Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XII Thường Niên, năm B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1139

CHÚA NHẬT XII QUANH NĂM

Sách Gióp 38, 1.8-11; 
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô  2 Cr 5, 14-17
và Phúc Âm Thánh Marcô 4,35-41

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chổi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:

“Hãy sang bên kia biển hồ!”
Giải tán đám đông, môn đồ tuân lệnh.
Thuyền rong theo hướng đã định,
Bổng dưng Biển Hồ hết tịnh, nổi giông.

Sóng ùa đẩy nước vào trong,
Phen nầy chắc chết còn mong nỗi gì?
Chúa ngồi dựa gối ngủ khì,
Môn đồ đánh thức “biết gì hay chăng?”

Chúa làm biển hết khả năng,
Không còn sóng gió lặng câm như tờ.
Sợ hãi là dấu lờ mờ,
Chưa biết rằng Chúa đang chờ đợi ta.

Cuộc đời sóng gió phong ba,
Chúa trong thuyền đó! Hoảng la sợ gì.
Kêu Chúa! Có Chúa tức thì,
Phong ba bão táp bái quì xin vâng. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
  • Giêsu là Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại
  • Chúa làm người để ở trong thuyền chúng ta vượt biển đời trần gian nhiều giông bão.
  • Hãy mạnh tin. Hãy chạy đến kêu cầu Chúa.
  • Mọi sự sẽ lắng đọng bình yên.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:    

“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”    

Thánh Marcô không là môn đệ Chúa, không có trong thuyền, làm sao biết hay nghe các môn đệ nói với nhau câu trên?

Marcô không là môn đệ Chúa, không ở trong nhóm người hoảng sợ giông bão rồi ngưỡng mộ con người huyền bí Giêsu.  Đây là câu mà Marcô đặt vào miệng các tông đồ để tuyên xưng thần tính nơi Chúa Giêsu. Thật vậy! câu nói trên nhằm mục đích tuyên xưng thiên tính nơi con người Giêsu bằng xương bằng thịt thôi.

Chúng ta cỏn nhớ sách Sáng Thế Ký khi nói về công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật, Chúa phán: Hãy có ánh sáng, liền có ánh sáng. Trong bài Phúc Âm trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu làm na ná như vậy: “Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ” Không ai làm được việc nầy ngoài Thiên Chúa. Vậy ai làm việc nầy là Thiên Chúa. Đó là điều Marcô muốn nói.

Cũng có nhiều thuyền khác theo Người.          

Câu nầy chỉ nói một lần rồi sau đó không thấy nhắc lại xem chuyện gì xảy ra cho các thuyền khác sau khi giông sóng nỗi lên và bị Chúa dùng quyền năng quát bảo chúng im lặng. Nếu cứ như theo tường thuật thì các thuyền kia cũng gặp bão táp, vì cùng trên Biển Hồ. Chắc rằng những thuyền khác rồi cũng bình an và được cứu sống sau khi gió biển lặng.

Tuy nhiên thánh Marcô không hề đề cập đến như chúng ta muốn biết. Điều nầy cho thấy là tác giả muốn độc giả biết đến ai và tập trung vào việc làm của người ấy mà thôi. Những thuyền khác cũng an toàn như thuyền của các tông đồ… không cần nói gì hơn vì quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu ắt phải bao trùm Biển Hồ. Hơn nữa tất cả bị quên lãnh để chỉ còn Chúa là trung tâm điểm phải được nhận thấy: Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đầy quyền năng đang đồng hành với con người.

III. Thực hành Phúc Âm: 

Điều răn thứ hai: Chớ kêu tên Chúa vô cớ – Not take the Lord’s name in vain

Điều răn Thứ Hai phát xuất từ sách Xuất Hành: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người cách bất xứng” (Xh 20: 7; Đnl 5: 11).

Trong bài Phúc Âm, các tông đồ hoảng sợ chạy đến kêu: “Thầy ơi! Chúa ơi, chúng con chết mất” Như vậy các tông đồ không lỗi điều răn Thứ Hai vì kêu tên Chúa có cớ, tức có lý do. Còn chúng ta thì thường lỗi điều răn Thứ Hai vì hay kêu “Chúa ơi! Chúa ơi!” luôn miệng. Đó là tội kêu tên Chúa vô cớ chăng?

Chúa là Cha tôi, tôi kêu: Cha ơi! Cha ơi! Thì có gì là vô cớ.

Như vậy điều răn thứ hai: Chớ kêu tên Chúa vô cớ thật không đúng ý Chúa, tôi nghĩ vậy. Thật sự từ “vô cớ” nên mang ý nghĩa là “rỗng, là xáo, là bất xứng” thì hợp hơn chăng? Tức chúng ta dùng tên Chúa mà thề gian nói dối, tức chúng ta coi thường danh Chúa, chúng ta lạm dụng danh Chúa. Đó mới chính là lỗi điều răn thứ hai: Dùng tên Chúa là Đấng Thánh và chân thật để làm chuyện bất chính gian dối.

Việt Nam mình có những từ xem chừng không chính xác nhưng quen dùng thì thôi cứ để vậy.

Thí dụ: Thánh Phanxicô khó khăn – Khó khăn là rắc rối, khó chịu… Không lẽ người rắc rối khó chịu mà làm thánh?

Nên khi xưng tội không nên nói là con kêu tên Chúa nhiều lần nhưng nên nói là con dùng tên Chúa mà ăn gian nói dối….

Thiên tai dạy chúng ta biết có Chúa.

Đang khi tôi soạn Giáo Lý Phúc Âm thì Miền Trung Việt đang bị bão lụt lớn. Đồng thời anh em quen biết hỏi tôi xem có nên quyên góp giúp bà con bão lụt Miền Trung Việt Nam hay không? Tôi trả lời: Có lẽ không nên! Không giúp không phải ghét đồng bào mình… Nhưng thiên tai là dịp để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa. Ai cũng nhớ những khẩu hiệu dốt nát và kiêu căng “Thằng Trời đứng dẹp một bên, để cho thủy lợi đứng lên làm Trời”. Bây giờ bão lụt xảy ra… tha hồ đứng lên làm Trời.

Nếu có chút suy nghĩ sẽ khiêm tốn nhận ra sự giới hạn của con người mà tin rằng: Có Chúa là Ông Trời mà chúng ta phải tôn thờ.