Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật 4 Mùa Vọng năm B | Lm Peter Trần Thế Tuyên

984

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM B

Sách Tiên Tri Samuel, quyển II. 7.1-5.8-12.14-16;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma 16.25-27
và Phúc Âm Thánh Luca 1.26-38

https://images.squarespace-cdn.com/content/586bc1b3893fc03b140446e3/1514393743378-UNYFT92OM8B86SW75NZF/512px-The_Annunciation_MET_DT404.jpg?content-type=image%2Fjpeg

Nghe Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm:

Thiên sứ chào Maria:
Bà đầy ơn phước, phúc lạ hơn người.
Maria không hiều lời,
Bối rối tự hỏi ý Trời thế nao?

Sứ thần an ủi “không sao!”
Con trai sinh hạ Đấng Cao ngất trời.
Ông ơi nói thật hay chơi?
Tiết hạnh quyết giữ! Khơi khơi có bầu?

Bà ơi, việc Chúa nhiệm mầu:
Thánh Thần sẽ đến, rõ hầu quyền năng.
Con Bà là Thánh là nhân,
Là Con Thiên Chúa mang thân xác phàm.

Việc gì Chúa có thể làm:
Isave đó! Chuyện hàm ơn trên.
Nữ tỳ cám đội Thánh Thiên,
“Xin vâng thánh ý lời thiêng ban truyền. Amen.

https://taylormertins.files.wordpress.com/2013/12/luke-chapter-1-the-annunciation-to-mary.jpgI. Sứ điệp Phúc Âm:   

Đức Mẹ Maria được truyền tin là sẽ mang thai Chúa Giêsu là do quyền phép của Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ đã hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa “Nầy tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng lời sứ thần truyền” (Lc.1,38)

Mầu nhiệm nhập thể được thực hiện: Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể. Con Thiên Chúa trở nên con Đức Mẹ. Đức Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa!

II. Dẫn giải Phúc Âm:  

“Phụng vụ năm B và sao lại đọc Phúc Âm Thánh Luca? Thánh Luca là ai và sứ điệp của Phúc Âm theo Thánh Luca?

Phúc Âm Thánh Matthêu viết cho người chính gốc Do Thái, lớn lên trong truyền thống Cựu Ước. Nên Matthêu bắt đầu Phúc Âm với gia phả của Chúa Giêsu và cho biết là: Từ tổ phụ Abraham cho tới vua Đavit có 4 đời, từ Vua Đavit cho tới thời lưu đày Babylon có 14 đời và từ sau thời lưu đày Babylon cho tới Chúa Giêsu có 14 đời. Thánh Matthêu muốn chứng minh cho người Do Thái là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế thuộc dòng Đavit như đã được Kinh Thánh Cựu Ước loan báo từ ngàn năm trước. Phúc Âm Matthêu không có tường thuật truyền tin và mầu nhiệm nhập thể “Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta” như sứ điệp của Chúa Nhật IV Mùa Vọng mà Giáo Hội muốn.

https://2.bp.blogspot.com/-tFjYoi0NIzU/W8dvW6C5N5I/AAAAAAABlvY/Mc-edQ366GY9TuJZpekzQGJnMl2chXMIQCLcBGAs/s1600/St.Luke.jpg
Thánh Luca tường thuật chi tiết và nhấn mạnh đến mầu nhiệm nhập thể mà chúng ta đang chuẩn bị đón mừng trong lễ Giáng Sinh.

Phúc Âm Thánh Matcô ghi lại những gì Thánh Phêrô giảng cho giáo đoàn Roma với mục đích chứng minh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa quyền năng. Nên Phúc Âm Matcô bắt đầu với Gioan Tiền Hô, sứ giả dọn đường cho muôn dân chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế. Nên biến cố truyền tin và mầu nhiệm nhập thể không là trọng điểm trong Phúc Âm Matcô, nhưng là thiên tính của Chúa Giêsu.

Phúc Âm Thánh Gioan ra đời sau cùng và trình bày một viễn ảnh cánh chung. Thánh Gioan bắt đầu Phúc Âm bằng Lời Thiên Chúa, Lời tạo dựng, Lời nhập thể và Lời cứu độ. Biến cố truyền tin và mầu nhiệm nhập thể không nằm trong điểm nhắm của thần học thánh Gioan. Thánh Gioan dùng tất cả biến cố được tường thuật để qui hướng về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật chứ Ngài không qui hướng về nhân tính hay những việc làm tại thế của con người Chúa Giêsu.

Sau cùng chỉ còn Phúc Âm Thánh Luca tường thuật chi tiết và nhấn mạnh đến mầu nhiệm nhập thể mà chúng ta đang chuẩn bị đón mừng trong lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh là Thiên Chúa sinh làm người. Con Thiên Chúa được đặt tên là Giêsu giống như mọi người được đặt tên sau khi sinh ra. Con Thiên Chúa sinh làm người vì Đức Mẹ đã chấp nhận lời truyền tin để mang thai Chúa Giêsu, để mang Con Thiên Chúa thành người và ở giữa chúng ta. Không có truyền tin và không có “xin vâng” cũng sẽ không có Giáng Sinh.

Thánh Luca là ai và Phúc Âm Luca như thế nào?

Thánh Luca gốc ngoại giáo, sinh quán ở Antioch, và sinh sống bằng nghề thầy thuốc (Col. 4:14). Khi thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng ở thành Troa, Ngài xin tòng giáo, lãnh nhận bí tích rửa tội, xin làm môn đệ thánh Phaolô và theo Phaolô đi truyền đạo. Ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.

https://i.ytimg.com/vi/UHEJe8W5t34/maxresdefault.jpg
Thánh Luca gốc ngoại giáo, sinh quán ở Antioch và sinh sống bằng nghề thầy thuốc. Thánh Luca là đệ tử ruột của thánh Phaolô.

Có lẽ vì gốc dân ngoại tòng giáo và là đệ tử ruột của Phaolô là tông đồ dân ngoại, nên Phúc Âm Luca rất con người, rất nhân bản và rất tình nghĩa. Thánh Luca viết Phúc Âm không cho người Do Thái, nhưng cho dân ngoại tòng giáo như đoạn mở đầu Phúc Âm, Luca đã gửi gấm sứ điệp cho một người tên Thêophilê, một tân tòng. Trong tin Mừng của Luca, vai trò của người nghèo, những kẻ bé mọn được đề cao, vì Chúa là người nghèo và bé mọn. Phúc Âm Luca, Phúc Âm của Lòng thương xót: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng thương xót và nhẫn nại của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng và người trộm lành.

Phúc Âm Luca, Phúc Âm của cứu độ: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Ðavít mà còn là con cháu Ađam, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. Phúc Âm Luca, Phúc Âm của người nghèo và bé mọn. Ông Zacharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, Ông già Simeon và bà Anna. Phúc Âm Luca, Phúc Âm của cầu nguyện phó thác. Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ và Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện.

Ý nghĩa tên gọi Giêsu? (nguồn từ Bách Khoa tự điển Wikipedia)      

Tên “Giêsu” bắt nguồn từ Iesous trong tiếng Hy Lạp, được dịch từ Yehoshua trong tiếng Do Thái  hay Jesus trong tiếng Anh và thành “Giêsu” trong tiếng Việt. Giêsu có nghĩa: Đấng Cứu Độ.

https://i.swncdn.com/media/800w/cms/CCOM/65776-eran-menashri-jesus-unsplash.1200w.tn.webp

Từ “Kitô”, trong tiếng Anh là Christ không phải là tên nhưng là một danh hiệu. Trong tiếng Hy Lạp Khristos, có nghĩa là “người được xức dầu”, được dịch từ tiếng Hebrew Messiah, để ám chỉ một vị lãnh đạo, chính trị cũng như tôn giáo, được chọn bởi Thiên Chúa.

Bốn Phúc Âm được viết ra để chứng minh hay để dạy rằng: Chúa Giêsu là Con Người thật và là Con Thiên Chúa thật: Ngài được sinh ra, chịu đau khổ và chịu chết, nhưng Ngài đã sống lại, Ngài cho người chết sống lại và Ngài bộc lộ quyền năng Thiên Chúa của mình trong việc xua đuổi tà thần, thống trị sức mạnh thiên nhiên và chữa lành vô số bệnh tật trong nhân gian thời ấy. Chúa Giêsu còn có một số danh xưng khác như “Đấng Tiên tri”, “Chúa” và “Vua dân Do Thái”.

III. Thực hành Phúc Âm:

https://1.bp.blogspot.com/_4FSfQ67Q1RI/R--pbpWRwHI/AAAAAAAAB8Y/-uyscGHA17Y/s400/divmer2.jpgLòng Chúa thương xót

Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina trong một thị kiến. Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà 2 luồng ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng nhạt. Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu nói với thánh nữ:

Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo giòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. Cha muốn bức ảnh này phải được trưng bày nơi công cộng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh. Cha mong ước ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh là ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót. 

https://images-na.ssl-images-amazon.com/images/I/71u9kl6bAcL._SL1500_.jpg

Tại sao phong trào Kính lòng thương xót Chúa tràn lan nhanh chóng, mạnh mẽ và khắp nơi trên thế giới? Vì ai cũng cần Chúa xót thương. Thật vậy, không lúc nào mà người ta nói nhiều về tình thương cho bằng lúc nầy, nhưng cũng không lúc nào mà người ta khao khát lòng thương xót Chúa cho bằng lúc nầy. Vì xem chừng càng ngày con người càng ít thương nhau hay càng ngày dã man, hận thù càng tràn ngập khắp nơi.

…  … …

Chúng ta cần lòng thương xót Chúa và xin Chúa dạy chúng ta biết thương xót nhau. Thương xót không là chuyện thương hại hay tội nghiệp nhưng là chuyện nhân bản và cảm thông phận làm người với nhau. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Đau khổ tràn lan và hiện diện trong từng người và trong mọi gia đình. Hãy cho nhau lòng thương xót. Ai có lòng thương xót sẽ được xót thương.