vo ha
Theo Dịch Lý, trời đất xoay dần mấy chục năm trước, làm cho sau lúc thịnh thì tới lúc suy. Lúc suy thì kinh tế trì trệ, làm ăn khó khăn. Đa số giới bình dân lâm vào tình cảnh túng thiếu tương tự như Cái Khó của cụ Tú Xương (1870-1907) ngày trước “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.
Đại gia đình mình cũng nằm trong số nầy. Chỉ việc lo có bữa cơm bữa cháo, đã là khó rồi. Dù ở riêng, nhưng mỗi khi có dịp đi ngang, mình luôn ghé lại thăm nhà cha mẹ. Câu đầu tiên ông bà luôn hỏi là con ăn cơm chưa để mẹ đi nấu? Ôi! Tấm lòng đại lượng của cha mẹ lớn lao là thể nào. Trong cảnh đói khát, cha mẹ chịu nhịn, để cho con ăn, ấy là lẽ thường.
Trở lại chủ đề Chúa nhật hôm nay, lòng Chúa còn bao la hơn cha mẹ trần thế nữa. Ngài sinh dựng con người qua trung gian tổ tiên ông bà cha mẹ. Và còn lo cho đủ điều thuận lợi, để con người có được của ăn chốn ở, trong đó ăn là quan trọng nhất: “Dân dĩ thực vi chi tiên” như trong khoa trị quốc đã dạy.
Riêng Chúa Giêsu thì rất sành môn tâm lý con người, nên cũng đã dùng loại hình thái văn hóa nầy để đưa dẫn con dân của Chúa, cho dễ nắm bắt, tới thực tại về Nước Trời. Đó là Chúa nuôi muôn dân bằng chính máu thịt của Người qua dấu chỉ báo trước, là phép lạ hóa bánh ra nhiều, trong những bài Thánh Kinh được sắp xếp cho Chúa Nhật 17 Thường Niên B nầy.
Muốn biết thêm chi tiết và cái nhìn rõ hơn về tấm lòng của Chúa yêu thương con người là thể nào, ta cùng nhau đọc những Lời sau đây.
BÀI ĐỌC I: 2 V 4, 42-44
“Họ ăn xong mà hãy còn dư”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “Xin dọn cho dân chúng ăn”. Đầy tớ của người trả lời: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ra lệnh: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư’”. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán.
BÀI ĐỌC II: Ep 4, 1-6
“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêsô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hòa thuận làm dây ràng buộc.
Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.
PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15
“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tùy thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư. Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
Bài đọc 1, chỉ gói gọn trong hai câu trích dẫn từ sách Các Vua quyển 2, việc hóa bánh nên nhiều của Ngôn Sứ Elisê (892–832 BC) nuôi chừng trăm dân.
Vị Tiên Tri nầy nói lời Chúa trong sáu thập niên, nhưng không có sách riêng mang tên ông, mà hầu hết những sinh hoạt đạo sự của Ông, lại được ghi trong sách trên, từ chương 2-14.
Một chi tiết đáng chú ý là bánh và lúa mì đầu mùa, theo luật Mosê phải được dâng lên Thiên Chúa trước nhất. Đây là nghi thức thờ phượng tuyệt đẹp để tỏ lòng nhớ ơn Đấng Vạn Hữu Chân Nguyên, mà lễ Thanksgiving Tạ Ơn của Hoa kỳ, mới làm được chỉ vài trăm năm. Nhưng ở đây vì nhu cầu khẩn cấp nào đó, nên bánh và lúa đầu mùa được mang cúng thẳng tới Thiên Chúa qua Người của Ngài và Tiên Tri nhường lại cho dân chúng ăn. Vì chưng Ông hiểu nỗi giày vò của cái đói, cực khổ là thể nào, dựa vào câu ca dao Việt Nam: “Khi bụng đói, đầu gối phải bò” lên trên cả mọi thứ luật lệ. Cũng như người Pháp gốc Gaulois thấy ventre affamé n’a point d’oreilles – bụng đói thì không có lỗ tai – tai điếc.
Phép lạ hóa bánh nên nhiều của Êlisê, nuôi chừng trăm dân đang đói, xảy ra trong tầm cỡ tám trăm năm trước, là hình ảnh báo trước để dẫn đường tới phép lạ lớn lao nuôi nhiều ngàn dân của Chúa Giêsu sau nầy.
Đi vào thực tế hiện tại, giới bình dân Việt Nam chúng con đang trong khổ nạn vì dịch Côrôna hoành hành, tạo ra thiếu hụt thức ăn cùng nhiều tai họa khác nữa. Nhưng trong cái rủi nầy, có rất nhiều người theo gương Ngôn Sứ Elisa, biết nhường cơm sẻ áo cho nhau trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Xin Chúa giúp chúng con mau thoát cơn dịch hiểm nghèo của thời đại cỏ dại quá nhiều nầy. Chúng con đang đói khát sự thật khó tìm hơn thực phẩm.
Qua bài Phúc Âm.
Có những chi tiết tỉ mỉ thánh Gioan ghi lại, như vì phép lạ Chúa làm, nên đám đông tuôn đến với Ngài dù sông suối ao hồ núi đồi cách trở. Chúa còn muốn thử các môn đệ coi lòng tin và cách điều hành tới đâu, thì ý chính là vì lòng tin của dân chúng nơi Ngài khi họ tìm đến, nên Chúa Giêsu động lòng mà hành động trước, không cần dân chúng yêu cầu.
Tuy nhiên phép lạ nào, thường Chúa cũng cần sự “cộng tác” cách nào đó, coi như hóa chất gốc, để biến thiên tới mục tiêu cao xa. Ở đây là 5 chiếc bánh và 2 con cá của bé trai tự nguyện dâng lên như lễ đầu mùa phải có.
Rồi các tông đồ bảo người ta ngồi trên “cỏ” là hình ảnh đàn chiên – dân thánh mới – được Chủ chăn đưa dẫn tới đồng cỏ ngon lành như trong Thánh vịnh 22 của Vua Đavid.
Một từ ngữ khác là “Lễ Vượt Qua” giúp cho hiểu thời kỳ Chúa giáo dục dân bằng luật lễ nghiêm khắc cũ sắp qua. Thời đó, dân chúng phải ăn Manna – một thứ nhựa cây vẫn còn, như mũ gòn, mũ trôm – trong sa mạc, không ngon miệng, không bổ dưỡng như bánh và cá là thức ăn bình dân phổ quát, tương trưng cho Bánh Thánh Thể nuôi mọi người không giai cấp.
Chi tiết “mười hai thúng” bánh và cá thu lại được, là tấm lòng rộng rải dư thừa của Chúa đối đãi với mọi chúng sinh ngày đó và với chúng con hôm nay vẫn thế. Xin cho chúng con ngày một thêm ý thức những điều trên.
Trở lại bài đọc 2, Thánh Phaolô đang bị giam tù vì truyền bá đạo Chúa. Ông luôn lo lắng cho số tính hữu mới tại Ephêsô chia rẽ bất hòa. Nên Ngài kêu gọi tất cả sống hòa thuận hiệp nhất cùng nhau.
Ngài đưa ra lý do: Mọi người cùng một thân thể, một tinh thần, một niềm hy vọng, một phép rửa, một đức tin vào một Thiên Chúa là Cha chung của tất cả.
Muốn làm được những điều trên thì từng cá nhân trước hết phải tự sửa mình, tức là tự giác trong khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại và chịu đựng nhau trong Chúa. Xin giúp chúng con tự trị mình trước khi có lòng tốt dạy người.
Xin dâng lời cầu
Chúa đã đối đãi rộng lượng hồn xác với dân chúng xưa và chúng con nay. Nên chúng con được no thỏa trong tình thương của Chúa, đồng thời cũng nhớ lời ông bà xưa răn dạy “mình ăn thì hết, người ăn thì còn”.
- Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để biết mở lòng quan tâm tới láng giềng đói khát về tinh thần cũng như vật chất.
- Xin cho những thẩm quyền trần thế chịu lo cho dân ít là ba nhu cầu căn bản ăn ở mặc trước nhất, rồi cũng hướng tới nhu cầu tinh thần như tự do tôn giáo, công bình, bác ái cho toàn dân.
- Xin cho những ai dư thừa vật chất, biết quan tâm chia sẻ hơn cho nạn nhân nghèo khó do bất công, dốt nát, được thoát cảnh cơ hàn lầm thang.
- Xin cho tín hữu trong Họ Đạo chúng con biết dang tay cứu giúp những ai đang quá túng thiếu, để thực hiện phần nào tinh thần thương người như chính mình mà Chúa đã dạy.
- Xin cho chúng con vững tin và phó thác cuộc sống ngày mai trong tay Chúa, đồng thời cũng tự lực hành động hết mình.
- Xin cho chúng con siêng năng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Thánh Lễ, để múc lấy thần lực cần thiết cho đời sống chúng con. Amen.