CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Sách Xuất Hành 20, 1-17;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Tín hữu Côrintô 1.22-25
và Phúc Âm Thánh Gioan 2.13-25
Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Gioan
Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói. Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta. Đó là Lời Chúa!
Diễn ý:
Vượt Qua Do Thái đến gần,
Đền Thờ, tế vật phải cần đổi thay.
Roi chấp từ những cọng dây,
Chúa đuổi mua bán, lật xoay bàn tiền.
Cừu bò, mua bán rõ phiền!
Nhà Chúa mà lại kiếm tiền làm ăn!
“Dấu nào chứng tỏ quyền năng?”
Thanh tẩy đền thánh đuổi phăng kẻ giàu?
Đền cũ phá đổ lật nhào!
Ba ngày đền mới khoe màu nguy nga.
Ông ơi! Giỏi quá đi nha!
Nhiều năm gian khổ Ông Cha xây đền.
Chúa là Tân Ước, là nền:
Là lễ thiêu tế, là Đền Thánh Ân.
Chúa vào đền thánh lễ dâng,
Hiến lễ xá tội muôn dân hưởng nhờ. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa Giêsu đến trần gian là vì lòng nhiệt thành cho nhà Chúa, sứ vụ của Ngài là thiết lập một nền phượng tự mới. Trong nền phượng tự mới của Tân Ước, đền thờ là Thánh Thể của Chúa Giêsu, vì “Các ông cứ phá hủy đền thờ nầy đi, nội ba ngày tồi sẽ xây lại!” Chúa Giêsu là trung tâm phượng tự. Chúa như đền thờ Giêrusalem mới, mọi người phải đến với Chúa.
Trong nền phượng tự mới của Tân Ước, hy lễ không còn là chiên bò, nhưng là chính Chúa Giêsu, vì chính Ngài là “Chiên Thiên Chúa, Đấng đến để gánh lấy tội trần gian” như được đề cập trong Phúc Âm Gioan 1.29.
Con người ta được sinh ra để thờ phượng Chúa bằng cách biến chính bản thân mình thành đền thờ, thành của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa cũng cũng như bằng cách thực hành giới răn Chúa truyền dạy.
II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:
Do Thái giáo?
Do Thái giáo là tôn giáo được thiết lập qua giao ước giữa Thiên Chúa và tổ phụ Do Thái là Abraham. Qua đó, người Do Thái chỉ được phép tôn thờ một mình Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ, Đấng yêu thương và chọn gọi dân Do Thái làm dân riêng, Đấng đã dùng cánh tay hùng mạnh để cứu dân Do Thái cũng như Đấng sẽ ban cho dân tộc nầy một mảnh đất hứa chảy sữa và mật.
Do Thái giáo, một tôn giáo có niềm tin độc thần, chỉ tin thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Niềm tin độc thần và luân lý của đạo xây trên mười điều răn được coi là giao ước bất di bất dịch giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái.
Trước mặt ta, ngươi chớ có thần nào khác.
Ngươi chớ lấy danh Giavê và mà chơi.
Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.
Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.
Ngươi chớ giết người.
Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
Ngươi chớ trộm cướp.
Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi,
Cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa
hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.
Do Thái giáo chú trọng tuân giữ lể luật Chúa được mạc khải trong Ngũ Kinh.
Ngũ Kinh trong tiếng Hy Lạp là Pentateuco, có nghĩa là năm cuộn. Người Do Thái gọi 5 cuộn sách nầy là Torah có nghĩa là luật. Ngũ Kinh bao gồm:
- Sách Sáng Thế Ký, mạc khải về nguồn gốc vũ trụ và loài người.
- Sách Xuất Hành mô tả việc Chúa cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập.
- Sách Lêvi, trình bày những luật lệ tế tự mà các Thầy Lêvi phải giữ.
- Sách Dân Số, kê khai Dân Số Do Thái.
- Sách Đệ Nhị Luật, ghi chép lại những luật đã có trước.
Đền thờ Giêrusalem thời Chúa Giêsu
Đền thờ Giêrusalem là nơi thánh và là trung tâm phượng tự của Do Thái giáo cũng như nơi tập trung quyền lực của Do Thái giáo. Người Do Thái buộc phải hành hương về Giêrusalem hàng năm. Người Do Thái buộc phải dâng cúng để duy trì và tu bổ đền thờ. Người Do Thái buộc phải thực hành bổn phận tế tự nơi đền thờ như việc dâng cúng và sát tế chiên bò làm hy tế.
Thời Chúa Giêsu, đền thờ Giêrusalem là đền thờ thứ ba.
Đền Thờ Giêrusalem thứ nhất do Salomon xây, mất bảy năm và được cung hiến năm 961 trước Công Nguyên. Tuy nhiên đền thờ nầy bị quân đội Assyria phá hủy năm 587 cùng với sự lưu đày Babylon của dân Do Thái.
Đền thờ Giêrusalem thứ hai được vua Giôrôbabên cũng với dân Do Thái được trả tự do xây dựng năm 525 trước công nguyên. Đền thờ nầy bị quân đội Syria phá hủy năm 169 trước công nguyên.
Thời Chúa Giêsu, đền thờ Giêrusalem thứ ba được vua Hêrôđê trùng tu từ năm 20 trước công nguyên. Đền thờ thứ ba nầy rất mỹ thuật nhưng việc trùng tu kéo dài hơn 46 năm, cho đến lúc Chúa chết vẫn chưa xong như được đề cập trong Phúc Âm Gioan 2.20. Đến thờ nầy đã bị quân đội La Mã tàn phá năm 70 sau công nguyên, đi liền với việc phân tán dân Do Thái tản mát khắp thế giời.
Hy lễ theo Do Thái giáo.
Đền thờ Giêrusalem là trung tâm tôn giáo, là nơi người Do Thái phải dâng lễ tế cho Thiên Chúa. Hiến lễ thông thường và buộc phải có là mua và thiêu tế súc vật như chiên bò trước bàn thờ Thiên Chúa để giao hòa, để xin ơn xóa tội cho bản thân mình. Khi hành hương đến Giêrusalem hàng năm, người Do Thái phải đổi tiền, từ tiền La Mã sang tiền đền thờ Giêrusalem, sau đó họ mới có thể mua những súc vật như chiên bò để thiêu tế trước bàn thờ Thiên Chúa.
Thường những con buôn và những người đổi tiền trong đền thờ là những thân nhân hay những người thân tín của các Thầy Cả và những vị cai quản đền thờ. Họ có chỗ mua bán hay có bàn đổi tiền trong nơi thánh nầy với điều kiện phải chia phần lợi tức nào đó cho các thầy cả hay những viên chức đền thờ.
Phúc Âm Gioan cho biết Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ ngay từ đầu sứ vụ.
Trong Phúc Âm Nhất Lãm, việc thanh tẩy đền thờ đến sau, xảy ra vào năm thứ ba sứ vụ của Chúa Giêsu như trong Phúc Âm Matcô 11.15-19, 11. 27–33; Phúc Âm Matthêô 21.12-17 và 21:23–27 và Phúc Âm Luca 19.45-48 và 20:1–8. Đang khi đó Phúc Âm Gioan thì đặt việc thanh tẩy ngay đầu sứ vụ như trong Phúc Âm hôm nay Gioan 2.13-16.
Phúc Âm Gioan cho thấy: Công việc hàng đầu và tiên quyết của Chúa Giêsu là thiết lập nền phượng tự mới thay cho Do Thái Cựu Ước. Trong nền phượng tự Tân Ước, Chúa Giêsu là đền thờ, Chúa Giêsu là của lễ, Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa đến để gánh lấy tội trần gian. Nền phượng tự Tân Ước hệ tại tình yêu tuyệt đối thể hiện qua việc vâng lời như trong Thánh Vịnh 50 “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lễ dâng Chúa là tâm hồn thống hối. Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê”.
III. Thực hành Phúc Âm:
Chúa thanh tẩy đền thờ Giêrusalem
Chúng ta thanh tẩy nhà thờ giáo xứ và thân xác mình.
Chúa đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ và rầy họ bảo “Đừng biến nhà Cha Ta thành cái chợ”. Đó là chuyện của hai ngàn năm trước, chứ bây giờ ai mua bán trong đền thờ để làm gì?
Không xưa chút nào! Nhiều giáo xứ đã dành cả năm mười phút trước phép lành cuối lễ để thông báo hôm nay nhà thờ hay các đoàn hội có bán thứ gì và giá cả ra sao. Xin mời ủng hộ gây quỹ! Thánh lễ dài hơn một tiếng đồng hồ năm ba phút thôi thì người ta phàn nàn. Nhưng tô phở nóng, hay ly cà phê sau lễ cũng có thể giữ chân người ta hàng hai giờ đồng hồ. Thánh Lễ Chúa Nhật thật ngắn gọn. Nhưng những chuyện bàn về gây quỹ, về hội chợ, về văn nghệ lại kéo dài từ 7 giờ tối đến nửa đêm.
Lời dạy nghiêm khắc “Xin đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi mua bán” vẫn thiết thực với cách sinh hoạt giáo xứ của chúng ta. “Đồng tiền liền khúc ruột”! “Tiền là Tiên là Phật…”! “Có tiền mua tiên cũng được!”. Ai cũng có kinh nghiệm về sức mạnh của đồng tiền. Nhưng hãy cho nó một giới hạn: Bên ngoài nhà Chúa. Nếu không nó sẽ biến Nhà Chúa thành chợ và người của Chúa thành những con buôn dưới nhiều hình thức đẹp: Quỹ bác ái, quỹ xây dựng, quỹ giúp nạn nhân bão lụt… Những hình thức nầy có chỗ và chỗ của nó không ở trong nhà thờ hay trong giờ Thánh Lễ. Kinh nghiệm bản thân: Càng vận động gây quỹ kiếm tiền, càng có nhiều tranh chấp, hiểu lầm trong Giáo xứ. Giáo xứ là cộng đồng Dân Chúa, không sống nhờ tiền nhưng nhờ Mình Máu Thánh Chúa.
Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Ngài muốn chúng ta hãy tiếp tục công việc của Ngài: Giữ gìn cho nhà thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm và cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công. Hãy thanh tẩy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ hận thù.
Có những anh em linh mục chúng tôi được nhiều người kính trọng, yêu thương và vâng phục… Có nhiều người thì không… đôi khi còn bị giáo dân trề môi khinh bỉ. Lý do: Tiền bạc. Anh em linh mục nào càng lo đi kiếm tiền hay càng làm cho người khác phải biếu xén hay cho tiền thì càng làm giảm giá trị con người linh mục của mình. Người ta thấy nơi chúng ta có cái gì không trong sáng, không đáng ngưỡng mộ chút nào.
Lm. Peter Trần Thế Tuyên