Bài giảng Chúa Nhật XXX Quanh Năm, C

924

Thơ diễn ý:

Hai người cùng lên đền thờ,
Chu toàn bổn phận tôn thờ Yawêh.
Biệt Phái, kiêu ngạo hết chê,
Hiên ngang đứng thẳng liệt kê đủ điều.

Ăn chay bố thí rất nhiều,
Hơn hẵn những kẻ nuông chìu bản năng.
Ngoại tình, trộm cắp, lăng nhăng,
Như tên thu thuế mặt nhăn khẩn cầu.

Thu thế đấm ngực cúi đầu,
Xin Chúa tha thứ khẩn cầu van xin.
Đây là sự thật nên tin:
Biệt Phải chỉ “nổ” không xin, không cầu.

Thu thuế thống hối buồn sầu,
Chạy đến với Chúa cầu bàu thứ tha.
Cầu nguyện là nói Lạy Cha,
Thân con yếu đuối, thứ tha lỗi lầm. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM

Sách Huấn Ca 35: 12-14.16-18;
Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Timôtê  4:6-8, 16-18 
và Phúc Âm Thánh Luca 18, 9-14

Tin Mừng chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’  Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:   

Không ai có thể tự mình thành công chính, nhưng phải biết cầu nguyện “xin thương xót con là kẻ tội lỗi” và sẽ được ơn công chính hóa do lòng nhân hậu Chúa.

Không ai có thể tự hào là mình công chính hơn người khác hay ít tội lỗi hơn người khác, cho dù đã làm được nhiều việc công đức hơn so với người khác.

Cầu nguyện là trở về với chính mình, nhìn nhận mình là kẻ có tội và khiêm tốn xin Chúa ban ơn tha tội để được nên công chính.

II. Vấn nạn Phúc Âm:  

Người thu thuế, tiếng Latinh gọi là publicanus, phát xuất từ tiếng Hy Lạp telones do từ telos có nghĩa là thuế. Người thu thuế được nhắc đến khá nhiều trong Phúc Âm như chuyện Chúa chọn gọi Lêvi, tức Matthêô sau nầy, đang hành nghề thu thuế như được kể trong Phúc Âm Luca 5.27-29. Chúa đến nhà Giakêu, trùm thuế vụ dùng cơm tối và hoán cải ông (Luca 19:1-10) Và  câu chuyện người Biệt Phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện trong Phúc Âm Chúa Nhật XXX Quanh năm hôm nay.

Người thu thuế là người Do Thái, nhưng phục vụ cho chính quyền La Mã trong công việc thu thuế trên đồng hương của mình. Nghề nghiệp cũng khó làm cho họ sống lương thiện, họ thường có tính gian tham, bóc lột và làm giàu cho bản thân. Họ bị dân chúng ghét bỏ và xếp vào hàng tội lỗi như được thấy trong Phúc Âm Matthêô 9:10-11.

Kết quả của lời cầu nguyện: Công chính hóa

Phúc Âm nói hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện nhưng thái độ cầu nguyện, lời cầu nguyện và kết quả của cầu nguyện hoàn toàn khác nhau:

Người biệt phái đứng riêng một mình và cám ơn Chúa vì mình tốt hơn người khác, nhất là tốt hơn anh thu thuế: Không tham lam, không sống bất chính, không lăng nhăng ngoại tình… Ngoài ra còn làm nhiều việc lành phước đức như: ăn chay hai lần trong tuần, đóng góp cho nhà thờ 10% trên mức thu nhập.

Lời cầu nguyện của người Biệt Phái thực ra không là lời cầu nguyện, mà chỉ là bản liệt kê thành tích và yêu cầu Chúa phải thưởng công cho ông vì những việc lành phước đức ông làm. Chúng ta có thể nói: Người Biệt Phái thật lắm lời! nhưng quá ít tình yêu: Không yêu Chúa, vì ông làm những công đức để được khen thưởng chứ đâu vì tình yêu Chúa. Ông cũng không yêu người người khác vì ông nặng lời kết án người thu thuế. Kết quả: Ông đã không được công chính hoá, vì ông nghĩ mình đã là thánh và không hề xin Chúa thánh hóa hay ban ơn tha tội.

Người thu thuế thật quá nghèo trong công đức và trong lời cầu nguyện. Anh chỉ biết cầu xin “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Thật ra, anh đã cầu nguyện với niềm tin yêu: Anh tin rằng Chúa biết anh là ai, anh đã làm gì … anh không cần phải khoe thành tích hay kể tội mình ra. Anh tin rằng: Chúa yêu thương, bênh vực người yếu hèn và tha tội ban ơn hoán cải cho anh. Anh đã toại nguyện “vì anh đã được nên công chính rồi!”.

Thái độ cầu nguyện, lời cầu nguyện và kết quả cầu nguyện của người thu thuế thành mẫu gương chúng ta khi cầu nguyện. Có thể chúng ta thắc mắc tại sao lấy cách thức, lấy lời cầu nguyện của một người thu thuế là người tội lỗi thành gương mẫu cho chúng ta? Tội lỗi hay tội nhân không là mẫu mực để chúng ta noi theo, nhưng cách thức và lời cầu của một tội nhân đáng chúng ta bắt chước, vì chúng ta cũng là tội nhân và chúng ta phải nên công chính sau khi đã cầu nguyện.

So sánh giữa xưa và nay (Lm. Hồng Phúc trong“Suy Niệm Lời Chúa Năm C” trang 129)

Hôm nay, cộng đoàn tín hữu cũng đến nhà thờ cầu nguyện. Qua dụ ngôn đơn sơ dễ hiểu, Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện thế nào?

Đây, ông Pharisêu, ăn mặc diêm dúa, trên đầu vắt một sợi dây có ghi lời Kinh Thánh. Ông đến đền thờ như đến trong nhà mình, với vẻ tự cao, tự đại. Ông đến với Chúa như đến với người bằng vai, như một nhà ngoại giao đến nói chuyện với một nhà ngoại giao khác. Phúc Âm nói rằng: Ông đứng thẳng và bắt đầu cuộc đàm phán. Ông tự đắc vì Chúa không có gì để bắt lỗi ông đựợc.

Về thân thế, ông không có gì để chê trách: mỗi tuần ăn chay hai lần. bàn tay ông là bàn tay thương người, rộng rãi, nhất là rộng rãi cả với Chúa, ông dâng cúng một phần mười hoa lợi cho đền thờ. Ông lên đền thờ hiệp với cộng đoàn để cầu nguyện. Nhưng ông đâu cần đến cộng đoàn, khinh miệt họ là khác. Ông liếc mắt nhìn quanh, thấy ông nọ bà kia, cô kia cậu nọ. Ông so sánh và tự hào. Ông là Nhất! Number One. Và ông cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, tôi cám ơn Chúa! Vì tôi không như các người khác!”.

Pharisêu thời nay đi nhà thờ bằng xe bóng loáng, đi cầu nguyện thì ít mà đi khoe của thì nhiều: “Lạy Chúa con không như ông nọ bà kia… như anh kia chị nọ giựt nợ người ta, chưa chi đã tằng tịu với nhau… nhưng con không nghĩ đến nữa kẻo mắc tội chia trí lo ra, khi ít khi nhiều khi nào cũng có… Lạy Chúa, con là người đàng hoàng!”.

Thì, dưới cuối đền thờ kia, cũng có một người Publicanô thu thuế đứng cúi đầu… Cái nghề của anh ai cũng biết, một nghề không mấy tốt đẹp, bị đồng hương, đồng đạo khi bỉ cho là giáo gian, đi cộng tác làm lợi cho ngoại bang. Anh biết vậy, nhưng tin cậy vào lòng nhân lành của Chúa, anh đến cầu nguyện. Anh đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ đấm ngực. Những cử chỉ khiêm tốn hoà nhịp với lời cầu xin “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”.

Người thu thuế nêu gương cho chúng ta trong khi cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là đi khoe khoang hay đòi nợ. Cầu nguyện là khiêm tốn kêu cầu với Chúa. Kết quả, người thu thuế, kẻ khiêm nhu được nhậm lời, người kiêu ngạo về không. Và Chúa kết luận bằng một câu bất hủ: “Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên!”.

III. Thực hành Phúc Âm:

1. Hãy nên trọn lành: Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: “Tôi chỉ biết đóng giày” Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: “Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?”. Người thợ giày giải thích: “Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ”.

Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. “Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?”. Người thợ giày bảo: “Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi”. Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo…  Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: “Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói…”.

Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo. Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bậc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.

Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: “Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết bao nhiêu công trình… nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng…”. Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: “Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con trên trời”. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta… Ðó là tận cùng của Tình Yêu!

Người thợ giày trong câu chuyện của thánh Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng nghĩ đễn người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là bí quyết cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất cả các thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu sống như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người khác quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng nhất. “Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời”. Ðó phải là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên trời đã yêu thương con người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống cho con cái của mình… Sự sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho tha nhân. (Lẽ Sống, Radio Veritas).

2. Hình ảnh sống động của khiêm nhường

Một trong những hình tượng rất sinh động để diễn tả cuộc đời khiêm hạ là hình tượng về nước. Nước lúc nào cũng khiêm tốn. Nước luôn tìm chỗ rốt hèn. Nước luôn mềm mỏng dịu dàng không hề xô xát va chạm với ai. Nước không hề kháng cự hay đối đầu nhưng rốt cục nước vẫn chiến thắng nhờ sự mềm mỏng của mình. Búa tạ giáng vào tường, tường đổ; búa đập vào đá, đá tan; nhưng nếu có ai quai búa đập mạnh vào vũng nước, nước không cần kháng cự, nhưng búa sẽ phải cắm xuống đáy bùn! Đúng là “nhu thắng cương, nhược thắng cường”!

Nước luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao nên mới tạo ra thủy năng, một nguồn năng lượng phi thường! Khi bị hỏa thần tấn công, nước nhẹ nhàng bốc mình lên cao thành những lớp mây trời và khi hỏa thần hừng hực thiêu rụi những cánh rừng tươi tốt, nước có thể gieo mình xuống dập tắt hỏa thần.Tuy mềm mại nhưng nước có sức xói mòn tất cả; dù rắn như đá thì “nước chảy đá cũng phải mòn”.Nhờ mềm mỏng, nước rửa sạch tất cả, cuốn trôi tất cả. Nhờ biết hóa mình thành muôn hạt li ti, nước có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách của các địa tầng, thấm nhập khắp muôn nơi. Tuy hạ mình thấp hèn, nước đem lại sự sống cho mọi loài. Nơi đâu thiếu nước, ở đó chỉ còn là sa mạc, khô cằn. Nơi đâu nước ngấm đến, ở đó sự sống sẽ phong nhiêu. Lạy Chúa Giê-su, Đấng hiền lành khiêm nhượng, xin cho chúng con, những người môn đệ Chúa, biết chọn chỗ rốt hèn như nước, biết sống khiêm hạ như Chúa đã nêu gương.

B. Bài giảng File Word tại đây

C. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật XXX TN, C tại đây