Chúa Đang Đến Rất Gần | Chúa nhật 4 Mùa vọng Năm C | Vo Ha

552

vo ha 

Chúa đang đến rất gần. Chỉ còn một tuần ngắn ngủi nữa thôi, nên chúng con phải chuẩn bị món quà thiêng liêng của riêng mình dâng lên Chúa một cách gấp rút như người lực sĩ nhắm mục tiêu chạy những bước cuối trên thao trường (1Cr 9: 24-27).

Riêng bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca tường thuật Mẹ Maria, sau khi chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, mang thai Đức Giêsu Kitô Vị Cứu tinh nhân loại, qua Thiên Sứ Gabriel, Mẹ đã vội vàng đi từ miền Bắc Do Thái, tới tận Phương Nam vùng Giêrusalem, thăm viếng người chị họ Ysave.

Tấm lòng vị tha của Mẹ Maria biết quan tâm chăm sóc những ai cần được giúp đỡ, là gương sáng muôn đời, lưu truyền bài học vô giá cho chúng con đời sau. Mong sao những dòng nguyên văn Lời Chúa bên dưới trong Phụng Vụ Thánh, sẽ chỉ đạo thêm những việc phải làm để đón mừng Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nầy.

BÀI ĐỌC I: Mk 5, 2-5a 
“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel

Bài trích sách Tiên tri Mi kha.
Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”. 

BÀI ĐỌC II: Dt 10, 5-10 
“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.
Bài trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách’”. Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

PHÚC ÂM: Lc 1, 39-45 
“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Đôi Dòng Ghi Chú và Tâm Tình

Trước hết, bài đọc 1 được trích từ sách Tiên Tri Mica (740-670) TCN. Mica được xem như một trong số 12 tiên tri nhỏ trong Thánh Kinh Do Thái – Cựu Ước. Ông sống đồng thời với Tiên Tri Isaia, Amos, Hôsê, hoạt động tại nước Giuđa Do Thái Miền Nam trước khi nước Israel Miền Bắc bị Đế quốc thực dân Assyria xâm chiến năm 721 TCN.

Sứ điệp của ông nhắm thẳng vào thủ đô Giêsusalem và Samaria, sẽ bị tàn phá (586) TCN vì tội bất trung và thờ tà thần. Nhưng rồi sẽ được phục hồi huy hoàng trong tương lai qua đoạn Thánh Kinh của Ngôn Sứ Mica được trích dẩn hôm nay, chứa chan niềm tin tưởng và hi vọng.

Chỉ duy nhất Tiên Tri Mica đã chấm toạ độ rõ ràng cho biết điểm xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, là thôn làng Bêlem khu vực Ephrata, chừng 9km Tây Nam Giêrusalem. 700 năm sau Thánh Matthêu 2:1-6 và Luca: 1-20 thời Tân Ước đã chứng minh lời Tiên Tri năm xưa của Ngôn Sứ Mica là hoàn toàn đúng.

Hình ảnh được Mica dùng là như “người phụ nữ phải sinh” diễn tả những đau khổ dân Chúa xưa kia phải chịu khi Người bỏ dân vì tội lỗi. Nhưng rồi người nữ “sẽ sinh con” đưa vào đời niềm hi vọng lớn lao.

Vì lẽ Người Con nầy sẽ qui tụ con cái còn sót lại từ bốn phương, họp lại với Israel còn trong nước. Người sẽ giải phóng dân tộc và chăn dắt họ trong sức mạnh của Thiên Chúa dưới Thánh danh cao cả. Đặc biệt, Người chính là nguồn bình an trường cữu đến tận cùng trái đất.

Trên đây, địa danh Bêlem, thôn ấp nhỏ xíu, lại là sinh quán của vị vua nổi tiếng Đavid (c 1040 – c 970) TCN. Nên mỗi khi đề cập tới Bêlem, về mặt lịch sử tôn giáo và chính trị của Do Thái xưa và nay, là muốn liên kết với vị vua trên, để nói lên thời kỳ hoàn kim của dân tộc Do Thái xưa và cũng như của Hội Thánh hôm nay. Điển tích ẩn chứa trong từ ngữ Bêlem nầy, giúp thêm đưa dẫn hậu thế chúng con tới với Chúa Giêsu. Người cũng Giáng Sinh tại Bêlem. Người là Đấng Thống trị có nguồn gốc từ nguyên thủy muôn đời, cũng chính là Thiên Chúa.

Qua bài Phúc Âm, Thánh Luca ghi lại việc Mẹ Maria đi thăm viếng gia đình chị họ Ysave, giúp dạy cho thế hệ chúng con một số bài học chuẩn bị mừng Kỷ Niệm Chúa đến dịp lễ Giáng Sinh nầy.

Ngày ấy, tại xứ Do Thái vùng Trung Đông, một thiếu nữ trẽ đẹp chừng 14-16 tuổi, tên Maria đã vội vã đi thăm người chị họ đang mang thai sáu tháng, sau khi được Thiên Sứ báo tin.

Phương tiện vận chuyển chính thức thời đó là đi bộ hoặc cưỡi trên lưng lừa hay ngồi trên xe do bò lừa kéo.

Theo Phúc Âm, Đức Mẹ đi một mình. Vượt quãng đường xa, từ Nadaret tới vùng Giêsusalem chừng 150 km. Phương tiện vận chuyển chính thức thời đó là đi bộ hoặc cưỡi trên lưng lừa hay ngồi trên xe do bò lừa kéo. Phải mấy ngày đường dài khó nhọc, đêm thì quán trọ, mới tới nơi. Nguyên nhân chính thúc đẩy Đức Mẹ muốn đi thăm người chị họ hàng, là do lòng rộng lượng và thương người.

Thử tưởng tượng hai phụ nữ Do Thái thời đó, trong niềm hân hoan vì được Chúa cho mang thai cách rất lạ. Vừa khi gặp nhau thì thường ôm ghì và miệng chào ” Shalom” chúc bình an của Chúa cho nhau. Ngay lúc đó Thánh Thần liền linh hứng cho thai nhi trong lòng chị Ysave nhảy mừng, còn người mẹ thì nhận ra cô em họ trước mặt mình, đang mang thai Đấng được chúc phúc là Chúa của mình.

Đức Mẹ đã đi bước trước, vì tình thương, mang Chúa tới và chia sẻ niềm vui cứu độ mà phụ nữ Do Thái nào cũng mơ ước được làm mẹ, đến thăm người chị họ Ysave, đại diện cho mọi người mọi thời.

Một bài học khác nữa cho chúng con là thăm viếng  là một phương thế hữu hiệu nhất gieo vãi Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Cha Piô Ngô Phúc Hậu, Giáo Phận Hưng Hóa, trong Nhât Ký Truyền Giáo và những khóa tu học, đã ân cần chia sẻ: Tới hôm nay chưa có cách nào thay thế cho thăm viếng gia đình trong việc truyền giáo.

Muốn nói chuyện với người chưa biết Chúa thì phải tạo nên mối giao tế xã hội có qua có lại trước nhất như “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Rồi khi đã đủ độ thân thương, thì mới bắt qua khúc nôi đời sống tinh thần.

Hầu hết Mục Sư Tin Lành tự đặt cho mình mỗi tuần đi thăm tín đồ và lương dân 4 giờ. Không đi hoặc làm không đủ là có lỗi với Chúa.

Thêm một tấm gương đáng kể, Đức Cố Tổng GM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) trong 5 năm Giám Quản Cần Thơ (1955-60) đã đi thăm viếng và khuyên nhủ những gia đình lâu năm không tới nhà thời. Kết quả không mấy khi có ngay tức thì, nhưng về sau nhiều người đã quay về với Chúa và nói lên lý do trở lại: Chưa thấy có Vị Giám Mục nào thân hành tới căn nhà nghèo của họ.

Trong những ngày bệnh dịch Corona hoành hành nghiêm trọng nầy, đã có nhiều tu sĩ nam nữ và thiện nguyện viên tới phục vụ người bệnh tại nhà thương, thăm viếng gia đình nghèo khổ, phân chia thức ăn cần thiết, hướng dẫn trẻ em đầu đường xó chợ, chăm lo cho người già cả cô đơn, giúp đỡ bệnh nhân nghèo khó không tiền thuốc thang chữa trị, cũng như không bỏ qua những người kém may mắn khác nữa…

Tất cả những giao tế xã hội bề ngoài, chất chứa tình yêu Thiên Chúa bên trong, tạo nên nhịp cầu giới thiệu Chúa tới lương dân, cũng thêm khiến cho những kẻ ngồi bàn giấy chỉ biết phỉ báng Thiên Chúa và con chiên của Người, được hồi tâm hoặc phải mắc cỡ xấu hổ.

Trở lại Bài Đọc 2, tác giả – không rõ, có vẻ vô danh – của thư gởi tín hữu Do Thái trình bày quan điểm mới của mình về chức Tư Tế mới của Đức Kitô.

Trong thời Cựu Ước, của hi tế, lễ dâng hiến, lễ toàn thiêu, làm lễ đền tội được dâng lên nhiều đời theo luật cũ, chỉ để nhắc nhớ loài người rằng họ có tội. Nhưng không thể xóa bỏ hẳn tội lỗi được ( Is 1:11-13; Gr 6:20, 7:22).

Tới thời Tân Ước Chúa Cha đã gởi Con một tới cõi trần trong thân xác loài người, bắt đầu ngày Giáng sinh, để rồi sau đó “thực thi ý Chúa” qua cách Người Con hiến dâng thân mình làm lễ tế vô giá. Nên chỉ một lần là đủ. Từ đây, vĩnh viển “nghi lễ cũ nhường cho nghi lễ mới”.

Xin cho chúng con biết quí trọng giá trị của ơn cứu chuộc và siêng năng chạy đến với Chúa trong Bí Tích Thánh thể.

https://imgs.classicfm.com/images/106946?width=3500&crop=16_9&signature=_-xCiy7aiLSmNvFXdOwv2fjHUk8=
Ô, xin đến, xin đến, Hỡi Đấng Thiên Chúa Ở Cùng Chúng con.

Tóm lại, xin cùng cùng cầu nguyện với bài hát Mùa Vọng, bản dịch Anh ngữ của T. A. Lacey (1906) vào online.

O come, O come, Emmanuel!
Redeem thy captive Israel
That into exile drear is gone,
Far from the face of God’s dear Son.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel
Shall come to thee, O Israel.

Ô, xin đến, xin đến, Hỡi Đấng Thiên Chúa Ở Cùng Chúng con.
Xin chuộc lại dân Ngài là Israel đang bị giam cầm
Cho cảnh lưu đày buồn thảm qua đi
Israel – đang xa cách Thánh Nhan Con yêu dấu của Thiên Chúa
Vui lên, vui lên, Đấng Thiên Chúa Ở Cùng Chúng con.
Người sẽ đến với ngươi, hỡi Israel (mọi người) 

Xin dâng lời cầu

  • Xin ban cho Hội Thánh Chúa những mục tử nhiệt thành với tài đức cần thiết, để luôn phục vụ dân thánh Chúa và nhân loại trong thế giới hôm nay.
  • Xin Chúa che chở và gìn giữ trong an lành, giới thầy thuốc và những thiện nguyện viên đang phục vụ, chăn sóc, chữa trị cho những bệnh nhân của đại dịch Corona trong những ngày nầy.
  • Xin cho những ai tích cực đóng góp công sức vào việc xây dựng giáo xứ, từ cơ sở vật chất tới tinh thần như truyền dạy giáo lý Đạo Chúa, được niềm vui phục vụ và bình an nội tâm phát xuất từ hang Bêlem của Chúa. 
  • Xin Mẹ dạy cho chúng con tinh thần phó thác vào Chúa, trọn niềm tin tưởng vào Người, cùng tích cực phục vụ anh em, dù tương lai còn rất u tối do thời buổi của cơn dịch bệnh nầy.
  • Xưa kia Đức Mẹ đã lên đường mang Chúa Giêsu tới gia đình Ông Dacaria, Bà Ysave khi Thánh Gioan Tiền Hô còn trong lòng mẹ. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Mẹ, tích cực đưa Chúa đến cho người chung quanh, bằng thái độ thân ái và việc làm cụ thể yêu thương. 
  • Chúng con vui mừng chuẩn bị chờ đón kỷ niệm ngày Chúa Giáng Trần vì yêu thương nhân loại. Xin muôn đời cảm tạ ơn Chúa. Amen.