Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro | Lm Peter Trần Thế Tuyên

1688

Thứ Tư Lễ Tro

Sách Tiên tri Giêrêmia 2,12-18;
Thư II của Thánh Phaolô gửi Côrintô 5,20-6,2
và Phúc Âm Matthêô 6,1-6.16-18

A. Video bài giảng

B. Bản văn Bài giảng | Download file Word tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Đó là Lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm:

Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro,
Những việc đạo đức phải lo hàng ngày:
Bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Sám hối, xưng tội, ăn ngay ở lành.

Bố thì, kín đáo, chân thành,
Không cần loan báo rõ rành phô trương.
Cầu nguyện khỏi dán bích chương,
Đóng cửa phòng lại, Chúa thương đủ rồi.

Ăn chay cũng kín đáo thôi,
Mặt mày sáng sủa miệng môi tươi cười
Thiên Chúa thấu suốt mười mươi,
Trả công khen thưởng cho đời của con.

Mùa Chay dâng chút lòng son:
Xét mình, nhận lỗi: lo toan bạc tiền.
Xin cho sống thánh sống hiền:
Hãm mình cầu nguyện như kiềng ba chân. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Những việc đạo đức phải làm là bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Tất cả phải làm trong âm thầm, kín đáo và chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự biết và ban phần thưởng cho việc lành phúc đức chúng ta làm.

II. Dẫn giải Phúc Âm:  

Tại sao chỉ có Thứ Tư mà không có thứ  Hai, Thứ Ba, Thứ Năm hay Thứ  Sáu Lễ Tro?

Chỉ có Thứ Tư Lễ Tro, vì Mùa Chay dài 40 ngày trước Phục Sinh, tức dài hơn 6 truần lễ, không kể ngày Chúa Nhật, tức tất cả phải là 40 ngày cộng với 6 ngày Chúa Nhật là 46 ngày trước Phục Sinh.

Chúa Nhật Phục Sinh rơi vào ngày nào? Chúa Nhật Phục Sinh được qui định vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau ngày trăng tròn lần đầu tiên của ngày Xuân Phân (Spring Equinox). Ngày Xuân Phân tính theo Dương lịch tức lịch mặt trời (solar year) rơi vào ngày 21 tháng Ba. Nhưng ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày Xuân Phân lại tính theo Âm Lịch tức lịch mặt trăng (Lunar year) nên không có ngày nhất định, vì theo Âm lịch, có tháng 29 ngày, nhưng có tháng 30 ngày.

Trong năm Dương lịch, Tuần Trăng Mới theo lịch Phụng vụ Công giáo (ecclesiastical new moon) rơi vào tháng 29 ngày, từ ngày 8 tháng ba đến ngày 5 tháng 4 được coi như tháng Âm lịch Vượt Qua. Phục Sinh sẽ là ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng nầy, tức Chúa Nhật sau ngày Thứ Mười Bốn của tháng Âm lịch Vượt Qua. Ngày 14 tháng Âm Lịch Vượt Qua được Công giáo hóa thành ngày trăng tròn Vượt Qua (Paschal full moon). Tuy nhiên, ngày thứ 14 của tháng Âm lịch nhiều khi xê dịch 2 ngày so với ngày trăng tròn tính theo thiên văn, nên ngày trăng tròn Vượt Qua phải rơi vào các ngày từ 21 tháng Ba đến 18 tháng Tư.

Như  vậy tính từ Chúa Nhật Phục Sinh ngược lại 46 ngày, lễ Tro sẽ luôn rơi vào ngày Thứ Tư, tuần thứ bảy trước Phục Sinh. Thứ Tư lễ Tro bắt đầu mùa Chay kéo dài 40 ngày, không kể 6 ngày Chúa Nhật. Đó là thời gian cần thiết để chuẩn bị cho những người lớn rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh. Đó cũng là thời gian cho Kitô hữu sống chay tịnh theo gương Chúa Giêsu trước khi ra truyền đạo công khai. Đây cũng là thời gian để ăn chay, cầu nguyện, bố thí và từ bỏ thói hư tật xấu trong đời sống.

Giáo hội Công giáo Canada có 2 ngày phải ăn chay kiêng thịt là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ăn chay buộc những người Công giáo từ 18-59 tuổi, tức chỉ ăn một bữa no trong ngày, còn lại, là 2 bữa ăn nhẹ. Kiêng thịt buộc những người Công giáo từ 14 tuổi cho đến 59 tuổi. Ăn chay kiêng thịt giúp chúng ta kềm chế chính mình trong cách ăn uống cũng như tiết kiệm để làm việc từ thiện bác ái.

Các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay nên làm việc lành phúc đức thay cho ăn chay kiêng thịt. Nhưng nếu ai tình nguyện ăn chay, kiêng thịt thì rất tốt cho đời sống đạo đức.

Tại sao bố thí, cầu nguyện và ăn chay là việc lành phước đức mà phải làm kín đáo, chỉ có Chúa biết?

“Khi bố thí đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá…”

“Khi cầu nguyện đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường hay ngoài ngã ba ngã tư”.

“Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả …”

https://i.pinimg.com/originals/9d/6d/87/9d6d871217d0f35f886878a602b29423.jpg

Cả 3 lời khuyên đều có câu “như bọn  đạo đức giả”. Người đạo đức giả là người làm việc đạo đức mà lòng không thật sự  đạo đức. Làm việc đạo đức để phô trương, để đánh lừa người khác, làm người khác tưởng họ đạo đức thật, mà thật ra họ không đạo đức chút nào.

Việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay là việc  đạo đức. Việc đạo đức tức việc làm theo lời Chúa dạy, làm vì Chúa và để được công nghiệp với Chúa. Nên động lực và cứu cánh của đạo đức là Chúa. Nếu làm những việc kể trên mà không vì Chúa và cho Chúa thì không có công nghiệp gì cả. Làm để phô trương thì khi được người khác ca tụng thì kể như đã xong, Chúa đâu có gì để thưởng cho người đạo đức giả, vì không ai thưởng cho người không làm gì cho mình.

Chúng ta có thể thắc mắc: Bố thí là cho người nghèo, chứ nào có cho Chúa? Không, thật sự bố thí là làm theo ý Chúa và  cho Chúa, vì “khi các ngươi thấy Ta đói khát, trần truồng hay tù đày đã cho Ta cơm ăn, áo mặc và thăm viếng… Khi các người làm điều ấy cho những người anh em bé mọn là làm cho chính Ta!” (Mt.25,31-46). Nếu làm vì Chúa và cho Chúa thì không cần khua chiêng đánh trống, vì Chúa, Đấng thấu suốt tất cả những gì kín đáo.

Trong nhà thờ, trong các tổ chức bác ái từ thiện, người ta đòi buộc phải công bố cả danh tánh ân nhân và số tiền bố thí thì không là khoe khoang, giả hình sao? Những người nầy không là “bọn đạo đức giả” vì người nhận và cho đều phải theo những qui luật gọi là công khai hóa của Giáo hội và Xã hội. Nên sẽ rất tốt và nên làm là: Dùng bì thư có số để dâng cúng tiền vào nhà thờ và nhận giấy khai thuế cuối năm. Nếu chúng ta không nhận giấy khai thuế, nhà thờ không được thêm gì và chúng ta xem chừng như sống theo kiểu “anh hùng rơm!” không biết tận dụng những quyền lợi mà mình được phép.

III. Thực hành Phúc Âm:

Đừng để bị Chúa ghét.

Nếu được phép nhân cách hóa để diễn tả con người bằng xương bằng thịt của Chúa Giêsu trong thân phận con người, mang cả thất tình hỉ, nộ, ái, ố, dục, cụ, thì chúng ta phải nói là Chúa ghét người Biệt Phái giả hình. Chúa nguyền rủa và chúc dữ người Biệt Phái nhiều lần và nhiều cách.

Có nhiều khi chúng ta bị Chúa ghét vì giả bộ đạo đức. Làm linh mục, tôi thường có hai thứ kè kè bên mình: Sách nguyện và tràng chuỗi… Nhưng có khi tôi đang “diễn tuồng cải lương đạo đức” không chừng? Không phải chỉ có tôi, mà anh em linh mục chúng tôi nhiều khi nói nhiều quá và nói về mình quá nhiều. Thí dụ có nhiều Cha luôn mở đầu bằng “tôi thì…Ông Bà Cố tôi thì… “. Người ta toàn phải nghe những chuyện “tôi và Ông Bà Cố tôi”. Có những linh mục lúc nào cũng thấy hấp tấp và bận rộn như là có trách nhiệm lớn, như đang đảm trách trăm công ngàn việc của giáo phận, nhưng cuối ngày, Cha phải thú nhận với lương tâm là “không làm được gì cả!”

Có nhiều người thật sự có lòng bác ái và hay giúp người khác. Nhưng khi gíúp được ai việc gì hay cho ai một số tiền nào thì cả giáo xứ đều biết. Nếu sau nầy người thọ ơn lỡ quên công ơn trời biển nầy, thì bị cho là “vô ơn bạc nghĩa” hay “thứ người giống như gà, ăn rồi quẹt mỏ”.

Ngày xưa bên Việt Nam mình, rất ít người được đi học. Nên ai được đi học thì rất hãnh diện vì được xếp vào hàng kẻ sĩ. Trật tự của xã hội là sĩ, nông, công, thương. Sĩ luôn luôn được trọng dụng và đứng đầu. Do đó, có nhiều học trò, dù học hành không tới đâu, nhưng cũng làm cho mực dính vào tay, vào áo, rồi cố tình giữ như vậy để người khác nhận ra mình là kẻ sĩ.

Có nhiều người thích dùng những sáo ngữ, những từ  nghe thật kêu theo kiểu miền Bắc Việt Nam mà thật sự rỗng tuếch, như thùng rỗng kêu to. Thí dụ: Căn nhà hoành tráng! Món ăn thượng hảo hạng, cực kỳ sang trọng không đâu bằng! Con gái nhà ai mà đẹp thế! Đúng là hoa nhường nguyệt thẹn! hay “Để cháu bố trí xem phải làm như thế nào không vất bỏ những thùng giấy nầy đi nhé…” Thùng giấy đem vất bỏ mà phải bố trí như sắp đem quân ra trận!! Đỉnh cao trí tuệ! Dõm! Sáo rỗng! Như dân gian hay nói: Thùng rỗng kêu to!

Tất cả đều tô vẽ và màu mè. Chúa không thích giả hình, màu mè hay khách sáo. Có nói có không nói không. Gian dối là ma quỉ! Ma quỉ là kẻ thù của Chúa.