Chúa Nhật 05.01 | Lễ Hiển Linh | Lời Chúa năm C

18

Nguồn gốc của ngày lễ

Thời Giáo Hội sơ khai, chỉ có ngày lễ Phục Sinh là được cử hành hằng năm cách đặc biệt và mỗi ngày Chúa Nhật được xem như một ngày “tiểu phục sinh”. Vào thế kỷ thứ III và IV, tại Đông phương và Tây phương, xuất hiện các ngày lễ trọng mừng Đấng Cứu Thế đến giữa loài người. Trong khi ở Tây phương, lễ Giáng Sinh được cố định vào ngày 25.12, nhằm tiết Đông chí, để thay thế các cuộc lễ ngoại giáo mừng sự trở lại của Mặt trời và Ánh sáng, thì lễ Thiên Chúa Nhập Thể được cử hành vào ngày 6.1 tại Đông phương. Tại Ai Cập và Ả Rập, ngày này trùng hợp với một ngày lễ rất cổ xưa của người ngoại giáo tôn vinh thần Mặt Trời, tương tự với ngày Đông chí ở Roma.

Như thế, lễ Hiển Linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với ngày lễ Giáng Sinh, như các nghi lễ được cử hành tại Giêrusalem vào cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V đã chứng minh: vào buổi chiều ngày 5-1, vị giám mục cùng với hàng giáo sĩ và giáo dân đến Giêrusalem. Sau buổi cầu nguyện, người ta đi thành đoàn rước đến hang đá Giáng Sinh để công bố đoạn Tin Mừng về sự hạ sinh của Đức Kitô. Sau đó là cuộc canh thức dài kết thúc bằng một thánh lễ vào những giờ đầu tiên trong ngày với bài đọc Tin Mừng về các Đạo sĩ đến thờ lạy Chúa. Rồi người ta vừa hát bài Benedictus vừa quay trở lại Giêrusalem để cử hành một thánh lễ trọng thể nữa tại Vương cung Thánh đường Mộ Thánh.

Các Đạo sĩ

Nhưng các đạo sĩ đến kính viếng Vua dân Do Thái này chính xác là những ai? Tin Mừng chẳng nói gì ngoài việc họ đến từ phương Đông. Người ta thường cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, những người có học thức cao này không chỉ phục vụ cho tôn giáo mình mà họ biết rõ các nghi lễ và thực hành, nhưng họ cũng có kiến thức về khoa học rất rộng, nhất là thiên văn, chuyên giải thích các giấc mộng và những dấu hiệu thiên văn. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình.

Đối với các Đạo sĩ này, sự xuất hiện trên trời một hiện tượng thiên văn bất thường (như sao chổi hay sự giao nhau của các hành tinh) là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày sinh của một nhân vật hàng đầu. Thật vậy, ý tưởng rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao nào đó ở trên trời. Chính vì thế mà đối với người Aicập, khi xuất hiện sao Thiên Lang (Sirius) là điềm báo trước lũ lụt mang lại phù sa của sông Nil, mặc dầu chẳng có liên quan nhân quả gì giữa hai hiện tượng này.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/le-hien-linh-nguon-goc-va-y-nghia-41155

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)

Nghe hoặc Download Bài đọc 1 Tại đây

Bài đọc 1:  Is 60,1-6
Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia.
Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm trên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rực rỡ, lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài đọc 2 Tại đây

Bài đọc 2:    Ep 3,2-3a.5-6
Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng:  Mt 2,1-12
Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. Đó là lời Chúa.

Et voici que l’étoile qu’ils avaient vue à l’orient les précédait, jusqu’à ce qu’elle vienne s’arrêter au-dessus de l’endroit où se trouvait l’enfant. Quand ils virent l’étoile, ils se réjouirent d’une très grande joie. (Mt 2,1-12)