Bài giảng Chúa Nhật XXXIII Quanh Năm, C

996

Thơ diễn ý:

Đền thờ lộng lẫy biết bao,
Đá quí trang trí tường cao tháp ngà.
Rồi sẽ có lúc tiêu ma,
Tan tành tận gốc không tha chỗ nào.

Chiến tranh loạn lạc khơi màu,
Chém giết bắt bớ kẻ nào theo Ta.
Đừng nên sợ hãi phòng xa,
Không biết ứng phó quỉ ma thế nào?

Chúng bị bẻ gảy lật nhào,
Gian trần ác xấu phải chào chịu thua.
Thân nhân ruột thịt a dua,
Bách hại, ruồng bố, thi đua hoành hành.

Giáo Hội không thể tan tành,
Ta xây trên đá, ta giành phần hơn.
Tất cả rồi sẽ qua cơn,
Giáo hội vững mạnh, nhờ ơn của Trời. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM
Sách Malakhi 3.19-20;
Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Tessalonica 3.7-12
và Phúc Âm Thánh Luca 21.5-19

Tin Mừng chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”  Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”

Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘ Chính ta đây ‘, và: ‘ Thời kỳ đã đến gần ‘; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp : “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Ngày cánh chung sẽ đến.

Ngày cánh chung sẽ đến cho thành Thánh Giêrusalem: Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Những gì mà người ta coi như kiên vững thì đều bị sụp đổ.

Ngày cánh chung của thế giới nhân loại: Chiến tranh, thiên tai, loạn lạc, động đất, ôn dịch đói kém và những người theo Chúa sẽ bị bách hại.

Bách hại là dịp làm chứng về Chúa.

II. Vấn nạn Phúc Âm:  

Đền Thờ Giêrusalem

Đền thờ Giêrusalem là trung tâm phượng tự của Do Thái. Nơi đây có hòm bia giao ước đặt nơi gian cực thánh tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Toàn dân buộc phải hành hương về Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua hàng năm. Đền Thờ do thầy Thượng tế lãnh đạo dưới sự cộng tác của đội ngũ tư tế đông đảo. Họ có lính riêng để bảo vệ và tiền riêng để nói lên tính độc lập. Có tất cả 3 đền thờ được xây dựng trong gần 10 thế kỷ:

Đền thờ thứ nhất.

Do vua Salomon (Sách Các Vua quyển I chương 6.11), con Vua Đavít đã xây dựng từ năm 1013-1006 trước Công nguyển, mất bảy năm. Kế thừa ý định vua Cha về việc xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy xứng đáng làm nhà cho Thiên Chúa. Salomon đã phải nhờ đến những thợ kiến trúc chuyên nghiệp ngoài Do Thái và những chuyên viên kỹ thuật từ Ai Cập và Assyria. Toàn dân rất hảnh diện vì công trình tráng lệ nầy và coi như là cách bày tỏ lòng tôn thờ Thiên Chúa cụ thể nhất: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Ngài xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 83, 2-3).

Đền Thờ thứ nhất bị quân đội Babylon của vua Nabuchodonosor chiếm và phá hủy vào năm 587 và dân chúng bị đi lưu đày.

Đền thờ thứ hai.

Năm 538 Ba Tư đánh bại Assyri và Babylon và vua Ba Tư là Cyrus cho phép người Do Thái lưu đầy được hồi hương. Vua Giôrôbabel cho xây dựng tạm đền thờ trên đống đổ nát. Nó được đặt trên nền cũ nhưng nhỏ hơn. Năm 537, Đền thờ bắt đầu được tái thiết trong suốt 17 năm cho đến thời Khacgai và Giacaria, đền thờ mới được hoàn thành, cùng một kích thước với đền thờ của Salomon ngày xưa. Năm 445, Nêhêmia xin vua Ba Tư xây dựng lại tường lũy bảo vệ chung quanh.

Đền thờ thứ ba.

Thật ra đền thờ thứ hai do Giôrôbabel xây dựng không hề bị phá sập, nhưng được Hêrôđê cả trùng tu đại qui mô như xây một đền thờ mới vậy. Người ta nói đến có cả 10 ngàn thợ xây và lao công làm việc xuyên suốt trong vòng 18 tháng mới hoàn tất gian cực thánh. Họ mất thêm 8 năm cho việc làm tiền đường và hành lang. Công việc trùng tu kèo dài cho đến thời Agrippa và cho mãi tận ngày Giêrusalem bị tàn phá. Đúng như Phúc âm Gioan 2.12-25 nói là mất 46 năm mà vẫn chưa hoàn tất.

Đền thờ tráng lệ, nguy nga và sơn son thiếp vàng nên khi nhìn từ phía núi Oliu, lúc mặt trời mọc, nó sáng chói với các mái vòm mạ vàng, các dây leo to tuớng bằng vàng ròng ở cổng chính. Trước quang cảnh rực rỡ đó, khách hành hương không thể không hãnh diện và hát thánh vịnh “Tại Sion, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh” (Tv 59,2).

Quân đội La Mã phá đền thờ

Do nội loạn và những phong trào chống La Mã mỗi ngày thêm mạnh. Năm 70 sau Công nguyên, tướng La Mã Titus đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem trong vòng 6 tháng. Thành thánh bị thiêu hủy bình địa. Do Thái thúc thủ đầu hàng. Lệnh giải giáp được ban hành và toàn thể người Do Thái bị phân tán khắp nơi kể từ đây.

Mãi cho đến ngày 15 tháng 5 năm 1948, nhà nước Israel được tuyên bố thành lập dưới sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc. Nhiều người Do Thái lên đường hồi hương xây dựng lại Do Thái của hai ngàn năm trước. Hiện nay, người ta ước chừng có 6 triệu người Do Thái ở Do Thái, 6 triệu người Do Thái ở Hoa Kỳ và số còn lại khoảng 3 triệu thì phân tán thành nhiều nhóm nhỏ trên nhiều nước.

Những hiểu biết đơn giản cần thiết về: 

1. Thành Thánh và đền thờ Giêrusalem (nguồn Giáo lý Công giáo địa phận Long Xuyên)

Thời Chúa Giêsu, người Do Thái thường hội họp nhau cầu nguyện tại Đền Thờ Giêrusalem và trong các Hội đường. Thành Giêrusalem được xây dựng trên một ngọn núi cao khoảng 800 mét – mà Cựu Ước thường gọi một cách thi vị là “núi Sion” giữa vùng sơn cước Giuđê – phía Tây và Nam giáp thung lũng Khép-rôn. Trước kia, Giêrusalem là thành của dân Canaan bản xứ. Vào khoảng năm 1000, vua Đavít mang quân chiếm lấy và biến thành kinh đô chính trị và tôn giáo của Israel. Giêrusalem từ đó được gọi là “Thành Thánh” và có sự hiện diện của Hòm Bia Giao Ước và còn mang tên “Kinh Thành của vua Đavít”. Vua Đavít đã xây thành và con của vua là Salômôn đã xây Đền thờ Giêrusalem. Năm 586 trước Công nguyên, Nabucôđônôso vua Babylon đã chiếm, phá hủy Thành và Đền thờ đó. Năm 520 trước Công nguyên, Étra và Nơkhemia đã tái thiết lại nhưng đơn giản và nhỏ hơn trước. Khoảng năm 20 trước Công nguyên, Hêrôđê Đại Đế mở rộng Đền thờ và tới năm 64 sau Công nguyên mới hoàn thành. Thành và Đền thờ này lại bị Tướng Titô phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên. Thời Chúa Giêsu, Thành Giêrusalem có tường bao vây chung quanh, chu vi khoảng 4500 thước, có chừng 100.000 dân cư ngụ. Đền thờ Giêrusalem ở phía Bắc Thành: Phía Nam dài 283 thước, phía Bắc dài 317 thước, phía Đông dài 474 thước, phía Tây dài 490 thước với những cột đá cao lớn làm thành hành lang bao vây bốn mặt.Đền thờ Giêrusalem là niềm kiêu hãnh của toàn dân Israel, là nơi Thiên Chúa ngự và là trung tâm đời sống tôn giáo của Dân Chúa. Định mệnh Israel được gắn liền với Đền thờ. Mọi người dân Israel từ 12 tuổi trở lên, dù ở phương trời nào, cũng phải hành hương Đền thờ mỗi năm 3 lần vào các dịp Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Lều Trại. 

2. Hội đường Do Thái: 

Hội đường là tòa nhà chung, nơi cộng đoàn Do Thái địa phương tụ họp vào mỗi ngày thứ Bảy (ngày Sabát) để đọc kinh, đọc và giải thích Sách Thánh và dạy giáo lý. Hội đường thường có ông Trưởng Hội đường quản trị và có phụ tá giúp việc. Hội đường thường được xây cất theo hình chữ nhật, mặt trước hướng về Giêrusalem, bên trong có đặt một cuốn Sách Thánh.

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu lên Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua. Khi Người lên 12 tuổi, cả nhà cùng lên Giêrusalem mừng lễ theo thói quen” (Lc 2, 41).

3. Khung cảnh lịch sử dân Do Thái thời Chúa Giêsu

Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, trong xứ Giuđêa, nước Palestin. Palestin là miền đất nằm ở Trung Đông. Tên gọi và biên giới đã thay đổi tùy theo thời cuộc:

  • Thời Tổ phụ Abraham: Gọi là đất Canaan;
  • Khi dân Philitinh chiếm: Gọi là Palestin;
  • Khi dân Israel chiếm lại được thì lập ra nước Israel;
  • Sau thời Salômôn, nước bị chia đôi: Miền Bắc gọi là Israel, miền Nam thuộc chi họ Giuđa nên gọi là Giuđêa (Do Thái).
  • Vào năm 587 trước Công nguyên, Giêrusalem bị thất thủ, người ngoại quốc đến cư ngụ ở miền Trung làm thành một dân pha trộn gọi là Samaria;
  • Từ năm 1948 sau Công nguyên đến nay, người Do Thái tiếp tục trở về Palestin để tái lập Israel.

Palestin thời Chúa Giêsu có diện tích khoảng 30.000 km2, phía Tây giáp Địa Trung Hải, phía Đông có sông Giođan xuyên qua hồ Tibêria và chảy vào Biển Chết, phía Nam giáp Ai Cập và Êthiôpia, phía Bắc giáp xứ Siria và Liban.Palestin là một xứ đồi núi chia làm 3 miền vào thời Chúa Giêsu:

Miền Bắc gọi là Galilê, là miền cao nguyên có người Do Thái và dân ngoại sống chung, buôn bán thịnh vượng;

Miền Trung gọi là Samari, do dân ngoại chiếm ngụ, không đồng tôn giáo với người Do Thái;

Miền Nam gọi là Giuđê do người Do Thái chính tông cư ngụ . Vào thời Chúa Giêsu, Palestin là một thuộc địa của đế quốc Rôma chia làm 3 miền do các nhà cầm quyền Rôma cai trị:

Miền Bắc do vua Hêrôđê Antipa cai trị;

Miền Samari và Giuđê do vua Akhêlao cai trị, sau bị truất phế, Rôma đặt một Tổng trấn cai trị. Thời Chúa Giêsu, đó là Phongxiô Philatô. Về mặt tôn giáo, dân Do Thái được hướng dẫn bởi Hội đồng Tối Cao gồm 71 thành viên được tuyển chọn giữa các vị Thượng Tế, Ký Lục và Kỳ Lão đương nhiệm.

Hội đồng Tối Cao Do Thái có nhiệm vụ gìn giữ trật tự chung, điều hành đời sống tôn giáo, có quyền thu vài thứ thuế và có quyền xét xử. Giới lãnh đạo Do Thái gồm:

Thầy Thượng Tế: Trước thời vua Hêrôđê, chức Thượng Tế có tính cách cha truyền con nối. Nhưng về sau, chính quyền Rôma dành toàn quyền áp đặt vị Thượng Tế nào có lợi cho họ. Chức vụ này không tồn tại sau khi Giêrusalem bị phá hủy vào năm 70.

Các Kỳ Lão: Là các trưởng gia đình có thế giá, nắm giữ một số quyền bính thuộc phạm vi dân sự và tôn giáo.

Các Ký Lục: Thời Chúa Giêsu, đó là những chuyên viên về Kinh Thánh Cựu Ước.

4. Hai bè phái: Các Pharisêu (hay Biệt phái) và các Sađukhê.

Pharisêu có nghĩa là đứng riêng ra, gồm một số người Do Thái nhiệt thành sùng đạo. Họ rất thông thạo luật Môsê và thông suốt các truyền thống tiền nhân. Họ tự buộc mình và buộc người khác phải giữ Lề luật một cách tỉ mỉ và khắt khe đến nỗi gần như giả hình. Họ chú trọng đặc biệt tới luật nghỉ ngày Sa Bát, tin linh hồn bất tử và xác sẽ sống lại. Trong số các Ký lục và Luật sĩ có đông người Biệt phái. Họ không tiếp tay cho người Rôma thống trị nên rất được lòng dân và có uy tín trên dân.

Các Sađukhê là nhóm thuộc dòng Sađốc, thầy Tư Tế thời vua Đavít (x. 2 Sm 8, 17; 1 V 1, 34). Nhóm này thuộc thành phần giàu có, lại chạy theo ngoại bang nên ít được dân chúng tín nhiệm. Họ không tin linh hồn bất tử, không tin hạnh phúc đời sau.

III. Thực hành Phúc Âm:

1. “Gần đất xa trời!”

Ý nói người bệnh nặng hay già yếu sắp chết.  Chết thì chôn xuống đất, nên gọi là gần đất.  Xa trời là xa khoảng khí trời, tức thế giới người sống, sống phải hít thở khí trời, nên “xa trời” cũng có nghĩa là sắp chết.

Người Công giáo quan niệm “chết là về với Chúa, là về nhà Cha trên trời!”  Nên có thể diễn tả người già yếu gần chết theo quan niệm Công giáo là người “gần cả đất trời” chăng? Người chết sẽ được chôn vào lòng đất để rồi phục sinh, gần với Trời như Chúa Giêsu.

Nhưng dù gần đất xa trời hay gần cả đất trời thì cũng diễn tả thực tại là mỗi người chúng ta đang đến gần ngày kết thúc cuộc sống dương gian. Không chủ trương sống bi quan hay thất vọng, nhưng mỗi ngày tôi phải nhận ra thực tế là mình già đi mau. Tóc trên đầu mỗi ngày một ít dần. Phản ứng không còn nhanh nhẹn và kịp thời. Những bước chân cũng chậm lại dần và kém vững chắc. Chậm hiểu biết về computer hoặc kỷ thuật máy móc… nhiều dấu hiệu cho thấy ngày “gần đất xa trời!”

Xin dừng lại đôi phút trong hành trình cuộc đời để suy nghĩ lời nầy:

“Không ai muốn chết. Thậm chí cả những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để được lên đó. Và cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai có thể thoát khỏi nó. Và cái chết có khả năng như là phát minh duy nhất của cuộc sống. Nó là tác nhân thay đổi của cuộc sống. Nó xóa cái cũ để làm đường cho cái mới. Ngay bây giờ là bạn, nhưng một ngày không xa hôm nay, bạn dần dần sẽ trở nên già và bị xóa đi. Đó hoàn toàn là sự thật” (Steve Jobs).

Thành thánh Giêrusalem đẹp tuyệt vời! Biết bao nhiêu người đẹp tuyệt vời. Biết bao nhiêu người thành công tuyệt đỉnh. Biết bao nhiêu người lừng danh, nổi tiếng… Tất cả rồi có ngày “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Tất cả rồi sẽ qua đi và đi vào quên lãng… Thế người ta mới gọi là “đời chóng qua!” hay “đời người ngắn ngũi!”. Ý thức nầy rất mạnh trong tôi. Nên tôi thường có một tự nhủ là: Không nên làm mích lòng người khác, trái lại cố gắng làm gì đó có ích cho đời. Vì thật là vô lý khi sống không lâu mà lại còn tiêu pha nhiều thời giờ trong những tị hiềm tranh chấp hay tìm cách hại nhau. 

Trăm năm ta mãi mê khắc tên tuổi
Ngàn năm nằm xuống ai còn nhớ chăng!!!

Thôi thì hãy dùng dùng lời ấy mà an ủi nhau vậy!

2. Bảy Kỳ quan thế giới:

Không hoàn toàn ngã ngũ, nhưng cách chung người ta đánh giá những kỳ tác sau đây được xếp vào những kỳ quan của thế giới. Đó là: Chichén Itzá – Tượng Chúa Cứu Thế – Vạn Lý Trường Thành – Machu Picchu Petra – Taj Mahal – Đấu trường La Mã… Những kỳ quan nầy được cả thế giới ngưỡng mộ vì dày công tạo dựng. Thí dụ như Vạn Lý Trường Thành ở Trung quốc, khởi công xây dựng từ thề kỷ thứ V trước Công nguyên và chỉ hoàn thành vào thế kỷ thứ XVI. Vạn lý Trường Thành dài gần 9 ngàn cây số, và đã được hoàn thành trong hơn 20 thế kỷ dài. Không ai kể hết những gian khổ và những con người hy sinh cho Vạn Lý Trường Thành. Kỳ quan nào cũng đòi hỏi vô vàn hy sinh.

Không ai trong chúng ta nuôi tham vọng hay có hy vọng tạo thêm một kỳ quan cho thế giới nhớ đời và ngưỡng mộ. Nhưng chúng ta có thể thành một con người đáng mến, đáng nhớ, hữu ích và đáng khâm phục cho người khác giống như tính tình bình dân, dễ gần gũi của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp hay tính khôi hài dí dõm như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận hay như đời sống đơn sơ và giản tiện của Đức Thánh Cha Phanxicô hiện tại… tất cả là những kỳ quan đáng ngưỡng mộ nơi mọi tâm hồn. Muốn thành những kỳ quan theo thể loại trên, chúng ta cần những kỳ công, nhất là khiêm nhu và gọt giũa bản thân mình theo người mẫu Giêsu.

B. Bài giảng File Word tại đây

C. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật XXXIII TN, C tại đây

Lm. Peter Trần Thế Tuyên