, phải đương đầu với ác xấu. Ông kiên vững trong đức tin. Sự dữ thành khóa huấn luyện đức tin cho ông.
III. Thực hành Phúc Âm:
1. “Ai đã sờ vào tôi!”
“Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ “Tôi mà sờ được vào áo người thôi, là sẽ được cứu!”
Thánh Matcô diễn tả thật sống động “âm mưu” của người đàn bà bị bệnh loạn huyết: Toan tính trong trí và tìm cách luồng lách thực hiện.
Sự tiếp xúc với Chúa cần phải toan tính hay dự trù trong tâm trí mình. Không thể tình cờ trở nên đạo đức hay thành thánh nhờ phép lạ. Chúng ta không chối bỏ ơn Chúa kêu gọi sống đạo đức hay nên thánh. Tuy nhiên cần phải có toan tính và xếp đặt trong trí để tiếp xúc với Chúa.
Tôi muốn nói đến chương trình cá nhân của mỗi người. Nếu chúng ta không hề tính hay xếp chương trình đọc kinh sáng tối hay dự lễ thì làm sao chúng ta có thể đọc kinh sáng tối hay dự lễ. Chúng ta không tính chuyện sờ chạm Chúa thì làm sao mà tìm cách để tiếp cận Ngài được?
Tôi nhớ chuyện một anh thanh niên trồng cây si. Không ngày nào anh không dạo quanh nhà cô gái mình thầm yêu ít là vài tiếng đồng hồ. Nhiều khi mưa gió, anh vẫn đứng dầm mưa trước nhà người đẹp. Mưa dai thấm đất! Cô gái nào mà không xiêu lòng trước một toan tính tỏ tình thật là kiên nhẫn như thế.
2. Người cầm lấy tay cô bé gái và nói: Talithacum! Hãy chỗi dậy!”
- Nhiều người bị bệnh nằm liệt giường. Không sao tự mình ngồi dậy nỗi.
- Những ông bà cụ già ở những nhà hưu dưỡng thường phải có người giúp để ngồi dậy.
- Nhiều khi chúng ta yếu sức quá, cần có người giúp để ngồi dậy.
- Nhiều thất bại cuộc đời đánh gục, chúng ta cần một nâng đỡ để đứng lên đi trọn đường trần.
Chặng đàng thánh giá thứ năm “Ông Simêon vác đỡ thánh giá Chúa” cho tôi nhiều suy nghĩ trong cuộc đời. Anh mắt Chúa van nài, bước chân chúa quờ quạng, sức lực Chúa cạn kiệt… đường thánh giá còn dài. Simêon vác đỡ… Một nâng đỡ sao thật cần thiết quá chừng!
Hãy quảng đại đưa tay ra, đưa vai ra vác đỡ gánh nặng cuộc đời hay san sẻ công việc với người khác. Nhiều người đã đi trọn đường trần. Nhiều người đã chu toàn nhiệm vụ nhờ người khác giang tay và nâng đỡ.
Đường dài mỏi gối chồn chân
Ánh mắt dõi quanh cố ý tìm
Một lời khuyến khích, một nâng đỡ!
Một bàn tay bắt nội lực truyền!
An ủi thay thân phận con người!