Đức Khôn Ngoan Quí Báu Hơn Tiền Tài Danh Lợi | Chúa Nhật 28 Thường Niên B | Vo Ha

437

vo ha

Vua Salomon (c. 970-931) lên ngôi kế vị ngai vàng của phụ thân David vào thời kỳ tuyệt đỉnh vàng son của Quốc gia Do Thái, mặc dù mới có ba đời trong chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Ông đã không xin Chúa ban cho vàng bạc, châu báu, đất đai, của cải, mà chỉ xin ơn Khôn Ngoan để cai trị dân Chúa đúng cách.

https://www.learnreligions.com/thmb/oL_PGePeKWm2obLaLeVVKwNuVFM=/1175x728/filters:fill(auto,1)/GettyImages-171079055-2a3f12ea6a204594abfc5d2325a035b5.jpg
Vua Salomon đã không xin Chúa ban cho vàng bạc, châu báu, đất đai, của cải, mà chỉ xin ơn Khôn Ngoan để cai trị dân Chúa đúng cách

Bởi vì ngươi xin sự Khôn Ngoan chớ không xin được sống lâu hoặc có nhiều của cải, nên Ta sẽ ban cho ngươi nhiều sự khôn ngoan hơn bất cứ người nào đã sống từ trước tới nay. Nhưng Ta cũng cho ngươi điều mà ngươi không cầu xin, cả sự giàu sang lẫn sự vinh hiển nữa’. (1Vua 3: 3-28; 4:29-34).

Xưa nay trên cõi đời nầy, những ai có trí khôn bình thường, đều mong ước sự Khôn Ngoan cho chính mình, gia đình và dòng họ. Với người có địa vị cao sang, hầu hết đều ưa thích lời khen tặng Khôn Ngoan mặc dù biết rõ trong đó có pha ít nhiều nịnh bợ, giả hình, làm bộ.

Phụng Vụ Lời Chúa tuần nầy Chúa Nhật 28 Thường Niên B đề cao Nhơn Đức Khôn Ngoan về mặt tôn giáo, vượt trên sự Khôn Ngoan của trần thế. Đó là phương cách sử dụng của cải tiền bạc để mua được sự Khôn Ngoan vượt trên những thứ hư nát tạm bợ đời nầy. Để rõ hơn, ta cùng đọc nguyên văn Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn Sáng Soi của Người.

BÀI ĐỌC I: Kn 7, 7-11. 
“Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn. Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết. 

BÀI ĐỌC II: Dt 4, 12-13. 
“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.
Trích thư gửi tín hữu Do Thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.

PHÚC ÂM: Mc 10, 17-30
“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”.

Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Bài đọc 1, trích từ Sách Khôn Ngoan. Sách nầy được viết bằng tiếng Hy Lạp trong khoảng thời gian từ năm 50 TCN – 30 SCN. Trong đó Vua Salomon được coi là bậc khôn ngoan số 1 tại Israel, cũng được xem là tác giả của Sách nầy, vì có những đoạn liên quan tới Ông, mà thực ra, chỉ để giúp Sách tăng thêm uy tín và giá trị. Trên thực tế, sách do Bậc Hiền Sĩ Do Thái xưa, gom góp những lời chân thực và khôn ngoan truyền tụng trong vùng Trung Đông. Những lời nầy, xã hội ngày nay, gọi là Lời hay ý đẹp, vừa giúp tô điểm cho đời và cũng vừa giúp giáo hóa chúng sinh.

Điểm đặc biệt là những lời dạy về Đức Khôn Ngoan được qui chiếu về Thiên Chúa là nguồn gốc Khôn Ngoan thường hằng vĩnh cửu mọi đàng. Nên vàng bạc, châu báu, kim cương, hột xoàn, bất động sản, sức khỏe, sắc đẹp mà người Hi lạp (dân ngoại) ca tụng và quí chuộng, chỉ như bùn đất nếu so với sự Khôn Ngoan từ Chúa hay chính Thiên Chúa.

Nên người nào giác ngô, chịu từ bỏ mọi sự hay bán hết gia sản, đem bố thí cho kẻ nghèo khó, rồi đi theo Ngài, là bậc khôn ngoan được Chúa khen thưởng. Khen gì, thưởng gì? – Xin đọc bài Phúc Âm, trong đó Chúa Giêsu nói rõ hơn.

Đoạn đầu của bài Phúc Âm cho thấy tình cảnh tương phản hay không khôn ngoan của chành thanh niên có của.

Anh nầy chạy lại quì gối trước Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành” – Good Teacher. Anh chỉ nhìn Chúa Giêsu như bậc Thầy mà thôi, chưa là hàng Thiên Chúa. Nên sẵn cơ hội, Chúa Giêsu nhấn mạnh thêm giáo lý: Chỉ có một mình Thiên Chúa duy nhất mới xứng đáng được gọi là Tốt Lành, toàn thiện, hoàn hảo.

Thêm nữa, để trọn lành theo luật lệ thì chớ ngoại tình, giết người, trộm cấp, chứng gian, lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ. Chàng thanh niên đáp lại: “Thưa Thầy những điều đó, tôi đã giữ từ lúc nhỏ”.

Chúa Giêsu muốn thu nhận người nầy làm môn đệ nên bảo: Ngươi chỉ thiếu một điều (Khôn Ngoan cuối cùng) hãy bán hết tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi theo Ta.

Nhưng chàng trai sụ mặt, buồn rầu bỏ đi không tiếc xót, vì có nhiều của cải. Chàng có tự do theo Chúa hay không. Chúa Giêsu cũng không ép buộc. Nhưng sẵn đây, cảnh báo cho người giàu có coi tiền bạc là ông chủ. Chúa lại dùng cách nói thậm thâm, ngoa ngữ, quá đáng theo kiểu Đông Phương xưa nay: Lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn hạng giàu có vào Thiên Đàng.

Trở qua phần các tông đồ đang khôn ngoan chọn lựa theo Chúa, được Phêrô đại diện hỏi Người, thì Chúa Giêsu trả lời ngay. Lời Chúa trong lịch sử 2000 năm vẫn luôn đúng: Ai từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, ruộng đất vì Thầy và Tin Mừng sẽ được gấp trăm đời nầy và sự sống vĩnh cữu đời sau. Nhưng năm chữ “cùng với sự bắt bớ” mới thấy ái ngại, sợ hải. Theo Thầy thì phải chấp nhận thân phận của Thầy là cùng vác thánh giá: Có đau khổ mới vào vinh quang ” (Mc 8: 27-35).

Nhìn lại chính mình, có lúc con coi trọng và chọn lựa đi theo tiền bạc hơn Chúa, mà quên bổn phận căn bản với Chúa và anh chị em nghèo khó.

Cũng có lúc con lợi dụng chức vụ đạo đời để kiêu gọi từ thiện, cứu trợ, xây dựng nhà Chúa hay cơ sở cộng đồng, rồi bỏ túi riêng ít nhiều?

Nhìn rõ hơn, mỗi khi con tự hãnh diện vì không hay chưa vi phạm hoặc chưa lem nhem tiền bạc công tư, thì cũng nên tự hỏi vì con chưa có dịp hay là con thực tâm không muốn từ bên trong.

Nên trong cuộc sống nầy, nên dùng chức vụ đạo đời Chúa ban, làm phương tiện thu tập tiền của, rồi chuyển thông cho những đối tượng đang cần cứu giúp. Đó là Khôn Ngoan trong Chúa vậy.

Tóm lại.

Trong một khóa tu tập, Vị Thầy chủ toạ cho ra một kịch bản – scenario – về thần trí Khôn Ngoan.

Thí dụ: Quí vị đoán coi, khi đưa một rổ kẹo và 1 lượng vàng cho một đám trẻ em năm bảy tuổi, các em lựa bên nào?

– Thưa lựa kẹo. – Cả hội trường đáp.
Thầy hỏi thêm, tại sao?
– Vì kẹo ăn ngay được.
Còn nếu đưa cho quí vị, thì lựa bên nào? – Mọi người thưa:
– Lựa vàng. Rồi Thầy làm bộ ngạc nhiên, tại sao?
– Vì vàng cũng ăn được.

Người lớn biết vàng ăn được, mà ăn gấp ngàn rổ kẹo, do chọn lựa Khôn Ngoan.

Xin dâng lời cầu

Chúng con biết rằng Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi, thấu suốt tâm can mọi người. Nên Chúa dùng mẫu gương người thanh niên có của, để dạy chúng con: Người giàu có vào nước trời, khó biết bao, khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Nhưng chúng con tin tưởng vào sức mạnh và uy quyền của Chúa, mọi sự đều có thể, đều làm được. 

  • Xin cho Giáo Hội gồm mọi thành phần dân Chúa, không bị tiền của trói buộc làm cản trở nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, đặc biệt quan tâm tới những người nghèo khó cơ hàn.
  • Xin cho các người nắm quyền lực trên thế gian chú trọng vào việc dùng tiền của do tài nguyên trong nước thêm tiền thuế của dân chúng đóng góp, vào việc xây dựng hoà bình và công ích cho mọi người.
  • Xin cho những người đang lo âu hằng ngày về ăn ở mặc, chịu khó làm ăn ngay thẳng, và gặp được nguồn giúp đỡ thích hợp trong tháng ngày bị cơn dịch Corona hoành hành nầy. 
  • Xin cho mọi thành viên trong họ đạo chúng con, giàu có hay nghèo khó, biết dang tay tới anh chị em cần được giúp đỡ trong khả năng chúa ban.
  • Xin giúp chúng con hiểu mà thực hành tinh thần khó nghèo và thương người Chúa muốn, Việc nầy khó lắm. Nhưng với sức mạnh của Chúa, thì chúng con sẽ làm được. 
  • Xin giải chúng con khỏi tánh hư tật xấu nô lệ tiền bạc, mà quên hết bổn phận với Chúa và anh chị em nghèo khó trong cơn khủng hoãng bệnh dịch hôm nay. Amen.