Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XI Thường Niên, B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

844

CHÚA NHẬT XI QUANH NĂM

Sách Tiên Tri Êdêkien 17.22-24;
Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 5.6-10
và Phúc Âm Thánh Matcô 4.26-34

Nghe bài Tin Mừng tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông. Đó là lời Chúa.

Diễn ý:

Nước Trời thể như hạt giống,
Gieo vào lòng đất mầm sống vươn lên.
Đất phía dưới Trời bên trên,
Đồng lúa chín rộ làm nên ngày mùa.

Nước Chúa so sánh không đùa!
Bé như hạt cải bự tù gì đâu!
Vậy mà làm chuyện bể dâu,
Thành cây rau lớn chim bâu bóng chiều.

Dụ ngôn nói ít hiểu nhiều,
Hình ảnh cụ thể sớm chiều xảy ra.
Dùng gần để nói chuyện xa,
Nước Trời đang đến dân ta đón mừng.

Làm người gieo giống không ngừng,
Gieo vào thế giới Tin Mừng Phúc Âm.
Đức tin mầm sống âm thầm,
Chúa cho hạt giống nẩy mầm đâm bông. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Nước Thiên Chúa đang lớn mạnh: Nước Thiên Chúa giống như chuyện người vãi hạt xuống đất… Người ta thấy bên ngoài hạt giống Lời Chúa được rao truyền. Người ta không thấy sức tác động thần thiêng của Chúa bên trong… Chính Chúa làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả.

Chính Chúa làm cho Nước Chúa được lớn mạnh và lan rộng. Chúng ta được kêu gọi gieo vãi hạt giống Lời Chúa…Kết quả hoàn toàn tùy thuộc nơi Chúa. Hãy kiên nhẫn đợi chờ, Chúa đang làm việc.

Nước Thiên Chúa sẽ lan rộng đến mọi dân nước và thành nơi nương tựa cho muôn dân: Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống nhỏ bé…..Đây là sự thành hình của Nước Thiên Chúa, bắt đầu rất nhỏ bé, âm thầm… nhưng rồi sẽ lớn mạnh, rợp bóng trên mọi ân nước và thành nơi nương tựa cho muôn dân.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:

Dụ Ngôn của Chúa Giêsu

Dụ ngôn được hiểu là những lời nói tượng hình qua việc xử dụng hình ảnh hay câu chuyện để diễn đạt một chân lý hay một bài học thực tế.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu là cách Chúa dùng những sinh hoạt thường nhật, những so sánh cụ thể dễ quan sát để giúp thính giả hiểu những thực tại cao siêu hay bí nhiệm khó hiểu. Đúng như đoạn cuối của bài Tin Mừng hôm nay nói: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” Nên người ta đếm được tất cả 50 dụ ngôn trong các sách Tin Mừng. Cụ thể hôm nay là dụ ngôn Nước Trời được so sánh với sự âm thầm phát triển của hạt giống Lời Chúa cũng như ảnh hưởng rộng lớn của Nước Thiên Chúa trên trần gian qua thí dụ hạt cải nhỏ bé.

Có từ khác chúng ta thường nghe và mang ý nghĩa tương tự là Truyện Ngụ Ngôn, thí dụ Ngụ Ngôn của Lã Phụng Tiên, Jean de la Fontaine Fables hay Fables de la Fontaine. Thí dụ truyện ngụ ngôn “Thợ sửa giày và nhà kinh doanh giàu có” được nhiều người ưa chuộng. Ý nghĩa ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên: Tiền bạc của cải không ban cho chúng ta bình an, mà đôi khi còn gây bất an. Như vậy Truyện ngụ ngôn là truyện kể có tính chất thế sự, dùng cách ẩn dụ để thuyết minh cho một chủ đề luân lý, triết lý một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thưc tế xã hội. Kho tàng văn chương Việt Nam cũng có truyện ngụ ngôn như: Ôm cây đợi thỏ hay chuyện Cô Tấm Cô Cám để dạy những bài học luân lý về việc phải làm việc và phải ăn ở cho có đức.

Như vậy truyện ngụ ngôn xem chừng có khác với dụ ngôn của Chúa Giêsu ở chỗ: Dụ ngôn (Parable) là lối dùng những sinh hoạt thường nhật, những so sánh cụ thể dễ quan sát để hướng thính giả hiểu những thực tại cao siêu hay bí nhiệm khó hiểu nhất là về Nước Trời. Thí dụ dụ ngôn hạt giống và hạt cải trong bài Phúc Âm hôm nay. Còn truyện ngụ ngôn (Fables) thường đặt một câu chuyện để dạy bài học luân lý. Thí dụ chuyện anh thợ đánh gìay nghèo khổ nhưng vui vẻ và ông nhà giàu có nhiều tiền nhưng sống bất an kể trên.

Chúa thành lập Giáo Hội
Chúa làm Giáo Hội phát triễn
Chúa gìn giữ Giáo Hội trường tồn. 

Lời của Chúa hay việc mở mang Nước Chúa có kết quả tiệm tiến và rất từ từ. Nhiều khi chúng ta nghĩ là Giáo Hội đang thụt lùi, không mổ mang tiến bộ chút nào. Tuy nhiên, cứ nhìn lại lịch sử Giáo Hội chúng ta sẽ thấy rõ là hạt giống Lời Chúa “Đêm hay ngày, người gieo giống có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nầy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết!” Suốt 300 năm bị bách hại từ phôi thai, tông đồ Chúa, những nhà truyền đạo phải bỏ trốn, nhiều người chối bỏ đạo… nhưng rồi hạt giống Lời Chúa vẫn âm thầm lớn mạnh.

Theo tính con người, chúng ta hay sốt ruột vì không thấy Lời Chúa phát triển, không thấy Nước Chúa lớn mạnh. Chúng ta sống quá ngắn, chúng ta đòi Giáo Hội phải phát triển toàn diện trong 100 năm để chúng ta “an lòng nhắm mắt!” Một trăm năm, một ngàn năm đối với Chúa không là gì cả… Cái là gì là chúng ta phải là người gieo giống, gieo hạt giống Lời Chúa bất cứ nơi đâu chúng ta đến. Kết quả không thấy ngay, nhưng chúng ta tin rằng: Chính Chúa làm cho Lời Chúa tác động. Chính Chúa làm cho Giáo Hội lớn mạnh. Quả thật hạt cải bé tí tẹo hai ngàn năm trước giờ đây đã phát triển có cành lá xum xuê bao trùm cả thế giới.

III. Thực hành Phúc Âm:

Tôi chỉ là người gieo hạt giống:

Khi mới làm linh mục, tôi được bổ nhiệm làm Cha xứ ngay. Tôi hãnh diện lắm! Từ ngày đầu nhận giáo xứ, tôi miệt mài làm việc, bớt ăn và ít ngủ. Phần vì tôi là Cha xứ đầu tiên không là người da trắng bản xứ, nên tôi cần học hỏi và làm việc nhiều hơn các Cha bản xứ thì mới bắt kịp. Phần vì tôi muốn giáo xứ phát triễn nhanh chóng… muốn số người dự lễ Chúa Nhật phải đông hơn, muốn có thiếu nhi, muốn có nhiều ban hát, muốn họp Hội Đồng Giáo Xứ nhiều lần hơn để báo cáo và kiểm điểm…

Dân chúng thấy tôi làm việc cật lực lo cho họ… họ thương tôi lắm và họ cho Đức Cha hay là: Cha xứ mới thức khuya lắm có khi 2 giờ sáng rồi mà đèn nhà xứ chưa tắt. Cha xứ còn thức làm việc… Một hôm Đức Cha ghé ngang thăm tôi không thông báo trước… Tôi nấu cơm mời Ngài ăn… và lắng nghe Ngài dạy bảo. Bắt đầu cầu chuyện Ngài khen tôi hết lời về việc tổ chức giáo xứ có qui cũ và nhất là có đông người dự lễ Chúa Nhật cũng như có nhiều sinh hoạt trong giáo xứ…. Sau đó Ngài hỏi: Sau 6 tháng làm Cha xứ, cha mất bao nhiêu ký? Mỗi ngày Cha ngủ bao nhiều tiếng đồng hồ… Tôi ú ớ trả lời ấp úng… Ngài chỉ nhà thờ và nhỏ nhẹ bảo tôi: Trước khi Cha đến, nhà thờ giáo xứ đã có… Sau khi Cha đi rồi… nhà thờ vẫn còn… Cha rất cần thiết cho Giáo xứ, cho Giáo Hội… Nhưng nhớ: Giáo xứ và Giáo Hội là của Chúa, Chúa lập và giao cho chúng ta… Chúng ta không làm chủ và giáo xứ tồn tại không do tài năng của chúng ta… nhưng do Chúa và chúng ta chỉ là công cụ là người gieo giống mà thôi. Nếu Cha làm việc miệt mài như đã làm 6 tháng qua… Cha chết sớm và uổng công Giáo Hội đào tạo Cha mấy chục năm, chưa làm được gì thì đã bệnh hoạn hay chết…

Tôi nghe và thắm thía về khuynh hướng làm chủ giáo xứ của mình. Không! Tôi chỉ là người gieo giống.

Nước Trời:

Nước Trời ví tựa hạt gieo,
Vãi vào lòng đất mọc theo thiên thời.
Dù người ấy ngủ diệu vời,
Hay là thao thức không rời âu lo.
Đòng đòng vẫn trổ bông to,
Nhà nông gặt hái đầy kho lúa vàng.
Nước Trời được ví nồng nàn,
Tựa như hạt cải vô vàn dễ thương.
Rắc vùi trong đất náu nương,
Mọc lên cành lá thơm hương gọi mời.
Gọi mời làm tổ chim trời,
An vui dưới bóng mát ngời bao la!