CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Sách Công Vụ Tông Đồ 10, 34a. 37-43;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Colossê 3,1-4
và Phúc Âm Gioan 20, 1-9
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết. Đó là Lời Chúa!
Diễn ý:
Ma-ri-a, ngày đầu tuần,
Ra thăm mộ Chúa, lòng thuần nhớ thương.
Tảng đá to lớn vô phương!
Lăn ra bên cạnh! Phô trương điều gì?
Quay về thông báo tức thì:
“Người ta lấy xác Thầy đi mất rồi”.
Phê-rô lòng dạ bồi hồi,
Rủ Gioan ra mộ xem coi thế nào?
Đến mộ, Phê-rô, bước vào:
Khăn liệm còn đó xác nào thấy đâu?
Gio-an tới trước đã lâu,
Vào thấy mồ trống, nhớ câu Thầy truyền:
“Thầy phải đau khổ buồn phiền,
Chết, chôn, sống lại! Nắm quyền Cứu Tinh”
Sống là tin Chúa Phục Sinh,
Chết là tiếp nối phúc vinh thiên đàng. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa đã sống lại ngoài ức đoán của con người: Thấy mồ trống, Bà Maria Madalêna nghĩ là người ta trộm xác Chúa. Thấy Chúa Giêsu sống lại, bà nghĩ là người làm vườn.
Chúa đã sống lại thật:
- Hiện tượng mồ trống: Khối đá lấp cửa mồ đã lăn sang một bên; Xác Chúa Giêsu không còn trong mộ, khăn liệm vải liệm xếp gọn ghẻ sang bên.
- Chúa phục sinh hiện ra cho Maria Madalêna và bảo bà đi loan báo tin Chúa Phục Sinh cho các môn đệ Chúa.
II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:
Ngày thứ nhất trong tuần là ngày nào trong Kinh Thánh?
Ngày Thứ Nhất trong tuần là ngày Chúa Nhật tính theo Dương Lịch?
Ngày Thứ Nhất trong tuần theo Kinh Thánh và truyền thống của người Do Thái:
Từ “Ngày Thứ Nhất trong tuần” được sử dụng 8 lần trong Kinh Thánh Tân Ước và chúng ta không thấy đề cập đến từ Chúa Nhật:
Bốn lần “ngày thứ nhất trong tuần” được nói đến trong Matthêô 28:1; Matcô 16:2; Luca 24:1 và Gioan 20:1 như chúng ta thấy trong Phúc Âm hôm nay. Tất cả bốn Phúc Âm đều nói đến “ngày thứ nhất trong tuần” như là ngày khám phá ra việc Chúa Phục Sinh. Chắc chắn ngày Thứ Nhất trong tuần không phải là ngày Sabbath vì những người đàn bà mang thuốc thơm đến mộ Chúa ngày Thứ Nhất trong tuần vì họ không kịp làm chuyện nầy trong ngày Sabbath như trong Luca 23:56.
Hai lần khác nói đền “ngày thứ nhất trong tuần” là việc Chúa hiện ra trong cùng ngày được nói trong Phúc Âm Matcô 16:9 và Gioan 20:19. Trong Phúc Âm Gioan 10:19 nói đến việc Chúa hiện ra cho các tông đồ đang tụ họp trong phòng đóng kín cửa vì sợ người Do Thái dòm ngó. Họ tụ họp không phải để cử hành ngày Sabbath gì cả, nhưng xem chừng chỉ nói cho nhau về những tin đồn Chúa sống lại.
Thánh Phaolô giảng dạy trong “ngày thứ nhất trong tuần” như trong Công Vụ sứ Đồ 20:7 mô tả. Ai cũng hiều là chiều tối ngày Thứ Bảy sau khi mặt trời lặn theo như cách tính ngày của người Do Thái. Sau đó Phaolô đi Giêrusalem. Không thấy nói đến việc Phaolô giữ luật ngày Chúa Nhật. Trong thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gừi Giáo Đoàn Corintô 16:2 nói đến yêu cầu quyên góp giúp Hội Thánh nghèo ở Giuđêa vào ngày Thứ Nhất trong tuần. Nhưng đây là việc làm riêng tư chứ không phải là một quyên góp trong ngày nhóm họp Sabbath.
Kinh Thánh và truyền thống Do Thái cho thấy: Ngày Thứ Nhất trong tuần không phải là ngày Sabbath của Do Thái. Ngày Sabbath là ngày thứ bảy, ngày Đấng Tạo Hóa nghỉ sau sáu ngày tạo dựng như trong Sáng Thế Ký 2:2-3 mô tả. Sau nầy ngày Thứ Bảy tức ngày Sabbath thành ngày lễ buộc phải nghỉ cho toàn dân Do Thái như được ghi trong sách Xuất hành 20:11 và cả trong hai bia đá lề luật mà Môsê nhận ở núi Sinai (Xuất Hành 16, 23-30)
“Ngày thứ nnhất trong tuần” là ngày sau ngày Sabbath, ngày nghỉ lễ mà sau nầy lịch Roma gọi là Dies Solis, ngày của Thần Mặt Trời, tức ngày Chúa Nhật bây giờ.
Dương Lịch, lịch theo Thái Dương hệ của La Mã rất ảnh hưởng ngay từ thời bấy giờ và ảnh hưởng mạnh mẻ trong Kitô giáo. Nó minh định rằng: Ngày Chúa Nhật, Ngày thần Mặt Trời, ngày thứ nhất trong tuần, ngày của Chúa. Đó là ngày Chúa sống lại. Đó cũng là ngày mà con người phải thờ lạy Chúa theo như Chúa dạy trong điều răn Thứ Ba. Đó cũng là ngày lễ nghỉ cho mọi người.
Như vậy ngày Chúa Nhật theo Dương Lịch của La Mã đã loại bỏ hay thay thế hẳn ngày Sabbath, tức ngày lễ nghỉ của người Do Thái trong Đạo Cựu Ước. Do Thái Giáo đã cho rằng Công Giáo, vì vấn đề truyền giáo cho dân ngoại tức người La Mã và các nước Âu Châu thời bấy giờ mà loại bỏ truyền thống Cựu Ước, lấy ngày Chúa Nhật, tức ngày thứ nhất trong tuần, thay thế cho ngày Sabbath.
Nếu Chúa Nhật là ngày thứ nhất trong tuần, tại sao lại nằm trong ‘weekend’, tức những ngày cuối tuần bao gồm Thứ Bảy và Chúa Nhật? Tự Điển Webster’s Ninth New Collegiate xuất bản năm 1983 cắt nghĩa: Từ ‘weekend’ được xử dụng năm 1878 tức 134 năm trước để nói rằng: Đó là thời gian của ngày kết thúc tuần làm việc và ngày bắt đầu tuần mới. Như vậy Chúa Nhật vẫn là ngày đầu tuần, ngày Thứ Nhất trong tuần và là ngày Chúa sống lại.
Chúa Giêsu ở trong mộ đá bao lâu?
Không tìm thấy một thống nhất trong các tường thuật của Phúc Âm?
Các Phúc Âm Matthêô 28.1; Matcô 16. 2; Luca 24.1 và Gioan 20.1 đều thống nhất một diểm là: Việc khám phá mồ trống xảy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức sáng sớm Chúa Nhật bây giờ. Cách hiểu thông thường: Chúa sống lại vào rạng sáng Chúa nhật.
Như vậy Chúa Giêsu ở trong mồ độ chỉ dài chừng 36 tiếng đồng hồ tức chỉ có 1 ngày rưởi chứ nào có được ba ngày tức 72 tiếng đồng hồ như Chúa nói trong Matthêô 12:40 khi so sánh Chúa bị chôn trong mồ như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm? Nếu tính đủ trọn 3 ngày, tức 72 tiếng đồng hồ thì Chúa phải chết vào chiều ngày Thứ Tư, hay sáng sớm Thứ Năm chứ không thể chiều Thứ Sáu được.
Nếu chúng ta đọc các sách Tân Ước như Phúc Âm Matthêô 16:21; 17:23; 20:19; 26:61; 27:40, 64; Matcô 9:31; 10:34; 14:58; 15:29; Luca 9:22; 13:32; 18:33; 24:7, 21, 46; Gioan 2:19, 20; Tông Đồ Công Vụ 10:40; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Côrintô 15:4. Chúng ta sẽ không thấy nói là: bị giết chết, chôn trong mồ trọn ba ngày rồi sống lại, nhưng tất cả đều nói là “Ngày Thứ Ba, Ngài sẽ sống lại”.
Như vậy Chúa sống lại đúng như lời Ngài tiên báo:
Chúa chết vào ba giờ chiều ngày Thứ Sáu, coi như là ngày thứ nhất. Người ta vội vả chôn cất Chúa cho xong trước khi ngày Vượt Qua, tức ngày Sabbath bắt đầu lúc 6 giờ chiều.
Chúa trong mộ suốt ngày Thứ Bảy, coi như ngày thứ hai Chúa chết.
Ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa Nhật, ngày thứ ba sau khi Chúa chết, Chúa đã sống lại vinh quang.
Cách giải thích khác.
Trong Matthêô 12:40 Chúa chỉ có ý so sánh Chúa ở trong mồ, giống như Giôna trong bụng cá. Giôna là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu, để diễn tả việc Chúa chết, chôn trong mồ và sống lại. Chúa so sánh là so sánh sự kiện xảy ra, chứ không phải so sánh thời gian xảy ra của hai sự kiện. Hơn nữa chúng ta được cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chuyện Chúa Giêsu bị chôn trong mồ hai ngày, ba ngày hay 1 năm không là yếu tố quan trọng của ơn cứu độ.
III. Thực hành Phúc Âm:
Hồng Y Luis Antonio Tagle, Bộ trưởng bộ truyền giáo Rôma từ tháng 12, 2019, con người thật sự sống niềm vui Phục Sinh:
Điều ai cũng có thể ghi nhận đầu tiên khi tiếp xúc với Hồng Y Luis Antonio Tagle là: Nụ cười tươi vui, hồn nhiên với lối sống bình dân giản dị gần gũi và dễ dàng hoà nhập bắt chuyện. Hiện tại Ngài là Hồng Y Bộ trưởng bộ truyền giáo ở Roma.
Hồng Y Luis Antonio Tagle thật sự sống niềm vui Phục Sinh:
Luôn luôn cười tươi và niềm nở với mọi người.
Luôn luôn khiêm tốn, giản dị và hoà mình: Hàng ngày dâng lễ đồng tế với những linh mục trong học viện, tự động lấy cơm và tìm chỗ ngồi ăn uống chuyện trò với mọi người.
Hai quyển sách bán chạy: Easter people – Dân phục Sinh – nói về cộng đồng Kitô hữu phải là cộng đồng nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh và sống niềm vui Phục Sinh
An Easter people: Một dân Phục Sinh – Ơn gọi Kitô hữu phải là sứ giả của hy vọng.
Ngài thích phim hài hay chuyện cười. Một linh mục giảng hay được hiểu là biết chọc bà con cười. Nhiều khi tư tưởng sâu xa không nhiều, nhưng làm người nghe cười nhiều. Người ta cười vửa thư giản, vừa nhớ được những ý tưởng cao siêu qua những chuyện cười.
Nên tôi thấy: Nên có gương mặt tươi vui phục sinh hơn là gương mặt hình sự đố kỵ và căng thẳng. Không ích lợi gì khi hậm hực hay oán hận người khác. Nó vừa trái với luật Chúa mà vừa nghịch với những nhu cầu của cuộc sống như sức khoẻ và bình an. Nạn nhân của đố kỵ ganh tị… là chính người có gương mặt hình sự. Đó là gương mặt của tư tế Do Thái của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày mà “máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”. Vô ích!
Trọng tâm của Thánh Lễ: Phục Sinh
Làm linh mục, chúng tôi dâng Thánh Lễ mỗi ngày, nhưng nhiều khi chúng tôi quên rằng: Cao điểm của phụng vụ thánh lễ là Phục Sinh, là sống niềm vui của ơn cứu độ và của ơn tái sinh. Niềm vui thánh thiện nầy cần bộc lộ qua khuôn mặt vui tươi , thân thiện, qua lời lẻ chân thành… Vậy mà có linh mục kia đã đôi ba lần nói rằng: Chỗ nào có ông đó thì không có tôi…Cha ấy lại đi nói điều nầy với giáo dân để người nầy mang đến tai người bị ghét kia. Như vậy, linh mục ấy đã không sống thánh lễ dâng hàng ngày là phục sinh là yêu thương và thân thiện, vui tươi.